Đình Chu Quyến (Đình Chàng – Ba Vì, Hà Nội)

Đình Chu Quyến (Đình Chàng – Ba Vì, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đình Chu Quyến còn gọi là đình Chàng thuộc thôn Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, xưa kia thôn Chu Quyến có tên là làng Chàng hoặc Chu Chàng thuộc xã Châu Chàng, tổng Châu Chàng, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây. Đây là một ngôi đình cổ, có niên đại thuộc cuối thế kỷ XVII, Với những kiến trúc gỗ tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc dân gian của Việt Nam, đình Chu Quyến đã góp phần tôn lên những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời ở vùng đất Ba Vì, Hà Nội.

Đình Chu Quyến thờ Thành Hoàng Nhã Lang Vương, con trai của Hậu Lý Nam Đế – Lý Phật Tử, đình nằm ở ven đê sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội 57km về phía Bắc, di chuyển theo đường QL32 hoặc tuyến đường CT03.

Lịch sử

Dựa vào các nghệ thuật chạm khắc, hoa văn kiến trúc tại đình có thể xác định được Đình Chu Quyến là ngôi đình cổ, được xây dựng ở thế kỷ XVII.
Các chữ được khắc trên xà nóc của đình Chu Quyến có ghi niên đại: “Lý triều Nhân Tông nguyên niên tạo” (năm thứ nhất đời Nhân Tông, triều Lý dựng), “Bảo Đại thập niên trùng tu” (trùng tu năm Bảo Đại thứ 10). 
Bia đá cổ tại đình ghi lại: “Ngày 18 tháng 3 năm Ất Hợi, niên hiệu Bảo Đại thứ 10 (1935) trùng tu”.
Năm 2007-2010, đình Chu Quyến được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch  tiến hành trùng tu lớn với những kỹ thuật trùng tu di tích hiện đại. 

Nhã Lang Đại Vương

Nhã Lang Vương tên thật Lý Nhã Lang là hoàng tử thứ 8 của hậu Lý Nam Đế Lý Phật Tử nên còn được gọi là Lý Bát Lang, mẹ của ông là Lã Ngọc Thành (quê làng Chu Chàng, Quảng Oai, Sơn Tây).
Ông bị triều đình và nhất là bà Chính cung ghen ghét, tìm cách ám hại, nên ông phải cùng mẹ trở về quê ngoại của mình là làng Chu Chàng, và sống ở đây cho đến lúc mất. Nhân dân địa phương kính trọng công lao của ông, nên đã tôn ông làm thần thành hoàng và thờ ở đình làng.
Nhã Lang Vương hóa ngày 18 tháng 10 năm 602 tại đền Trung Quân, Nhã Lang Vương được xem là một vị Thần lớn của Việt Nam, được thờ cúng rộng rãi và làm thành hoàng ở rất nhiều địa phương Miền Bắc.

Kiến trúc

Đình Chu Quyến là một ngôi đình kiến trúc cổ, điều đặc biệt là ngôi đình có duy nhất một toà Đại Đình, không có các toà phụ khác, tuy đã được trùng tu nhưng vẫn giữ lại nguyên dạng ban đầu, Phương ngôn xứ Đoài có câu “Đình Chàng, trống Vật, mõ Cổ Đô” để chỉ ba vật lớn của ba làng thì đình Chu Quyến là một. Hiện nay các kiến trúc của đình gồm: Nghi Môn, Đại Đình.

Nghi Môn

Nghi môn đình Chu Quyến có hình thức rất phổ biến của các ngôi đình, đền vùng Đồng bằng Bắc Bộ, gồm 4 trụ biểu tạo thành Tam quan. Trụ biểu xây bằng gạch. Hai trụ biểu tại giữa cao, đỉnh trụ trang trí tứ phượng. Hai trụ biểu hai bên thấp hơn, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu. Cả 4 trụ biểu có thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, giữa là ô trang trí câu đối, đế thắt dạng cổ bồng, hai bên Nghi môn là tường bao thấp bao xung quanh đình.
Phía trước Nghi môn là một hồ nước rộng, phía sau Nghi môn là sân đình, lát gạch. chính giữa trục Thần đạo của sân là một con đường lát bằng đá từ cổng tiến thẳng vào đình.

Đại Đình

Đình được xây dựng theo bố cục kiến trúc cổ xưa, gồm ba gian hai chái, mặt bằng theo hình chữ Nhất, chiều dài 30m, đình Chu Quyến là một không gian kiến trúc mở, không có hệ thống ván nong, cửa Bức bàn bao quanh, thay vào đó là một hệ lan can thấp bao quanh hệ sàn.  

Kết cấu khung gỗ chồng rường với đầy đủ 8 hàng cột dọc, 6 hàng cột ngang, đối xứng nhau qua trục dọc nhà. Các vì kèo của đình gồm 6 hàng cột. Những cột cái của đình đều có kích thước rất lớn, đường kính 0m80, được tạo theo lối “thượng thu hạ thách”, phía dưới cột to hơn phía trên tạo sự vững vàng và chắc chắn, do đó ngày xưa các cụ vẫn truyền nhau câu ví “nhà một con, cột đình Chàng”.

Các tác phẩm chạm khắc gỗ trong đình Chu Quyến cầu kì, tinh xảo và độc đáo, với nhiều đề tài phong phú, trên các xà, ván nong, cửa võng đều có chạm trổ hoa văn rồng, phượng chầu mặt nguyệt, rồng vờn chầu ngọc, rồng và người, rồng và hổ, hình chim phượng và đàn con, các chủ đề sinh hoạt đời sống thế kỉ XVI – XVII. Đây là các kỹ thuật khắc chìm và chạm lộng, tạo cảm giác nổi trên bề mặt gỗ, bố cục sinh động.

Sàn đình khá cao (0m80), trên bề mặt sàn được chia thành ba lớp, mỗi lớp cách nhau 0m10. Đây được coi là ranh giới để chia ngôi thứ của các lứa tuổi trong từng giáp mà các hương ước ngày xưa quy định khi ngồi họp làng. Xung quanh đình có tường gạch che gầm sân, có trổ các ô hình chữ nhật ở hàng lan can gỗ, có cửa võng chạm trổ công phu hình hoa lá, rồng phượng. Đình Chu Quyến không có hậu cung đặt trong một khối kiến trúc riêng biệt, gian thờ thành hoàng làng Nhã Lang, nằm ngay trong gian giữa (chính điện).  

Mái đình thuộc vào loại thấp và xòe rộng lan xuống, lợp ngói ta, tường rộng và dày, tên mái là hệ thống tượng điêu khắc bằng gốm, thể hiện các linh vật: con xô, con kìm nóc (cá hóa rồng), các đầu đao vút tạo sự thanh thoát cho ngôi chùa.

Di vật

Hiện tại đình Chu Quyến còn được lưu giữ 15 đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn, triều Nguyễn phong phần cho Nhã Lang Vương.

Bên trong đình có đặt một tấm bia đá cổ, các mặt chữ khắc chữ Hán.

Lễ hội

Hàng năm cứ vào ngày 13-15 tháng Giêng, người dân địa phương lại mở lễ hội tại đình để tưởng nhớ công đức của thành hoàng làng Nhã Lang Vương. Ngoài các nghi thức tưởng nhớ thành kính, tại lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đánh cờ, vật dân tộc, ca hát thu hút đông đảo người dân trong vùng tham gia.

Xếp hạng

Đình Chu Quyến đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử văn hoá theo quyết định số 313/QĐ ngày 28/04/1962, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, với chức năng công trình kiến trúc tín ngưỡng.

Tài liệu tham khảo

  1. Đinh Gia Khánh, Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long- Đông Đô Hà Nội, Nxb Hà Nội
  2. Văn Quảng, Văn hoá tâm linh Thăng Long Hà Nội, Nxb Lao động. 
  3. Ngô Huy Quỳnh, Tìm hiểu lịch sử kiến trúc Việt Nam, Nxb Xây dựng.
5/5 (2 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ
Đinh Chu Quyen Ba Vi Ha Noi (1)

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)