Tên gọi và vị trí địa lý
Đình Định Công Hạ thờ hai vị thành hoàng là chàng Công Sơ thời Hùng Vương và Đoàn Thượng tướng quân thời Lý.
Thời Lê, đình Định Công Hạ thuộc xã Bình Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín; cuối thời Nguyễn thuộc thôn Hạ, xã Định Công, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Hiện nay, di tích tọa lạc tại số 16 phố Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Lịch sử và nhân vật
Thần phả làng Định Công kể về chàng Công Sơ rằng: “vào thời vua Hùng Vương thứ 17 là Hùng Nghị Công vốn đức rộng, tài cao, chăm lo cho đời sống của nhân dân nên thiên hạ được thái bình. Một hôm, ông cùng quân lính đi săn bắn ở phủ Gia Lương thì gặp nàng Xuyến Nương vô cùng xinh đẹp, mắt phượng, mày ngài, Vua bèn lấy làm vợ. Một lần, bà Xuyến Nương nằm mộng thấy một con rồng xanh, tâu lên Vua, Vua liền bảo: nhà ta giống rồng thì nàng sẽ sinh ra thần thánh. Nàng Xuyến Nương có mang, 14 tháng sau, vào ngày mùng 1 tháng 2 khi đang ngồi thuyền rồng du ngoạn ở vùng Thanh Đàm (tức đất huyện Thanh Trì) chợt dừng ở bến nước cạnh trang Đình Công, thấy hào quang toả sáng, Xuyến Nương sinh hạ được một người con trai mặt mũi khôi ngô, tuấn tú. Gia nhân về tâu với Vua, Vua rất vui mừng, ra lệnh đổi tên đất Đình Công thành Định Công như ngày nay. Hoàng tử ra đời được 100 ngày thì đặt tên là chàng Công Sơ. Năm 9 tuổi, Công Sơ đi học, 13 tuổi nổi tiếng về tài văn võ. Đến năm Công Sơ 16 tuổi, trời đại hạn, nhân dân nhiều nơi đói khổ, trộm cướp nổi lên, Vua sai Công Sơ đi tuần tra trấn giữ, lập đàn tràng làm lễ cầu mưa. Công Sơ đi đến đâu thì cuộc sống ở đó trở nên yên ổn, nhân dân ấm no, người người phấn khởi, tin yêu.”[1]
Về sau, chàng Công Sơ nhiều lần tỏ rõ tài năng giúp dân giúp nước, được ban tặng nhiều chức tước. Sau khi ngài hóa, được vua phong cho làm Thượng đẳng phúc thần và lập đền thờ tự tại Hoàng cung. Riêng với trang Định Công, cho trùng tu cung miếu, xuân thu nhị kỳ hàng năm các quan đến làm lễ.
Cũng theo thần phả làng Định Công thì vào thời vua Lý Cao Tông, ở vùng Hồng Châu, trấn Hải Dương có ông tên là Đoàn Hiền, vợ là Trương Thị Thưởng vào ngày mùng 2 tháng 2 năm Bính Thìn sinh được một người con trai đặt tên là Thượng. Đến 8 tuổi thì đi học và học rất giỏi, đi 7 bước có thể làm một bài thơ. Ngoài ra, Đoàn Thượng còn có tài võ nghệ, kiêm thông lục thao tam lược. Năm 15 tuổi, cha mẹ đều qua đời, lúc đó nhà vua mở khoa thi chọn người hiền tài giúp nước, Đoàn Thượng thi và đỗ đầu, được vua ban chức Tham nghị. Bấy giờ ở châu Đại Man có giặc, vua phong cho Đoàn Thượng chức Thống chế nguyên soái đại tướng quân đi dẹp giặc, bắt chém được tướng giặc. Vua mở tiệc khao mừng, phong cho ông chức Binh bộ Thượng thư, Đốc bộ Hoan Châu. Sau 3 năm, thiên hạ thái bình, sau đó ông lại làm Đốc bộ Sơn Nam. Lúc này, ở trang Định Công có bệnh dịch, người vật chết nhiều, nhân dân lo sợ ra đền Đông Hỷ làm lễ, được mộng báo phải mời ông Đoàn Thượng về làng thì mới khỏi bệnh. Đoàn Thượng về làng ai ai cũng vui mừng đón rước, bệnh dịch theo đó cũng tiêu tan. Ông cho xây một am cung nơi chính quán để đi về nghỉ ngơi. Khi vua Huệ Tông lên ngôi phong cho ông là: Tiết chế thuỷ bộ Đại tướng quân, sau đó là Tổng quốc binh sự. Cuối thời Lý, nhà Trần mưu sự cướp ngôi, Đoàn Thượng không phục, ông liền đem quân về đất Hồng Châu xây đắp thành luỹ chống lại nhà Trần, phù nhà Lý. Vào ngày 20 tháng Giêng, Đoàn Thượng về trang Định Công, truyền mở yến tiệc ăn mừng, ông nói: Việc đời ngày nay được, thua do trời định, nếu thành công thì đã vậy, nếu thua thì nhân dân theo hiệu lệnh cũ, khắc thêm 2 chữ Đồng Hỷ để phụng thờ.
Bấy giờ Nguyễn Nộn chiếm cứ vùng Lạng Giang, Trần Thủ Độ mang quân đi đánh dẹp không hàng phục được, mới chịu phong Nguyễn Nộn làm Hoài Đạo Vương. Trần Thủ Độ dùng mưu sai sứ giả mang hậu lễ cho Nguyễn Nộn, xui Nguyễn Nộn nếu đánh được Hồng Châu, sẽ chia cho một phần ba thiên hạ. Nguyễn Nộn nghe theo, viết thư sai người cầu hoà với tướng quân đại ý trong thư nói: “Trước đây tôi không biết ông có lòng diệt nhà Trần lấy lại giang sơn cho nhà Lý nay được biết lòng trung nghĩa của ông, tôi xin cùng ông hội thề như môi với răng dựa nhau, để khôi phục lại nhà Lý”.
Tướng quân tin lời Nguyễn Nộn, bèn cùng em khác mẹ là Tần Hải Công đem một toán quân về Bắc Giang hội thề. Nguyễn Nộn đặt phục binh ở xứ Đồng Dao, thuộc Yên Phú (Bắc Ninh) đánh úp tướng quân. Tướng quân đương mải đánh Nguyễn Nộn, thì quân nhà Trần từ Văn Giang kéo đến. Tướng quân quay sang phía Tây đánh quân Trần, bị một nhát dao đằng sau chém vào cổ, đầu gần rơi, liền cởi thắt lưng quấn lấy cổ, nổi giận phóng ngựa về phía Đông, đến một gò đất thuộc xã An Nhân, tướng quân xuống ngựa, nằm gối đầu lên ngọn giáo mà hoá. Sau khi tướng quân Đoàn Thượng mất, cảm phục trước tấm lòng trung nghĩa của tướng quân, nhiều nơi trong nước lập đền thờ.
Về sau, khi Lê Lợi đánh giặc Minh đã đến trang Định Công làm lễ cầu đảo, thần Công Sơ và Đoàn Thượng đều hiển linh phù giúp. Lê Lợi lên ngôi phong cho các ngài là Thượng đẳng phúc thần. Các đời vua sau đó đều ban sắc phong thần.
Kiến trúc cảnh quan
Ngôi đình toạ lạc trên một thế đất đẹp ở trung tâm làng, đình quay về phía Tây Nam, nhìn ra một hồ nước hình chữ nhật, xa hơn là hồ Định Công và sông Tô Lịch. Đình Định Công Hạ hiện đã được quy hoạch tốt, với các hạng mục công trình đẹp, hợp lý. Từ hồ nước, qua một bức bình phong lớn là đến khoảng sân ngoài được lát gạch bát mới, tiếp đó là Nghi Môn, trụ biểu.
Nghi Môn khá lớn, mới được tu sửa gần đây với hai trụ biểu lớn và hai trụ biểu nhỏ. Đỉnh trụ biểu lớn đắp tứ phượng chầu, ô lồng đèn đắp nổi tứ linh, thân trụ soi gờ, kẻ chỉ, đắp nổi các đôi câu đối chữ Hán, đế trụ thắt cổ bồng. Từ trụ biểu lớn qua một bức tường lửng là đến cổng pháo nhỏ, dạng hai tầng bốn mái, qua một đoạn tường lửng nữa đến trụ biểu nhỏ, đỉnh trụ đắp nghê chầu, ô lồng đèn đắp tứ quý, thân trụ soi gờ, kẻ chỉ, đắp nổi câu đối chữ Hán:
Ngật lập trung trinh, tự cổ anh hùng, đan tâm bất khuất
Biểu dương tiết liệt, chí kim khảng khái, thanh sử trường lưu
Dịch nghĩa:
Sừng sững trung trinh, tự cổ anh hùng, lòng son bất khuất
Biểu dương tiết hệt, đến nay khảng khái, sử sách còn lưu
Qua Nghi Môn là khoảng sân rộng, hai bên là tả, hữu mạc, mỗi bên 3 gian. Trên sân, ở khoảng giữa sát với công trình chính có hai cây hương đá và một lư hương đá mới.
Đại Bái là một nếp nhà 5 gian 2 dĩ, hai mái chảy lợp ngói ri. Chính giữa bờ nóc là hình tượng lưỡng long chầu mặt trời, bên dưới mặt trời là hình tượng hổ phù ngậm chữ thọ, phía hồi nóc có hai con kìm hướng mặt vào nhau, cuối cùng là hai đấu đinh lớn, ngoài ra còn có dải trang trí hình hoa chanh chạy suốt bờ nóc, bờ dải. Cuối bờ dải xây giật nhất cấp. Từ cuối bờ dải, qua tường lửng là đến hai trụ biểu có kết cấu tương tự trụ biểu lớn của Nghi Môn.
Vào bên trong, các gian có diện tích không đều nhau, gian chính giữa có diện tích lớn hơn cả. Tương ứng với 5 gian là 6 bộ vì trên mặt bằng 4 hàng chân cột. Các bộ vì được làm bằng chất liệu gỗ tứ thiết, theo kiểu “thượng chồng rường, giá chiêng, hạ kẻ ngồi, bẩy hiên”. Bộ vì gian chính giữa với hai đầu dư hình rồng được chạm khắc tỉ mỉ, rồng miệng rộng, ngậm ngọc, mũi hếch, râu bờm uốn thành hình đao mác, mắt lồi… Các cấu kiện gỗ khác được chạm khắc hình chữ triện và mây lá cách điệu, trong đó có các bức cốn lớn chạm các đề tài rồng, long cuốn thuỷ… Hai thanh xà thượng chạm lộng hình đầu rồng. Hai cột quân bên trong gian giữa là y môn gỗ chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt và trúc hoá rồng.
Hậu Cung là nơi thâm nghiêm nhất, được nối từ gian chính giữa, kéo dài về sau với ba gian nhà dọc. Bộ vì được làm thống nhất theo kiểu chồng rường con nhị. Phía trước cửa Hậu Cung mở các cửa bức bàn gỗ, trên có trang trí mặt hổ phù. Hai bên cửa Hậu Cung có hai bức cốn chạm nổi hình đầu rồng. Gian trong cùng Hậu Cung là nơi đặt long ngai, bài vị của Thành hoàng làng. Trang trí nội thất trong đình tuy có nhiều chi tiết mới song căn bản vẫn giữ được vẻ trang trọng, tôn nghiêm cần có của một nơi thờ thần Thành hoàng.
Hiện vật
Trong đình đang lưu giữ 1 cuốn thần phả và 3 đạo sắc phong. Ngoài ra còn có nhiều cổ vật tạo tác bằng gỗ được trang trí tinh xảo và sơn son thếp vàng như: 1 bộ long đình, 2 bức hoành phi và 4 câu đối. Phần lớn các hiện vật mang niên đại thời Lê – Nguyễn.
Lễ hội
Ghi nhớ công ơn của hai vị phúc thần, nhân dân Định Công vào ngày 12 tháng 2 Âm lịch hàng năm tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công lao của các ngài. Lễ hội không chỉ là dịp để nhân dân về làng, thắp hương kính ngưỡng các vị thần mà cũng là dịp tụ hội, thắt chặt tình đoàn kết, lòng yêu quê hương, đất nước, phát huy những truyền thống tốt đẹp của người dân nơi đây.
Xếp hạng
Năm 1996, đình Định Công Hạ được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Chú thích
[1] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa Thông tin, 2010, tr. 338 – 339.
Tham khảo
TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa Thông tin.