Đình An Nhơn (Gò vấp, Thành phố Hồ Chí Minh)

Đình An Nhơn (Gò vấp, Thành phố Hồ Chí Minh)

Thông tin cơ bản

Vị trí

Đình An Nhơn tọa lạc ở số 72/799 đường Lê Đức Thọ, phường 17, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Đình được lập từ 1802, do Tổng Trấn Gia Định Thành – Đại tướng Đoan Hùng và Quận công Nguyễn Văn Trương cho phép dựng tại xã An Nhơn xưa. Ngày 29/4 Âm lịch (1852), Tự Đức đã ban Sắc phong.

Lược sử

Đình Thần An Nhơn là di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật lâu đời, trải dài theo lịch sử khẩn hoang lập đất, hình thành nên mảnh đất Gò Vấp hôm nay. Đó cũng là những nơi thờ phụng các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc trong 2 cuộc kháng chiến giành độc lập tự do và thống nhất đất nước, là nét đẹp di sản văn hóa tinh thần – truyền thống dân tộc của nhân dân địa phương trong suốt các thế kỷ qua.

Đình An Nhơn thờ Nam Hải Tứ vị Thánh Vương, nguyên là Dương Thái Hậu và 3 nàng công chúa Trung Hoa đời Nam Tống bị nhà Nguyên soán ngôi đã nhảy xuống biển Nam Hải tự trẫm. Xác trôi dạt vào cửa Càn (Nghệ An). Nhân dân vớt được tấu trình với triều đình, Vua Trần Thánh Tông phái khâm sai cử hành tang lễ trọng thể. Nhân dân lập đền thờ thường gọi là “Đền thờ Đức Thánh Mẫu”. Từ đó bốn vị hiển linh, phò trợ quan quân nhà Trần thắng nhiều trận, đuổi giặc Nguyên – Mông ra khỏi bờ cõi. Vua Trần sắc phong “Nam Hải Đại Càn Thánh Nương”.

Đình còn thờ ông Trần Xuân Hòa – Phó tướng của Nguyễn Tri Phương, trấn đồn Chí Hòa. Khi Chí Hòa thất thủ, ông tự tử. Nhân dân Gò Vấp yêu mến người anh hùng nghĩa sĩ này nên đã thờ ông tại Đình. Năm 1852, Đình được trùng tu lần thứ nhất. Năm 1945, toàn dân kháng chiến, ngôi đình là trụ sở của lực lượng Thanh niên tiền phong và là trạm giao liên giữa hai xã An Nhơn – An Phú Đông, đồng thời là cơ sở cách mạng suốt thời kỳ kháng chiến.

Kiến trúc

Đình An Nhơn tọa lạc trên khu đất tương đối cao có nhiều cổ thụ bóng mát, ngoài chức năng là cơ sở tín ngưỡng dân gian của nhân dân địa phương, đình còn là nơi lưu giữ giá trị kiến trúc nghệ thuật về xây dựng đình làng truyền thống Nam Bộ với hệ thống cột, kèo mái, xà, đòn tay, rui mè. xuyên hoa bàng gỗ, các án thờ, hoành phi, liền đối, bao lam, bài vị bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo hình tượng rồng mây, tứ linh, chim hoa lá quả, chữ Hán thể hiện sự khéo léo, óc sáng tạo của người Việt thời xưa. Cổng đình kiểu tam quan nóc mái có gắn tượng gốm men xanh cặp rồng tranh châu. Tại sân đình có các miếu nhỏ thờ Thổ địa, Thập loại cô hồn, Tổ quốc ghi công, Quan Thánh, Ngũ hành nương nương, Bạch hổ. Kiến trúc tổng thể của đình gồm các tòa nhà võ ca, tiền điện, chính điện nằm trên trục dọc, nhà khách nằm ở bên phải chính điện, mái của các tòa nhà lợp ngói âm dương, gờ nóc mái ngang phẳng trang trí tượng gốm men hình cặp rồng tranh châu, gờ mái xuôi bẻ hai góc trên.

Võ ca là tòa nhà được xây dựng kiểu tứ trụ bằng tường gạch, cột xi măng cốt sắt, kèo mái, đòn tay bằng gỗ, mái lợp ngói xi măng. Phần trước là sàn diễn khá cao bằng gạch để biểu diễn hát bội trong dịp lễ Kỳ yên. Khoảng trống giữa tòa nhà võ ca và tòa nhà tiền điện là thiên tỉnh với các loại cây cảnh.

Tiền điện là tòa nhà được xây dựng kiểu ba gian hai chái, cột, kèo mái, xà, đòn tay, rui mè bằng gỗ, các đuôi kèo chạm nổi tinh xảo hình đầu rồng, mái lợp ngói âm dương. Chính điện được xây dựng kiểu tứ trụ, hệ thống cột, kèo mái, xà, đòn tay, rui mè, xuyên hoa được làm bằng gỗ, đặc biệt ba bức xuyên hoa ở cửa chính điện được chạm khắc tinh xảo hình tượng tứ linh, chim hoa lá quả, 26 đuôi kèo chạm nổi mỹ thuật hình đầu rồng. Nhà khách là tòa nhà năm gian, nằm bên phải tòa nhà chính điện theo hướng từ ngoài vào, được xây dựng bằng tường gạch, cột, kèo mái với 28 đuôi kèo chạm trổ tinh xảo hình đầu rồng, xà, đòn tay, rui mè gỗ, mái lợp ngói âm dương. Tòa nhà là nơi tiếp khách, hội họp và đãi tiệc trong dịp lễ Kỳ yên. Hiện tại đình còn lưu giữ 33 cổ vật gắn với di tích gồm liễn đối, hoành phi, bài vị, án thờ, bao lam… bằng chất liệu gỗ.

Giá trị lịch sử

Đình An Nhơn tổ chức lễ Kỳ yên hàng năm vào ngày 15, 16 tháng 8 âm lịch với nghi thức lễ truyền thống. Ngày 19/5/2005, Đình đã tổ chức lễ đón bằng công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố.

  • Trích theo cuốn “Di tích lịch sử văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh”
1/5 (1 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)