Đình Cần Thạnh (Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh)

Đình Cần Thạnh (Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh)

Thông tin cơ bản

Di tích Thành phố

Đình Cần Thạnh tọa lạc trên đường Lê Thương, khu phố Miễu Nhì, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, được Hội đồng xét duyệt Di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh xét đề nghị ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố ngày 29/12/2005.

Giá trị lịch sử

Gia Định thành thông chí chép năm 1818 thôn Cần Giờ An Thạnh thuộc tổng Duơng Hòa sau thuộc tổng Bình Trị Thuợng, huyện Bình Duơng, thành Gia Định. Các bậc kỳ lão địa phương và các vị trong Ban Quản trị đình Cần Thạnh cho biết trước đây đình có thờ tờ sắc phong vua Tự Đức ban cho thần Thành hoàng bản cảnh thôn Cần Thạnh ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1/1853), tờ sắc đã thất lạc sau ngày 30/4/1975. Từ các căn cứ này có thể xác định đình cần Thạnh được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1818 đến 1852. Đình nằm trên khu đất thoáng đãng ở vị trí trung tâm thị trấn Cần Thạnh, quanh năm tràn ngập ánh nắng mặt trời và gió biển. Ngoài chức năng là cơ sở tín ngưỡng dân gian gắn liền với lễ hội truyền thống của vùng đất ven biển Cần Giờ như lễ hội Nghênh Ông, nuôi trồng đánh bắt chế biến thủy hải sản, lễ hội Kỳ yên tế thần Thành hoàng bản cảnh, tế Tiền hiền, Hậu hiền cầu mong nước thịnh dân giàu, đình còn là một công trình kiến trúc nghệ thuật, còn giữ đuợc nét kiến trúc cổ của ngôi đình làng Nam Bộ như cột, kèo mái, xà, đòn tay, rui mè được làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương. Các cổ vật, di vật, hiện vật có giá trị gắn với ngôi đình được chạm trổ tinh xảo thể hiện sự khéo léo và sáng tạo của người Việt thời đó.

Kiến trúc

Kiến trúc tổng thể của đình gồm các tòa nhà vỏ ca, tiền điện, chính điện, nhà sau nằm trên một trục dọc, mái của các tòa nhà lợp ngói âm dương, gờ nóc ngang phẳng có gắn tượng gốm men cặp rồng tranh châu, gờ mái xuôi thẳng. Ở sân trước có bình phong tiền, dưới chân bình phong có án thờ thần Nông, Thánh quân, Phục Hy.

Mặt tiền đình được xây kín bằng bức tường gạch có tác dụng che chắn gió biển và cát bụi quanh năm, ở giữa mặt tiền đắp nổi hàng chữ quốc ngữ “Đình Cần Thạnh 1967“.

Vỏ ca (gian trước) là tòa nhà được xây dựng năm 1957 bằng vật liệu xi măng cốt sắt và gạch với kiểu kiến trúc tứ trụ cao rộng, vững chắc, phía trước vỏ ca là sân khấu để biểu diễn hát bội trong dịp lễ Kỳ yên, phía sau là khoảng trống để mọi người ngồi xem biểu diễn văn nghệ.

Tiền điện là tòa nhà được xây dựng liền kề với tòa nhà vỏ ca với tường và cột bằng gạch, các vì kèo mái, đòn tay, rui mè bằng gỗ, lợp ngói âm dương, mái trước và mái sau lợp bằng tôn lạnh. Ở đây có các án thờ được xây bằng gạch là Hội đồng nội, Hội đồng ngoại, Lịch đại, Biền binh.

Chính điện là tòa nhà được xây dựng kiểu tứ trụ còn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc cổ với bốn cây cột cái bằng gỗ tròn cao lớn, chân cột kê trên đá tảng, hai vì kèo mái có xà câu đầu và con đội bằng gỗ, các cây xà, các đoạn kèo nối, đòn tay, rui mè cũng được làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, xung quanh là tường gạch. Phía trên khuôn cửa giữa có bức cuốn thư bằng gỗ được tạo hình, chạm lọng, chạm nổi tinh tế hình tượng nho sóc. Các án thờ ở đây được bố trí như sau: Ngay cửa giữa là án thờ bằng gạch, ở trên đặt chiếc long đình bằng gỗ làm năm 1934, long đình có tám cột chạm nổi hình rồng mây rất mỹ thuật. Ở cửa bên trái và bên phải có các án thờ Đông hiến, Tây hiến bằng gạch, ngoài ra còn có chiêng, trống. Phía sau long đình có bức bao lam cửa võng bằng gỗ do tri huyện Trương Thới Luông và bà Chung Thị Ngọ cúng đình năm 1935 với kỹ thuật chạm lọng hình tượng chim hoa, nai sống động, chạm chìm tinh tế chữ Hán. Ở vị trí trang trọng của chính điện là án thờ thần Thành hoàng bản cảnh thôn Cần Thạnh được làm bằng gạch, trên vách tường đắp nổi chữ Thần sơn màu vàng nền đỏ rực rỡ, trên án đặt chiếc hộp gỗ đụng tờ sắc vua Tự Đức ban cho thần Thành hoàng bản cảnh thôn Cần Thạnh ngày 29 tháng 11 năm thứ 5 niên hiệu Tự Đức – 1852 (rất tiếc là tờ sắc đa thất lạc sau ngày 30/4/1975), xung quanh chiếc hộp gỗ đựng sắc phong thần này được chạm nổi tinh xảo hình tượng tứ linh (long, lân, rùa, phượng). Phía trước án thờ thần là cặp hạc gỗ cao lớn đứng trên lưng rùa biểu tượng của sơn hà xã tắc trường tồn thịnh vượng và chiếc bao lam cửa võng bằng gỗ do ông bà Hà Văn Cầm, Chung Thị Kết cúng đình năm 1935 cũng được chạm trổ mỹ thuật hình tượng tứ linh và chữ Hán. Bên phải, bên trái án thờ thần là án thờ Tả ban và Hữu ban bằng gạch, án thờ Tiên sư bằng gỗ có cặp liễn đối chữ Hán được khảm mảnh trai tinh tế “Hữu công tắc tự chi, Vi đức kỳ thịnh hỹ” (Có công ắt thờ cúng, Làm đức ắt thịnh vượng). Ở chính điện còn có bức hoành phi gỗ chạm chìm tinh xảo chữ Hán “Nghĩa quán thiên thu” (Nghĩa suốt ngàn thu) và cặp liễn đối bằng gỗ do Trương Bá Tố cúng đình năm 1935 với kỹ thuật chạm chìm chữ Hán kiểu chữ thảo tinh xảo, sắc nét, nét chữ phóng khoáng (chưa đọc được phần chữ Hán). Các cổ vật gồm bao lam cửa võng, cặp liễn đối, long đình, hộp đựng sắc, bức hoành phi, bức cuốn thư hiện có ở đình là các tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao về mảng nghệ thuật chạm trổ trên chất liệu gỗ thời xưa.

Hậu điện và chính điện được ngăn chia bằng bức tường. Ở Hậu điện có án thờ Tiền hiền và Hậu hiền bằng gạch.

Nhà sau là tòa nhà được xây dựng năm 1957 bằng vật liệu xi măng cốt sắt và gạch. Nhà sau đuợc chia làm hai phần bằng bức tường ngăn ở giữa. Phần trước là nơi đãi khách trong dịp lễ Kỳ yên, phần sau là bếp và kho vật tư của đình.

Lễ hội

Đình Cần Thạnh tổ chức lễ Kỳ yên hàng năm vào các ngày 15, 16 và 17 tháng 12 âm lịch với nghi thức lễ truyền thống của vùng đất Cần Giờ.

Tham khảo

  • Trích “Di tích lịch sử văn hoá ở Thành phố Hồ Chí Minh”, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
5/5 (1 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)