Điện Hòn Chén (Huệ Nam Điện – Hương Trà, Thừa Thiên Huế)

Điện Hòn Chén (Huệ Nam Điện – Hương Trà, Thừa Thiên Huế)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý 

Điện Hòn Chén (hay Điện Huệ Nam) nằm trên sườn núi Ngọc Trản, thuộc làng Cát Hải, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8 km về phía Tây Nam. Du khách có thể đến đây bằng cách di chuyển bằng đường thuỷ trên sông Hương hoặc theo con đường bộ lên núi.

Xưa kia, khu vực này thuộc đất Chămpa, nơi người Chăm thờ thần Poh Inư Nagar,  vì núi có một chỗ trũng giống cái chén không lồ, nằm nên bờ sông Hương nên được gọi là Ngọc Trản Sơn (hay Hòn Chén), Ngọc Trản (chữ Hán: Ngọc Trản là chén Ngọc).

Điện Hòn Chén xuất phát thờ thần thờ thần Poh Inư Nagar, sau đó kết hợp thờ thần theo tín ngưỡng văn hoá bản địa đặt thành thần Thiên Y A Na Thánh Mẫu (bà Chúa Ngọc), được các vua Nguyễn phong sắc và đồng thời thờ nhiều vị thần khác trong Đạo Giáo: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Quan Vân Trường, vua Đồng Khánh (triều nhà Nguyễn),… Đã giúp đền Hòn Chén trở thành nơi thờ tự theo tín ngưỡng thờ đa thần rất đặc biệt ở Thừa Thiên Huế.

Lịch sử và nhân vật

Theo một tờ thần sắc do vua Minh Mạng ban cho, Điện Hòn Chén đề ngày 8-5-1834 thì điện đã có từ thời Gia Long (1802-1890), với lối kiến trúc rất đơn giản. Sử sách triều Nguyễn cũng ghi rõ rằng vào tháng 3-1832 vua Minh Mạng đã cho tu sửa và mở rộng ngôi đền. Hai năm sau, đền lại được trùng tu.

Trong cuốn Đền Miếu Việt Nam có chep: “Từ năm 1883 đến năm 1885, vì gặp một giai đoạn éo le của lịch sử nhà Nguyễn, vua Đồng Khánh chờ đợi mãi vẫn chưa được lên nối ngôi cha nuôi là vua Tự Đức. Ông nhờ mẹ là bà Kiên Thái Vương lên đền Ngọc Trản hỏi Thánh mẫu Thiên Y A Na xem mình có làm vua dược không. Mẫu cho biết ông sẽ toại nguyện. Bởi vậy, sau khi tức vị, năm 1886, vua Đồng Khánh liền cho xây lại đền này một cách khang trang, làm thêm nhiều đồ tự khí để thờ, và đổi tên ngôi đền thành Huệ Nam Điện để tỏ lòng biết ơn Thánh mẫu. Huệ Nam nghĩa là ban ân huệ cho nước Nam, vua Nam. Có một điều kỳ lạ là chính vua Đồng Khánh đã đưa cuộc lễ hàng năm tại đây vào hàng quốc lễ và tự nhận mình là đồ đệ của Thánh mẫu, mặc dù nhà vua chỉ gọi Thánh mẫu bằng “Chị”. Theo nguyên tắc xưa, ông vua nào cũng đứng trên các thánh thần trong cả nước, nhưng ở đây vua Đồng Khánh lại hạ mình xuống làm “em” của mẫu. Hiện nay, trong đền vẫn còn thờ vài bức tranh ảnh của chính nhà vua”.

Tuy nhiên, còn một truyền thuyết khác nói về sự tích Hòn Chén đã được ghi lại trong Cẩm nang tín ngưỡng Tứ Phủ:

“Trong các triều đại phong kiến Việt Nam thì nhà Nguyễn gắn bó với Đạo Mẫu khá mật thiết. Tương truyền, ngay sau khi vua Gia Long (1802 – 1809) diệt Tây Sơn và lên ngôi vua, Gia Long đã đi kinh lý ngược dòng sông Hương và đã có sự ứng nghiệm về sự trợ giúp của Thánh Mẫu. Truyền thuyết kể rằng, một lần vua Gia Long đi ngang qua núi Ngũ Phụng, Ông được dân làng dâng chén ngọc uống trà, nhưng lại bị tuột khỏi tay rơi xuống sông, bất giác nhà vua giật mình, coi đó là điểm ứng nên đã khấn xin Nữ thần tìm lại chén ngọc. Khi Gia Long xuôi thuyền về Huế, ngang qua núi Ngọc Trản có dáng hình sư tử, nhìn xuống sông bên mạn thuyền thấy chén ngọc đang trôi theo. Vua Gia Long liền đặt tên cho núi là núi Hòn Chén (còn gọi là Ngọc Trản) và sức cho bộ Lễ xây điện thờ Thánh Mẫu Thiên Ya Na. Cũng theo truyền thuyết, vua Gia Long đã từng gặp Mẹ trời ở núi Thiên Mụ bên Hương giang. Lúc đó bà hiện thân là Bà già bán nước bên đường. Bà đã trao cho nhà vua nắm hương đang cháy và mách nhà vua đi xuôi về hạ nguồn sông Hương, mỗi bước chân lại cắm một nén nhang, khi nào đến nén nhang cuối cùng thì là nơi lập kinh đô, đó là kinh đô Huế ngày nay”.

Núi Ngọc Trản là một mạch núi từ chân Trường Sơn chạy về phía đông đến làng Hải Cát, huyện Hương Trà thì bị dòng Hương chặn lại ở phía tả ngạn. Cả dãy núi thấp tạo thành một ngọn núi biệt lập, cây cối mọc xanh um, đó là chỗ sâu nhất của sông Hương.

Người xưa đã chọn hòn núi Ngọc Trản ấy để dựng điện thờ. Trên đỉnh núi có một chỗ đất trũng xuống, đường kính vài mét, chung quanh có vòng đá dựng như bờ giếng, hễ gặp mưa thì nước đọng lại, trông giống cái chén đựng nước trong.

Mặc dù không ai biết chính xác ngôi điện được xây dựng từ bao giờ, nhưng những huyền thoại về Hòn Chén vẫn sống mãi trong lòng các thế hệ. Ngày nay, điện Hòn Chén không chỉ nổi bật như một di tích tôn giáo mà còn là một kiệt tác kiến trúc hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên. Công trình này đã được những người xưa tinh tế kết hợp vào vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình của núi sông xứ Huế.

Thiên Y A Na Thánh Mẫu (bà Chúa Ngọc)

Thiên Y A Na Thánh Mẫu  vốn  là nữ thần của người Chăm, có tên là Pô Yang Inô Nagar, hay còn gọi tắt là Pô Nagar (thần Mẹ Xứ Sở).

Theo thư tịch cổ, trong quan niệm của người Chăm, Poh Inư Nagar 347 chính là Mẹ của nhân dân Chăm, người sáng lập ra vương quốc Chăm. Truyền thuyết dân gian phổ biến nhất về thần tích Poh Inư Nagar được nhắc : “Có hai ông bà tiều phu già không có con. Một hôm lên rừng gặp cô bé xinh đẹp lạc lõng, bơ vơ giữa rừng vắng. Hai ông bà vui mừng đem cô bé về nuôi. Một bữa nọ, cô vào rừng thì bắt gặp một khúc gỗ Kỳ Nam liền trở về nói với cha mẹ nuôi rằng, đây là dấu hiệu của thần Cha Poh Inư Nagar tin cho cô sau khi giáng trần phải đi lấy chồng là hoàng tử ở biển Bắc Hải. Rồi cô nhập vào khúc gỗ trầm Kỳ Nam lênh đênh trên biển. Ngư dân biển Bắc gặp được đem về dâng vua. Hoàng tử thấy lạ xin vua đem về cung. Từ trong khúc gỗ trầm, cô gái, chính là Poh Inư Nagar sau này, hiện ra và cùng hoàng tử kết duyên. Sau khi sinh con, cô trở về tìm cha mẹ nuôi để báo hiếu. Sau khi cha mẹ nuôi mất, mẹ con bà Poh Inư Nagar đều hiển hoá thành thần. Nhân dân Chămpa tôn sùng bà là bà mẹ xứ sở Chămpa”.

Các di chỉ khảo cổ học cho thấy nữ thần này đã xuất hiện trong các bia cổ bằng chữ Phạn và chữ Chăm từ thế kỷ III, tại các địa danh như Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Bà Nha Trang và tháp Pô Rômê Phan Rang. Tên tuổi của nữ thần Poh Inư Nagar đã thấy trong một số bị ký có niên đại khoảng thế kỷ III tìm thấy ở Mỹ Sơn, Đồng Dương và Nha Trang.

Như vậy, với tín ngưỡng bản địa, Nữ thần Poh Inư Nagar – bà mẹ xứ sở – được tôn sùng bên cạnh các vị thần tối cao như: Brasman, Visnu, Siva hay cùng các nữ thần như Uma, Laskmi, Sarasvati trong thần điện chịu ảnh hưởng tín ngưỡng Ấn Độ. Bà mẹ xứ sở có thiên chức dạy dân trồng lúa, dệt vải, cứu giúp mọi người khi gặp khó khăn, điều tiết cho mưa thuận gió hoà, hộ quốc an dân.

Vua Gia Long – vị vua đầu tiên triều Nguyễn đã sắc phong cho nữ thần gốc Chăm này danh hiệu “Hồng Nhân Phổ Tế Linh Ứng Thượng đẳng thần”.

Tháng 3-1832, vua Minh Mạng đã cho tu sửa, mở rộng ngôi đến và sắc phong là “Thượng đẳng thần”.

Đến thời Tự Đức năm thứ tư (1851) bà được phong là “Thượng đẳng tối linh thần”.

Dưới triều Đồng Khánh (1886), đến được xây khang trang hơn, được bổ sung thêm nhiều đồ khí tự và đổi tên thành Huệ Nam Điện (Huệ Nam có nghĩa là “ban ân cho nước Nam”, cũng có nghĩa cho cả vua Nam).

Năm Duy Tân thứ 3 (1909), bà lại được sắc phong danh hiệu “Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi Tối cao đẳng thần”.

Vì là thần Mẹ Xứ Sở, Pô Nagar được người Chăm tôn thờ trong các lăng tháp, từ Thừa Thiên, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đến Bà Rịa…

Kiến trúc cảnh quan

Điện Hòn Chém là một cụm di tích gồm khoảng 10 công trình kiến trúc to nhỏ khác nhau đều nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương rộng và thoáng đãng có cảnh sông núi thiên nhiên.

Trong một tờ thần sắc ban cho đền này vào năm 1886, vua Đồng Khánh đã vì toàn cảnh thiên nhiên ở đó như hình thế một con sư tử đang nằm thò đầu xuống sông uống nước.

Hiện nay Điện gồm những hạng mục chính: Minh Kính Đài, Trinh Các Viện, Miếu Ngũ Vị Thánh Bà. Ngoài ra, trong khuôn viên Điện còn có nhiều bệ thờ, nhiều am nhỏ, bàn thờ các quan, động thờ ông Hổ, am Ngoại Cảnh, sát mép bờ sông còn có am Thủy Phủ.. 

Nguyễn Đức Quân, tác giả một bài thơ chữ Hán hiện còn treo ở đền, lại xem đoạn sông Hương chảy khuất khúc trước mặt đền giống như hình ảnh một con rồng bò lại từ xa, và hòn núi ấy tựa hồ dáng ngồi của một con cọp:

Đệ lâm bích thuỷ, long lại viễn,

Nhất vọng thanh sơn, hổ cứ hùng.

Tạm dịch:

Bên dòng sông biếc như rồng lượn,

Ở chốn non xanh tựa cọp ngồi.

Miếu Ngũ Vị Thánh Bà

Để dẫn vào đền phải đi qua con đường đi bộ nhỏ hẹp gọi là đường Ngọc Hồ, con đường gồm những bậc thang leo lên đỉnh núi dốc.

Từ con đường dẫn lên sân, kiến trúc đầu tiên là Miếu Ngũ Vị Thánh Bà, nơi thờ năm vị thần đại diện cho Ngũ Hành: Kim (kim loại), Mộc (gỗ), Thủy (nước), Hỏa (lửa), và Thổ (đất). Đây là biểu tượng của tín ngưỡng Ngũ Hành trong văn hóa dân gian Việt Nam, thể hiện sự tôn kính đối với các yếu tố tự nhiên quan trọng trong vũ trụ.

Ngôi Miếu gồm ba gian nhỏ, các gian được xây ngăn cách bằng các bức tường kín, với lối xây mở, không có cửa. Gian giữa là gian rộng nhất đặt hương án thờ với 5 pho tượng nhỏ theo thứ tự: Kim Đức Thánh Phi (áo màu trắng), Mộc Đức Thánh Phi (áo màu xanh), Thủy Đức Thánh Phi (áo màu đen), Hỏa Đức Thánh Phi (áo màu đỏ) và Thổ Đức Thánh Phi (áo màu vàng). Dân gian vẫn quan niệm gọi chung là Ngũ Vị Thánh Bà.

Minh Kính Đài 

 Ở khoảng sân đền Minh Kính đặt các lư hương lớn, và ba lầu bát giác, thờ các vị quan văn quan võ.

Điện Minh Kính là nhà ba gian, làm theo kiểu kiến trúc trung hoa, gồm 3 tầng mái, theo từng lớp, các lớp mái trang trí dày các hình rồng lượn. Các cửa ra vào được làm cửa kính hiện đại, bên trong các gian thờ đều được đặt các án thờ bằng gỗ, xung quanh nhà đặt kiệu và võng. Đây là nơi tổ chức tế lễ ở điện Hòn Chén ở các dịp tổ chức lễ hội.

Minh Kính Đài chia làm 3 cung, theo thứ tự từ cao xuống thấp là: Đệ nhất cung (còn gọi là Thượng cung), nơi thờ Nữ thần Thiên Y A Na, Thánh mẫu Vân Hương, ảnh vua Đồng Khánh và một số vị thần khác.

Đệ nhị cung thờ Cửu Trùng Đài và Tứ Phủ Công Đồng, Đệ tam cung thiết hương án, hai bên đặt trống, chuông, là chỗ cử hành lễ, cũng là nơi khách thập phương dâng hương cúng bái. Còn hai bên gian đầu hồi là các Thánh Cô, Thánh Cậu.

Ngoài là nơi thờ tự, Minh Kính Đài là nơi bày biện các đồ thờ cúng để rước sắc trong những dịp lễ lớn được tổ chức trong năm.

Trinh Các Viện

Nằm bên tay trái Minh Kính Đài là dãy nhà ba gian, dạng truyền thống, để hở không xây tường ngăn giữa các phòng, tạo không gian mở cho ngôi nhà. Phía hiên nhà gồm 3 cột trụ vuông chịu lực, trên mặt cột được khắc các dòng chữ Hán chạy dọc thân cột.

Bên trong được xây thành ba án thờ bằng gạch xi măng, trên án thờ bày biện các đồ thờ cúng, gian giữa trên án thờ đặt một bài vị, đây là án thờ Trinh Các Viện. Ở mỗi gian đều được đắp vẽ các hình rồng, hoa lá trên tường.

Đền Quan Vân Trường

Nằm liền kề với nhà Trinh Các Viện là Đền Quan Vân Trường, là một tướng nổi tiếng trong thời kỳ Tam Quốc ở Trung Quốc, ngài được thờ như một vị thần bảo vệ thương nhân và là biểu tượng của công lý, trung thành.

Phía trước đền là một bức bình phong dạng cuốn thư dựng ngay trước mặt đền, hiện theo thời gian, trên bề mặt đã bị rêu phủ kín.

Đền Quan Vân Trường là một nhà ba gian, vói diện tích nhỏ hơn, xây kiểu 3 tầng mái, lợp theo từng lớp, trên mái được trang trí các hìn lá đề, rồng, hổ phù và lân cõng bánh xe pháp luân. Đây là nhà có thời gian lâu hiện trở nên khá cũ.

Nhà Gồm một gian giữa là lối ra vào duy nhất, hai bên còn lại được đóng kín cửa, hai bên bờ tường phía đầu hồi ở hiên nhà được đắp hình tượng Hộ Pháp bằng xi măng.

Gian giữa ở phía trước đặt một hương án, bày biện đồ thờ cúng, phía sau được làm thành khung án gian bằng gỗ, bên trong là tượng ông Quan Vân Trường và hai tướng hộ vệ, cả ba bức tượng này đều có kích thước nhỏ. Bên trong góc cạng gian thờ là tượng ngựa xích thố, đây là chiến mã của Quan Vân Trường,  còn hai bên tường đầu hồi là hai án thờ, bên trong mỗi án thờ đặt hai bức tượng nhỏ.

Sự kiện và lễ hội

Hằng năm, Điện Hòn Chén tổ chức hai lễ lớn vào các dịp tháng Hai (Lễ Xuân Tế) và tháng Bảy (Lễ Thu Tế). Lễ hội này nhằm tôn vinh Thiên Y A Na Thánh Mẫu, vị thần cai quản đất đai, cây cối, mùa màng và truyền dạy cho nhân dân canh tác.

Trong lễ hội Điện Hòn Chén cùng Làng Hải Cát cùng tổ chức lễ Rước Trên Sông Hương, thu hút đông đảo du khách hành hương từ khắp nơi đổ về tham gia, tạo nên một không khí linh thiêng và trang trọng.

Lễ hội được chia làm 2 phần chính gồm lễ nghinh thần (rước các vị thần về đền) và lễ chánh tế:

Sau khi lễ tế tại là lễ rước Thánh Mẫu từ Điện Hòn Chén tới đình Hải Cát, được diễn ra. Lễ rước được cử hành long trọng trên nhiều chiếc thuyền ghép lại giống như chiếc bè,  chở bàn thờ cùng long kiệu Thánh Mẫu và hòm sắc vua phong, di chuyển nối tiếp nhau trên đoạn sông Hương từ bến sông nơi điện Hòn Chén về đến bến làng Hải Cát, sau đó lên bộ đi về đình.

Kế theo, một chiếc thuyền khác chở bàn thờ, kiệu và hòm sắc của nhị vị Thượng Ngàn và Thủy Cung Thánh Mẫu. Sau đó là chở theo các khí tự như tán, tàn, cờ, quạt; đội hầu bóng, những người phục dịch và khách hành hương.

Sau khi đoàn khởi hành từ bến trước Điện Hòn Chén, các cô đồng cũng bắt đầu lên đồng ngay ở chiếc thuyền có bàn thờ Thánh Mẫu cho đến khi cập bến làng Hải Cát. Xung quanh thuyền rước được trang trí cờ hoa đủ màu, không khí sôi động chìm trong tiếng hát ngân nga của các cô đồng, phường bát, hát văn.

Khi đoàn rước khởi hành từ bến trước Điện Hòn Chén, các cô đồng bắt đầu lên đồng ngay trên chiếc thuyền chở bàn thờ Thánh Mẫu. Xung quanh thuyền rước được trang trí bằng cờ hoa rực rỡ, tạo nên không khí sôi động, hòa cùng tiếng hát của các phường bát và hát văn, làm không gian trở nên linh thiêng.

Lễ chánh tế được tổ chức ngay sau khi đón rước các vị thần và Thánh Mẫu, bao gồm nhiều hoạt động đặc sắc như cung nghinh Thánh Mẫu, tế làng Hải Cát, phóng sanh, thả đèn hoa đăng… Khi các kiệu rước đã được đưa về an vị, theo sự điều hành của vị chánh tế, nghi thức lễ bắt đầu với lễ Túc yết. Các cuộc hát thờ, lên đồng và hầu bóng tiếp tục diễn ra suốt đêm, tạo nên không khí linh thiêng và đầy huyền bí.

Sáng ngày hôm sau là lễ tế chính tại đình, và đến chiều là lễ Tiễn thần. Các kiệu rước, từ kiệu Thiên Y A Na Thánh Mẫu đến kiệu các vị Thượng Ngàn, Thủy Cung Thánh Mẫu, được long trọng rước trở về điện theo trật tự như đã diễn ra trong đám rước nghênh thần tối hôm trước.

Hiện nay, Điện Hòn Chén đã trở thành điểm đến quen thuộc, thu hút đông đảo du khách mỗi năm. Nơi đây không chỉ là một di tích tôn giáo linh thiêng mà còn nổi bật với những công trình kiến trúc độc đáo, được hòa quyện tinh tế với vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, hữu tình của núi non xứ Huế.

Xếp hạng

Điện Hòn Chén đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 2009/1998 QĐ/BVHTT, ngày 26/9/1998 của Bộ Văn hóa Thông tin.

Tài liệu tham khảo

  1. Vũ Ngọc Khánh (2007), Đền Miếu Việt Nam, Nxb Thanh Niên.
  2. Lưu Minh Trị, Danh thắng di tích và lễ hội truyền thống, tập II, Nxb Hà Nội.
  3. Cẩm nang tín ngưỡng Tứ Phủ
  4. Thạch Phương (2015), 60 Lễ Hội Truyền Thống Việt Nam, Nxb Tổng Hợp.
Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)