Đình Nam Dư Hạ (Hoàng Mai, Hà Nội)

Đình Nam Dư Hạ (Hoàng Mai, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đình Nam Dư Hạ tọa lạc tại vùng đất Nam Dư Hạ xưa, nay ở số nhà 415, phố Nam Dư, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Nam Dư Hạ là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hoá, được khai phá từ lâu đời, nằm phía Đông Nam kinh thành Thăng Long, cách sông Hồng khoảng 3km.

Lược sử

Đình Nam Dư Hạ phụng thờ Tam vị Thành hoàng là Tam đầu Cửu vĩ Long Vương, Thái uý Chương Võ Thái sư (Nguyễn Xí) và Lê Gia Hoàng Thái Hậu. Nguồn gốc thờ mỗi vị gắn với những sự tích khác nhau.

Thứ nhất, là Tam đầu Cửu vĩ Long Vương:

Theo truyền thuyết, xưa có vị sư tổ Từ Phong thường du ngoạn ở ven kinh thành Thăng Long, có lần đi qua đất Nam Dư thấy cảnh sắc đậm đà, bến thuyền xuôi ngược quyến rũ lòng người, ngài bỗng thấy có một con rồng từ đất bay lên nhào lượn trên không trung rồi biến vào vòm trời xanh. Đức Tổ cho đây là chốn tiềm long (nơi rồng ẩn) thế là ngài quyết định xây phủ đệ tại Nam Dư. Ngài phát tâm xây ngôi chùa lấy tên là Thiên Phúc và xây đình làng cho dân thờ Long Vương thần. Vị Long Thần linh thiêng hiển hách có công cứu giúp Lê Lợi thoát khỏi mũi giáo của giặc trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh. Khi Lê Lợi đánh thắng giặc Minh, lên ngôi vua, nhớ ơn Long thần cứu mình nên đã phong sắc cho Long Vương là Thượng đẳng thần và cho dân Nam Dư phụng sự hương khói đời đời.

Đến đời vua Lê Trang Tông, nhà Lê bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi, Đà Dương Vương chạy trốn sang Ai Lao để lại vợ là Hoàng Thái Hậu Trương Thị Miếu lẩn tránh ở Nam Dư. Bị quân Mạc truy nã, Thái hậu chạy ra bờ sông Hồng toan vượt sang bờ bắc, thuyền đắm bị chết đuối. Long Vương cảm kích tấm lòng trinh thuận của Thái hậu bèn thu nạp ở thuỷ cung. Nhân dân xã Nam Dư Thượng xót thương cho dân chở thuyền ra sông tìm kiếm nhưng không thấy xác mới lập đền thờ Thái hậu ở bên sông. Đến thời Lê trung hưng cho tu bổ miếu thờ Thái hậu và sắc phong cho Long thần là thượng đẳng thần.

Thứ hai, là Thần Chương Vũ Thái Sư:

Thần là Nguyễn Xí (1379 – 1465), người xã Thượng Xá, huyện Chân Phúc, tỉnh Thanh Hoá (nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Ông là một vị tướng, nhà chính trị, công thần khai quốc nhà Hậu Lê.

Năm lên 9 tuổi cha mất, ông theo người anh đến làm cho nhà Lê Lợi. “Lớn lên, ông vũ dũng khác thường, được vua yêu như con. Vua sai nuôi hơn một trăm con chó săn, sớm chiều chia cho ăn, ông dùng tiếng nhạc gọi chó đến đủ rồi phát. Bầy chó nghe theo, lúc đến, lúc đi đều nhau như một. Vua khen, cho là có tài làm tướng, sai quản đội quân Thiết Đô. NĂm Mậu Tuất (1418) ông 22 tuổi, theo quân khởi nghĩa trước sau không rời, lòng trung thành tỏ rõ.”[1] Từ đó, ông xông pha chiến trận, ở đâu cũng lập chiến công rồi được thăng lên Thái uý. Có lần, ông được Lê Lợi sai đi diệt giặc Minh ở thành Đông Quan, ông cho quân tiến từ Gia Lâm sang Nam Dư, ngủ đêm tại miếu thần. Thái uý được Long Vương báo mộng hôm sau xuất quân thắng trận. Khi Lê Lợi đánh đuổi hoàn toàn quân giặc lên ngôi vua, Nguyễn Xí làm sớ tâu nhà vua phong sắc cho thần miếu Nam Dư Hạ là Thượng đẳng thần. Dân chúng nhớ ơn ông xin triều đình ban sắc cho ông làm thành hoàng làng Nam Dư Hạ.

Thứ ba, là Thần Lê Gia Hoàng Thái Hậu:

Tương truyền, tên thật của bà là Trịnh Thị Loan, người xã Phi Quan, huyện Thanh Đàm (nay là xã Phi Bạo, huyện Thanh Chương, Nghệ An). Bà là chính phi của Cẩm Giang Vương Lê Sùng – anh trai của hoàng đế Lê Tương Dực; là mẹ đẻ của hai vua Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng.

Dưới triều Lê Chiêu Tông, quyền uy của nhà Mạc rất lớn, âm mưu thoán đoạt ngôi vua ngày càng lộ rõ. Trước tình hình đó, Lê Chiêu Tông lập mưu triệt hạ thế lực của họ Mạc. Mưu bị bại lộ, nhà vua phải bỏ chạy khỏi kinh thành. Hoàng thái hậu lui về vùng núi Nam Dư lánh nạn. Bà đã dạy dân làng Nam Dư nghề trồng mía nấu mật, trồng dâu nuôi tằm. Mạc Đăng Dung lập em trai Chiêu Tông lên ngôi, tức Lê Cung Hoàng. Sau khi Mạc Đăng Dung chính thức lên ngôi thì vua Lê Cung Hoàng và bà bị ép phải chết. Nhân dân Nam Dư nhớ ơn Thái hậu khi xưa nên đã lập miếu thờ bà.

Đến khi Lê Trang Tông đánh đuổi nhà Mạc, dấy nghiệp Trung Hưng đã sắc phong cho bà làm Thượng đẳng thần.

Kiến trúc

Từ khi khởi dựng đến nay, đình Nam Dư Hạ trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo. Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, một số hạng mục của đình như Phương Đình, Tiền Tế, Trung Cung đã bị phá dỡ hoặc đốt cháy.

Từ năm 2001 – 2005 được sự quan tâm ủng hộ của chính quyền, nhân dân địa phương và khách thập phương, đình Nam Dư Hạ đã được tu bổ khang trang theo phong cách kiến trúc truyền thống.

Hiện tại, tổng thể kiến trúc đình Nam Dư Hạ gồm các hạng mục: Nghi môn ngoại, Cửa mã, Phương Đình, Đại Bái, Trung Cung, Hậu Cung và Tả Hữu Vu.

Phía trước đình là Nghi môn và bể non bộ, qua con đường làng là tới khuôn viên của đình, cổng đình Nam Dư Hạ kết cấu theo kiểu thức “cửa mã”. Hai đầu hồi cổng là cột trụ biểu, đỉnh trụ là nghê chầu, tiếp đến là ô lồng đèn, thân trụ đắp chữ Hán, đế trụ thắt cổ bồng, cổng có mái che, kết cấu tường hồi, bít đốc, lợp ngói ri. Trên bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt.

Vào bên trong cổng tương ứng với 3 gian là các bộ vì phía tiền và hậu kết cấu dạng vì nách theo kiểu thức chồng rường quá giang gối cột. Trên các bộ vì chạm khắc linh vật như dơi, phượng, hoa văn chữ thọ, đầu các thanh xà chạm rồng theo phong cách nghệ thuật của thế kỷ XIX. Cửa mã gồm ba cửa, cửa gian giữa gồm 2 cánh, mỗi cánh cửa rộng 2m, cao 3m; hai cửa bên cao 2m, rộng 1m. Ngoài cửa mã chính còn hai cổng nhỏ hai bên xây hai tầng mái, mái giả ngói ống.

Qua cổng đình là đến toà Phương Đình kết cấu chồng diêm hai tầng tám mái đao cong, tiếp đến là Đại Bái, Trung Cung và Hậu Cung. Toà Đại Bái qua Trung Cung có 5 lối vào kiểu cuốn vòm dẫn vào toà Hậu Cung. Tại Hậu Cung còn lưu giữ được những nét chạm khắc hoa văn hoa lá nghệ thuật thế kỷ XIX trên xà bộ vì hiên.

Mỗi hạng mục kiến trúc này đều được bài trí nhiều đồ thờ theo nguyên tắc truyền thống như hoành phi, câu đối, nhang án, bát bửu, ba bộ long ngai bài vị, khám thờ…

Hiện vật

 Một trong những di vật quý giá được lưu giữ tại đình Nam Dư Hạ phải kể đến ba bộ kiệu bát cống mang đậm nét chạm khắc thời Lê. Trải qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử, ba bộ kiệu vẫn còn được giữ nguyên vẹn hình dáng ban đầu. Kiệu được sơn son thếp vàng lộng lẫy, từng đường nét được chạm khắc chau chuốt chứa đựng tâm hồn, tài năng của người nghệ nhân. Đây là niềm tự hào của người dân Nam Dư Hạ đặc biệt trong những dịp lễ hội của làng. Dân làng Nam Dư Hạ coi ba bộ kiệu như là báu vật của cha ông truyền lại cho đời sau.

Về di văn Hán Nôm, không thể không nhắc tới 11 đạo sắc phong cho các vị thành hoàng làng, đạo sớm nhất có niên hiệu từ đời Cảnh Hưng 44 (1783) và một cuốn Ngọc phả góp phần khẳng định giá trị văn hoá, lịch sử của đình.

Lễ hội

Lễ hội truyền thống làng Nam Dư Hạ diễn ra từ 14 đến 16 tháng hai Âm lịch. Nét đặc sắc nhất của lễ hội này lễ rước nước (lễ cấp thuỷ) diễn ra từ ngày 14 đến ngày 15 tháng hai. Hiện nay, theo thống nhất của ba làng Nam Dư Thượng, Nam Dư Hạ và Thuý Lĩnh, lễ sẽ được tổ chức trong ngày 14.

Sáng sớm ngày 14, các cụ ông, cụ bà ăn mặc chỉnh tề cùng các thành viên trong ban ngành đoàn thể của làng, xã tập trung tại đình làng. Các cụ phụ lão trong ban tế mặc áo thụng xanh, mũ hia kiểu quan, riêng cụ chủ tế mặc áo đỏ. Lúc này các thành viên tham gia lễ rước cùng ba bộ kiệu bát cống, bát bửu, trống, cờ quạt đã chuẩn bị sẵn sàng. Đội khiêng kiệu gồm hai đội (hai đội nam và một đội nữ), các chàng trai mặc áo vàng, thắt lưng đỏ, các cô gái mặc áo dài đỏ. Đội múa sinh tiền mặc áo tứ thân. Dân làng Nam Dư Hạ và khách thập phương đứng hai bên đường ở công đình, chờ đón lễ rước.

Đúng 7 giờ, lễ khai hội được tổ chức trang trọng tại sân đình. Đội hình rước nước được sắp xếp trật tự, đoàn rước bắt đầu khởi hành từ sân đình ra bến sông khoảng 3km. Thứ tự đoàn rước lần lượt là các đội: múa sư tử, cờ thần, thủ hiệu, kèn đồng, kèn động, chấp kích, trống, hoa quả lễ, rước choé, sinh tiền, nhạc dân tộc, long đình, kiệu bát cống, tế nam, cuối cùng là đoàn lãnh đạo, các cụ cao niên, các đoàn thể, khách thập phương và toàn thể nhân dân.

Làng Nam Dư Hạ ở trong đê nên mỗi khi rước kiệu ra sông Hồng lấy nước đều phải đi qua đình làng Thuý Lĩnh, khi đoàn rước qua cửa đình thì long đình vào đình Thuý Lĩnh lễ vọng. Cùng lúc đó dân làng Thuý Lĩnh ăn mặc chỉnh tề làm lễ phụng nghênh.

Khi đoàn rước nước ra đến bến sông Hồng, dưới bến đã có nhiều chiếc thuyền đợi sẵn để chở kiệu nước và các lễ vật đi xuống sông thực hiện nghi thức cấp thuỷ. Đoàn rước lên thuyền tiến ra sông lên đến đình làng Bát Tràng thì chào và lễ vọng. Sau đó, đoàn thuyền quay ra giữa dòng sông. Một cụ già cao niên đại diện cho dân làng dùng gáo đồng múc nước đổ vào choé. Choé được đặt giữa thuyền trên miệng có phủ vải điều. Nghi thức này được tiến hành một cách trang trọng trong tiếng nhạc hội linh đình của giàn bát âm. Gần trưa, đoàn thuyền rước nước cập bến trong sự mong chờ của đông đảo dân làng và khách thập phương. Đoàn rước nước trở về đình Nam Dư Hạ.

Vào buổi chiều cùng ngày, lễ nhập thuỷ được tiến hành trang trọng. Lễ tế được các cụ cao niên trong làng tổ chức với tấm lòng thành kính dâng lên các vị thành hoàng cầu mong cho dân làng một năm no ấm, an bình.

Ngoài Nam Dư Hạ, nhiều làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ khi tổ chức lễ hội đều có nghi thức rước nước với mong muốn thần linh phù hộ cho dân chúng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu

Xếp hạng

Năm 1991, Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao  đã xếp hạng cụm di tích đình – chùa Nam Dư Hạ là di tích quốc gia tại quyết định số 1728 QĐ ngày 2/10/1991.

Chú thích

[1] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Giáo dục, 2005, tr. 376.

Tham khảo

  1. Phan Huy Chú (2005), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Giáo dục
  2. TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa – Thông tin.

 

5/5 (2 bình chọn)
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)