Tên gọi và vị trí địa lý
Xã Vĩnh Tuy (nay là phường Vĩnh Hưng) dưới triều Nguyễn là một đơn vị hành chính gồm các thôn: Đoài Nhất, Đoài Nhì, Đông Phú, Thiên Tứ, Tân Khai Thượng, Tân Khai Hạ, Trung Lập. Hiện nay, phường Vĩnh Hưng gồm 3 thôn: Thôn Thượng, Đông Thiên, Tân Khai. Đình thôn Thượng là tên gọi theo địa danh của thôn, toạ lạc tại ngõ 422 phố Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Thôn Thượng là một làng cổ nằm ở phía Đông Nam của kinh thành Thăng Long. Theo truyền thuyết dân gian kể lại: “Dưới thời Lê Thánh Tông, thế kỷ XV, khu vực này là trang Vĩnh Hưng, do những tù binh Chiêm Thành được đưa về đây khai khẩn”. Quy mô trang ấp này ngày nay còn có thể nhận biết qua các thôn của xã Vĩnh Tuy cũ.
Lịch sử và nhân vật
Hiện đình còn lưu giữ bản Ngọc phả, do Hàn Lâm Viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào mùa xuân năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) ghi rằng: “Đình thôn Thượng thờ hai vị nhân thần người Chiêm Thành là: Nha Cát và vợ của ông là Công chúa Nguyệt Nga. Sự tôn vinh hai nhân vật này tại đình Thượng, cũng như đình Đông Thiên, đình Tân Khai, có quan hệ mật thiết đến nguồn gốc buổi đầu lập làng dựng nghiệp, tức trang Vĩnh Hưng của tù binh Chiêm Thành xưa.” [1]
Thuở đầu khi đền thờ Nha Cát Đại Vương và công chúa Nguyệt Nga do các chiến binh Chiêm Thành lập nên, họ trở thành vị thần bảo hộ cho cuộc sống của dân làng và từng được các vương triều phong kiến Việt Nam ban tặng sắc phong.
Thần phả của làng ghi: “Vào năm Hồng Đức thứ 2 (1471), Chiêm Thành dấy loạn, giật thuyền cướp biển, vơ vét của cải, gia súc của dân chúng nơi biên giới. Thư biên ải cáo cấp, Vua nghe tin phẫn uất than phiền: “Đế vương xưa một khi nổi giận, thì lập tức thiên hạ yên dân, trẫm từ khi lên ngôi đến nay, gia ân dương uy cứng mềm đều dụng, nhưng Chiêm Thành kia chống lệnh không chầu, chúng lại cướp bóc quấy nhiễu đồng bào biên giới của ta. Cho nên trẫm sai quân đi hỏi tội chúng, liệu có đúng chăng?” Vua bèn triệu tập đình thần thương nghị. Vua nói rằng: “Từ buổi trẫm lên ngôi đến nay, muôn phương không nơi nào đến không tới triều cống, chỉ riêng có Chiêm Thành tự quật cường mà không chịu cống nạp, lại còn tụ tập giặc cỏ côn đồ nhiễu sách thần dân biên giới … Vậy năm tới sẽ chinh phạt Chiêm Thành.”[2]
Nhà vua ra lệnh đóng thuyền chiến, và ngài thân chinh ra trận. Quân ta đóng tại cửa biển Đại Ác, được tin Chiêm Thành dẫn quân và voi chiến tới bờ Nam sông Ngũ Bồ để chống lại quan quân, vua bèn ra lệnh bỏ thuyền lên bờ và đưa quân sĩ tới bờ Bắc. Thấy quân giặc đã la liệt bên sông, ngài bèn dẫn một phần sĩ tốt, dựng cờ dong trống, đánh một trận quyết liệt, qua mấy chục hiệp, giặc thấy thế yếu không địch nổi, liền bỏ chạy tan tác, quân ta truy đuổi diệt được 5 vạn tên, thu được 50 voi trận, bắt sống hơn 1 ngàn tên giặc. Trong số tù binh ấy có cả chúa Chiêm Thành là Nha Cát cùng vợ là Nguyệt Nga công chúa và hàng trăm cung tần mỹ nữ. Nhà vua còn sai sứ đến các lán ấp đế phủ dụ dân chúng. Thế rồi ngài ra lệnh cho quân khải hoàn, quần thần chúc mừng thắng trận. Lễ cáo Thái Miếu vua ngồi ngự điện thiết triều mở tiệc yến ẩm khác thường trăm quan, quần thần dâng lễ tù binh 1 vạn 50 ngàn tên, cùng rất nhiều vàng bạc châu báu.
Hoàng đế lại hạ chiếu phân người Chiêm theo các bộ thuộc mà ở. Bấy giờ công chúa Nguyệt Nga đã ở trên sông Lý Nhân tự soi mình trước dòng nước mà than thở: “sống với Quốc vương sống thế mới là vinh, há còn mặt mũi nào mà ham sống, cam lòng của kẻ nhi nữ cứ ôm niềm phẫn uất khôn nguôi ra?” rồi nàng dùng chăn cuốn chặt vào mình, rồi nhảy xuống sông tự vẫn.
Nghe tin này vua Lê Thánh Tông đã vô cùng cảm động và cho rằng: “Là dân kiêu hãnh thì mới có thể trung thần trinh tĩnh được nhường vậy”. Nhà vua ra lệnh cho người Chiêm cùng sĩ tốt sưu tầm thu nhặt thi thể đầy đủ, làm lễ mai táng, hạ chiếu tìm tất cả ruộng công ở các nơi phân chia cho người Chiêm cày cấy giúp họ sinh cơ lập nghiệp.
Bấy giờ ở Tây Dư thuộc huyện Thanh Đàm (nay là Thanh Trì) có một thửa ruộng hoang màu mỡ, cho người Chiêm ở đó, vua cho phép người Chiêm dựng một căn nhà tranh để thờ cố Chúa Nha Cát. Ngài nói: “Lấy nước người nhưng không thể để mất việc thờ tự của người. Thế muôn ngàn đời cùng non sông vĩnh viễn”. Thế rồi di dân Chiêm Thành đến đó để xây dựng lâu đài nơi tân ấp nhân đó gọi là trang Vĩnh Hưng.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Tháng 8 (1470), quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thuỷ bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hoá. Tướng trấn giữ biên thuỳ ở châu Hoá là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dân vào thành, rồi cho chạy thư cáo cấp”[3]. Tháng 11, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu thân hành đi đánh Chiêm Thành: “Trước đó, người Chiêm Thành ở Thi Nại 2 Bàn La Trà Duyệt là con người vú nuôi, giết chúa hắn là Bí Điền mà cướp lấy nước, rồi truyền cho người em là Trà Toàn. Trà Toàn là đứa hung bạo làm càn, dối thần ngược dân, người Chiêm mưu phản, Toàn cũng không nghĩ chi đến, lại còn ngạo mạn kiêu căng, không sửa lễ tiến cống, lăng nhục sứ thần của triều đình, quấy nhiễu dân biên giới. Lừa gạt người Minh để xin viện trợ mà sang ăn cướp.”[4]
Đến năm 1471: “Ngày mồng 1 tháng 3 hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về.”[5] “Ngày mồng 2, vua thấy đã phá được thành Chà Bàn, liền xuống chiếu đem quân về. Vua thấy thuyền Trà Toàn đi chật hẹp, không chứa được hết vợ cả, vợ lẽ hắn, sai cho chọn hai người cùng đi. Còn những người khác, khi về đến kinh sư, sẽ trả lại cả.”[6] Ngày 15, vua đã dẹp được Chiêm Thành, bắt sống Trà Toàn, bèn tự mình viết bài chiếu báo tin thắng trận, sai quan mang về kinh sư bố cáo thiên hạ biết.”[7] Tuy nhiên, trên đường về Kinh, Trà Toàn vì bệnh mà chết.
Như vậy đối chiếu với Ngọc phả của đình thôn Thượng cho thấy sự kiện năm Hồng Đức thứ 2 (1471) vua Lê Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm Thành là có thật, chỉ có khác tên vua Chiêm Thành là Trà Toàn, còn tên ghi trong ngọc phả của đình lại là Nha Cát. Điều này lý giải có thể là do cách phiên âm tên người Chiêm có khác nhau chăng?
Kiến trúc cảnh quan
Qua thời gian thăng trầm của lịch sử, còn tồn tại đến nay, kiến trúc đình trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, song di tích vẫn bảo lưu được những di vật cổ có giá trị văn hoá lịch sử cao trải dài từ đời Lê đến Nguyễn.
Kiến trúc của đình tồn tại qua thời gian dài đã bị xuống cấp do nhiệt độ ẩm thấp, khí hậu khắc nghiệt và yếu tố khách quan tác động lên một số hạng mục của di tích như: cửa mã, sân đình, mái đình. Năm 2010, chính quyền và nhân dân phường Vĩnh Hưng đã tiến hành tu bổ, tôn tạo các hạng mục xuống cấp di tích đã khang trang đẹp hơn chào mừng kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Tuy hiện nay không còn bảo lưu được những kiến trúc cổ truyền trước đây, song đình Thôn Thượng vẫn mang đậm dấu ấn của một di tích thuở đương thời giữ được những tảng đá viền trước cửa mã, cùng tường gạch bát màu gan gà còn trơ vữa. Cùng những di vật, cổ vật quý giá như bát hương, phỗng đá đã thể hiện sự giao thoa của nghệ thuật Việt – Champa thế kỷ XVIII – XIX.
Xếp hạng
Với các giá trị trên đình thôn Thượng đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là di tích lịch sử văn hoá năm 2002.
Chú thích
[1] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa Thông tin, 2010, tr. 392
[2] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Sđd, tr. 392
[3] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản mộc bản khắc năm chính hòa thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội, 1993, tr. 464.
[4] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 464.
[5] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 469.
[6] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 470.
[7] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 471.
Tham khảo
- Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… (1993) Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản mộc bản khắc năm chính hòa thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội.
- TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa Thông tin.