Đình – Chùa Hoàng Xá (Gia Lâm, Hà Nội)

Đình – Chùa Hoàng Xá (Gia Lâm, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đình – chùa Hoàng Xá, thuộc thôn Hoàng Xá, xã Kiêu Kỵ. Chùa có tên chữ là “Hoàng Phúc tự”.

Đình Hoàng Xá phụng thờ nhị vị thành hoàng là nữ tướng Quốc Nương công chúa và thân mẫu là Hoa Nương phu nhân. Trước kia, đình tọa lạc trên khu đất ngoài làng, cách đình hiện nay khoảng 30m (nay nền cũ vẫn còn). Đến năm Bính Dần, niên hiệu Bảo Đại dân làng chuyển dịch ngôi đình vào dựng tại vị trí hiện nay.

Đình Hoàng Xá

Lược sử

Căn cứ vào bản thần tích xã Hoàng Xá, huyện Gia Lâm do Đông Các Đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và được Nội các Bộ Lại triều Lê sao lại vào năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì sự tích của nhị vị Thành hoàng làng Hoàng Xá có thể được tóm tắt như sau:

Thời kỳ nước Việt ta bị phương Bắc đô hộ lần thứ nhất, ở đất Đường Lâm có người con gái nhà họ Đào, tên là Hoa Nương. Bà là người con gái đoan trang xinh đẹp. Năm bà 18 tuổi vẫn không nguyện ước với ai, lại có ý nguyện không xuất giá mà tu theo đạo Phật. Nghe nói tại trang Đông Cửu có chùa Thiên Thai, thần tiên thường hội tụ ở đó nên bà tới ngắm xem phong cảnh, thấy trên núi có chùa, dưới có sông Thiên Đức chảy quanh. Bà liền phát nguyện ở lại trụ trì tại chùa. Được một năm, một lần bà ra bến sông tắm vào giữa trưa, bà thấy đám mây lành bay xuống, bỗng nhiên trời đất tối sầm, đang ban ngày mà như giữa đêm tối, mưa gió nổi lên, bà thấy có con giao long quấn quanh người, hoảng sợ bà chạy lên bờ, trở về chùa, lúc đó trời lại sáng trở lại. Vào cuối canh một đêm đó, bà mơ thấy có một người đàn ông mặc giáp hồng, lưng đeo đai ngọc, thân thể to lớn khác thưởng, hình dung cổ quái, từ dưới sông đi lên, nói rằng: “Ta là vua của Thuỷ cung, nhà người có đức dày, trời đã biết tới. Nay âm dương hợp đức, chớ có lo sợ gì”. Nói xong, bà tiễn người đó đi ra. Người đó bước xuống thuyền rồng, rồi thuyền bay lên trời biến mất.

Từ đó, bà có mang, mọi người chê cười bà. Bà xấu hổ trở về quê cũ. Khi bà đi tới đầu địa phận khu Hoàng Xá, trang Hạ Tốn, huyện Gia Lâm, thì thấy có một cây đào bèn ngồi nghĩ. Ngay lúc đó, bà trở dạ sinh con (đó là ngày 13 tháng 2 năm Quý Mùi), xung quanh không một bóng người qua lại. Đến nửa đêm, trong làng chó sủa râm ran không ngớt, ngoài thôn từng đàn chim quây quấn bay lượn. Đến canh năm, bỗng thấy quan bản thổ thần linh tới báo mộng cho các cụ cổ lão trong làng rằng: “Làng các ngươi có thần nhân giáng sinh dưới gốc cây đảo. Sáng hôm sau, các cụ phụ lão và nhân dân ra gốc cây đào đón hai mẹ con về làng, toàn dân cùng nuôi dưỡng. Sau này người đó sẽ giữ yên đất nước”. Nói xong thần nhân biến mất

Ngay sáng hôm sau, các cụ phụ lão cử người ra gốc cây đào xem, quả nhiên thấy hai mẹ con ở dưới gốc đào, bèn đón về làng cùng nuôi dưỡng. Người con gái mới sinh ra có thiên tư kỳ lạ, hình dáng khác người, nhan sắc chim sa, cá lặn, rực rỡ như mặt trăng, tươi đẹp như đoá hoa. Mọi người biết đây là con vua Thủy Tề nên đặt tên là Quốc Nương. Khi nàng lớn lên, có tài thao lược võ nghệ không kém gì trai.

Quốc Nương nghe lời hịch của Hai Bà Trưng, náo nức lập công cứu nước. Ngay ngày hôm đó, bà liền chiêu mộ trai tráng trong các làng được hơn 2.000 người, kéo thẳng tới nơi Hai Bà Trưng đóng đồn để ứng tuyển. Thấy bà là người phụ nữ có tài thao lược, phong tư tươi tắn, liền phong bà làm Công chúa, cho cầm quân dẹp giặc. Ngày hôm sau, bà chỉ huy quân tướng cùng với Hai Bà Trưng đem quân tiến thẳng tới đồn Tô Định, đạp bằng thành luỹ giặc. Từ đó thiên hạ thái bình, quốc gia vô sự, Trưng Trắc xưng vương.

Bà được Trưng Vương phong tặng, lại ban thưởng nhiều vàng bạc châu báu. Song từ chối mà xin rằng: “Chỉ dám xin bệ hạ một việc sau này dân khu Hoàng Xá, trang Hạ Tốn, phụng thờ hai mẹ con tôi được muôn đời tế lễ”. Lập tức Trưng Vương truyền gọi phụ lão nhân dân khu Hoảng Xá, trang Hạ Tốn đến mở tiệc thiết đãi và bà bảo với nhân dân phụ lão rằng: “Giặc Tô Định sớm dẹp được là nhờ có công rất lớn của Quốc Nương. Vậy nay, sai sứ đen chiếu phong cho thân mẫu Hoa Nương là Đoan nghi Trinh tiết Khiết phục phu nhân. Cho phép khu Hoàng Xá các người được giữ việc phụng thờ. Vậy hãy đón các mỹ tự và lập miếu phụng thờ”. Các cụ phụ lão nghe lời truyền, liền làm lễ xin cho dân làng được làm gia thần Quốc Nương. Trưng Vương liền thưởng cho 15 hốt vàng đem về mua ruộng đất, dùng vào việc thờ cúng. Thế rồi, Trưng Vương cùng Quốc Nương cưỡi ngựa vào núi biến mất, hôm đó là ngày mồng 1 tháng 11. Sau khi các ngài hoá, nhân dân tu sửa miếu đền thờ cúng, thiết thần vị phụng thờ.

Vào năm Thiên Phúc, đời vua Lê Đại Hành, khi xét duyệt các vị thần được thờ cúng, thấy nhị vị linh thiêng hiển ứng nên gia phong Hoa Nương phu nhân là: Đương cảnh thành hoàng Chiêu ứng Kiệt tiết Tuệ tĩnh Thánh Nương phu nhân; Quốc Nương công chúa là Thiên trấn Cảnh ứng Huệ hoả Gia hạnh Trinh nhất Từ tường Như ý Đoan trang Hoàng tử phu nhân. Trải qua các triều Đinh, Lê, Lý, Trần nhị vị thần thường biến hóa thần thông giúp nước che dân, linh ứng hiển hiện nên các triều đều gia phong mỹ tự, dự hàng thượng đẳng tối linh thần.

Di vật

Di tích còn lưu giữ được những tư liệu Hán văn vô cùng quý giá góp phần quan trọng vào việc xác định niên đại cụm di tích đình – chùa Hoàng Xá: Tấm bia “Ký kỵ bị văn”, niên hiệu Tự Đức 13 (1806); Dòng chữ Hán ghi trên thượng lương đình: Hoàng triều Bảo Đại Bính Tý đông khởi tập Hoàng Xá đình, thụ trụ hượng lương đại cát; Tấm bia ghi việc lập hậu ở đình vào năm Bảo Đại thứ 11 (1935); Bia chùa Hoàng Xá “Ký hậu bị văn” niên hiệu Bảo Đại thứ 13 (1937); Quả chuông chùa đề bèn chữ Hán “Hoàng Phúc tự chung” năm Bảo Đại Kỷ Mão (1939). Từ những cứ liệu trên kết hợp với phong cách kiến trúc hiện còn tiêu biểu như bộ vi toà đại bái cùng một số di vật được bảo lưu tại di tích có thể xác định cụm di tích này ít nhất có từ thời Nguyễn.

Kiến trúc

Phía trước đình, cách một khoảng sân gạch là nghi môn có kết cấu kiểu trụ biểu, gồm hai cột trụ lớn và hai cột trụ nhỏ tạo thành ba lối đi. Các trụ biểu tạo tác theo phong cách truyền thống, trên đắp nghê chầu, ô lồng đèn, thân trụ biểu vuông đắp các đôi câu đối, để trụ thắt cổ bồng… Lối đi chính giữa được đắp bức cuốn thư có chức năng như bức bình phong với nhiều biến thể và đề tài trang trí đơn giản với cụm hoa văn cách điệu, qua nghỉ môn là đến hồ sen rộng.

Đại bái đình Hoàng Xá là nơi có diện tích và không gian khá rộng lớn, tạo được sự bề thế, trang trọng cho ngôi đình mà phần hiện như khẳng định thêm điều đó. Hiện được xây bằng chất liệu nề ngoã, kiểu ngũ môn tương ứng với các gian bên trong. Nổi bật nhất là lối đi vào gian giữa có kết cấu hai phần. Bên trên làm mô phỏng kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Tầng mái trên đắp bèn chữ “Vạn cổ anh linh”, tầng mái dưới đắp hình tượng biển sóng, dơi chầu tượng cho ngũ phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh). Bên dưới là lối đi có hình tượng cách điệu lưỡng long chầu nguyệt. Các cửa còn lại hai bên tả, hữu được tạo tác giống nhau từng đôi một. Hai cửa liền kề của chính đỡ cuốn thư phía trên. Cửa cuối cùng, bên trên làm một tầng mái, bên dưới trang trí rồng cách điệu. Các cửa được phân chia bằng các cột trụ. Trên các cột trụ đắp các câu đối ca ngợi công lao của vị thành hoàng làng. Hai bên hồi toà đại bái còn có hai trụ biểu trấn giữ nối với đại bái qua bức tường lửng. Hai cột trụ được tạo tác khá công phu: đỉnh trụ là tử phượng chầu, tiếp đến là ô lồng đèn bên trong đắp nổi tứ linh; thân trụ soi gờ, kẻ chi, đắp hoa văn dây leo; để trụ thắt cổ bồng; trên đỉnh trụ đắp các câu đối, hai bức tưởng nổi với hai cột trụ biểu còn có đắp hai chữ đại tự “Nghiêm – Túc” đối xứng nhau, nhắc nhở mọi người khi đến cửa thánh thần phải tôn nghiêm. Đại bái là công trình kiến trúc gỗ kết cấu năm gian, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói di. Hai đầu bờ nóc đắp đấu đinh và con rồng lá makara ngậm bờ nóc. Vào bên trong, tương ứng với ba gian chính là các bộ vì được kết cấu tương tự nhau theo kiểu “thượng giá chiêng chồng rường con nhị hạ cốn”. Vì thượng kết cấu trên hai cột cái gỗ, kê trên chân tảng cao. Nối hai đầu cột cái là một câu đầu chắc khoẻ, đứng trên câu đầu là hai trụ chốn. Đặt trên hai trụ chốn là hai con rường chồng lên nhau qua đấu kẽ, hai đầu đỡ hoành mái. Con rường trên cùng đỡ thượng lương qua đấu kê vuông lớn. Bên dưới câu đầu là các đầu dư, đáng chú ý nhất là bèn đầu dư gian giữa, nó chính là một con rường ăn mộng qua cột cái, một đầu áp sát câu đầu thành đầu dư được tạo tác đầu rồng, đầu kia tạo thành con rường thứ nhất của vì hạ được tạc thân và đuôi rồng. Đầu rồng được tạc với miệng há rộng, mắt lồi, tai thú, ở hai mắt có đạo bay ra như râu cá trê, gáy có các đao mác lượn sóng bay về phía sau, dưới hàm có hai đao mác chủ đạo đan vào nhau toả sang hai bên, cổ và mình phủ vảy cá chép… Với sự kết hợp khéo léo các kỹ thuật chạm, nghệ nhân đã chuyển hoá những đầu dư vốn là những khúc gỗ thô giáp thành bức điêu khắc rồng rất sinh động mang phong cách thời Nguyễn. Vì hạ là các bức cốn chạm khắc đề tài rồng cách điệu được hoá thân từ cây lá. Ngoài đề tài trang trí rồng, các bức cốn vì nách gian bên được tiền nhân chạm khắc hoa văn triện tàu lá giắt, bức cốn này được trổ thủng một ô vuông, phần ba không gian giữa cột cái và xả nách tạo sự thông thoáng cho bộ vì. Gian giữa toà đại bái rộng 3m60, gian bên rộng 3m, nền nh các gian bên được tôn cao 15cm so với gian giữa thuận tiện cho việc tế lễ, bài trí đồ thờ tự và sinh hoạt chung của làng. Tại không gian giữa hai vì hạ phía hậu gian giữa bài trí một nhang án, trên nhang án bài trí đồ thờ tự như bát hương, đỉnh, chân đèn, hạc… Phía trên nhang án treo bức hoành phi đề ba chữ Hán “Tối linh từ”. Ở vị trí cao hơn hoành phi là bức cuốn thư được đặt trên xả ngang, bên dưới bao quanh giữa xả ngang và hai cột cái hậu là cửa võng. Câu đối được treo trên bốn cột cái hậu. Bát bửu được đặt giữa hai cột cái tiền và hậu gian giữa. Hai gian bên có hai ban thờ nhỏ gồm bia đá, bát hương, chân đèn. Ngoài ra tại Đại bái còn bài trí trống, chiêng gần vị trí cửa ra vào. Nhìn chung, sự bài trí đồ thờ tự về cơ bản tuân theo nguyên tắc truyền thống, đồ thờ khá phong phú.

Hậu cung đình Hoàng Xá là một nếp nhà ngang ba gian song song với đại bái, xây trên nền cao 20cm so với nền nhà đại bái. Các bộ vì hậu cũng làm theo kiểu “vì kèo quá giang gối tường”, không chạm khắc hoa văn. Phần ngoài hậu cung xây một bệ thờ nhị cấp. Tầng trên đặt long ngai, bài vị thờ Hoa Nương phu nhân, tầng dưới bài trí các đồ thơ tự truyền thống như bát hương, mâm bổng, bộ tam sự. Bên trong Hậu cung bài trí 3 ban thờ. Gian giữa là ban thờ chính. Đáng lưu ý là bộ Long ngai, bài vị, có tượng Thành hoàng Quốc Nương công chúa ngự trên ngai. Hai gian bên bài trí hai ban thờ có long ngại bài vị hai vị trợ thủ cho Thành hoàng.

Chùa Hoàng Xá

Chùa Hoàng Xá tọa lạc ở vị trí sát bên phải đình.

Kiến trúc

Chùa có kết cấu kiến trúc chữ Đinh, gồm các công trình chính Tiền đường, Thượng điện, nhà Mẫu, sân vườn…

Tiền đường còn gọi là bái đường, kết cấu năm gian xây kiểu tường hồi bít đốc. Mái lợp ngói di, giữa bờ nóc đắp cuốn thư đề ba chữ Hán “Khuê môn tự”, hai đầu bờ nóc là makara ngậm bờ nóc. Hai đầu hồi là hai cột trụ biểu nối với toà Tiền đường qua bức tường lửng. Trên hai bức tường này nghệ nhân tạo tác hai bức tranh đề tài Tiên ông đánh cờ, Lã Vọng câu cá.

Qua lớp cửa gỗ “thượng song hạ bản” tòa Tiền đường là vào nội tự chùa. Các bộ vì gian giữa, gian bên toà Tiền đường kết cấu theo kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ”, kết cấu trên quá giang gối tường, kẻ bẩy hiện. Hai bộ vì áp hồi kết cấu “chồng rường”, tỷ lực trực tiếp lên hai tường hồi. Nghệ thuật chạm khắc trên các bộ vì chủ yếu là hoa văn hoa lá và hoa văn chữ thọ.

Nối liền với gian giữa Tiền đường là Thượng điện, còn gọi là chính điện kết cấu ba gian dọc. Các bộ vì kết cấu kiểu “vi kèo” trên hai hàng chân cột.

Đứng hai bên lối đi từ Tiền đường vào Thượng điện là hai pho hộ pháp Trừng Ác, Khuyến Thiện. Hai pho đều mặc áo giáp, tư thế oai phong. Tượng Khuyến Thiện được tạo tác khuôn mặt hiền từ, còn pho Trừng Ác tạo tác khuôn mặt vẻ dữ tợn, tay cầm chuỷ hướng về phía trước. Tiếp theo tượng Khuyến Thiện là tượng Đức Ông được tạc trong tư thế ngồi trên bệ chân buông xuống, đầu đội mũ cánh chuồn, râu đen. Đối xứng với tượng Đức Ông là Thánh Tăng tạc với hình tượng nhà sư khuôn mặt hiền từ, đầu đội mũ tỳ lư thất phật, tay thuyết pháp. Tiếp đến là Địa Tạng Bồ Tát tạc trong tư thế đứng trên toà sen, đầu đội mũ tỳ lư, mình khoác áo cả sa, tay phải cầm gậy, lòng bàn tay trái đỡ viên ngọc.

Toà Thượng điện bao giờ cũng là trung tâm của sự thờ cúng, ở đây làm bàn thờ thành bậc từ cao xuống thấp. Các lớp tượng được bài trí như sau: Trên cùng, ở vị trí cao nhất là bộ tượng Tam thế được tạo tác tương tự nhau. Ba pho tượng được tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng, ngồi trên toà sen. Lớp thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam Tôn, chính giữa là tượng A Di Đà, hai bên tả hữu là hai vị Quan Thế Âm bồ tát và Đại Thế Chí bồ tát. Tượng A Di Đà tạc trong tư thế ngồi kiết giả trên đài sen, hai tay đan vào nhau đặt ngửa trong lòng dùi. Tượng có sọ nở, u nhục kháo to nở cao. Các cụm tóc kết hạt, xoắn ốc nhỏ. Mặt tượng trái xoan đầy đặn, mắt tượng nhìn xuống, tai to chảy dài, áo tượng hai lớp rủ xuống giống như cánh sen úp, ngực khắc chữ “vạn”. Lớp thứ ba là Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn được nghệ nhân tạo tác bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Chân dung tượng phúc hậu, hiền hoà, tử thân vươn ra 11 đôi cánh tay cứu độ chúng sinh. Trợ thủ hai bên là Kim Đồng, Ngọc Nữ. Lớp thứ tư là bộ tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Tượng Ngọc Hoàng tạc trong tư thế ngồi trong long ngai. Đầu đội mũ bình thiên, hai tay đan vào nhau, chân đi hia mình mặc áo long cổn có cẩn rồng, mây, hổ phù. Hai pho Nam Tào, Bắc Đẩu được tạo tác tương tự nhau, đầu đội mũ cánh chuồn. Đây là hai vị vua trông coi sự sinh tử trên trần gian. Lớp cuối cùng trên Thượng điện là Toà Cửu Long, ở giữa là tượng Thích Ca sơ sinh đứng trên toà sen, mình trần, tay trái chỉ trời, tay phải chỉ đất theo tích nhà Phật, xung quanh là chín con rồng và các nhạc sỹ thiên thần chào mừng Đức Thích Ca khi mới ra đời. Hệ thống tượng thờ trên là các tác phẩm nghệ thuật thế kỷ XX, được tạo tác theo phong cách tạc tượng truyền thống góp phần lớn tạo nên linh hồn ngôi chùa Việt. Ngoài hệ thống tượng Phật, tại các hạng mục này còn bài trí các hiện vật khác như chuông, câu đối, y môn, lộc bình… Trong đó tiêu biểu là quả chuông “Hoàng Phúc tự chung” niên đại Bảo Đại Kỷ Mão (1939).

Nhà Mẫu được xây phía sau chùa chính gồm ba gian, kiểu thức kiến trúc đơn giản. Gian giữa đặt ban thờ Tam toà Thánh Mẫu, Ngũ vị Tôn ông, các ông Hoàng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đức Thánh cha Trần Triều Hưng Đạo Vương. Họ đều được coi là các nhân thần, có công giúp dân giúp nước, được nhân dân thờ phụng.

Di vật

Nhìn chung các hạng mục kiến trúc đình – chùa Hoàng Xá tuy không đồ sộ nhưng cũng khá rộng để thuận lợi việc bài trí các di vật, đồ thờ. Việc bài trí ở đây khá tập trung và hợp lý Các di vật tại đình chùa Hoàng Xá khá đa dạng về loại hình, số lượng, chất liệu có đồ đá, đồ đồng, đồ gỗ, sứ, đồ giấy. Trong đó có một số di vật tiêu biểu như: hệ thống các bia đá, bức hoành phi, cuốn thư, chuông chùa có niên đại Nguyễn muộn, đặc biệt là một cuốn Ngọc phả có niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 6 (1740). Ngoài ra, các di vật khác như các bộ long ngai, bài vị, nhưng án tuy có niên đại thế kỷ XX nhưng được các nghệ nhân tạo tác khá công phu, tỉ mi.

Lễ hội

Hàng năm, lễ hội làng Hoàng Xá được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 13 tháng hai âm lịch đây là dịp kỷ niệm ngày sinh của vị thành hoàng bà Quốc Nương công chúa để tưởng nhớ ấn đức của bà và thân mẫu là Hoa Nương phu nhân. Trong lễ hội còn có có sự tham gia của các làng kết chạ là Xuân Thuỵ và Cự Dũng (xã Tân Quang, tỉnh Hưng Yên).

Có thể nói, lễ hội làng Hoàng Xã hội tụ được những nét đặc trưng cơ bản của lễ hội truyền thống đồng bằng Bắc Bộ. Lễ Mộc Dục diễn ra vào ngày 11 tháng 2. Nước dùng trong nghi lễ mộc dục là lấy ở sông Cầu Chùa, đoạn qua gốc đào (nơi sinh bà Quốc Nương). Lễ vật dâng cúng Thành hoảng gồm cả lễ chay và lễ mặn đặt ở sập giữa sân đình. Lễ chạy đặt phía trên gồm hương đăng, hoa quả, oản gạo. Lễ mặn đặt phía dưới gồm xôi, thịt lợn, rượu. Trước Cách mạng tháng Tám, mỗi dịp lễ hội làng tổ chức rước kiệu. Kiệu rước là kiệu long đình, trên kiệu đặt bài vị, hương đăng, hoa quả. Đoàn rước bắt đầu từ đình làng đi theo con đường giữa cánh đồng dẫn tới miếu (Nghè) thờ (tương truyền đây là vị trí gốc đảo nơi Hoa Nương phu nhân sinh ra nàng Quốc Nương công chúa) hiện còn cây duối hàng nghìn năm tuổi. Làm lễ tại Miếu sau khi làm lễ xong rước kiệu về đình. Kiệu có bèn người khênh. Đằng sau kiệu là các cụ của các làng kết “chạ”, tiếp đến là các ông chức sắc của làng.

Ngoài phần tế lễ và rước kiệu, trong thời gian diễn ra lễ hội, tại đình còn các trò diễn dân gian như: đánh đu, kéo co… diễn ra ở đầu đình.

Đình Chùa Hoàng Xá được UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định xếp hạng là di tích Lịch sử Nghệ thuật năm 2010.

Tham khảo

Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm (2010), Di tích lịch sử văn hóa cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm, tài liệu lưu hành nội bộ.

 

Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ
Chua Hoang Xa 2

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)