Tên gọi và vị trí địa lý
Tọa lạc tại thôn Đồng Cốc, xã Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, Đền Trung Cốc – còn gọi là Trung Cốc Từ là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu, ghi dấu chiến công oanh liệt của quân dân nhà Trần trong trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288.
Di tích này nằm trong quần thể các địa danh lịch sử trải dài trên địa bàn thị xã Quảng Yên và thành phố Uông Bí, nơi lưu giữ những chứng tích hào hùng về cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông, góp phần làm nên một trong những chiến thắng vang dội nhất trong lịch sử dân tộc. Quần thể này bao gồm các địa điểm như: bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Vạn Muối, bãi cọc Má Ngựa, đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bến đò Rừng, đình Yên Giang, đình Trung Bản và đình Đền Công.
Đền Trung Cốc là nơi nhân dân tôn thờ và tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – vị quốc công tiết chế tài ba cùng với danh tướng Phạm Ngũ Lão – người có nhiều công lao trong trận chiến lịch sử Bạch Đằng. Ngoài ra, đền còn phối thờ các danh tướng thân cận như Yết Kiêu, Dã Tượng, cùng hai người con gái của Trần Hưng Đạo: Đệ Nhất Quyên Thanh Công chúa và Đệ Nhị Đại Hoàng Công chúa – những người được dân gian kính trọng như biểu tượng của tinh thần yêu nước và lòng trung hiếu son sắt.
Đền Trung Cốc không chỉ là điểm đến tâm linh, mà còn là nơi lưu niệm sự kiện vĩ đại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Lịch sử và nhân vật
Huyền tích về đền Trung Cốc mang Dấu ấn Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão nơi vùng sông nước Bạch Đằng. Tương truyền rằng, trong những ngày chuẩn bị cho trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288, Trần Hưng Đạo cùng danh tướng Phạm Ngũ Lão đã dùng thuyền đi thị sát địa hình, đôn đốc quân sĩ và chỉ đạo việc cắm bãi cọc tạo thế trận hiểm yếu chặn đứng quân xâm lược Nguyên – Mông.
Trong một lần hành quân bằng đường thủy, thuyền của hai ông bị mắc cạn tại một gò đất thuộc thôn Đồng Cốc. Người dân chài trong vùng đã nhanh chóng tới ứng cứu, giúp kéo thuyền vượt qua khúc mắc hiểm trở. Chính nơi này về sau trở thành dấu tích lịch sử đặc biệt, được nhân dân lưu truyền và ghi nhớ qua nhiều thế hệ. Sau chiến thắng lẫy lừng trên sông Bạch Đằng, để tưởng nhớ sự kiện và công lao của hai vị anh hùng, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ngay trên gò đất năm xưa – gọi là Đền Trung Cốc.
Đặc biệt, đền Trung Cốc được dựng lên bên cạnh bãi cọc Vạn Muối, một phần nguyên gốc của phòng tuyến thủy chiến năm xưa. Tại đây, dân gian vùng đảo Hà Nam vẫn truyền tụng câu chuyện về việc Trần Hưng Đạo cùng các tướng lĩnh sử dụng các bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối… như những “chiếc bẫy sắt” giăng lưới diệt thù, khiến đoàn thuyền chiến của giặc Nguyên buộc phải sa lầy, chiến đấu đến kiệt sức và bị tiêu diệt, bắt sống toàn bộ.
Xưa kia, ngôi đền chỉ làm đơn sơ bằng tranh, sau đó được xây bằng đá, đến năm Gia Long thứ 6 (1807) ngôi đền được xây dựng lại. Đến nay ngôi đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, gần đây nhất là đền được khởi công tu bổ, tôn tạo vào tháng 7-2011, sau hơn một năm thi công, ngôi đình mới đã hoàn thành với thiết kế 5 gian Tiền đường, 3 gian Hậu Cung có tổng diện tích mặt bằng 105m2. Ngoài ra, còn nhiều hạng mục khác như: Nhà mẫu (diện tích 100m2), nhà soạn lễ, nhà kho, bếp, am hoá vàng và một số hạng mục phụ trợ khác, lần tôn tạo này là lớn nhất do Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh là chủ đầu tư.
Ngày nay, đền Trung Cốc không chỉ là một di tích linh thiêng ghi dấu trận thắng lẫy lừng, mà còn là điểm đến văn hóa tâm linh, nơi nhân dân gửi gắm niềm tự hào về tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam.
Kiến trúc cảnh quan
Đền Trung Cốc được xây dựng trên một gò đất cao thuộc thôn Đồng Cốc, có vị trí mang yếu tố phong thủy và lịch sử quan trọng: phía Nam giáp khu dân cư thôn Đông Cốc, phía Đông tiếp giáp cánh đồng lúa rộng lớn, trong đó có khu vực Đồng Vạn Muối – nơi tọa lạc bãi cọc cổ lớn thứ hai trong quần thể di tích Bạch Đằng, có vai trò chiến lược trong việc tạo nên thế trận thủy chiến lừng danh năm 1288.
Đền được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, quay mặt về hướng Đông Nam, gồm hai phần chính: Tiền Đường và Hậu Cung. Tiền Đường gồm ba gian, hai chái, xây kiểu bít đốc, kết cấu truyền thống, trên câu đầu là các thanh xà ngang bằng gỗ chạm khắc đơn giản, chắc chắn. Chính giữa Tiền Đường đặt một hương án gỗ sơn son thếp vàng, trên đó bày bát hương, mâm bồng và hai lọ lộc bình bằng gỗ. Phía trước hương án là bàn lễ, nơi dâng cúng lễ vật vào các dịp trọng lễ, hai bên treo đôi câu đối ca ngợi công đức Trần Hưng Đạo, thể hiện lòng ngưỡng vọng sâu sắc của nhân dân.
Hậu cung gồm 3 gian phía sau, mái lợp ngói truyền thống, gian này dù không có kết cấu vì kèo, nhưng cấu trúc được nâng đỡ bằng hệ thống hoành, rui, li tô bằng gỗ chắc chắn. Bên trong Hậu cung đặt tượng thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Phạm Ngũ Lão, đều được sơn son thếp vàng trang nghiêm. Nổi bật tại đây là đôi câu đối cổ, được nhiều thế hệ truyền tụng:
“Phụ Trần lẫm liệt đan tâm tại, Sát Thái uy danh xích kiếm tồn”
(Tạm dịch: lòng son giúp nhà Trần công lớn còn đó; Tấc kiếm giết giặc Nguyên uy danh còn đây).
Ngoài tượng thờ, Hậu cung còn lưu giữ nhiều sắc phong cổ quý giá của các triều đại phong kiến Việt Nam, khẳng định tầm vóc linh thiêng và vị thế của ngôi đền trong đời sống văn hóa tâm linh địa phương.
Trong đó có: Sắc phong của vua Gia Long tam niên cửu nguyệt sợ thập nhật (ngày 10 tháng 9 năm 1804) phong cho Hưng Đạo Đại Vương Thượng Đẳng Thần khai quốc an dân, hộ quốc bảo vệ dân, giao cho các xã: Xã Vạn An huyện Nhưỡng Nhơn tỉnh Bắc Ninh; Xã Dược Sơn huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương; Khu Đồng Cốc xã Phong Cốc tổng Hà Nam huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh.
Sắc sao của vua Tự Đức năm thứ 3 (1850) phong cho Phạm Ngũ Lão “Phạm điện súy Thượng úy tướng quân thời Trần làm Thượng Đẳng linh phù tôn thần”. Ngoài ra còn có sắc sao của vua Tự Đức và vua Duy Tân phong cho các con của Trần Hưng Đạo.
Nghệ thuật trang trí ở đền là những mảng chạm khắc các đề tài quen thuộc, với tứ linh (long, lân, quy, phượng), mỗi gian đều được làm cửa võng, chạm lộng kênh bong, với dày đặc các hoạ tiết rông mây, dây lá cách điệu. Phía ngoài đền có đặt một bức tranh lớn, minh hoạ chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 1288.
Lễ hội
Tại Đền Trung Cốc, hằng năm diễn ra Lễ hội Bạch Đằng – còn gọi là Ngày giỗ trận – vào ngày 8 tháng 3 Âm lịch. Đây là một trong những hoạt động tiêu biểu trong hệ thống lễ hội tưởng niệm Trần Hưng Đạo và các danh tướng triều Trần tại khu vực Quảng Yên.
Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức đồng loạt tại nhiều địa phương thuộc thị xã Quảng Yên, trong đó trung tâm lễ hội tập trung ở: Đền Trần Hưng Đạo, Miếu Vua Bà, Đình Yên Giang (thuộc xã Yên Giang).
Bên cạnh đó, trong cùng khoảng thời gian từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 3 Âm lịch, các địa phương như Đình Trung Bản (xã Liên Hòa), Đình Đền Công (xã Điền Công), và Đền Trung Cốc (xã Nam Hòa) cũng đồng loạt tổ chức lễ hội, tạo nên không gian văn hóa linh thiêng, giàu bản sắc, gắn liền với Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
Một trong những hoạt động nổi bật và thu hút đông đảo nhân dân, du khách tham gia là hội đua thuyền truyền thống trên dòng sông Bạch Đằng. Cuộc đua không chỉ mang ý nghĩa thể thao, lễ hội, mà còn là hình thức tái hiện nghệ thuật thủy chiến của quân dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Đại Vương. Đây cũng là dịp để khẳng định và tôn vinh tài năng quân sự kiệt xuất, tinh thần yêu nước và đoàn kết của dân tộc trong sự nghiệp giữ nước thời Trần.
Ngoài lễ đua thuyền, lễ hội còn có các trò chơi dân gian tái hiện chiến trận Bạch Đằng 1288 như: chơi đu, thi vật, chọi gà, thi tổ tôm điếm, bịt mắt chém cá Chình, hát Đúm, hát chèo đò, thi thổi cơm, nuôi ông Voi và thi ông Voi, thi têm trầu, thi đánh cờ, kéo co, đẩy gậy.
Vào năm 2021, lễ hội Bạch Đằng được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.
Di vật
Đền thờ Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão và còn lưu giữ được một số sắc phong và đồ thờ tự có giá trị nghệ thuật cao.
Xếp hạng
Đền Trung Cốc không chỉ là một địa điểm nổi bật của cụm di tích lịch sử Quốc gia Đặc biệt mà còn là niềm tự hào của người dân Quảng Yên.
Đền Trung Cốc được Bộ văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 310/ QĐ- BVHTT, ngày 13 tháng 2 năm 1996.
Tài liệu tham khảo
- Một số di tích tiêu biểu ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật 2016
- Đồng Thị Huệ (2015), Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa ở tỉnh Quảng Ninh, Luận văn Thạc sĩ du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
- Nguyễn Thị Phương Thảo (2015) , Văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh (qua nghiên cứu các lễ hội truyền thống), Luận án tiến sĩ văn hóa học, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội.
- Nguyễn Thế Vũ (2013), Khai thác di tích thờ Hưng Đạo Đại Vương ở lưu vực sông Bạch Đằng phục vụ cho du lịch, Trường Đại học dân lập Hải Phòng.