Đình – Đền Đông Thiên (Hoàng Mai, Hà Nội)

Đình – Đền Đông Thiên (Hoàng Mai, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đình, đền Đông Thiên được xây dựng từ thời Lê Thánh Tông trên vùng đất thuộc thôn Đông Thiên, xã Vĩnh Tuy, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Nay thuộc ngõ 200, phố Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Lịch sử và nhân vật

Theo cuốn thần tích hiện còn lưu tại đình Đông Thiên cho biết, đình phụng thờ hai vị phúc thần là Nha Cát Linh Ứng Đại Vương và vợ là Nguyệt Nga công chúa Trinh Thiên phu nhân. Đền Đông Thiên thờ Tam Toà Thánh Mẫu.

Về lai lịch của Nha Cát đại vương được ghi chép trong thần tích: “Năm Hồng Đức thứ 2 (1471), quân Chiêm Thành tiến sang xâm lược bờ biển nước ta, tàn phá của cải, súc vật của nhân dân. Thư từ biên cương cấp báo, nhà vua hội các triều thần và nói rằng: một điều khoan thứ của các vua trước khiến muôn dân được yên ổn. Trẫm từ lúc lên ngôi đến nay, ban bố ân đức và biểu dương sức mạnh, ta đã làm cả, thế mà quân Chiêm dám trái mệnh quấy nhiễu biên cương nước ta. Nay trẫm phải kéo quân đi hỏi tội giặc…”[1] Kết quả nhà vua đã đánh tan quân giặc, chém chết 50 vạn, bắt sống 50 voi chiến và một vạn mấy nghìn quân Chiêm, trong đó có Nha Cát và Nguyệt Nga. Vua mở hội ăn mừng và xuống chiếu phàm tù binh ai bắt được thì tha cho về sống lệ thuộc ở đó.

Lúc đó vua Chiêm là Nha Cát, vợ là Nguyệt Nga công chúa đã ở vùng sông Lý Nhân. Nửa đêm Nguyệt Nga đến trước mặt vua mà than rằng: sống làm vua một nước cũng là sống, chết vinh vì nạn nước thì tuy chết cũng vinh chứ đâu tham sống, lẽ nào vì chút tình nữ nhi mà quên đi niềm phẫn uất. Nói rồi ngầm lấy chăn cuộn vào người nhảy xuống sông mà tự vẫn. Vua nghe nói kinh sợ và than rằng: phong tục của người mọi rợ lại có người kiêu hãnh dám trung hậu trinh tiết đến như vậy. Nói rồi sai người Chiêm và quân sĩ tìm xác và chôn cất tử tế. Nhà vua lại ban chiếu chỉ phàm những nơi đất công hoang dã thì cho tù binh Chiêm khai phá, trồng cấy, lập nghiệp sinh sống. Tại Tây Dư, huyện Thanh Đàm có vùng đất màu mỡ, người Chiêm đã sinh sống tại đây. Vua sai dựng một cái nhà tranh để thờ vua Chiêm Nha Cát tước phong đại vương. Vì chữ Nha trùng với tên phu nhân An Định nên đổi là Nhã và phối thờ công chúa Nguyệt Nga. Theo truyền thuyết, ngôi nhà tranh đó có thể là tiền thân của đình Đông Thiên hiện nay.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Tháng 8 (1470), quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thuỷ bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hoá. Tướng trấn giữ biên thuỳ ở châu Hoá là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dân vào thành, rồi cho chạy thư cáo cấp”[2]. Tháng 11, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu thân hành đi đánh Chiêm Thành:  “Trước đó, người Chiêm Thành ở Thi Nại 2 Bàn La Trà Duyệt là con người vú nuôi, giết chúa hắn là Bí Điền mà cướp lấy nước, rồi truyền cho người em là Trà Toàn. Trà Toàn là đứa hung bạo làm càn, dối thần ngược dân, người Chiêm mưu phản, Toàn cũng không nghĩ chi đến, lại còn ngạo mạn kiêu căng, không sửa lễ tiến cống, lăng nhục sứ thần của triều đình, quấy nhiễu dân biên giới. Lừa gạt người Minh để xin viện trợ mà sang ăn cướp.”[3]

Đến năm 1471: “Ngày mồng 1 tháng 3 hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về.”[4] “Ngày mồng 2, vua thấy đã phá được thành Chà Bàn, liền xuống chiếu đem quân về. Vua thấy thuyền Trà Toàn đi chật hẹp, không chứa được hết vợ cả, vợ lẽ hắn, sai cho chọn hai người cùng đi. Còn những người khác, khi về đến kinh sư, sẽ trả lại cả.”[5] Ngày 15, vua đã dẹp được Chiêm Thành, bắt sống Trà Toàn, bèn tự mình viết bài chiếu báo tin thắng trận, sai quan mang về kinh sư bố cáo thiên hạ biết.”[6] Tuy nhiên, trên đường về Kinh, Trà Toàn vì bệnh mà chết.

Như vậy đối chiếu với Ngọc phả của đình Đông Thiên cho thấy sự kiện năm Hồng Đức thứ 2 (1471) vua Lê Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm Thành là có thật, chỉ có khác tên vua Chiêm Thành là Trà Toàn, còn tên ghi trong ngọc phả của đình lại là Nha Cát. Điều này lý giải có thể là do cách phiên âm tên người Chiêm có khác nhau chăng?

Đình, đền Đông Thiên ngoài việc thờ Thành hoàng làng và thờ Mẫu còn có chức năng là trung tâm sinh hoạt văn hoá của làng xã, nơi tổ chức lễ hội làng và gắn liền với những sự kiện lịch sử đương thời. Thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 năm 1945, đình, đền là nơi hội họp, là nơi phát ra lệnh khởi nghĩa cướp chính quyền của xã Vĩnh Tuy. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nơi đây được dùng làm hậu cứ tiếp cận với Thủ đô, là nơi các đơn vị bộ đội, du kích tập kết để đưa vào nội thành tấn công Cảng Hà Nội và bốt Vĩnh Tuy. Với thành tích đó xã Vạn Xuân (gồm Vĩnh Tuy, Nam Dư và Thanh Trì) đã được nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba.

Kiến trúc cảnh quan

Đình và đền Đông Thiên được xây dựng liền kề nhau trên một khu đất rộng giữa khu vực cư trú của làng. Trước kia diện tích của đình và đền rộng khoảng 2 ha. Phía trước có nhiều cây cổ thụ quanh năm tỏa bóng mát tạo cảnh quan cho di tích. Ngôi đình cổ trước đây có quy mô bề thế, đủ các hạng mục: Đại Đình, Nghi Môn, hai dãy Dải Vũ. Bộ khung đỡ mái đình được làm bằng gỗ lim, các cột gỗ đỡ mái được kê trên chân tảng đá xanh, vì kèo kết cấu kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”, với những đầu bẩy, đầu dư được chạm trổ trau chuốt. Theo mô tả cho thấy ngôi đình trước đây mang phong cách kiến trúc dạng đình thời Lê thế kỷ XVII – XVIII, nhưng rất tiếc do nhiều nguyên nhân mà ngôi đình, đền cổ đã bị biến dạng.

Năm 1999, đình đền Đông Thiên được đại trùng tu, là một công trình tu bổ di tích đã được Hội đồng thi đua khen thưởng của huyện Thanh Trì gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội.

Phía trước Nghi Môn là hồ bán nguyệt được bó vỉa gạch xung quanh tạo cảnh non bộ. Qua Nghi Môn là khoảng sân rộng lát gạch bát. Phía trong sân là toà đình chính kết cấu kiểu chữ Đinh. Nhà Đại Bái 5 gian xây kiểu mái hạ đao, lợp ngói mũi hài, bốn đao mái được tạo cong vút, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, chính giữa bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu mặt trời lửa, hai đốc mái đắp hình rồng, miệng ngậm bờ nóc mang phong cách kiến trúc thời Lê. Nhà xây trên nền cao hơn mặt sân 65cm, xung quanh nền bó vỉa gạch, xây ba bậc lên nền nhà. Trước toà Đại Bái đặt hai tượng nghê bằng đá trắng. Bộ khung đỡ mái sáu hàng chân cột, các bộ vì kết cấu kiểu truyền thống. Phía trước mở hệ thống cửa bức bàn ở ba gian, kiểu “thượng song hạ bản”. Nền nhà lát gạch bát. Tòa Hậu Cung ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Các bộ vì đỡ mái kết cấu kiểu vì “chồng rường”. Tòa hậu cung được chia thành hai phần ngăn cách nhau bởi hệ thống cửa và tường gạch. Gian ngoài được sử dụng là toà Thiêu Hương, đặt một hương án gỗ trên bày các đồ thờ tự. Gian trong là cung cấm thâm nghiêm được xây ban thờ Thành hoàng làng, gian thờ này bài trí hai cỗ long ngai thờ hai vị phúc thần của làng cùng nhiều đồ thờ tự như bát hương, bộ tam sự, cây đèn, lọ hoa…

Đền Đông Thiên là một công trình kiến trúc tín ngưỡng mới được phục dựng trên nền cũ gồm nhiều hạng mục. Phía trước sân xây hai lầu kiểu nhà vuông, mái lợp giả ngói ống, nội thất xây ban thờ các vị thần bản thổ. Phía trong là khoảng sân lát gạch đỏ. Tiếp đến là nhà Tiền Tế xây trên nền cao hơn mặt sân 15cm kiểu nhà phương đình. Bộ khung đỡ mái được tạo bởi hệ thống cột đá có trang trí hoa văn. Phần mái được trang trí các mảng chạm hoa văn hình rồng khá đẹp. Phía trong tòa phương đình là kiến trúc chính của đền kết cấu kiểu chữ Đinh gồm Tiền Tế và Hậu Cung.

Tiền Tế là một nếp nhà 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Nội thất được chia tách thành hai tòa riêng biệt chức năng. Tòa 3 gian là nơi đặt ban thờ các vị Thánh của đạo Mẫu. Phía trong là cung thờ đặt tượng Thánh Mẫu. Gian bên trái được xây ngăn cách riêng để thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Gần đây nhất, đầu năm 2024, nhân dân quận Hoàng Mai đã tiến hành trùng tu , tôn tạo đình đền Đông Thiên. Sau gần 1 năm thi công Đình, Đền Đông Thiên đã được hoàn thiện gồm các hạng mục Đình chính, Tiền tế, Đền Mẫu, Văn chỉ, Nghi môn, Giếng ngọc và các công trình phụ trợ gồm Cổng chính, cổng phụ; Lầu cô, lầu cậu, ban thờ mẫu trung thiên; Nhà vệ sinh; Nhà bếp; Nhà thủ từ; Nhà khách; Nhà soạn lễ; Am hóa vàng … trên tổng khuôn viên có diện tích 3.550m2. Trong đó khu Đại đình có diện tích 238m2 với quy mô 5 gian nhà gỗ và hậu cung được xây dựng theo kiến trúc đình cổ, bờ nóc đắp kìm nóc và Long chầu mặt nguyệt… đảm bảo giữ nguyên được nét truyền thống và bảo tồn được nét thuần phong mỹ tục vốn có.

Hiện vật

Đình, đền Đông Thiên hiện còn lưu giữ bộ di vật có giá trị lịch sử nghệ thuật tiêu biểu của thế kỷ XVIII – XIX như: 2 cỗ kiệu rước chạm rồng sơn thếp vàng lộng lẫy phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII; 1 cỗ kiệu long đình; 1 sập thờ chân quỳ dạ cá; 1 bộ bát bửu thanh đao thiếp vàng; 2 cỗ long ngai bài vị; 2 hạc thờ; 1 tấm bia hậu; 7 đạo sắc phong phong thần, trong đó sắc có niên hiệu sớm nhất là Cảnh Hưng (1783), muộn nhất là Khải Định (1925). Trong số các di vật còn lưu giữ tại di tích tiêu biểu nhất là hai cây quán tẩy – một di vật quý hiếm mang nét chạm độc đáo tiêu biểu cho nền nghệ thuật thế kỷ XVII – XVIII.

Xếp hạng

Đình, đền Đông Thiên là cụm di tích có giá trị lịch sử văn hoá, năm 1990 đã được Bộ Văn hoá xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Chú thích

[1] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa Thông tin, 2010, tr. 323 – 324.

[2] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản mộc bản khắc năm chính hòa thứ 18 (1697),  Nxb Khoa học xã hội, 1993, tr. 464.

[3] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 464.

[4] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 469.

[5] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 470.

[6] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 471.

Tham khảo

  1. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,…  (1993) Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản mộc bản khắc năm chính hòa thứ 18 (1697),  Nxb Khoa học xã hội.
  2. TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa Thông tin.
5/5 (2 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)