Tên gọi và vị trí địa lý
Đình Phú Xá tọa lạc tại số 57 phố Phú Xá, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Đình nằm sâu trong làng Phú Xá, đi qua những con ngõ ngoằn ngoèo nhưng lại gần với đê sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km về phía Tây Bắc.
Lịch sử và nhân vật
Căn cứ theo cuốn thần tích lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội và truyền thuyết dân gian ở địa phương, đình Phú Xá thờ Nhị vị đại vương là Hiển Huệ và Báo Hỷ.
Sự tích xưa kia kể rằng: Có hai vị học trò vào kinh dự thi. Khi đi đến ghềnh Xù thì gặp nạn hồng thủy nên hai vị đã hóa tại đây. Hai vị đã tỏ rõ linh ứng giúp dân hộ quốc nên dân làng lập đền thờ. Sau này các đời vua tôn vinh hai vị làm Thành Hoàng làng, một vị mang ân huệ cho dân làng gọi là Hiển Huệ, một vị mang điều tốt lành cho dân làng gọi là Báo Hỷ.
Bên cạnh đó, đình Phú Xá còn thờ Phó Tể tướng Nguyễn Kiều là người có công xây dựng đình. Cụ Nguyễn Kiều (1695 -1752), tên hiệu là Hạo Hiên, sinh trưởng tại làng Phú Xá thuộc tổng Phú Gia, phủ Hoài Đức, nay là làng Phú Xá, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Cụ Kiều quê gốc ở Nam Định, cụ thân sinh cùng gia đình lên Phú Xá để dạy học. Tương truyền hồi nhỏ cụ rất thông minh và hiếu học, đến năm 20 tuổi cụ thi Hương và đỗ Hương Cống, năm 21 tuổi thi Hội đỗ Đại khoa, tam giáp tiến sĩ khoa Ất Mùi (1715) thời Lê trung hưng, niên hiệu Vĩnh Thịnh và là một trong hai người trẻ tuổi nhất đỗ đại khoa.
Theo sách làng Phú Xá của Nguyễn Quốc Thiện viết: Khi cụ Nguyễn Kiều làm quan trong triều đình Lê – Trịnh, cụ đã xin một cung điện làm sai quy cách (do thợ mộc đã cắt ngắn các chân cột) của thành Thăng Long về cho dân làng Phú Xá dựng làm đình. Năm 1749, cụ cho chuyển toàn bộ cung điện ấy từ thành Thăng Long theo dòng sông Tô Lịch vào sông Thiên Phù về làng Phú Xá. Mùa thu năm 1749, ngôi đình được khởi công xây dựng đến mùa hạ năm 1750 hoàn thành. Đình tọa lạc trên một gò cao thoáng đãng ở đầu làng Phú Xá, phía trước đình là ao lớn, phía sau đình là đê sông Hồng. Đình làm theo thế gối sơn đạp thủy lấy tên là Tụy Lạc đình tức là đình hội tụ mọi sự an lạc vui vẻ. Đến năm 1751, trước khi qua đời, cụ Kiều đã trồng cây gạo kỷ niệm phía bắc đình làng. Sau này chính cây gạo ấy đã trở thành đầu mối giao thông liên lạc của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ năm 1941 – 1945. Ngày 23/8/1945, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội qua bến đò Xù và nghỉ trưa tại đình Phú Xá, sau đó Bác về Hà Nội đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 02/9/1945.
Trong đình còn có ban thờ cụ Thánh Tăng, là một sự tích độc đáo. Chuyện kể rằng, sau khi xây đình được ít lâu thì làng Phú Xá có bức tượng một cậu bé 14-15 tuổi, khuôn mặt hiền hậu, xiêm áo lộng lẫy gấm điều đến đoạn ngoặt vào làng có ghềnh đá bạc và dòng thác, những vật trôi từ thượng nguồn xuống đều dừng lại ở ghềnh đá bạc này. Các bô lão trong làng trông thấy bức tượng thì cầm sào đẩy bức tượng qua dòng thác. Nhưng chỉ một lúc sau là bức tượng lại theo dòng nước quay lại ghềnh đá bạc.
Các cụ thấy bức tượng thiêng nên vớt lên, thấy là tượng cậu bé nên để thờ ở nơi tuần, đinh, miếu mạo, điếm canh dọc triền đê, lấy ngày ngày rằm Trung thu làm ngày giỗ. Sau nhiều năm, tượng được rước về đình.
Tại đình còn thờ một kiệu quan Hà Bá. Chuyện rằng: Khi xưa có xóm Hồng Phú sinh sống dưới thuyền trên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, quanh năm người dân sống bằng nghề chài lưới và trên một chiếc thuyền thờ kiệu quan Hà Bá. Sau này, xóm Hồng Phú sáp nhập vào làng Phú Xá, thời gian lâu ngày thuyền chở kiệu thờ quan Hà Bá bị vỡ ra, hư hỏng nặng, bà con trong xóm Hồng Phú mới chuyển kiệu quan Hà Bá vào thờ tự ở trong đình.
Kiến trúc cảnh quan
Trong gia phả của đình, nhà chép sử của làng Nguyễn Quốc Thiện cho biết: “Đầu năm 1954 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên đà thắng lợi, một số đơn vị quân đội viễn chinh của Pháp bị thua trận ở phía Bắc đã rút về đóng quân ở đình làng. Để bảo toàn tài sản của đình, nhân dân đã vận chuyển toàn bộ di sản quý về chùa Phú Xá để cất giữ và bảo quản đến ngày hôm nay.”
Đến năm 1959, do thăng trầm của lịch sử, ngôi đình bị phá bỏ hoàn toàn để xây dựng trường cấp I và cấp II Phú Thượng. Năm 1974, trường học chuyển đi nơi khác, toàn bộ khu nền đình cũ và trường học được cấp cho người dân ở.
Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đình Phú Xá đã được phục dựng trên nền đình cũ với diện tích khoảng 500m2, đình quay về hướng Tây gồm 5 gian Đại Đình và 3 gian Hậu Cung.
Hậu Cung là nhà ngang làm kiểu đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Nền nhà lát gạch, bộ khung nhà làm đơn giản kiểu vì kèo quá giang, bào trơn đóng bén. Chính giữa Hậu Cung là hai bộ ngai thờ Thành Hoàng, Nhị vị Đại vương, bên phải thờ tiến sĩ Nguyễn Kiều và vợ là nữ sĩ Hồng Hà Đoàn Thị Điểm. Bên trái thờ kiệu quan Hà Bá. Gian bên trong đình thờ 2 kiệu, (kiệu anh và kiệu em) từ thời hậu Lê. Trong đình còn có 2 ngựa thần, 1 đôi hạc, 2 bộ chấp kính, 2 ông phỗng đá và 1 chum Ngô để trong ngày hội, dân làng tổ chức lễ rước nước từ sông Hồng về đình.
Mới đây, tòa Đại Đình 5 gian được chính quyền và nhân dân tu bổ lại, các bộ vì được thể hiện kiểu chồng rường, tiền kê, hậu bẩy. Mái lợp ngói ta, các góc mái được thể hiện các đầu đao cong hình đầu rồng. Phía trước là hệ thống cửa bức bàn bằng gỗ. Đại Đình được làm trên nền cao với 3 bậc đá từ sân đi lên, làm theo kiểu nhà bốn mái gồm có bốn đầu đao cong, bờ nóc chạy thẳng chính giữa đắp đôi rồng chầu mặt trời lửa. Hình rồng được làm đơn giản, đuôi xoắn, vây lưng và bờm nhọn. Hai bên hồi xây tường nối ra hai cổng nhỏ thông ra phía sau.
Hiện vật
Đình Phú Xá còn lưu giữ được hệ thống di vật phong phú đa dạng về thể loại và chất liệu như: thần phả, chuông đồng, ngai thờ, kiệu gỗ, cửa võng, hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị… Có 11 đạo sắc phong có niên đại Lê – Nguyễn, trong đó có sắc phong niên hiệu Đồng Khánh thứ 3 (1887), niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880), niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909) và niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924)… Các di vật này là nguồn tư liệu quý giá góp phần tìm hiểu về lai lịch các vị thần trong tín ngưỡng người Việt xưa cũng như quá trình phát triển của đình làng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Lễ hội
Hàng năm để tưởng nhớ công đức của thành hoàng làng, nhân dân làng Phú Xá tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày mùng 10 tháng 2, là dịp để tỏ lòng thành kính và cảm tạ Thần đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, nhân dân có cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.
Tham khảo
- “Đình Phú Xá”, tayho360.vn
- Trần Mỹ Hiền, “Làng lưu giữ văn hoá tâm linh của người Việt”, báo Công an nhân dân online, 18/1/2019.
- Thuỷ Hương, “Đình Phú Xá”, nhịp sống Hà Nội – chuyên trang của báo điện tử Hà Nội mới, 29/8/2019.