Tên gọi và vị trí địa lý
Đình Ái Mộ tên chữ là Tân Giao tự nằm sát cạnh Chùa Ái Mộ ở trung tâm thôn Ái Mộ, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Đình Ái Mộ là nơi thờ Thiên Bảo Hoàng Thái Hậu (mẹ của vua Lý Thánh Tông), Lý Thánh Tông Hoàng Đế và Tần Bảo phu nhân (Nguyên phi Ỷ Lan – vợ của vua Lý Thánh Tông).
Lịch sử
Theo tương truyền ngôi đình đã được xây dựng từ lâu, không ai biết chính xác được xây dựng năm nào, cho đến hiện tại Đình Ái Mộ là công trình tôn giáo, tín ngưỡng phục vụ đời sống tâm linh của dân làng.
Kiến trúc
Kiến trúc Đình Ái Mộ là dãy nhà ngang gồm 3 gian, phía trước có khoảng sân rộng được lát gạch, nền ngôi đình được xây cao hơn nền sân gồm 5 bậc thềm lên xuống. Ở hai bên đầu hồi bậc thềm là hai cột trụ có khắc chữ Hán, phần hiên nhà gồm 4 cột trụ đỡ khung mái.
Bên trong đình được đặt 3 bệ thờ bằng gỗ, nằm sát với tường, gian giữa là ban thờ Thánh, gian bên trái là ban thờ Thần, gian bên phải đặt các bộ đồ thờ, các bức tượng trong đình đều có kích thước nhỏ được đặt trong khám thờ thuỷ tinh.
Phía trước gian thờ Thánh đặt hai tượng hạc đứng hai bên đối diện vào nhau, phía sau lưng hạc có đặt hai bộ bát bửu, tất cả đều được sơn thếp vàng.
Di vật
Hiện nay trong Đình Ái Mộ còn treo 9 sắc phong gồm:
- Sắc phong vua Khải Định thứ 9 (1924)
- Sắc phong vua Duy Tân thứ 3 (1909) ngày 11 tháng 8
- Sắc phong vua Đồng Khánh thứ 2 (1887) ngày 1 tháng 7
- Sắc phong vua Tự Đức năm thứ 3 (1850) ngày 3 tháng 7
- Sắc phong vua Tự Đức thứ 33 (1880) ngày 24 tháng 11
- Sắc phong vua Thiệu Trị thứ 2 (1842) ngày 9 tháng 9
- Sắc phong vua Minh Mệnh thứ 2 (1821) ngày 15 tháng 7
- Sắc phong vua Gia Long thứ 9 (1810) ngày 21 tháng 8
- Sắc phong vua Thiệu Trị thứ 2 (1842) ngày 7 tháng 8
Tài liệu tham khảo
- Tư liệu thực tế tại Đình Ái Mộ