Tên gọi và vị trí địa lý
Đình Đại Từ được đặt theo tên làng Đại Từ xưa, nay tọa lạc phố Đại Từ, phường Đại Kim, Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Thời phong kiến, làng Đại từ cùng với làng Linh Đàm (Linh Đường), hợp thành xã Linh Đàm; từ sau hòa bình, hợp với các làng Kim Lũ, Kim Giang, Kim Văn thành xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.
Lịch sử và nhân vật
Đình thờ Thành hoàng là học trò của Chu Văn An có tên là Bảo Ninh Đại Vương. Theo truyền thuyết là một vị thuỷ thần có công làm mưa chống hạn cho dân làng. Sách Lĩnh Nam chích quái, gọi đó là vị thần ở chằm Lân Đàm, có chép rằng: “Thần Lân Đàm chính là thần rồng vậy. Xưa thần thường hóa thành người để tìm thầy học đạo. Thầy học lấy làm lạ bèn tìm chỗ ở của thần, thấy thần náu ở trong chằm. Thầy học thường tra hỏi, thần bèn nói thực rằng: “Năm này trên Thiên đình ngừng việc làm mưa.” Thầy học cố nài thần ra làm mưa. Thần bất đắc dĩ phải nghe lời. Sau trong chằm có biến động, thầy học tới chằm thấy thần hút nước trong nghiên phun thành mưa mực để trừ hạn hán. Thượng Đế cho là việc đã tiết lộ bèn bắt tội thần. Thây thần nổi ở trên chằm, thầy học thu về an tang, nhân đặt tên chằm là Long Đàm, sau đổi thành Lân Đàm”[1]
Về sau, nhân vật người thầy trong câu chuyện này được cụ thể hóa thành nhà giáo Chu Văn An. Sách Di tích lịch sử văn hóa Hoàng Mai chép rằng: “Vào đời Đại Khánh, Chu Văn An dạy học ở xã Cung Hoàng, có một người học trò tuấn tú đến xin học, ngôn ngữ, cử chỉ khác hẳn người thường, ông lấy làm ngờ dò xem người ấy ở đâu. Một hôm thầy dậy sớm, trông ra xa thấy người ấy ở dưới nước đi lên. Bấy giờ, trời đại hạn đã lâu, các địa phương cầu đảo đều không ứng nghiệm. Ông bèn đem thực tình nói với người ấy, người ấy còn thoái thác, sau khi ông thành tâm cầu khẩn mới nói: Vì trời hạn nên con mới tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi chơi. Hiện nay Tứ Hải, Tam Hà, Cửu Giang, Tứ Độc cùng khu cứ ở các địa phương đều có lệnh cấm, chỉ có một chút nước trong cái nghiên làm sao mà tưới khắp cho được mọi chỗ? Nhưng đã có lời dạy bảo của thầy con sẽ xin chút giải nỗi khổ khô khan cho một tổng. Bảo Ninh Vương thưa với Chu Văn An rằng: “con biết trái lệnh Triều đình là sẽ bị trừng phạt, nhưng con xin làm để tuân lời thầy và giúp dân.” Sau đó thần lấy nghiên mực và đem bút ra giữa sân mài mực đầy nghiên, rồi ngửa mặt lên trời đọc khấn thần chú, cầm bút chấm mực, thần bèn ném tung cả nghiên bút lên trời. Lập tức mây đen kéo đến và đổ xuống một trận mưa rất lớn kéo dài đến tối. Sau đó có tiếng sét đánh và trời ngớt mưa nhưng cánh đồng đã no nước, lúa đã được cứu sống lại. Sáng hôm sau người ta thấy một thây thuồng luồng bị sét đánh chết nổi lên ở đầm. Chu Văn An được tin đó cho là người học trò của mình đã thác. Ông thương tiếc vô hạn sai người làm lễ an táng. Nhân dân các vùng lân cận kéo đến giúp sức, và sau đó lập đền thờ để tưởng nhớ công đức của thần.”[2] Đó là miếu Gàn trên địa bàn quận Hoàng Mai hiện nay. Về sau vua ban sắc phong thần là Bảo Ninh Đại Vương, cho tổng Hoàng Liệt thờ cúng và tôn làm thành hoàng. Từ đó, thôn Đại Từ cũng thờ ngài làm Thành hoàng làng.
Kiến trúc cảnh quan
Từ ngoài vào đình Đại Từ là nghi môn xây kiểu bốn cột trụ biểu, hai trụ giữa đỉnh trụ là hình 4 chim phượng chụm đuôi vào nhau quay về 4 hướng tạo hình chái giành; phần ô lồng đèn đắp nổi đề tài tứ linh, thân trụ bổ khung ghi câu đối. Hai cột bên nhỏ hơn, đỉnh trụ đặt hai nghê, phần dưới là ô lồng đèn đắp nổi đề tài tứ quý. Qua nghi môn là hòn non bộ. Tiếp đến là sân lát gạch bát dẫn lối vào khu thờ tự gồm: Tiền Tế, Trung Tế và Hậu Cung.
Tiền Tế là một lớp nhà 3 gian, hai chái, mái lợp ngói ta, với bốn góc đao uốn cong, bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, bờ dải đắp kiểu bờ đinh. Phía trước là hệ thống cửa bức bàn mở đều ba gian, cửa gian giữa được chạm nổi các đề tài “tứ linh”, “tứ quý”, hai cửa bên không trang trí, hai chái phía trước trổ cửa hình chữ thọ để lấy ánh sáng cho di tích, nền nhà lát gạch bát, bậc thềm xây tam cấp, bộ khung nhà tiền tế được liên kết với nhau bằng 4 bộ vì đỡ mái làm theo dạng thức kết cấu kiểu “giá chiêng”.
Trung Tế là nếp nhà một gian, làm kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái, chính giữa bờ nóc là hình mặt trời, các góc đao uốn cong, phần cổ diêm trang trí bốn ô hình vuông được chia đều xung quanh, mái lợp ngói ta, bộ khung đỡ mái gồm 2 bộ vì kết câu kiểu “giá chiêng”.
Hậu Cung là nếp nhà 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai đầu hồi đắp hình hổ phù, bên dưới trổ hai cửa sổ, mái phân “thượng nhị hạ tam”, gồm có 4 bộ vì đỡ mái kết cấu kiểu “kèo cầu quá giang”. Nền nhà lát gạch men. Tại gian giữa hậu cung đặt long ngai bài vị thành hoàng, bên trên là bức đại tự “Uyên do phổ huệ” (Uyên thâm thông tuệ). Hiện nay trong đình còn bảo lưu một số đôi câu đối bằng chữ Hán có nội dung ca ngợi Bảo Ninh Đại Vương:
Thánh thần văn vũ tam đức phối càn khôn
Trung chính húy tinh nhất khí phân hà hải
Dịch nghĩa:
Thánh thần văn võ tam đức phối đất trời
Trung chính tinh anh nhất khí chia sông biển
Hay:
Hưu quang tùy thế thiên thu miếu mạo phái thiên hương
Linh tuệ thông thần nhất thương nghiên đảo lưu vũ trạch
Dịch nghĩa:
Sáng suốt tùy thời ngàn năm miếu mạo nhánh hương trời
Thần linh thông một trời nghiên đảo lưu mưa móc
Hiện vật
Hiện nay, đình Đại Từ còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị như: ngai thờ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX; khám thờ trang trí chạm nổi, chạm thủng hình rồng chầu mặt trời, hoa lá có phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX và hệ thống hoành phi, câu đối, kiệu thờ, hương án, hạc thờ, đỉnh đồng, bát bửu, ngựa thờ … có phong cách nghệ thuật thế kỷ XX. Đây là những di vật không chỉ mang giá trị lịch sử và còn có giá trị văn hóa, nghệ thuật, tạo nên sự linh thiêng cho di tích.
Lễ hội
Cũng như nhiều làng quê khác quanh vùng thờ Bảo Ninh Đại Vương, làng Đại Từ mở hội vào ngày 10 tháng 2 Âm lịch. Vào ngày này các cụ cao tuổi cùng dân làng và các con cháu đi làm xa quê hương lại trở về đây thực hiện các nghi lễ cúng tế và thắp nén hương thơm tưởng nhớ tới thần Thành hoàng làng có công với dân với nước.
Chú thích
[1] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, Nxb Trẻ, 2016, tr. 115.
[2] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2010, tr. 266 – 267.
Tham khảo
- Trần Thế Pháp (2016), Lĩnh Nam chích quái, Nxb Trẻ.
- TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa – Thông tin.