Đình – Đền Nguyễn Minh Không, chùa Địch Lộng (Gia Viễn, Ninh Bình)

Đình – Đền Nguyễn Minh Không, chùa Địch Lộng (Gia Viễn, Ninh Bình)

Thông tin cơ bản

Chùa Địch Lộng (hay động Địch Lộng) thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Du khách từ Hà Nội theo đường quốc lộ 1A về phía Nam, qua cầu Đoan Vĩ, còn gọi là cầu Khuất (quen gọi là cầu Khuốt), rẽ tay phải đi khoảng 1 km nữa là đến. Chùa ở lưng chừng núi Địch Lộng, có độ cao so với chân núi khoảng 80m.

Lịch sử và không gian

Từ xa xưa, quá trình phong hoá castơ của núi đá vôi ở đây đã tạo ra hang động, nhưng cây cốì mọc um tùm không ai biết. Theo nhóm tác giả cuốn Chùa cổ Việt Nam cho biết: “Tương truyền, vào năm 1739 một tiều phu đi kiếm củi, leo lên núi đã phát hiện ra cửa động, vào trong lại thấy có nhiều nhũ đá đẹp, đặc biệt trông thấy nhũ đá có hình giống như tượng Phật nên lập ban thờ thờ Phật trong đó. Theo văn bia để lại, mãi đến năm Canh Thân, triều vua Lê Hiển Tông, niên hiệu cảnh Hưng thứ nhất, tức là năm 1740, động mới được biến thành chùa thờ Phật, gọi là chùa Cổ Am”[1].

Gọi là chùa Địch Lộng, nhưng thực ra là cụm đình, đền, chùa cổ kính và ba hang động thông nhau do tạo hóa kiến tạo nên, hoà nhập, đan xen trong cảnh trí thiên nhiên khoáng đạt. Hệ thống kiến trúc đình, đền, chùa được xây dựng dưới chân núi theo thế chữ “Tam” trên một khu đất rộng hơn 1 ha. Quần thể di tích gồm: đình đá (có 16 cột đá nguyên khối), đền thờ Lý Quốc Sư, hồ bán nguyệt, 5 tháp cao ba tầng và ba gian chùa Hạ, khu vườn Phật và vườn tháp ở hai bên.

Du khách vào chùa Địch Lộng nếu đi theo lối phía nam, đầu tiên là Tam quan uy nghiêm, thanh thoát rồi đến sân gạch. Tiếp đó là ngôi đình, nhân dân địa phương xây dựng từ thời Nguyễn. Khu vực phía đông ngôi đình là hồ bán nguyệt rộng và một vườn tháp có 5 tháp cao 3 tầng – nơi chôn cất các vị sư đã trụ trì và mất ở đây. Phía tây của ngôi đình, sát chân núi đi qua cầu Vòm nhỏ là đến ban thờ Phật Bà Quan Âm. Dưới cầu Vòm, lui vào chân núi là hang Ngang xuyên qua núi Địch Lộng và những núi khác dài khoảng 3.000m, ăn thông ra đến sông Đáy. Nếu nước sông Đáy dâng cao, sẽ chảy theo hang này vào đến đây. Khu vực vườn chùa rộng, được trồng nhiều cây đại thụ, cây ăn quả, cây hoa đan xen với các công trình kiến trúc. Đặc biệt có cây tai chua thân mọc thẳng, cành xiên ngang, tuổi thọ trên 100 năm và cây muỗm mọc trên núi đá đã sống gần 200 năm nay.

Đình, đền thờ Nguyễn Minh Không

Ngôi đình 5 gian sừng sững được gọi là Đình Đá, vì tất cả các cột, tảng, xà dù, cái bẩy đều bằng đá. Trước khi lên chùa, du khách vào ngôi đình đá này để tưởng niệm Thánh Nguyễn Minh Không.

Tám cột cái bằng đá xanh nguyên khối, tròn, to, cao hơn 4 mét đều được chạm nổi những con rồng lớn đang uốn lượn trong mây để hút nước, cá chép theo nước vượt lên. Có con rồng đầu ngước lên như đang vươn lên mây. Nhìn các cột đá chạm khắc rồng, du khách sẽ có cảm giác như được xem một đàn rồng lớn đang bay. Mỗi con rồng quấn quanh cột đều có một dáng vẻ khác nhau rất sống động. Tám cột quân to, tròn như cột cái, cao gần 3 mét, hai hàng trước sau, mặt tiền đều được chạm khắc nổi các câu đối chữ Hán ca ngợi cảnh đẹp nơi đây với những ý tưởng sâu sắc.

Hai cột giữa ở hàng trước (đọc từ trên xuống, theo bên tay phải du khách trước) là câu đối:

Ngật nhiên đê trụ ngọc càn khôn
Trác nhĩ thạch đài kim thế giới.

Tạm dịch:

Cột trụ sừng sững giữa trời đất làm đẹp cho đời,
Cái bàn đá tuyệt mỹ làm giàu cho thế gian.

Hai cột hai bên ở hàng trước là câu đối:

Thiên tứ ân quang dân phổ trạch,
 Địa chung linh ứng phúc du đồng.

Tạm dịch:

Trời ban ân huệ cho dân được rất nhiều,
Đất trụ linh thiên phúc sẽ còn mãi mãi.

Hai cột ở giữa hàng cột sau là câu đối:

Vạn cổ quân cao xuân hải lượng,
Lịch triều hoa cổn đẩu tinh huyền.

Tạm dịch:

Từ xa xưa tài đức của nhà vua lớn như biển cả,
Trải bao triều đại tinh hoa các bậc đế vương vẫn soi chung.

Hai cột ở hai bên hàng sau là câu:

Hợp cảnh hoa phong văn địa vật
Tư dân phong lẫm thái bình thiên.

Tạm dịch:

Nơi đây là đất văn vật phong cảnh tinh hoa đẹp,
Trời đất thái bình đem lại cho dân cuộc sống phong lưu.

Tất cả 16 cột đá này đều được đặt trên những tảng đá có rồng lớn cao 0,6m. Rất hiếm có ngôi đình nào có toàn bộ phần chính của nhà được làm bằng đá xanh nguyên khối cao, to, chạm khắc công phu và tỉ mỉ như vậy! Ở đây đã thể hiện tài năng chạm khắc đá của các nghệ nhân vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử.

Gian giữa của ngôi đình đặt một sập gỗ và bàn thờ để bài vị đá thờ Nguyễn Minh Không. Hai bên cắm bát bảo (tám vật quý).

Qua đình là đền thờ Nguyễn Minh Không, ba gian. Hai gian tả hữu đặt hai bài vị thờ. Gian giữa thờ tượng Nguyễn Minh Không bằng gỗ sơn son thếp vàng lộng lẫy cao gần 1 mét. Hai bên tượng để các hộp đựng sắc phong.

Tương truyền Nguyễn Minh Không đã từng đơm đó ở núi Kẽm Trống (nay thuộc xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tình Hà Nam), còn có tên là Kiệm Lộng. Lê Thánh Tông có bài thơ khắc vào núi, nên còn gọi là núi “Đề Thơ”. Năm Đức Long thứ 2 (1630), đời Lê Thần Tông, trong sử chép: “Đá ở núi Kiệm Lộng, huyện Gia Viễn bị lở sụt”[2]. Giữa Kẽm Trống có một mô đá nhô lên, nhân dân địa phương gọi là “Nút Đó” của Nguyễn Minh Không. Ở núi Đề Thơ và núi Rùa bên kia sông Đáy còn có hai “lốt chân” tương truyền là hai lốt chân của Nguyễn Minh Không khi đi đơm đó.

Chùa Địch Lộng

Du khách thắp hương tưởng niệm Thánh Nguyễn Minh Không ở đền xong, quay trở ra qua ngôi đình đá, rồi ngược lại thấy chùa Hạ 3 gian ở sau đền thờ Nguyễn Minh Không. Chuôi vồ là Hậu cung của chùa Hạ thờ Phật. Trong gian giữa, phía trên cao treo một cuốn thư có hai chữ Hán: “Lưu Ly” ở giữa, hai chữ hai bên là “Bảo”, “Điện”, có nghĩa là chùa này quý như ngọc Lưu Ly. Gian bên tay trái du khách phối thờ sư tổ và treo một quả chuông. Đặc biệt ở gian bên tay phải du khách, đặt một ngai đá thờ và các đồ thờ đều làm bằng đá như: đài mâm tơ, bát hương…

Lễ ở chùa Hạ xong, theo đường lên chùa, men theo sườn núi, bước lên 9 bậc đá, rẽ tay phải, du khách sẽ đến phủ Đức Ông. Đây là bàn thờ thứ chín của chùa. Trong phủ Đức Ông đặt tượng Đức Ông mặt đỏ, có nhiệm vụ trông coi toàn bộ cảnh chùa.

Dưới sân gạch, trước phủ Đức Ông có ba tấm bia đá tạc thời Nguyễn vào các đời vua: Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định đều nói về việc tu sửa chùa. Trong đó, bia A-Di-Đà-Phật (KH: 17213). Bia một mặt có kích thước 68 x 135 cm, gồm 18 dòng chữ Hán, toàn văn ước khoảng 800 chữ, có hoa văn, không có chữ húy. Niên đại: Khải Định thứ 5 (1920). Nói về việc: “Nhà sư Nguyễn Hữu Tụng ở chùa Cổ Am (tên cổ của chùa Địch Lộng), vào năm Định Tỵ, niên hiệu Khải Định (1917) và Mậu Ngọ (1918) hiệp cùng các vị quan viên, chức sắc và mọi người trong xã xuất tiền của đúc 46 pho tượng bằng đồng, rồi tu sửa lại chùa. Ghi lại họ tên của những người đó, ước khoảng 60 người”[3].

Từ phủ Đức Ông, men theo sườn núi, leo gần 100 bậc đá nữa, du khách sẽ tới chùa Địch Lộng. Đến đây, du khách sẽ sửng sốt trước cảnh tạo hóa đã kiến tạo nên một cửa động cao, rộng đẹp đến kinh ngạc. Nhìn lên cao, du khách sẽ thấy trên cửa động có 6 chữ đại tự: “Nham Sơn động, cổ Am tự” (chùa cổ Am, động Nham Sơn). Vì thế có thể gọi chùa Địch Lộng là chùa cổ Am và động Địch Lộng là động Nham Sơn.

Hai bên tả hữu của động có hai tượng Hộ pháp đối diện nhau như đứng canh cổng chùa, tạo cảm giác tự tin, ấm áp. Vách động bên tay trái du khách, ở trên cao khoảng 8 mét, treo một quả chuông lớn cao hơn một mét, nặng khoảng một tấn, đúc vào thời Nguyễn. Trên chuông có khắc thác bản văn Nham Sơn động Cổ Am tự/ Chú tạo hồng chung bi ký 岩山峝古庵寺/鑄造洪鍾碑記 (KH: 11051/11052/11053/11054) Niên đại: Minh Mệnh thứ 9 (1828). Nội dung chính là: “Bản xã có chùa Cổ Am ở động Nham Sơn là một thắng cảnh, trước đây chùa đã có chuông để thờ Phật, trải qua binh hỏa chuông đã bị phá hủy. Nay các ông Bùi Tiến Diêu là cựu Chánh tổng, Đinh Tiến Thể là cựu Xã trưởng cùng nhiều người khác đã hưng công đóng góp tiền của để đúc chuông cho chùa. Ghi họ và tên những người cùng đóng góp tiền bạc để đúc chuông”[4].

Ngay giữa cửa động là ban thờ “Mẫu Công đồng”. Hai cột đá giữa, phía bên khắc câu đối:

Cảnh trí thiên nhiên, Tây hồ phong nguyệt,
Anh kỳ địa quýnh, Nam quốc sơn hà.

(Tạm dịch: Non sông trăng gió chốn này vẫn là cảnh trí thiên nhiên của nưốc Nam ta đó).

Du khách bước sang bên tay phải là đến động thờ Phật. Đây chính là chùa Địch Lộng quay về hướng nam. Trước cửa chùa có các khối đá giống hình voi chầu, hổ phục, sư tử chầu như đang canh giữ bảo vệ cửa Phật.

Độ cao của động thờ Phật là 20m, nhiều nhũ đá đẹp lấp lánh như cái dù che, rủ xuống như chuông treo. Chiều dài của động khoảng 50m. Người dân ở đây đã lấy động làm chùa, chùa tức là động, rộng chừng 15 gian nhà to. Động cao sâu nên “chùa” càng rộng hơn. Trước cửa động có hai giếng ngọc chứa nước trên nhũ đá chảy xuốhg quanh năm. Hai bên cửa động lại có hai tượng Hộ pháp nữa đều cưỡi trên sư tử, chân đi giày. Tượng ông Thiện tay cầm quả đào trường thọ như muôn ban cho những du khách làm nhiều điều thiện để được trường sinh. Tượng ông Ác tay cầm thanh gươm như muốn trừng trị những kẻ sống bạc ác ở trên đời.

Cuốn Chùa cổ Việt Nam chép: “Trong “chùa” có bày nhiều tượng Phật. Cuối động, bên dưới có một phiến đá tự nhiên trên đặt ba pho tượng thếp vàng ban từ thời Thiệu Trị (1841 – 1847). Đó là Tam thế Phật. Hàng dưới là Di đà Tam tôn và đến một tượng Phật do nhũ đá hình thành. Tiếp theo là các hàng đặc các tượng: Thích Ca Mâu Ni, Di Lặc Tam tôn, Thích Ca sơ sinh, Ngọc Hoàng Thượng đế. Đặc biệt ở đây còn đặt hai tượng Phật Bà Quan Âm và A Di Đà được tạc bằng đá xanh nguyên khối, cả bệ, mỗi tượng nặng hơn một tấn. Tượng Phật Bà Quan Âm có rất nhiều cánh tay, bàn tay tủa tủa mọc ra từ đá nhẵn lỳ trông rất đẹp”[5]. Trên bàn thờ Phật còn để cây đèn sắt có 28 chỗ cắm nến, tượng trưng cho 28 ngôi sao sáng ở trên bầu trời gọi là “nhị thập bát tú”. Các pho tượng Phật uy nghiêm, nhân từ do con người tạo dựng hoà nhập với các nhũ đá của thiên nhiên. Tất cả hiện lên linh thiêng trong ánh đuốc bập bùng sáng tỏ, ánh nến lung linh và những loé đỏ của hương trầm phảng phất mùi thơm cõi thiền!

Lễ Phật xong, du khách theo ngách đá bên tay trái đi vào hang Tối. Nếu động thờ Phật là hàng thứ nhất, thì hang Tối là hang thứ hai.

Vào hang Tối, du khách sẽ thấy ngay khối nhũ đá to, tròn, nhẵn lỳ mọc từ nền hang nhô lên. Đó là bầu sữa mẹ của tạo hóa. Trong hang Tối có nhiều nhũ đá từ trên nóc động chảy xuống nền, tròn, cao hơn chục mét như những nhánh rễ cây đa cổ thụ thả xuống mặt đất, được gọi là các cột chống trời. Xung quanh hang và trần hang toàn là các nhũ đá. Du khách có cảm giác như lạc vào cõi trùng điệp của đá, có đủ mọi hình dáng ngoạn mục, theo trí tưởng tượng phong phú của con người mà có các tên gọi như: voi uống nước chum, hùm uống nước vại, voi chầu, hổ phục, phượng múa, cá giương vây, rồng cuốn nước, khỉ cõng con, gà ấp trứng, tằm ăn lá dâu, bà lão bán thuốc, bụt mọc, ngôi báu, điện ngọc, rồng vàng ấp tổ trong hang, sao sa, cây vàng, cây ngọc, có chỗ lô xô như ngàn lớp sóng, vẫn nhũ đá như những đám mây ngũ sắc đang bay. Còn nhiều nhũ đá tuyệt tác khác nữa chưa được đặt tên. Mỗi không gian của vách động, trần động là một bức tranh nghệ thuật, những nét chạm khắc tuyệt vời của thiên nhiên, hấp dẫn về hình khối, sống động trong đường nét, đạt đến mức tinh xảo mà con người không thể nào làm được.

Đi hết hang Tối, cửa hang thắt lại, phải bước lên cao khoảng 10 mét nữa mới đến hang Sáng.

Hang Tối và hang Sáng thông nhau. Ngay cửa hang Sáng có lối lên trời và lối xuống âm phủ đối diện nhau đã hình thành hai ngả âm dương. Cửa lên trời gọi là cửa Động con, lộ thiên ở tận đỉnh núi, nhìn thấy trời xanh thăm thẳm, ánh sáng lùa vào làm cho hang sáng lên, nên gọi là hang Sáng.

Lối xuống âm phủ sâu, cũng có nhiều thạch nhũ có hình dáng như: toà lầu của Diêm Vương, thuồng luồng, ba ba, rắn, rết và cả ngục quỷ sứ rợn người! Đường xuống âm phủ, nghe văng vẳng như có tiếng đàn thánh thót do nước từ các nhũ đá đều đặn rơi, tạo nên bản nhạc ngàn đời không bao giờ dứt. Tương truyền, người xưa bỏ một quả bòng có đánh dấu xuống hang sâu này vào mùa nước lớn, mấy ngày sau đã thấy quả bòng đó nổi lên ở sông Đáy.

Vì ở trên cao cửa hang Sáng thắt hẹp lại, có khoảng lộ thiên, hai hang Sáng và Tối nối liền nhau, ăn thông, lại dài khoảng gần 250m nên khi có gió thổi mạnh, trong động phát ra âm thanh của đá nghe như tiếng sáo. Động chính là một cái sáo khổng lồ bằng đá của tạo hóa, ngàn năm vi vu giữa trời đất bao la. Tên Địch Lộng có nghĩa là như thế! (“Địch” nghĩa là sáo, “Lộng” là gió).

Qua hai cột đồng trụ ở hang Sáng, du khách cũng nhìn thấy nhiều nhũ đá có các hình thù lạ như: Tiên sa, cá chép hóa long, rùa vàng, chùa ba hang, cầu gẫy, lợn sề béo trắng phau phau và cảnh:

Lò rèn thổi bễ khoan khoan,
Ngôn ngang kìm búa rộn ràng cảnh tiên.

Ở đây còn có ba gian thờ cô Chín giếng vì có 9 cái giếng nhỏ trong có cá chép và rùa bơi. Qua ban thờ cô Chín giếng là ban thờ Mẫu chúa kho của Địch Lộng, bên cạnh có cây tiền, cây thóc do nhũ đá hình thành. Tương truyền ai có nhân duyên muốn nhiều tiền, lắm thóc hãy sờ vào đây, về sẽ có lộc.

Điều độc đáo ở hang Tối và hang Sáng là các thạch nhũ, lấy đá gõ vào thì nghe lanh lảnh như tiếng chuông, bập bùng như tiếng trống, âm u như tiếng mõ. Âm thanh trầm bổng lạ kỳ! Người ta gọi đó là những dàn chiêng, dàn trông, dàn mõ. Đó là những thạch cầm của thiên nhiên.

Một điều rất đặc biệt nữa là trong hang có những dải nhũ thạch lấp lánh bảy sắc cầu vồng được gọi là “sao sa” và một số nhũ đá màu thay đổi theo ánh sáng mặt trời, hồng hồng lúc rạng đông, lấp lánh sáng như pha lê lúc trưa hè và lại đỏ thẫm khi hoàng hôn buông xuống. Chính vì thế, Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726 – 1784) người Thái Bình, khi ghé thăm động đã cho khắc thơ vào vách đá như sau:

Nham sơn bán khải thanh thành mục,
Thạch nhủ toàn nhu bích túc cầu.
Triều thuỷ thiên nhiên thường thướng lạ,
 Sơn hoa chung cổ tựa xuân thu.

Dịch nghĩa:

Cửa núi hé ra xanh xanh như cánh màn che rủ,
Nhủ đá mềm mại biêng biếc như quả cầu tròn.
 Nước thuỷ triều ngàn năm lên xuống,
Hoa trong khe núi đá trải bao thuở xuân thu.

Rất tiếc là bài thơ khắc trên vách đá của Lê Quý Đôn nay không còn nữa![6]

Đi hết hang Sáng, du khách sẽ ra đến cửa Hậu của động. Đứng đây nhìn ra, du khách bao quát được cả một vùng rộng lớn non nưởc Hoa Lư lịch sử. Kia là núi Dục Thuý, núi Ngọc Mỹ Nhân, các dãy núi của Cố đô Hoa Lư. Đây là sông Hoàng Long, dòng sông Đáy uốn lượn như những dải lụa xanh tươi. Tất cả là một bức tranh sơn thuỷ toàn bích làm cho du khách thấy tâm hồn thư thái, phơi phối xúc cảm trưốc cảnh đẹp của thiên nhiên.

Thời trước, muốn thăm chùa Địch Lộng, chỉ có một đường vào ra duy nhất theo hướng Bắc, phải đi thuyền qua hai bên núi sát liền nhau, vừa một lối nước chảy, thế rất chật hẹp giông như một cái cửa, gọi là Kẽm Trống. Ngồi thuyền, nhìn thế núi kỳ vĩ đổ bóng xuống dòng sông, với khẩu khí thơ riêng của mình, giầu cá tính và tràn đầy sức sông mang chất khôi hài và hóm hỉnh, bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương đã có bài thơ “Kẽm Trống”:

Hai bên thì núi, giữa thì sông,
Có phải đây là Kẽm Trống không?
Gió giật sườn non khua lắc cắc,
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong,
Ở trong hang núi còn hơi hẹp,
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng.
Qua cửa mình ơi nên ngắm lại,
Nào ai có biết nỗi bưng bồng.

Bài thơ được lan truyền nhanh, rất nhiều người thuộc lòng và thích thú. Theo tấm bia tạc năm Tự Đức thứ 7 (1854), chúng ta biết năm 1821, trong chuyến ra Bắc Hà, khi trở về kinh đô Huế, vua Minh Mạng nghe tiếng đồn chùa Địch Lộng đẹp, nên đã ghé thăm. Tương truyền Nhà vua ngự thuyền, sắp phải chui qua Kẽm Trống thì có một viên cận thần ngồi cùng thuyền đọc cho vua nghe bài thơ Nôm trên của Hồ Xuân Hương. Nhà vua nghe xong, mặt đỏ bừng tức giận nói: “Mụ quỷ! Mụ quỷ! Bất kể cái chi, đến cả đất trời đẹp đẽ là vậy, mụ ta cũng ngó ra cái đó!”. Vua Minh Mạng liền hạ lệnh dừng thuyền, cho đòi viên quan địa phương đến truyền đốc thúc nhân dân hai huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình và Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đào một con sông khác vòng cung quanh núi Kẽm Trống, để thuyền ngự đến thăm chùa Địch Lộng. Vua đã truyền, quan và dân là bề tôi phải nghe và làm. Thế là hàng ngàn người trai gái trong một ngày, một đêm đã đào xong một con sông dài 3km, rộng 10 mét, sâu 5 mét.

Sông đào xong, Vua Minh Mạng ngự thuyền đến thăm chùa Địch Lộng. Quả là một cảnh đẹp diệu kỳ, vua liền tặng cho 5 chữ “Nam thiên đệ tam động” (Động đẹp thứ ba ở trời Nam). Ngày nay, ở xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn còn di tích cái bến Ngự và con sông Đào ấy. Dĩ nhiên, trải qua gần 200 năm, con sông Đào nay chỉ còn là một lạch nhỏ.

 Trong cuốn Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn khi nhắc tới chùa Cổ Am có ghi: “Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), Vua đi Bắc tuần lên núi xem, năm thứ 3 (1822) phụng mệnh ban cho bốn pho tượng Phật bằng đồng mạ vàng và 15 lạng bạc. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) Vua Bắc tuần, sai viên giám thành vẽ bản đồ này tiến lãm và ban cho 100 quan tiền”[7]. Như thế, hai ông vua Minh Mạng và Thiệu Trị ở thời Nguyễn đã đến thăm chùa Địch Lộng và cúng tiến chùa.

Lễ hội

Ngày nay, du khách bốn phương trong và ngoài nước cũng đến thăm chùa Địch Lộng. Chùa Địch Lộng hàng năm đều tổ chức Lễ Hội vào thời gian từ ngày 6 đến 10 tháng giêng âm lịch, kéo dài đến hết tháng 3.

——————————-

Chú thích

[1] Vũ Ngọc Khánh (Chủ biên), Chùa cổ Việt Nam, Nxb Thanh niên, 2006.

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất thống chí, tập 3, Nxb Thuận hóa, 2006, tr. 289

[3] Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập IX, Nxb Khoa học xã hội, 2020, tr. 550

[4] Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập VI, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2010, tr. 364.

[5] Vũ Ngọc Khánh (Chủ biên), Chùa cổ Việt Nam, Sđd, tr. 404 – 405.

[6] Vũ Ngọc Khánh (Chủ biên), Chùa cổ Việt Nam, Sđd, tr. 407 – 408.

[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất thống chí, tập 3, Sđd, tr. 320.

Tham khảo

  • Vũ Ngọc Khánh (Chủ biên), Chùa cổ Việt Nam, Nxb Thanh niên, 2006.
  • Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất thống chí, tập 3, Nxb Thuận hóa, 2006, tr. 289
  • Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập IX, Nxb Khoa học xã hội, 2020, tr. 550
  • Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập VI, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2010, tr. 364.

 

5/5 (5 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ
Checkin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner app chỐn thiÊng 3 (60x90)