Đình Phong Cốc (Đình Cốc – Quảng Yên, Quảng Ninh)

Đình Phong Cốc (Đình Cốc – Quảng Yên, Quảng Ninh)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đình làng Phong Cốc, còn được gọi là Đình Cốc, tọa lạc tại phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Tên gọi “Đình Cốc” bắt nguồn từ thế đất đặc biệt nơi ngôi đình tọa lạc –  được ví như hình dáng của loài chim cốc đang sải cánh, tạo nên một dấu ấn độc đáo cả về văn hoá lẫn phong thủy.

Phường Phong Cốc nằm ở vị trí trung tâm của đảo Hà Nam, cách trung tâm thị xã Quảng Yên khoảng 4 km về phía Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, phường tiếp giáp nhiều khu vực lân cận: phía Đông giáp xã Liên Hòa, phía Tây giáp phường Yên Hải, phía Nam giáp xã Liên Vị, và phía Bắc giáp xã Cẩm La cùng phường Phong Hải. Sự kết nối hài hòa này tạo điều kiện thuận lợi cho Phong Cốc phát triển kinh tế – xã hội và giao lưu với các địa phương xung quanh.

Đình Phong cốc là một di tích còn giữ được nhiều tác phẩm điêu khắc dân gian ở thế kỷ XVII, XVIII, gắn liền với văn hoá tín ngưỡng của nhân dân vùng đảo Hà Nam. Đình thờ thần hoàng làng là Tứ vị Thánh Nương và Thần Nông, là vị thần bảo vệ mùa màng, trông coi về nông nghiệp cho nhân dân trong vùng.

Lịch sử và nhân vật

Truyền thuyết dân gian và gia phả của một số dòng họ lớn tại làng Phong Cốc, vùng đảo Hà Nam được khai phá bởi Thập thất Tiên Công (17 vị Tiên Công) vào năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), dưới triều vua Lê Thái Tông.

Khi ấy, vùng đất này còn hoang sơ, ngập nước, những vị Tiên Công từ làng Kim Liên, kinh thành Thăng Long đã tới vùng đất này khai hoang, lập làng, đắp đê lấn biển, cải tạo đất đai, xây dựng bờ cõi, tạo dựng nên vùng đảo Hà Nam như ngày nay. Nhờ công lao to lớn ấy, họ được nhân dân đời sau tôn kính như những bậc khai canh, khai khẩn.

Sự tích về đình Phong Cốc được nhắc tới trong bài hát Hà Nam Phong Cốc quê tôi, nhạc và lời của Lê Đăng Vệ:

Phong Cốc Hà Nam, quê hương tôi, tháng ngày tuổi thơ

Gặp lại người thân xa quê, nay về đất Tổ

Đình Cốc mỗi chiều bên nhau kể bao chuyện cũ

Ai đi muôn nơi vẫn nhớ Hà Nam quê Mình.

Hà Nam hôm nay vẫn đồng lúa xanh

Thuyền ai về bến nhớ những ngày đảo xa nước mặn đồng chua

Nay quê hương tôi rộn tiếng ai ca, câu văn chèo cổ kể chuyện bao đời

Công Sức lấn biển năm xưa

Thuyền nam Hưng Học trên sông, bánh gio ấm vị thơm nồng xa quê

Xa quê tháng ngày tôi mơ về Quảng Yên.

 

Phong Cốc Hà Nam, quê hương tôi, ngày tháng tuổi thơ

Kể chuyện ngày xưa tôi nghe, những huyền tích cổ

Từ đất Kinh Kỳ Kim Liên người đi mở cõi

Cây cầu sông Chanh nối những niềm vui đôi mình.

Theo lời kể của ông Thanh Tùng – là thủ nhang đình Cốc: “Mẹ vợ của vua nhà Tống cùng hai vị công chúa, vốn là phu nhân của nhà vua, đã được các triều đại Lê, Nguyễn và Trần phong tặng danh hiệu Tứ Vị Thánh Nương.” , thần Hoàng làng vốn sinh ra tại Châu Hoàn (nay là khu vực Nghệ Tĩnh), quê ở cửa biển Đại Kiên, xã Hương Cát. Ngài là bậc hiền tài, trung nghĩa, có lòng yêu nước dưới triều Lý, sau khi mất, nhân dân quê nhà lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ngài. Về sau, sắc phong được rước về đình làng Phong Cốc, nơi ngài trở thành vị thành hoàng – thần hộ mệnh của cả vùng.

Đình Cốc còn là nơi linh thiêng thờ tự thần Nông – biểu tượng của nền văn minh lúa nước, phản ánh đời sống nông nghiệp lâu đời của người dân nơi đây.  

Trên câu đầu tòa Tiền Đường hiện vẫn còn dòng chữ Hán “Gia Long tứ niên tuế thứ Ất Sửu kế tứ nguyệt thượng cán nhật thụ trụ thượng lương” – Nghĩa là: Thượng tuần (từ mùng Một đến mùng Mười) tháng Tư nhuận năm Ất Sửu, niên hiệu Gia Long năm thứ 4 (1805) dựng cột, cất nóc. Ngoài ra, Bia kỷ niệm công đức (mặt 1), hiện lưu giữ tại đình cũng cho biết: “…vào tháng Tư nhuận năm Ất Sửu, tức năm Gia Long thứ 4 (1805) dựng cột, cất nóc làm ngôi đình”. Như vậy, nếu căn cứ vào thượng lương và văn bia, có thể khẳng định, tòa đại đình được dân làng Phong Cốc dựng vào tháng Tư năm Ất Sửu (1805).

Tuy nhiên, căn cứ vào các tác phẩm điêu khắc và mỹ thuật còn lưu giữ tại đình, giới nghiên cứu nhận định rằng Đình Cốc được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII – đánh dấu một chặng đường phát triển lâu đời, đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của vùng đất này.

Kiến trúc cảnh quan

Đình Phong Cốc tọa lạc trên một gò đất cao, phía trước là dòng sông Cửa Đình thơ mộng, xung quanh là khu dân cư đông đúc của phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên.

Với tổng diện tích lên tới 5.200m², ngôi đình có quy mô lớn, bao gồm các hạng mục chính như: Nghi môn, sân đình, Tiền Đường, Bái Đường và Hậu cung. Trong đó, Tiền đường được dựng vào năm 1805 (Gia Long năm thứ tư), Bái đường xây dựng từ năm 1801 (Cảnh Thịnh năm thứ tám). Trước đó, vào thời vua Trần Anh Tông, sau chiến thắng ở Chiêm Thành, nhà vua đã ban 300 quan tiền để tu sửa đình, sang thời Lê, đình tiếp tục được trùng tu và mở rộng.

Nghi môn đình gồm bốn trụ biểu kiểu dáng lồng đèn, tạo thành ba lối đi, với hai trụ chính cao khoảng 4m, còn hai cột hai bên có chiều cao thấp hơn. Trên đỉnh các trụ đắp nổi hình chim phượng chúc đầu xuống, đuôi vểnh cao; chân trụ có dáng thắt cổ bồng. Qua cổng là bức bình phong dạng cuốn thư cao khoảng 1m, chạm khắc hình rồng mây và dây lá cách điệu. Sân đình lát đá xanh to bản, từng là nơi họp chợ của người dân (chợ Cốc), sau này để bảo đảm an toàn cho di tích, chính quyền địa phương đã di dời chợ ra phía ngoài sân đình.

Kiến trúc đình xây theo kiểu trùng thềm điệp ốc, gồm hai nếp nhà trên cùng một nền, nếp thứ nhất là Tiền Đường, có kiến trúc hình chữ Nhất (一), gồm 7 gian, 2 chái với 8 hàng cột hiên. Nếp thứ hai gồm 5 gian, 2 chái, nối liền nếp trước bằng ống máng thoát nước, Hậu cung nối liền ở sau tạo thành hình chữ Đinh (丁)gồm 1 gian ngang, 2 gian dọc, là nơi thờ Thành hoàng làng.

Bên trong đình có tổng cộng 104 cột gỗ lim lớn, tiết diện tròn, với kích thước lớn, các gian thờ được trang trí bằng hệ thống cửa võng chạm lộng, kênh bong, hoành phi và câu đối sơn thếp vàng. Hình ảnh rồng được thể hiện chủ đạo với nhiều thư thế: cuộn khúc chầu mặt nguyệt (trên cửa võng), rồng ổ đang chụm đầu hoặc trong tư thế đang vờn, cắn đuôi nhau, rồng còn được chạm dày đặc, bao trùm toàn bộ các ván mê và xà nách từ cột cái ra cột quân. Hình rồng đa phần được thể hiện dưới dạng đầu to, mắt tròn lồi, mũi dài, mồm rộng, không có sừng, tai to, uốn cong hình cánh chim, râu dài, có chỗ thì thì xoắn lại hoặc tỏa rộng ra hai bên. Thân rồng mập và có vảy; chân ngắn, móng nhọn kiểu tay người; đuôi dài cuộn khúc.

Nổi bật nhất là hệ thống chạm khắc gỗ tinh xảo, độc đáo được chạm kênh bong nhiều lớp chồng lên nhau, mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII–XVIII, với các đề tài như tứ linh (long – ly – quy – phượng), trò chơi dân gian (đánh vật, chọi gà, bơi thuyền, đi hội) phản ánh sinh động đời sống văn hóa vùng đảo Hà Nam. Bên cạnh các đề tài rồng – phượng, ở đình còn có các hình mẫu về một số con vật khác, như long mã, nghê và chim, thú, được chạm khắc ở các đầu bẩy phía trước và sau tòa Tiền Đường. Các con vật được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như người cưỡi nghê hay rồng chạm cùng nghê.

Một chi tiết nghệ thuật đặc sắc là hình ảnh tiên nữ cưỡi chim phượng – được thể hiện dưới dạng phù điêu chạm bong trên xà nách, thể hiện trình độ điêu khắc tinh tế của nghệ nhân xưa. Mái đình lợp ngói mũi hài, góc mái uốn cong hình rồng, bờ nóc đắp nổi hình “lưỡng long chầu nhật”, mang ý nghĩa cầu chúc quốc thái dân an.

Sự kiện và lễ hội

Đình Phong Cốc không chỉ là một công trình kiến trúc tâm linh quan trọng mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân vùng đảo Hà Nam. Nơi đây diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa địa phương như: lễ hội cầu mưa, lễ hội xuống đồng và lễ hội Tiên Công – những lễ hội này đã được cấp bằng công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Trong đó, lễ hội xuống đồng nổi bật với môn thể thao truyền thống “bơi xào” – một nét độc đáo có từ lâu đời. Theo lời kể của các bậc cao niên, thuở xưa khi hệ thống giao thông đường bộ còn chưa phát triển, người dân địa phương chủ yếu di chuyển bằng thuyền gỗ và sử dụng những cây sào dài – để chèo lái. Từ đó, bơi xào ra đời như một phần không thể thiếu trong đời sống, rồi dần trở thành một nghi thức không thể thiếu trong lễ hội mùa màng của người dân Hà Nam, được gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ.

Hằng năm, dân làng còn tổ chức lễ cầu mưa, với nghi thức rước Tứ Vị Thánh Nương từ miếu Phong Cốc về đình để dâng hương tế lễ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sau đó lại rước các ngài trở về miếu theo đúng nghi lễ truyền thống.

Bên cạnh vai trò là trung tâm tín ngưỡng và lễ hội, đình Phong Cốc còn là nơi gắn kết các dòng họ lâu đời trong làng như: họ Nguyễn, họ Vũ, họ Lê Sĩ, họ Ngô, họ Nguyễn Huy, họ Tô, họ Lê và họ Phạm – thể hiện sự cố kết cộng đồng bền chặt, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và truyền thống của cư dân vùng đảo Hà Nam suốt hàng trăm năm qua.

 Di vật

Hiện nay, đình Phong Cốc vẫn lưu giữ được nhiều di vật quý giá có giá trị lịch sử và nghệ thuật, tiêu biểu như bia đá cổ, hoành phi, câu đối cùng hệ thống đồ thờ tự được chạm khắc tinh xảo, sơn son thếp vàng. Những hiện vật này không chỉ góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa của di tích mà còn là minh chứng sống động cho truyền thống tín ngưỡng lâu đời của người dân Phong Cốc.

Xếp hạng

Với giá trị tiêu biểu về kiến trúc – nghệ thuật đình Phong Cốc đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp Quốc gia theo Quyết định số 191/VH-QĐ, ngày 22/03/1988.

Tài liệu tham khảo

  1.   Nguyễn Văn Nghi (2016), Nghệ thuật trang trí đình Phong Cốc, Tạp chí Di sản Văn hoá, số 4(57).
  2.   Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
  3.   Chuyện kể dưới mái đình Phong Cốc, Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam – VOVTV.
  4.   Đình Phong Cốc và những nét đẹp kiến trúc cổ, Trang báo Điện tử Quảng Ninh.
  5.   Bản nhạc Hà Nam Phong Cốc quê tôi.
Chấm điểm
Chia sẻ
Checkin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner app chỐn thiÊng 3 (60x90)