Đình Lạc Dục (Tứ Kỳ, Hải Dương)

Đình Lạc Dục (Tứ Kỳ, Hải Dương)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đình Lạc Dục tọa lạc tại thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, xưa kia, là xã Lạc Dục thuộc tổng Mỹ Xá, huyện Tứ Kỳ, Phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Đây là một điểm du lịch nổi tiếng, được đông đảo khách du lịch đến thăm quan và chiêm bái. 

Tứ Kỳ là huyện thuộc tỉnh Hải Dương, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, sở hữu mạng lưới giao thông thủy, bộ thuận tiện kết nối với Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh. Địa phương này giàu bản sắc văn hóa, với nhiều di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Các loại hình văn hóa phi vật thể như ca trù, trò chơi dân gian pháo đất vẫn được gìn giữ và phát huy, góp phần thu hút đông đảo du khách thập phương.

Tứ Kỳ còn nổi bật với 11 làng nghề truyền thống như thêu, may, mộc, rèn, đặc biệt, làng thêu ren Xuân Nẻo (xã Hưng Đạo) không chỉ là điểm đến hấp dẫn mà còn có sản phẩm tinh xảo, phong phú, được xuất khẩu ra nhiều quốc gia.

Đình Lạc Dục tôn thờ 4 vị Thành Hoàng đó là – Chính Đạo Thượng Sỹ húy Quang Nhạc – Minh Thánh Thịnh an húy Chính Đức – Lý Đông Khương húy Khương Đăng – Đống cao húy Đống Cao. Đây là bốn vị thiên thần do Thiên đình cử xuống để trông nom, cai quản làng Lạc Dục, theo tín ngưỡng dân gian.

Lịch sử và nhân vật 

Nhằm tôn thờ Đức Thánh Mẫu và các vị Thành hoàng, người dân Lạc Dục đã đồng lòng dựng nên đình cung khi được triều đình ban cấp tiền của và ruộng đất như một biểu tượng thiêng liêng của lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân. Đình Lạc Dục được khởi dựng từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV), là nơi kết tinh niềm tin và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của cộng đồng. 

Tuy thân thế và công trạng của các vị được thờ không còn ghi chép rõ ràng, nhưng giá trị lịch sử và tâm linh của di tích vẫn được khẳng định qua ba đạo sắc phong quý giá còn lưu giữ tại đình, ban vào các năm:  Tự Đức thứ 6 (1853), Tự Đức thứ 33 (1880) và Đồng Khánh thứ 2 (1886). Từ thời phong kiến cho đến ngày nay, các vị Thành hoàng vẫn luôn hiện diện trong đời sống tinh thần của người dân. Trong tâm thức cộng đồng, các ngài là bậc linh thiêng, có sức mạnh che chở dân làng, cứu giúp người cơ khổ, hóa giải tai ương và mang lại cuộc sống an lành, ấm no cho muôn dân.

Trải qua hàng thế kỷ thăng trầm, ngôi đình đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo để giữ gìn giá trị lịch sử và kiến trúc. Tọa lạc trên thế đất đắc địa, đình được khởi dựng và tiếp tục hoàn thiện qua các triều đại, vào năm Canh Dần (1890), dưới triều vua Thành Thái, đình từng được trùng tu với kiến trúc hình chữ Nhị, năm 1986, ngôi đình xuống cấp nên giải hạ nếp nhà thứ hai. Gần đây nhất, năm 2021, công trình đã được đầu tư hơn 15 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, mang lại diện mạo khang trang, bền vững cho một di sản văn hóa giàu giá trị.

Kiến trúc cảnh quan 

Đình Lạc Dục nằm ở vị trí đầu làng, quay mặt về hướng Tây Nam, tọa lạc trên khoảng đất rộng, xung quanh là khu dân cư sinh sống, sát bên là nhà văn hoá thôn Lạc Dục và đền Lạc Dục. Năm 1986, do Trung từ và Hậu cung xuống cấp nghiêm trọng, địa phương đã tiến hành tháo dỡ và tu bổ theo dáng chữ Đinh (), bảo tồn nguyên vẹn lối kiến trúc truyền thống.

Ngày nay, đình có các hạng mục công trình chính gồm: Nghi Môn, Đại Đình, Nhà Khách, Thuỷ Đình. 

Nghi Môn 

Cổng đình được thiết kế với bốn trụ biểu kiểu dáng lồng đèn truyền thống. Hai trụ chính ở giữa cao khoảng 4 mét, chiều ngang cách nhau chừng 2 mét, hai cột  trụ phụ hai bên cạnh cách trụ chính khoảng 1,5 mét, tạo thành một bố cục cân đối và hài hòa. 

Cả bốn trụ đều được trang trí tinh xảo với các họa tiết rồng, phượng uyển chuyển, phần chân trụ tạo dáng “thắt cổ bồng” mềm mại, mang đậm dấu ấn kiến trúc truyền thống. Đặc biệt, thân mỗi trụ đều được khắc thơ bằng chữ Quốc ngữ chạy dọc, vừa tôn vinh giá trị nghệ thuật, vừa thể hiện chiều sâu văn hóa của di tích.

Từ cột trụ được nối liền với dãy tường bao chạy bao quanh ngôi đình, tách biệt với đường đi của thôn xóm. 

Đại Đình

Bước qua Nghi Môn, là khoảng đất trồng cây đa cổ thụ lâu đời, khoảng sân đình rộng rãi, được lát gạch đỏ truyền thống, là không gian chính diễn ra các nghi thức chầu lễ vào dịp hội làng. Trước bậc thềm gian giữa, đặt một lư hương lớn, hai bên là đôi đèn đá cao. Từ sân lên đến sàn Đại đình là hệ thống năm bậc đá cao khoảng 50cm, dẫn lối vào không gian kiến trúc cổ kính bên trong.

Đại đình được xây dựng theo “Tiền Nhất (一)– Hậu Đinh ()”, gồm 2 nếp nhà, nếp nhà đầu tiên gồm ba gian hai chái. Kết cấu vì nóc theo lối chồng rường giá chiêng. Hệ thống cửa bức bàn bằng gỗ lim quý, mái đình tám mái, đầu đao cong vút hình đầu rồng. Trên nóc mái, chính giữa gắn hình cuộn lửa thiêng, hai đầu mái đắp hình con kìm. Hai bên tường hồi còn được trổ cửa tròn khắc chữ “Thọ”, biểu tượng cho sự trường tồn và viên mãn. Dãy nhà này mặt trước và sau đều làm hệ thống cửa, có thể đi xuyên qua dẫn đến khu thờ chính phía sau. 

Liền kề với dãy nhà phía trước, cách một khoảng chừng 1 mét, là nếp nhà thứ hai, là khu thờ chính. Nếp nhà này được xây dựng theo kiểu ba gian hai chái, với hai gian đầu hồi được bịt kín, giữa khoảng tường được trổ cửa hình chữ “Thọ”.

Ba gian chính ở giữa là lối dẫn vào không gian thờ tự linh thiêng bên trong đình. Đây chính là khu vực thờ chính các vị Thành hoàng làng, những nhân vật được suy tôn là người có công với dân, với nước. Kiến trúc tổng thể của dãy nhà mang hình chữ Đinh (丁), với Hậu cung được nối dài phía sau, tạo nên thế uy nghi và bề thế, đồng thời giữ gìn sự linh thiêng, tôn nghiêm cho nơi thờ tự.

Không gian bên trong đình được bài trí trang nghiêm với các khám thờ, cửa võng sơn son thếp vàng, hoành phi, câu đối, bộ bát bửu và kiệu thờ. Đặc biệt, di tích còn lưu giữ nhiều mảng chạm khắc gỗ có giá trị nghệ thuật cao. Trên các vì nóc, vì nách, các đề tài rồng uốn lượn, mây cuộn được chạm khắc dày đặc, thể hiện trình độ tay nghề tinh xảo của nghệ nhân xưa.

Mái đình lợp ngói mũi hài, trên bờ nóc là lưỡng long chầu nhật, các góc đầu đao hình đầu rồng uốn cong. 

Nhà Khách

Nằm ở khoảng sân rộng, bên phải trước Đại đình là dãy nhà khách, đây là không gian phục vụ cho việc tiếp đón, nghỉ ngơi của các bô lão, Phật tử, đồng thời cũng là nơi chuẩn bị lễ vật trong những dịp tế lễ, hội hè quan trọng.

Nhà Khách có kiến trúc gồm 7 gian, 8 hàng cột gỗ chắc chắn, mái lợp ngói mũi hài truyền thống. Hệ thống cửa bức bàn bằng gỗ được lắp đều đặn dọc mặt tiền, góp phần làm nổi bật phong cách kiến trúc cổ truyền. Toàn bộ công trình được giữ vẻ mộc mạc, bền vững với bề mặt để trơn, không trang trí cầu kỳ. 

Đặc biệt, hai đầu hồi mỗi dãy nhà đều được mở cửa vòm uốn cong mềm mại, tạo lối thông sang các hạng mục kiến trúc khác trong khuôn viên di tích, vừa thuận tiện di chuyển, vừa giữ được sự liền mạch trong bố cục tổng thể.

Thuỷ Đình

Phía trước cổng đình là một hồ nước lớn, giữa hồ nổi bật lên Thuỷ Đình, là một công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng nổi trên mặt nước, như một điểm nhấn thiêng liêng trong tổng thể cảnh quan. Bao quanh hồ là hệ thống tường thành thấp, vừa tạo ranh giới bảo vệ khuôn viên hồ, vừa đảm bảo an toàn cho người qua lại.

Từ cổng đình, được nối với Thuỷ Đình qua một cây cầu hình vòm cung bắc qua hồ dẫn lối vào Thuỷ Đình, cây cầu được làm hoàn toàn bằng đá, có chiều dài khoảng 3 mét. Thuỷ Đình được thiết kế theo lối hai tầng tám mái, mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống. Công trình gồm bốn cột trụ lớn, phần thân để trống, không xây tường hay lắp cửa, tạo nên không gian mở, đón gió và ánh sáng từ mọi phía. Hai tầng mái lợp ngói mũi hài, đầu đao uốn cong, tạo nên vẻ thanh nhã mà vẫn trang nghiêm cho kiến trúc giữa lòng hồ.

Lễ hội

Đình Lạc Dục là một công trình tín ngưỡng quan trọng, gắn bó chặt chẽ với hệ thống lễ hội truyền thống của Đền Lạc Dục, thể hiện đời sống tinh thần phong phú và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của cộng đồng cư dân địa phương.

Hằng năm, tại đây diễn ra ba kỳ lễ hội lớn, phản ánh chiều sâu lịch sử và tín ngưỡng bản địa. Nổi bật nhất là lễ hội vào ngày 12 tháng Giêng, là ngày húy kỵ Thánh Mẫu, được tổ chức long trọng với quy mô lớn, là một trong những lễ hội tiêu biểu của tỉnh Hải Dương. Tiếp đến là lễ kỷ niệm ngày Thánh Mẫu được phong sắc, diễn ra vào ngày 16 tháng 4 Âm lịch. Cuối cùng là lễ giỗ Đức Thánh Ông vào ngày 11 tháng 11, cũng được người dân tổ chức trang nghiêm để tưởng nhớ công đức tiền nhân.

Di vật

Theo “Bia ký Đại Trùng Tu” được dựng tại di tích: “Tại cụm di tích đình – đền Lạc Dục có nhiều di vật và sắc phong, tuy nhiên đến nay chỉ còn lại số ít, trong đó có: Cảnh Hưng thứ 28 ( 1767); Tự Đức thứ 6 (1853); Tự Đức thứ 33 (1880); Đồng Khánh thứ 2 (1886); Duy Tân thứ 3 (1909); Khải Định thứ 9 (1924).”

Xếp hạng 

Di tích đình Lạc Dục, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 4981/QĐ-UBND ngày 1/11/2005.

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Văn Đạm, Nhà giáo về hưu – Thành viên ban di tích Đình – Đền Lạc Dục
  2. Đinh Khắc Thuần (2009), Địa Phương Chí Tỉnh Hải Dương Qua Tư Liệu Hán Nôm, Nxb Khoa Học Xã Hội.
  3. Cẩm nang du lịch Hải Dương, Nxb Thế Giới (2018)
  4. Bia ký “Bia ký Đại Trùng Tu
Chấm điểm
Chia sẻ
Checkin
Đinh lac duc tu ky hai dương (nguon gg) (3)

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner app chỐn thiÊng 3 (60x90)