Đình Bình Hòa (Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh)

Đình Bình Hòa (Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh)

Thông tin cơ bản

Vị trí

Đình Bình Hòa tọa lạc ở phường 12, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1818, thôn Bình Hòa được thành lập và ngôi đình cũng được dựng vào năm ấy. Năm 1853, được vua nhà Nguyễn là Tự Đức sắc phong.

Kiến trúc

Đình được xây dựng trên gò đất cao, quay về hướng đông. Theo trục chính từ ngoài vào là nhà võ ca, tiền điện, trung điện và chính điện. Nhà võ ca mới được xây dựng thêm vào năm 1972, dài 20,7m, rộng 13,49m.

Tiền điện hình chữ nhật dài 13,49m, rộng 9,56m, gồm ba gian hai chái, nhà có kiểu như nhà ở thông thường, có bốn hàng cột, đường kính từ 0,35m đến 0,40m, cao 6m.

Trung điện hình chữ nhật dài 12,48m, rộng 9,57m. Mái lợp ba lớp ngói, kiến trúc theo kiểu chồng diêm đầu hồi bịt đốc, trên bờ nóc gắn tượng lưỡng long tranh châu (lưỡng long triều nguyệt). Trung điện làm theo kiểu tứ tượng, gồm bốn cột chính rồi phát triển ra chung quanh.

Chính điện hình chữ nhật dài 11,03m, rộng 9,57m, cũng được xây theo kiểu tứ tượng, chỉ có một tầng mái, các xà kẻ gỗ ở tường hồi không có thanh kẻ chéo góc.

Nhà túc dài 16,48m, rộng 8m, ngoài ra còn có nhà kho và nhà bếp. Tiền điện có ba ban thờ : hồi đồng ngoại, tả ban chư vị, hữu ban chư vị.

Các bàn thờ, khám thờ, hoành phi, câu đối đều được chạm trổ tinh vi, ba mặt bàn đều được chạm trổ, bốn góc bàn chạm bốn đầu rồng, bốn chân bàn chạm bốn chân rồng. Đặc biệt, trên đường diềm bàn thờ tiền điện có chạm hình lưỡng long tranh châu, thân rồng được cách điệu bằng cành mai.

Đường diềm trên bàn thờ tiền điện với hoa văn mai dơi cũng rất đáng chú ý. Ngoài ra còn các hoa văn nho, sóc, phượng, hoa sen. Đình thờ bốn vị thành hoàng và thần Nam Hải. Lễ kỳ yên hằng năm là lễ lớn nhất từ ngày 11 đến 14 tháng 9 âm lịch.

Lễ hội

Vị thần được thờ chính tại đình Bình Hòa là Thành hoàng Bổn cảnh, được vua Tự Đức sắc phong vào năm Quý Sửu (1853). Hiện tại, căn cứ theo bài vị đặt ở bàn thờ Hội đồng nội (đã dẫn trên), thì đình còn thờ thêm “Tứ Vị Thánh Nương”. Hàng tháng đình cúng hai ngày 15 và 30. Trước đây, lễ Kỳ yên (cầu an) là lễ lớn nhất tại đình, và được tổ chức suốt 3 ngày đêm. Hiện nay, lễ ấy được giản lược rất nhiều, và chỉ diễn ra hai ngày (10-11 tháng 09 âm lịch, nghi lễ rất trang nghiêm có nhạc lễ và có lễ xây chầu-đại bội. Lễ vật chính cúng thần không nhất thiết phải là tam sanh như lệ xưa mà chỉ là mâm cỗ với nhiều món ăn…

Ngoài bộ cột quý, trong đình hiện còn lưu giữ 39 hiện vật có giá trị khác. Đáng chú ý là 5 bàn thờ bằng gỗ được chạm trổ tinh xảo; hai bát nhang gốm Sài Gòn xưa, sắc phong của vua Tự Đức, v.v…

  • Trích theo cuốn “Di tích lịch sử văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh”

 

Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)