Đình Chèm (Tây Hồ, Hà Nội)

Đình Chèm (Tây Hồ, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đình Chèm là ngôi đình của làng Chèm, nay thuộc phường Thuỵ Phương, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

“Chèm là một tiếng cổ, có nhà nghiên cứu đã giả định có thể là do tiếng Tlem mà ra. Tiếng này là tiếng Việt từ thuở xa xưa đã được phát âm thành Trèm hay Chèm, và chuyển sang tiếng Hán là chữ Từ Liêm, tên một huyện thuộc Hà Nội. Từ thế kỷ thứ XVII, XVIII, nó được mệnh danh là Thuỵ Hương, nay là Thuỵ Phương. Nhưng nhân dân vẫn thường gọi theo cái tên thân thuộc là làng Chèm.”[1]

Lịch sử và nhân vật

Từ ngàn năm nay, đình Chèm vẫn là nơi thờ cúng tín ngưỡng của người dân ba làng: làng Hoàng, làng Mạc và làng Chèm. Đình Chèm là nơi thờ Đức Thánh Chèm, hay còn gọi là Đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng.

Về thân thế của Đức Thánh Chèm, Kỷ Nhà Thục, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Canh Thìn, năm thứ 37 [221 TCN], (Tần Thủy Hoàng Lữ Chính năm thứ 26). Nước Tần thôn tính cả 6 nước, xưng hoàng đế. Bấy giờ người Từ Liêm, Giao Chỉ ta, là Lý Ông Trọng người cao 2 trượng 3 thước, lúc ít tuổi đến hương ấp làm lực dịch, bị trưởng quan đánh, bèn bỏ sang nước Tần làm quan đến chức Tư lệ hiệu úy. Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, sai ông đem quân đóng giữ đất Lâm Thao, uy danh chấn động nước Hung Nô. Khi tuổi già, về làng rồi chết. Thủy Hoàng cho ông là người kỳ lạ, đúc đồng làm tượng, để ở cửa Tư Mã ở Hàm Dương, bụng tượng chứa được mấy chục người, ngầm lay thì chuyển động được, Hung Nô tưởng đó là hiệu úy còn sống, không dám đến xâm phạm (Triệu Xương nhà Đường làm đô hộ Giao Châu, đêm thường nằm chiêm bao thấy cùng Ông Trọng giảng bàn sách Xuân Thu, Tả Truyện, nhân hỏi chỗ ở cũ, rồi dựng đền thờ. Khi Cao Vương đi đánh Nam Chiếu, thần thường hiển linh giúp sức. Cao Vương (Cao Biền) cho sửa lại đền thờ, tạc gỗ làm tượng, gọi là [tượng] Lý hiệu úy. Đề ở xã Thụy Hương huyện Từ Liêm.)”[2] Đó chính là đình Chèm hiện nay.

Tác giả sách Đình và đền Hà Nội – Nguyễn Thế Long cho biết: “Đền thờ Đức Thánh Chèm tức Lý Thân, còn gọi là Lý Ông Trọng. Lý Thân người thuộc thời Thục An Dương Vương (257 – 207 trước Công nguyên) thân thể to lớn, cao 2 trượng 3 thước, sức khoẻ hơn người. Lúc trẻ ông làm một chức quan nhỏ ở huyện Ấp, đã bị vua quở phạt. Vì sao ông bị quở phạt, các sách ghi khác nhau. Có sách ghi ông thấy một tên lính đánh đập dã man dân phu nên ông đã tức giận giết chết tên lính đó. Có sách ghi trong trận thi đấu võ, ông đã lỡ tay giết chết một lực sĩ của nhà vua. Có sách ghi lại vì ông phá kho thóc chia cho dân nghèo đang bị đói… Vua thương ông là người khoẻ và tài giỏi nên không bắt giết. Vì sao ông sang nước Tần (Trung Quốc) thì có sách ghi là ông bỏ trốn sang nhà Tần và được cử làm quan võ. Có sách ghi là ông được vua Thục cử sang sứ.

Khi ấy biên giới phía Bắc nhà Tần hay bị quân Hung Nô quấy nhiễu. Tần Thuỷ Hoàng đã xây Vạn Lý Trường Thành để ngăn chặn mà vẫn không trừ được tai hoạ. Vua Tần sai ông Trọng đem quân trấn giữ ở đất Lâm Thao (nay thuộc tỉnh Cam Túc). Ông đánh trận nào thắng trận đó, làm cho quân Hung Nô khiếp sợ, không dám quấy nhiễu nữa. Vua Tần phong thưởng cho ông rất hậu, ban tước cao, gả công chúa, định lưu giữ ông lại. Ông xin về nước và mất ở quê nhà. Có sách nói ông mất ở Trung Quốc. Sau khi ông mất, vua Tần sai đúc đồng làm tượng hình ông, dựng ở cửa Kim Mã kinh thành Hàm Dương (nay thuộc Thiểm Tây, Trung Quốc). Chuyện kể tượng to lớn chứa được hàng chục người. Khi có sứ giả Hung Nô đến, vua Tần lại sai người vào trong tượng, làm cử động mặt mũi chân tay. Quân Hung Nô yên chí Lý Thân vẫn còn sống, không dám đem quân sang quấy nhiễu nữa. Từ đó, Trung Quốc có lệ gọi những pho tượng lớn là Ông Trọng.

Đến đời Đường, Triệu Xương làm đô hộ Giao Châu, thường xuyên mộng thấy cùng Lý Thân bàn sách Xuân Thu, bèn hỏi chỗ ở cũ của ông, lập đền thờ ông. Sau này Cao Biền đánh quân Nam Chiếu, được ông hiển linh trợ giúp nên đã cho trùng tu lại đền thờ ông.”[3]

Có truyền thuyết kể rằng: “Ông lỡ tay giết người, nhưng được vua tha tội, lại cho sang phục vụ nhà Tần bên Trung Quốc. Thân hình ông to lớn, đã trở thành một viên tướng vô địch, giúp vua Tần chế ngự bọn phản loạn. Hết hạn ở Tàu, ông trở về quê Việt Nam, nhưng vì quân Hung Nô gây chuyện nên vua Tàu lại đòi ông sang. Ta trả lời rằng ông đã chết, vua Tàu lại đòi lấy xác. Bất đắc dĩ ông phải tự tử. Vua ta cho ướp xác ông đưa sang Tàu. Vua Tàu cho đúc tượng ông đem dựng ở cửa thành Hàm Dương, gọi là tượng Lý Ông Trọng. Tượng rất to, trong bụng làm rỗng có thể chứa được nhiều người, hai tay, cổ và đầu đều có máy khiến cho cơ thể cử động được. Tượng dựng trước cửa thành Tư Mã. Quân Hung Nô kéo đến thấy tượng, cho rằng Lý Thân còn sống nên sợ mà rút về. Lý Ông Trọng trở thành vị thần bảo vệ đất nước. Cả bên Trung Quốc, bên Việt Nam đều thờ ông. Khi ở Trung Quốc, ông có lấy người vợ Tàu, bà này sau cùng ông hiển thánh.”

Các vị thần được thờ phụng tại đình có Thượng Đẳng Thiên Vương (Hy Khang Thiên Vương) Lý Ông Trọng: thần chủ; Hoàng Phi Bạch Tĩnh Cung Công Chúa: con gái Tần Thủy Hoàng, vợ của Thánh Chèm; Ông Sứ: ân nhân của thánh Chèm, chữa bệnh cho Thánh, được phối thờ ở gian bên phải tòa Đại Bái khi nhìn từ ngoài vào; lục vị Thánh Vương tử: các con của Thánh Chèm, 4 trai, 2 gái. Trong đó, tượng vợ chồng thánh Chèm được tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng từ năm 1888.

Kiến trúc cảnh quan

Khác với phần lớn ngôi đình ở Việt Nam, đây là ngôi đình hiếm hoi quay mặt hướng Bắc. Đình được xây dựng theo lối kiến trúc Nội công ngoại quốc.

Nghi Môn ngoại là kiểu nghi môn trụ với 4 cột xây cao to, gần đỉnh trụ đắp hình lồng đèn, đỉnh trụ và thân trụ được trang trí tứ linh, tứ quý và đắp các câu đối chữ Hán ca ngợi Đức Thánh Lý Ông Trọng. Nghi Môn nội (hay còn gọi là Tàu tượng) là một nếp nhà 4 mái, 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói mũi hài, các góc uốn cong tạo thành những đầu đao đắp nổi hình đầu rồng. Nghi Môn nội mở 3 cửa lớn có cánh gỗ. Đây là nơi đặt tượng ông quản tượng, voi chiến và ngựa chiến của Đức Thánh. Khu Nhà Bia, sân đình, Tả – Hữu mạc, Phương đình 8 mái và Đại Bái, Hậu Cung tạo thành hình chữ Công.

Nét đặc sắc trong kiến trúc đình Chèm là nghệ thuật chạm trổ hoa văn như chạm nổi, chạm bong, chạm thủy với chủ đề xuyên suốt trong nghệ thuật chạm khắc chính là tứ linh, đan xen có rồng cuốn thủy, cá vượt vũ môn. Ðặc biệt, gian giữa toà Đại Bái các nét chạm trổ không theo đăng đối.

Phía trên toà Đại Bái còn chạm chim phượng ngậm bài Tứ linh thi, bài thơ được chạm từ năm 864 đến năm 866 mới hoàn thành…

Lễ hội

Chuyện kể rằng, Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng khi trở lại vùng Chèm đã có công lao trị thủy. Thánh chém được một con giải chặt thành ba phần, vứt xác xuống sông, ném vào ba làng. Đầu ném vào địa phận Thuỵ Hưng, khúc giữa ném vào Hồng Xá, khúc đuôi ở Mạc Xá… Ba làng ấy lúc này gọi là chạ, đã kết nghĩa với nhau. Thuỵ Hướng là chạ anh, Hoàng Xá là chạ anh hai. Mạc Xá là chạ em. Cả ba chạ đều thờ thánh Chèm, hàng năm mở hội. Qua câu ca dao: Thứ nhất là hội cổ Loa/ Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Chèm có thể thấy hội Chèm rất có tiếng ở Hà Nội. Năm 2016, lễ hội đình Chèm được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hàng năm hội đình Chèm mở 3 ngày (từ 14 – 16/4) để tưởng niệm Lý Ông Trọng. Mở đầu là lễ rước nước sáng sớm ngày 15.

Dân ba làng cử ra đoàn thuyền rước nước, mỗi thuyền có một chóe nước để tắm cho Đức Ông (Ông Trọng) và Đức Bà (vợ Ông Trọng) và ông Sứ (Nguyễn Văn Chất). Ba chiếc thuyền đi rước nước hành hương xuôi theo dòng sông Hồng. Đến khu vực “Thác Bạc” ngang làng Bạc (Thượng Thụy, Phú Thượng, nay thuộc quận Tây Hồ) thì cho thuyền xoay ba vòng, rồi một ông lão lấy gáo đồng múc nước giữa dòng cho vào các chóe bằng sứ cổ trong tiếng hò reo, tiếng hô “ù, óe” vang động mặt sông. Thuyền quay trở về đến bến Ngự – nhà Mã, đưa nước lên kiệu Đức Ông, Đức Bà cùng với đoàn rước hộ tống về đình làm lễ mộc dục (tắm tượng).

Sau đó là lễ rước văn (rước bài văn tế từ nhà người trưởng văn ra đình), cuối cùng là lễ tụng kinh cầu siêu do thầy chùa phụ trách tiến hành trong đêm Rằm.

Khi các nghi lễ tiến hành xong cũng là thời điểm dân làng và khách thập phương chung vui không khí hội hè: thả chim bồ câu, chèo thuyền, đánh cờ, đấu vật… Trong đó hấp dẫn nhất vẫn là hội thi thả chim và chèo thuyền. Với sự tham dự của nhiều chủ chim có khi tới dăm chục thậm chí hàng trăm đàn chim chờ đợi mở lồng tung cánh, đua tài cao thấp trong ngày hội càng làm cho không khí hội Chèm thêm náo nhiệt.

Trong phần hội, dân làng còn tổ chức cuộc thi làm chè kho. Chè kho là sản phẩm đặc biệt của lễ hội đình Chèm bởi nó gắn với lễ hội chay chỉ có chè kho, xôi trắng, hương hoa, quả được người dân trong làng cung kính dâng lên lễ thánh. Điều này thể hiện được sự tinh khiết thanh tao và khát vọng hòa bình của người dân xã Thụy Phương nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

“Từ những nghi thức và tập tục: rước nước, tắm tượng, chèo thuyền, thả chim… là hình ảnh mờ nhạt của các lễ nghi nông nghiệp xa xưa, qua đắp đổi của thời gian và các dòng văn hoá cho đến nay chỉ còn hiện diện như một thú chơi tao nhã và tinh thần thượng võ. Tất cả tạo nên sự hấp dẫn riêng của một làng quê nông nghiệp ven đô.”[4]

Xếp hạng

Với những giá trị tiêu biểu, năm 1990, đình Chèm được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Ngày 25/6/2018, đình Chèm được nhận bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt của Chính phủ với những giá trị về kiến trúc, văn hoá. Trước đó, hội đình Chèm cũng được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (2016).

Chú thích

[1] Vũ Ngọc Khánh, 36 danh hương Thăng Long – Hà Nội, Nxb Thanh Niên, 2010, tr. 77.

[2] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội, 1993, tr. 7 – 8. 

[3] Nguyễn Thế Long, Đình và đền Hà Nội, Nxb Văn hoá – Thông tin, 2005, tr. 117 – 119.

[4] Đinh Tiến Hoàng, Lễ hội Hà Nội, tập 1, ebook,  tr. 29.

Tham khảo

  1. Diệu Anh, “Đình Chèm – Ngôi đình cổ xưa, di sản quý báu của Thủ đô”, báo Điện tử Chính phủ, chuyên trang Thủ đô Hà Nội, ngày 11/2/2024.
  2. Đinh Tiến Hoàng, Lễ hội Hà Nội, tập 1, ebook.
  3. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội
  4. Vũ Ngọc Khánh (2010), 36 danh hương Thăng Long – Hà Nội, Nxb Thanh Niên.
  5. Nguyễn Thế Long (2005), Đình và đền Hà Nội, Nxb Văn hoá – Thông tin.

 

 

 

5/5 (2 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ
Checkin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner app chỐn thiÊng 3 (60x90)