Đình Tân Khai (Hoàng Mai, Hà Nội)

Đình Tân Khai (Hoàng Mai, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đình của làng Tân Khai, trước kia thuộc xã Vĩnh Tuy, huyện Thanh Trì. Nay tọa lạc tại ngõ số 179 Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, chếch về phía tây chùa Đông Thiên tức Phúc Khánh Tự.

Lịch sử và nhân vật

Cuốn thần phả lưu giữ tại đình có ghi: “Vào năm Hồng Đức thứ hai (1471), Chiêm Thành dấy loạn, giật thuyền cướp biển, vơ vét hết của cải, gia súc của nhân dân nơi biên giới. Thư biên ải cáo cấp, vua nghe tin phẫn uất than phiền “Đế vương xưa một khi nổi giận thì lập tức thiên hạ yên dân, trẫm từ khi lên ngôi đế đến nay, gia ân dương uy, cứng mềm đều dùng nhưng Chiêm Thành kia chống lệnh không chầu, chúng lại cướp bóc, quấy nhiễu đồng bào biên giới của ta, cho nên sai quân đi hỏi tội chúng, liệu có đúng chăng? Vua bèn truyền thần vào thương nghị, nói rằng “Từ buổi trẫm lên ngôi đến nay, muôn phương không nơi nào không đến triều cống, chỉ có Chiêm Thành tự quật cường mà không chịu cống nạp lại còn tụ tập côn đồ nhiễu thần dân biên giới, đâu phải chỉ ra oai một lần, nhưng vẫn chưa đủ làm uy cho kẻ ở xa vậy nên năm tới sẽ chinh phạt Chiêm Thành. Nhà vua ra lệnh cho đóng mấy trăm thuyền chiến mang các biểu tượng rồng, rắn, cá, hổ, báo và đích thân ra trận. Quân ta đóng tại cửa biển Đại ác, được tin Chiêm Thành dẫn quân và voi đến bờ nam sông Ngũ Bồ để đánh quan quân ta. Vua bèn ra lệnh bỏ thuyền lên bờ và đưa quân sĩ tới bờ Bắc. Thấy quân giặc đã la liệt bên sông, ngài bèn dẫn một bộ phận sĩ tốt, dựng cờ gióng trống đánh một trận quyết liệt, qua mấy chục hiệp. Quân giặc thế yếu không địch nổi bền bỏ chạy toán loạn, quân ta truy đuổi diệt 5 vạn quân địch, thu được trên 50 voi trận, bắt sống hơn 1 ngàn quân giặc. Trong đám tù binh ấy có cả chúa Chiêm Thành là Nha Cát và vợ là Nguyệt Nga công chúa và hàng trăm cung tần mỹ nữ. Nhà vua còn sai sứ đến các lán ấp để phủ dụ dân chúng. Thế rồi vua cho ban lệnh khải hoàn, quần thần chúc mừng thắng trận và dâng lễ tù binh hơn 1 vạn tên cùng rất nhiều vàng bạc châu báu. Vua lại hạ lệnh phân người Chiêm Thành theo các bộ thuộc mà ở. Bấy giờ công chúa Nguyệt Nga (vợ chúa Nha Cát) đã ở trên sông Lý Nhân tự soi mình trước sông mà than rằng “Sống với quốc vương sống thế là vinh, chết lúc nước gặp nạn dẫu chết cũng là chết vinh, há còn mặt mũi nào mà ham sống, cam lòng của kẻ nhi nữ mà tự ôm niềm phẫn uất không nguôi”. Nói rồi nàng bèn dùng chăn cuốn chặt thân và nhảy xuống sông mà chết. Nghe tin này, nhà vua vô cùng hoảng hốt than rằng: “Không hiểu phong tục nước Man. Nếu là dân kiêu hãnh thì mới có thể trung thần trinh tĩnh được nhường ấy”. Nhà vua ra lệnh cho quân Chiêm cùng sĩ tốt thu nhặt thi thể của họ và làm lễ an táng. Song rồi vua ra lệnh tìm tất cả ruộng hoang cho người Chiêm Thành cày cấy, giúp họ sinh cơ lập nghiệp. Bây giờ ở Tây Dư, Thanh Đàm (nay là Thanh Trì) có một thửa ruộng, đất màu mỡ, ban người Chiêm ở đó, đồng thời vua sai dựng một cái nhà tranh đế thờ cố chúa Chiêm Thành là Nha Cát và phong tước Đại vương cho ông. Vì chữ Nha trùng với tên của Hậu Yên Định phu nhân nên đổi thành chữ Nhã, lại cho phối thờ với công chúa Nguyệt Nga. Nhà vua nói “Lấy nước người nhưng không thế lấy đi phong tục thờ tự của người. Thế rồi nhân dân Chiêm Thành di dời đến đó, lập ấp, sống lâu đài. Nhân đó mới đặt tên là trang Vĩnh Hưng, đồng thời ban cho nhân dân thờ Nhã Cát Đại vương, kiêng huý chữ Cát; Công chúa Nguyệt Nga phong làm Trinh Thiện phu nhân, kỵ huý chữ Nga.”[1]

Như vậy, đình Tân Khai tôn thờ vị thành hoàng làng là vua Chiêm – Nhã Cát Đại Vương và vợ là Nguyệt Nga. Có ý kiến cho biết thêm rằng: “Huyện Thanh Đàm (sau đổi là Thanh Trì) bấy giờ có vùng đất màu mỡ, người Chiêm đã tới lập nghiệp tại đây. Nhà vua cho họ lập đền thờ vua cũ là Nha Cát và công chúa Nguyệt Nga (vợ ông) cũng được phối thờ tại đó; lại đặt tên đất ấy là Vĩnh Hưng Trang.

Đến năm 1740, vua Lê Hiển Tông lên ngôi, lấy niên hiệu Cảnh Hưng, do húy kỵ nên Vĩnh Hưng Trang phải đổi thành xã Vĩnh Tuy. Xã trước kia gồm 5 thôn: Thượng, Đoài, Tân Khai, Đông Thiên, Trung Lập. Đình thôn nào cũng thờ vua Chiêm là Nha Cát và bên cạnh có đền thờ vợ ông là công chúa Nguyệt Nga, dân gọi là đền Mẫu.”[2]

Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Tháng 8 (1470), quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thuỷ bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hoá. Tướng trấn giữ biên thuỳ ở châu Hoá là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dân vào thành, rồi cho chạy thư cáo cấp”[3]. Tháng 11, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu thân hành đi đánh Chiêm Thành:  “Trước đó, người Chiêm Thành ở Thi Nại 2 Bàn La Trà Duyệt là con người vú nuôi, giết chúa hắn là Bí Điền mà cướp lấy nước, rồi truyền cho người em là Trà Toàn. Trà Toàn là đứa hung bạo làm càn, dối thần ngược dân, người Chiêm mưu phản, Toàn cũng không nghĩ chi đến, lại còn ngạo mạn kiêu căng, không sửa lễ tiến cống, lăng nhục sứ thần của triều đình, quấy nhiễu dân biên giới. Lừa gạt người Minh để xin viện trợ mà sang ăn cướp.”[4]

Đến năm 1471: “Ngày mồng 1 tháng 3 hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về.”[5] “Ngày mồng 2, vua thấy đã phá được thành Chà Bàn, liền xuống chiếu đem quân về. Vua thấy thuyền Trà Toàn đi chật hẹp, không chứa được hết vợ cả, vợ lẽ hắn, sai cho chọn hai người cùng đi. Còn những người khác, khi về đến kinh sư, sẽ trả lại cả.”[6] Ngày 15, vua đã dẹp được Chiêm Thành, bắt sống Trà Toàn, bèn tự mình viết bài chiếu báo tin thắng trận, sai quan mang về kinh sư bố cáo thiên hạ biết.”[7] Tuy nhiên, trên đường về Kinh, Trà Toàn vì bệnh mà chết.

Như vậy đối chiếu với Ngọc phả của đình Đông Thiên cho thấy sự kiện năm Hồng Đức thứ 2 (1471) vua Lê Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm Thành là có thật, chỉ có khác tên vua Chiêm Thành là Trà Toàn, còn tên ghi trong ngọc phả của đình lại là Nha Cát. Điều này lý giải có thể là do cách phiên âm tên người Chiêm có khác nhau chăng?

Kiến trúc cảnh quan

Tổng thể các hạng mục kiến trúc của đình được bố trí đăng đối trên đường thần đạo theo thứ tự là: hồ bán nguyệt, Nghi Môn ngoại, Nghi Môn nội, Tả Hữu mạc, Đại Bái và Hậu Cung.

Đại Bái và Hậu Cung đình kết cấu trên mặt bằng kiến trúc chữ Đinh. Đại Bái gồm 3 gian 2 chái, kiểu 1 tầng 4 mái đao cong. Chính giữa bờ nóc là lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc là kìm nóc và đấu đinh. Vào bên trong, các bộ vì liên kết theo cách thức “Thượng giá chiêng, hạ kẻ ngồi, bảy hiên”. Bốn mái đao cong được tạo mềm mại là do sự liên kết giữa các cấu kiện của bộ vì gian chái với hệ thống kẻ xó tại bốn góc. Gian giữa Đại Bái nối với 3 gian dọc Hậu Cung tạo không gian thiêng liêng bài trí khám và tượng thờ Nhã Cát Đại vương và Công chúa Nguyệt Nga.

Có thể nói từ ngày khởi dựng đến nay, đình Tân Khai cùng với các đình Thượng, đình Đông Thiên đã thực sự trở thành trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân, đặc biệt lễ hội tại 3 di tích trên có vai trò quan trọng trong việc duy trì, gắn kết mối quan hệ nhân dân Vĩnh Hưng.

Lễ hội

Hàng năm, đến ngày mùng 1 – 2 tháng Hai Âm lịch, nhân dân Vĩnh Hưng lại tập trung tại đình Thượng, đình Tân Khai và đình Đông Thiên để cùng nhau tham gia tổ chức ngày hội truyền thống. Lễ hội tại đây khá đặc sắc với lễ cấp thuỷ, bao gồm các nghi thức tế và lễ, rước nước từ sông Hồng về các di tích phục vụ lễ mộc dục. Lễ cấp thuỷ được tiến hành vào ngày mùng 1. Trước đó, mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất: lựa chọn 6 thành viên nữ tham gia lễ rước nước rất kỹ càng, người được giao nhiệm vụ múc nước phải là người thông minh, song toàn. 

Nghi thức trong lễ cấp thuỷ được tiến hành theo trình tự: đoàn rước tập trung tại đình Thượng (đình cả) cùng nhau nghe đọc lời khai mạc rồi đến bãi sông tiến hành lễ tế vua hà. Tại đây, các công việc chuẩn bị kiệu, các thành viên trong trang phục chỉnh tề đã trong tư thế sẵn sàng. Đoàn rước tiếp tục lên thuyền ra giữa sông để người được lựa chọn múc nước múc từng gáo đổ vào choé. Nước lấy đầy choé, đoàn thuyền quay lên bờ và 6 nữ tú khênh kiệu rước choé nước về từng di tích. Các nghi thức lễ và tế cùng với các hoạt động hội họp được tiến hành vào ngày mùng 2 thu hút đông đảo nhân dân Vĩnh Hưng.

Xếp hạng

Với những giá trị nổi bật trên, năm 2003, đình Tân Khai đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là di tích lịch sử văn hoá. 

Chú thích

[1]TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa Thông tin, 2010, tr. 307 – 310. 

[2] Nguyễn Chí Công, Đình Tân Khai (Vĩnh Hưng), https://360.hncity.org/spip.phparticle423#:~:text=%C4%90%C3%A2y%20l%C3%A0%20ng%C3%B4i%20%C4%91%C3%ACnh%20c%E1%BB%A7a,ch%E1%BA%A1y%20tr%C3%AAn%20ph%E1%BB%91%20V%C4%A9nh%20H%C6%B0ng, bài đăng năm 2017.

[3] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản mộc bản khắc năm chính hòa thứ 18 (1697),  Nxb Khoa học xã hội, 1993, tr. 464.

[4] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 464.

[5] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 469.

[6] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 470.

[7] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 471.

Tham khảo

  1. Nguyễn Chí Công, Đình Tân Khai (Vĩnh Hưng), https://360.hncity.org/spip.phparticle423#:~:text=%C4%90%C3%A2y%20l%C3%A0%20ng%C3%B4i%20%C4%91%C3%ACnh%20c%E1%BB%A7a,ch%E1%BA%A1y%20tr%C3%AAn%20ph%E1%BB%91%20V%C4%A9nh%20H%C6%B0ng, bài đăng năm 2017.
  2. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… (1993) Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản mộc bản khắc năm chính hòa thứ 18 (1697),  Nxb Khoa học xã hội.
  3. TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa Thông tin. 
5/5 (2 bình chọn)
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)