Tên gọi và lịch sử
Đình Giáp Thất được xây dựng trên một khu đất thoáng rộng quay hướng Tây Nam. Hiện nay, đình tọa lạc tại số 235, đường Giáp Bát, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Giáp Thất vốn là một phần của làng Thịnh Liệt xưa. Thịnh Liệt tên Nôm là làng Sét. Tên cổ nhất của làng ở thế kỷ XV là Cổ Liệt. Xa xưa, Thịnh Liệt có 9 giáp, từ Giáp Nhất đến Giáp Cửu. Về sau, Giáp Cửu tách thành xã riêng, chính là làng Phương Liệt. Thịnh Liệt còn lại 8 giáp, sau tách thành 8 làng riêng, lấy tên giáp gọi cho tên làng là: Giáp Nhất, Giáp Nhị, Giáp Tam,… Giáp Thất, Giáp Bát.
Làng Sét trước đây có ngôi đình chung ở Giáp Bát thờ thành hoàng là thần Tam Lang và ngôi chùa chung (chùa Sét) ở Giáp Lục. Sau này khi tách riêng thành các làng thì mỗi giáp xây đình riêng, ngoài thần Tam lang đình mỗi làng còn thờ thêm những vị thần khác. Giáp Lục đã đưa tổ nghề của mình là Nguyễn Chính vào thờ trong đình và tôn làm Thành hoàng làng; Giáp Nhị thờ Lão Tử; Giáp Tứ thờ Ngũ vị thần cùng với Tam lang; Giáp Nhất thờ Ngũ vị thần và Hắc Y tướng quân; Giáp Thất thờ Ngũ vị thần…
Ngũ vị Thần ở đình Giáp Thất là những vị có công trợ giúp Lý Nam Đế đánh lui quân Lương xâm lược: Phúc Tế đại vương, Hiển Liệt đại vương, Uy Linh đại vương, Thiện Khánh đại vương, Bảo Tín đại vương. Họ là những vị có nhiều công lao, ân đức đối với đời sống tinh thần của nhân dân địa phương.
Kiến trúc
Đình có kiến trúc hình chữ Đinh, bao gồm: Nghi Môn, Đại Bái, Hậu Cung và Tả, Hữu Vu.
Nghi Môn với 4 cột trụ xây cao (ở giữa, nhỏ hai bên) theo nguyên tắc đăng đối. Các đỉnh trụ biểu đắp hình phượng chụm đuôi cân xứng vào giữa rồi lượn vươn lên cao, đầu phượng được bố trí quay ra bốn góc, cúng ngẩng lên cao một cách vừa phải. Người xưa tin rằng: phượng là biểu tượng của nhiều vẻ đẹp linh thiêng, bốn con là biểu hiện của sức mạnh thần thánh tứ phương hội tụ rồi truyền cho đất và nước để muôn vật sinh sôi. Sức mạnh này được nhân lên khi ở phía dưới là bốn mặt hổ phù biểu tượng cho sự cầu mong no đủ và dưới đó là ô lồng đèn tứ linh đắp nổi. Nó thể hiện ước vọng của người dân và sự phù trợ của thần linh đối với cuộc sống của con người. Hai cột nhỏ cùng mang phong cách như hai cột lớn, song phần đỉnh cột được đắp đơn giản hơn với đôi lân quay đầu vào giữa.
Qua Nghi Môn là một khoảng sân rộng, hai bên là nhà Tả, Hữu Vu có 3 gian được dùng làm nơi soạn tế lễ thần.
Cuối sân là Đại Đình 3 gian với kết cấu kiểu tường hồi bít đốc.
Hậu Cung một gian chạy dọc, gắn với phía sau gian giữa Đại Đình
Hiện vật
Hiện nay, đình “còn giữ được 6 đạo sắc phong, sớm nhất là sắc từ thời vua Tự Đức 10 (1857) và muộn nhất là sắc thời vua Khải Định 9 (1924). Đây là nguồn tư liệu quý giá góp phần nghiên cứu về lịch sử, phong tục tập quán của nhân dân địa phương”[1]. Trong đình có những bộ cửa võng, hương án, long ngai được chạm khắc, trang trí tỉ mỉ các đề tài hổ phù, lưỡng long chầu nguyệt, tứ linh tứ quý sơn son thếp vàng rực rỡ, tạo sự trang nghiêm và lộng lẫy.
Lễ hội
Xưa kia, từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 2 (Âm lịch), dân làng tổ chức rước nước về đình để cầu cho quốc thái dân an – làm ăn thịnh vượng. Đây là ngày chính hội được tổ chức rất long trọng, có đủ các nghi lễ mang tính truyền thống.
Phần lễ được tổ chức nhằm tưởng nhớ ơn công đức của thần đối với dân làng. Vào ngày này những người dân nơi đây đi làm ăn ở khắp muôn phương cũng trở về quê hương lễ thánh, dự hội làng.
Sau năm 1954, do đình làng bị phá hoại nặng nề, nhân dân Giáp Thất, Giáp Bát không tổ chức rước nữa. Tuy nhiên, hàng năm vào ngày 12 tháng 2 Âm lịch, bà con vẫn tổ chức lễ Kỳ phước – với mong muốn nhân dân Giáp Thất, Giáp Bát tụ hội tại đình làng để lễ thánh và thụ lộc lấy phước, cầu may. Lễ vật cúng thánh là các sản vật nông nghiệp được lựa chọn cẩn thận như: xôi trắng, thủ lợn, thanh bông hoa quả bốn mùa.
Dần dần, lễ Kỳ phước không chỉ bó hẹp cho người gốc Giáp Thất, Giáp Bát mà mở rộng cho bà con đang sinh sống tại phường Giáp Bát. Điều này thể hiện truyền thống đoàn kết của cư dân Việt.
Ngoài phần lễ, phần hội cũng được bà con chú trọng tổ chức với nhiều trò chơi dân gian như: đánh cờ tướng, chọi gà, kéo co… Theo lời kể của các cụ cao tuổi, dịp này làng còn tổ chức giao hữu cùng với nhân dân các làng lân cận như: Giáp Tứ, Giáp Nhị….
Xếp hạng
Ngày 15 tháng 6 năm 2010, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định số 2712/QĐ-UBND công nhận đình Giáp Thất là di tích Lịch sử văn hóa.
Chú thích
[1] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2010, tr. 230 – 231.
Tài liệu tham khảo
TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa – Thông tin.