Đình Sơn Quyết Hạ (Chương Mỹ, Hà Nội)

Đình Sơn Quyết Hạ (Chương Mỹ, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Nằm ở phía Tây Nam thủ đô Hà Nội, huyện Chương Mỹ từ lâu đã được biết đến như một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ của những giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh sâu sắc. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, mảnh đất này vẫn gìn giữ được bản sắc truyền thống, thể hiện rõ nét qua những ngôi chùa cổ, đình làng, núi non kỳ vĩ và lễ hội dân gian đậm đà bản sắc, là nơi giao thoa giữa văn hóa đồng bằng Bắc Bộ và vùng bán sơn địa.

Giữa lòng vùng đất ấy, có một ngôi đình cổ ít người biết đến nhưng đầy thiêng liêng và sâu sắc, đó là Đình Sơn Quyết Hạ. Nhân dân trong vùng vẫn quen gọi đình Sơn Quyết Hạ là đình Sơn Quyết tọa lạc tại xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, quay về hướng Đông Nam quốc lộ 6, trên thế đất “Tam thuỷ giao lai”, tức nơi tụ hội của ba dòng nước sông Tích, dòng Bồ Đơi, dòng Cống Đế. Theo quan niệm phong thủy, đây là vị thế đặc biệt quý hiếm, mang lại linh khí và vượng khí dồi dào cho vùng đất.

Lịch sử và nhân vật

Đình Sơn Quyết Hạ còn là nơi lưu giữ câu chuyện cảm động về ngũ vị Thành hoàng – những người con ưu tú đã cống hiến cả đời mình cho non sông Đại Việt.

Theo ghi chép trong cuốn Hà Nội Danh Thắng Và Di Tích, tập 01:

Cuốn Thần phả do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), sau đó được Quản giám bách thần tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng tả vào năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) còn ghi lại thì đình Sơn Quyết Hạ thờ ngũ vị Thành hoàng là năm anh em ruột – người giúp Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đánh giặc Nguyên – Mông vào thế kỷ XIII. Chuyện kể rằng: Ngũ vị thành hoàng vốn là con của bà Phạm Thị Long, quê ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn. Đương thời thấy phong cảnh trang Sơn Quyết Hạ hữu tình, bà bèn ở lại đây sinh cơ lập nghiệp và sinh được 5 người con trai. Bà đặt tên con là Uy Minh, Uy Nghĩa, Uy Lễ, Uy Trí và Uy Dũng. Các con lớn lên trong sự đùm bọc của người mẹ hiền và dân làng trang Sơn Quyết.

Khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, vua Trần sai sứ giả tìm người hiền giúp nước. Năm ông bàn với nhân dân trong trang và chiêu tập hơn 50 trai tráng theo Trần Hưng Đạo. Thấy các ông là người có tài thao lược, Hưng Đạo Vương phong cho các ông làm Tiên phong kéo quân về đánh giặc ở Bạch Đằng. Tại đây, ông cùng các tướng nhà Trần giết được tướng giặc là Ô Mã Nhi. Đất nước thanh bình, năm ông trở về chung sống với nhân dân và hoá tại đây. Để tỏ lòng biết ơn với các vị có công giúp nước, nhân dân trang Sơn Quyết đã lập đền thờ để tỏ lòng thành kính với năm ông.(1)

Trong suốt chiều dài lịch sử, đình là nơi thờ tự mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, chính trị của làng xã. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đây từng là nơi tập hợp lực lượng, che giấu cán bộ cách mạng, là nơi nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và lòng kiên cường của nhân dân.

Kiến trúc cảnh quan

Đình Sơn Quyết Hạ là một quần thể kiến trúc truyền thống tiêu biểu, bao gồm hai hạng mục chính: Đại bái và Hậu cung, được bố cục theo kiểu chữ “Nhị” đặc trưng của đình làng vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Tòa Đại bái có chiều dài 13 mét, rộng 4,7 mét, được chia thành 5 gian với kết cấu vững chãi, mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Phần mái được dựng theo kiểu chồng rường, một kỹ thuật mộc truyền thống thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân xưa.

Điểm nổi bật trong không gian Đại bái là hệ thống cốn nách được chạm khắc công phu, thể hiện các tích cổ như “Long ngư hí thủy”, cùng các linh vật thiêng như long, phượng, nghê, mã, và hình tượng cây tùng, mai, cúc, trúc.

Hậu cung ở phía sau được dựng theo kiến trúc hai tầng bốn mái, tạo thế cao vút, uy nghiêm nổi bật hơn hẳn so với Đại bái. Lối thiết kế này không chỉ tạo nên vẻ lộng lẫy, mà còn thể hiện sự tôn kính với không gian thờ tự linh thiêng bên trong.

Hiện vật

Nơi đây lưu giữ nhiều di vật quý như: long ngai, bài vị, hoành phi, câu đối, đồ tế khí cổ truyền,… Mỗi hiện vật đều mang đậm dấu ấn nghệ thuật dân gian và có giá trị tâm linh đặc biệt.

Đáng chú ý nhất là bức hoành phi chạm bốn chữ Hán “Ngũ vị thành chương”, ca ngợi công lao và phẩm chất sáng ngời của năm vị Thành hoàng được thờ phụng tại đình. Đây vừa là di vật quý giá, vừa là thông điệp tâm linh, nhắc nhớ hậu thế về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Sự kiện và lễ hội 

Hằng năm, vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch, người dân thôn Sơn Quyết Hạ lại long trọng tổ chức lễ hội truyền thống của đình làng – một sự kiện văn hóa, tâm linh mang đậm dấu ấn quê hương.

Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với các nghi thức rước kiệu, tế thánh, dâng hương, nhằm thể hiện lòng thành kính và biết ơn đối với ngũ vị Thành hoàng làng.

Xếp hạng

Đình Sơn Quyết Hạ được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991.

Chú thích

  1.  Lưu Minh Trị (chủ biên), Hà Nội Danh Thắng Và Di Tích, tập 01, Nxb Hà Nội, 2011, tr 1113-1114.

Tham khảo

  1. Lưu Minh Trị (chủ biên) (2011), Hà Nội Danh Thắng Và Di Tích, tập 01, Nxb Hà Nội.
5/5 (1 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ
Checkin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner app chỐn thiÊng 3 (60x90)