Tên gọi và vị trí địa lý
Đình Lạc Giao tọa lạc tại đường Phan Bội Châu, phường Thành Công, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đây là ngôi đình cổ nhất ở Đắk Lắk, được xây dựng vào năm 1928 khi người Việt từ miền Trung di cư đến vùng đất Tây Nguyên sinh sống. Đình không chỉ có vai trò là nơi thờ tự linh thiêng mà còn là chứng tích cho quá trình hình thành cộng đồng người Việt tại Tây Nguyên, và là biểu tượng của sự kết nối văn hóa giữa các dân tộc trên vùng đất cao nguyên này.
Đình Lạc Giao được xây dựng nhằm tôn vinh và thờ phụng Thành Hoàng làng Đào Duy Từ, người có công lớn trong việc khai hoang mở đất. Đào Duy Từ (1572–1634) là một nhân vật lịch sử nổi bật thời nhà Nguyễn, được biết đến như một đại thần, nhà chiến lược và kỹ sư quân sự lỗi lạc. Bên cạnh đó, đình còn thờ bậc tiền hiền Phan Hộ, người có công lớn trong việc vận động và xây dựng đình Lạc Giao và những người có công khai hoang, lập làng tại vùng đất Buôn Ma Thuột, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của cộng đồng đối với các bậc tiền nhân.
Lịch sử và nhân vật
Di tích Đình Lạc Giao được khởi dựng vào năm 1928 bởi cụ Phan Hộ, người làng Đại Cát, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và một số thương nhân, di cư đến vùng đất Buôn Ma Thuột lập nghiệp và lập làng. Ngôi đình ra đời nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Đây là dấu mốc quan trọng gắn liền với quá trình khai khẩn vùng đất mới của những cư dân người Kinh đầu tiên trên cao nguyên Đắk Lắk. Là nơi tôn thờ Thành hoàng làng cùng các bậc tiền nhân có công với dân, với nước, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của cộng đồng.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk: “trong những năm 1928 – 1930, người Pháp tìm mọi cách ngăn cấm người Kinh lên Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên. Nhưng ông Phan Hộ, người làng Đại Cát, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và một số thương nhân, lúc đi ngựa, có lúc đi voi vẫn tìm cách đi lại buôn bán, trao đổi hàng hóa với người Êđê được. Qua gặp gỡ giao lưu với các già làng Êđê và được sự giúp đỡ của ông Ama Thuột, ông Phan Hộ đã làm quen với nhiều người và gây được những thiện cảm tốt. Điểm đặc biệt, thấy Buôn Ma Thuột là vùng đất rộng, bằng phẳng, màu mỡ, rất thuận tiện cho việc chăn nuôi, trồng trọt, phát triển đời sống. Đến năm 1928 ông quay về Khánh Hòa rủ thêm gần chục người là anh em, họ hàng, con cháu đến Buôn Ma Thuột thành lập làng, xây dựng mái Đình lấy tên là Lạc Giao. Người dân làng Lạc Giao vẫn còn nhớ mãi cái buổi đầu tiên lập làng, lập ấp. Thôn Nam Bang với vài ba chục người miền Trung sinh sống, dần dần những người từ các nơi đến ngày càng đông. Làng Lạc Giao ra đời, hồi đó cây cối còn rậm rạp, các con đường chính của Buôn Ma Thuột bấy giờ là những con đường đất đỏ, dân đông dần lên, chợ cũng xuất hiện. Có chợ là có kẻ mua người bán và điều không thể khác là đồng bào dân tộc thiểu số bắt đầu giao lưu với người Kinh. Để ghi nhớ mối tình đoàn kết này, ông Phan Hộ, xã trưởng xã Lạc Giao bấy giờ được phép chia đất cho một số đồng bào khai hoang, lập vườn, cất nhà trong phạm vi làng Lạc Giao và ông cũng dành một phần đất để dân làng dựng Đình.”
Đình Lạc Giao được xây dựng nhằm tôn vinh và thờ phụng Thành Hoàng Làng Đào Duy Từ, một vị đại thần tài ba của triều Nguyễn, người có công lớn trong việc khai hoang mở đất. Vào năm 1932, vua Bảo Đại đã ban sắc phong cho ông trở thành Thành hoàng của làng Lạc Giao, thể hiện sự ghi nhận và gắn kết giữa triều đình với nhân dân vùng đất mới.
Xưa kia, đình Lạc Giao được dựng bằng tranh tre theo phong tục của người Kinh xa xứ khi đến khai hoang lập nghiệp trên vùng đất mới. Đến năm 1932, đình được xây dựng lại kiên cố bằng gạch, lợp ngói, với mặt bằng kiến trúc hình chữ Môn.
Đình Lạc Giao lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng của tỉnh Đắk Lắk. Trong giai đoạn 1930–1945, khi thực dân Pháp lập nhiều nhà tù và trại giam ở Đông Dương, đình đã trở thành nơi che chở, nuôi giấu những người con cách mạng của làng Lạc Giao, đồng thời bảo vệ các cán bộ hoạt động tại thị xã Buôn Ma Thuột. Ngôi đình được xem như một “bảo tàng thu nhỏ” lưu giữ truyền thống cách mạng kiên cường của nhân dân tỉnh Đắk Lắk trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, đình Lạc Giao đã trở thành nơi tổ chức lễ ra mắt chính quyền thị xã Buôn Ma Thuột. Vào mùa xuân năm 1975, khi thành phố Buôn Ma Thuột hoàn toàn giải phóng, tại đình Lạc Giao đã diễn ra lễ ra mắt Ủy ban Lâm thời thị xã, chính thức tuyên bố chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân.
Trong những năm qua, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích của tỉnh luôn được các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân đặc biệt quan tâm. Những dự án xếp hạng di tích, công tác tu bổ, tôn tạo cũng được chú trọng triển khai, trong đó có Đình Lạc Giao, đã bước đầu khẳng định được vai trò là trung tâm giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc cho khách tham quan.
Trong những năm gần đây, nhu cầu du lịch văn hóa tâm linh phát triển mạnh, đình đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với những du khách muốn tìm hiểu về lịch sử của mảnh đất này.
Kiến trúc cảnh quan
Tọa lạc tại góc phố nơi giao nhau giữa đường Phan Bội Châu và đường Điện Biên Phủ, đình Lạc Giao sở hữu khuôn viên rộng khoảng 700m², sân lát gạch cổ, với mái đình uốn cong mềm mại, tạo nên dáng vẻ uy nghi và cổ kính. Bao quanh khuôn viên là những cây đa cổ thụ lâu năm, góp phần tôn thêm vẻ trầm mặc, linh thiêng cho không gian di tích.
Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, ngày nay đình Lạc Giao gồm những hạng mục công trình chính: Nghi Môn, Đại Đình, Tả/Hữu, nhà ở cho Tư đình và một số công trình phụ trợ khác.
Nghi Môn
Cổng đình được cấu tạo từ bốn cột trụ biểu mang kiểu dáng lồng đèn, trong đó hai trụ chính ở trung tâm cao khoảng 4,5 mét, trên đỉnh trụ đắp bốn chim phượng, hai trụ phụ thấp hơn nằm hai bên, mỗi bên trên đỉnh được đặt tượng nghê chầu tạo thế cân đối và trang nghiêm. Nối từ trụ cổng là một dãy tường xây bao quanh tách biệt khuôn viên di tích với bên ngoài.
Bước qua cổng là tấm bình phong dạng cuốn thư, cao khoảng 1,5 mét, được đặt ngay chính diện. Trên mặt cuốn thư nổi bật hình chữ “Thọ”, biểu trưng cho mong ước trường tồn, an lành và phúc lộc trong truyền thống văn hóa Việt.
Đại Đình
Bước qua khoảng sân chầu rộng phía trước, là đến không gian chính của Đình Lạc Giao, được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống hình chữ Nhị, gồm hai nếp nhà trên cùng một nền là Tiền Đường và Hậu Cung.
Tiền đường gồm ba gian chính, với nền được nâng cao hơn sân đình qua ba bậc tam cấp, Phần hiên đình có hai cột chính chịu lực cho toàn bộ công trình, trên thân cột được đắp nổi hình rồng uốn lượn. Lối ra vào là thống cửa ra vào được làm bằng gỗ kiểu bức bàn, đặc trưng của kiến trúc đình làng Bắc Bộ. Nằm ở phía sau là Hậu cung, không gian thờ tự chính trong đình, bên trong đặt khám thờ Thành hoàng làng, cùng với các đồ thờ truyền thống, bộ bát bửu, chim hạc, được sơn thếp vàng thể hiện sự trang trọng trong nghi lễ tín ngưỡng.
Hiện nay, ở phía trước cửa Tiền Đường còn lưu giữ bức hoành phi bằng gỗ khắc chữ Hán “Lạc Giao Đình”. Bên trong Hậu Cung, treo bức hoành phi “Hiển linh cảm ứng”, ca ngợi Thành hoàng làng , một vị thần đã hiển linh phù trợ cho dân làng vượt qua tai ương, mang lại bình an và thịnh vượng.
Về mặt tạo hình kiến trúc, đình nổi bật với nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, toàn bộ cột đình, vì kèo, đầu dư đều được chạm trổ rồng, phượng, hoa lá với họa tiết tinh mỹ, thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân xưa và giá trị nghệ thuật dân gian đặc sắc. Mỗi gian thờ đều được làm cửa võng chạm lộng với các đề tài, rồng, hoa dây lá cách điệu, các cột được treo câu đối sơn thếp vàng. Mái đình lợp ngói mũi hài, các đầu đao cong vút, chạm khắc hình đầu rồng sống động; giữa nóc mái là biểu tượng “lưỡng long chầu nguyệt”.
Tả/hữu vu
Phía trước đình chính, nằm ở hai bên là hai dãy Tả/Hữu vu, có lối kiến trúc giống nhau.
Tả Vu (bên trái đình) được thiết kế theo kiểu nhà năm gian, bên trong bố trí các ban thờ trang nghiêm. Gian chính giữa thờ Tiền hiền Phan Hộ, người có công lớn trong việc vận động nhân dân góp công, góp của để dựng nên Đình Lạc Giao. Hai bên lần lượt là ban thờ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh năm 1945 trong cuộc kháng chiến chống thực dân, và ban thờ các linh nam, linh nữ, cùng những người có công với làng qua các thời kỳ.
Hữu Vu (bên phải đình) là không gian dành cho hoạt động sinh hoạt cộng đồng, đồng thời là nơi đón tiếp người dân và du khách đến lễ bái, dâng hương trong các dịp lễ hội truyền thống, ngày rằm hay mồng một hàng tháng.
Lễ hội
Với vai trò là trung tâm tín ngưỡng của cộng đồng, đình còn là nơi diễn ra nhiều nghi lễ truyền thống và lễ hội văn hóa đặc sắc của người Việt.
Hằng năm, đình tổ chức nhiều lễ trọng theo Âm lịch, gồm: Lễ Tết Xuân vào ngày 17 tháng Giêng; Lễ Tết Thu vào ngày 16 tháng Tám, với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng no đủ; và Lễ tưởng niệm 100 chiến sĩ Nam tiến cùng đồng bào hy sinh trong sự kiện ngày 21/1/1945 (tức 27 tháng Mười Âm lịch).
Các dịp lễ được tổ chức với quy mô lớn, trang nghiêm, đậm sắc màu văn hóa. Bên cạnh các nghi thức truyền thống, đình còn là nơi hội tụ nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc như trình diễn cồng chiêng, dân ca quan họ, cùng nhiều hoạt động nghệ thuật dân gian phong phú và sinh động.
Xếp hạng
Theo quyết định số 168-VHQĐ ngày 2 tháng 3 năm 1990, Đình Lạc Giao đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Đắk Lắk, mà còn là điểm đến văn hóa đặc biệt, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của cộng đồng người Việt trên vùng đất cao nguyên.
Tài liệu tham khảo
- Đặng Gia Duẩn (2017), Bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở Đăk Lăk gắn với phát triển du lịch, Tạp chí Di sản văn hoá.
- Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Đăk Lăk, lớp 9, Uỷ ban nhân dân tỉnh đắk lắk, Sở giáo dục và đào tạo.
- Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk
- Kênh truyền hình Đăk Lăk