Tên gọi và vị trí địa lý
Đình Thượng Hiệp tọa lạc tại thôn Thượng Hiệp, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội, nằm cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km về phía Tây. Trước kia thuộc tỉnh Hà Tây cũ, sau khi sát nhập trở thành một huyện thuộc thành phố Hà Nội.
Phúc Thọ là một huyện sở hữu hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, trong đó phải kể đến khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng ở xã Hát Môn – nơi tôn vinh và tưởng niệm Hai Bà Trưng, hai nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc. Bên cạnh đó, làng Thượng Hiệp nổi tiếng với nghề may truyền thống, chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Từ quần áo, khăn, yếm đến chăn màn, các sản phẩm đa dạng này không chỉ được tiêu thụ trong xã mà còn được mang ra chợ phiên, phục vụ cả những người dân ở các vùng lân cận.
Đình Thượng Hiệp thờ Bạch Hạc Long thân Đại vương ở thời Hùng Vương, giỏi đánh giặc, giỏi trị thuỷ, được vua phong làm Thổ lệnh khâm sai, Thống quốc Trung thành đại vương. Đình Thượng Hiệp, là một trong những ngôi đình lâu đời, mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa của người dân vùng Tam Hiệp.
Lịch sử và nhân vật
Bạch Hạc Long Thân Đại Vương là một nhân vật lịch sử nổi tiếng trong truyền thuyết dân gian Việt Nam, gắn liền với thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Bạch Hạc Long Thân Đại Vương được cho là một vị tướng tài ba, đã có công lao lớn trong việc bảo vệ đất nước và giúp vua Hùng Vương giữ vững giang sơn. Theo truyền thuyết, ông là một vị thần bảo vệ và có vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ nhân dân, chống lại các thế lực xâm lược hoặc các tai họa từ thiên nhiên. Ngài sinh ngày 10 tháng Chạp và hoá ngày mùng 7.
Tuy nhiên, thông tin về ông chưa được xác thực và ghi chép chi tiết trong các sử sách chính thống, chủ yếu xuất phát từ các truyền thuyết dân gian. Vì không có nhiều tài liệu lịch sử xác thực, nên vai trò và sự kiện liên quan đến Bạch Hạc Long Thân Đại Vương phần lớn vẫn nằm trong phạm vi của truyền thuyết. Câu chuyện về Bạch Hạc Long Thân Đại Vương vẫn được các cộng đồng, đặc biệt là ở các địa phương có liên quan, lưu truyền qua nhiều thế hệ như một phần trong di sản văn hóa dân gian Việt Nam. Theo truyền thuyết, sau khi qua đời, ông được nhà vua phong tặng danh hiệu Tam Giang Bạch Hạc Thượng Đẳng Phúc Thần và cho phép người dân vùng Tam Hiệp lập đền thờ để tôn kính.
Theo thông tin được cung cấp tại đình Thượng Hiệp, Đình được dựng năm Vĩnh Thịnh thứ ba (1707) đời Lê Dụ Tông. Vào ngày 7 tháng 10 năm 1947, đình bị quân thực dân Pháp xâm lược đốt phá. Đến năm 1949, nhân dân đã hưng công, dựng lại một ngôi đình nhỏ hơn trên nền đất cũ, theo phong cách bào trơn, đơn giản của thời Nguyễn, để thờ phụng ngài, người đã có công hộ quốc an dân. Hiện nay, trên thượng cung của đình có ngai thờ thành hoàng làng, là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật mang đậm dấu ấn thời Nguyễn. Vào năm 2001, nhân dân đã tự nguyện góp công, góp sức để sửa chữa và tôn tạo lại ngôi Đại Bái như hiện nay.
Kiến trúc cảnh quan
Đình Thượng Hiệp được xây dựng theo lối kiến trúc chữ Đinh (丁), hướng Tây Nam, nằm trong khu cư trú của làng. Xưa kia, trước 1960, trong đình còn có một ao nhỏ năm về phía Đông tòa Đại Bái, ao nhỏ này dùng để đốt pháo trên mặt ao, nên ao có tên là ao pháo. Các hạng mục kiến trúc của đình được bố trí từ ngoài vào bao gồm: Cổng, Nhà Dải Vũ, Đại Bái.
Cổng đình có kiến trúc Tam Quan, gồm ba cổng, cổng chính giữa được tạo bởi hai cột trụ biểu dạng lồng đèn, thân cột ở bốn mặt đều được khắc chữ Hán, trên đỉnh cột là bốn chim phượng chúc đầu xuống, đuôi vểnh lên trên và toả ra các hướng. Hai cổng phụ hai bên có một tầng mai, chiều cao thấp, ở cổng này xây bịt kín, ở giữa đắp nổi hình tượng môn thần, mỗi bên một tượng. Nối từ cổng là dãy tường bao chạy xung quanh khuôn viên đình, bên cạnh Môn thần mỗi bên được đắp nổi hình voi.
Qua cổng là khoảng sân chầu rộng, lát gạch Bát Tràng, hai bên có hai dãy nhà Dải Vũ nằm song song đối diện với nhau. Hai dãy nhà dải vũ có cấu trúc đơn giản, mỗi dãy gồm 5 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai.
Đại Bái là một dãy nhà hình chữ Nhất (一) xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Đây là ngôi đình có sàn tiêu biểu trong vùng, ván sàn dày 5 – 6 cm bằng gỗ pháo không cong vênh, vận xoắn dai bền được lắp ghép trong nội đình, chỉ để trống gian giữa, nối giữa các cột quân có vách đứng, dựng bằng gỗ từ thiết, trên song dưới bản. Sàn, vách phủ màu thời gian đen bóng. Kiến trúc đình Thượng Hiệp nổi bật với các trang trí đục chạm lộng lẫy, chạm bong đầu rồng, hoa lá, tứ linh.
Tại đình còn treo bài thơ “Tán Thán Đức Thánh” nhắc về ngài:
THỐNG QUỐC HÙNG TRIỀU HIỂN VŨ HUÂN
HƯNG BANG KHU TẶC PHÚC HỒNG ÂN
TAM GIANG NHẤT ĐỚI TRUYỀN THANH SỬ
VẠN CỔ ANH LINH THƯỢNG ĐẲNG THẦN
Lược dịch:
THỐNG QUỐC HÙNG TRIỀU KIÊM VŨ VĂN
ƠN VUA GIÚP NƯỚC ĐUỔI XÂM LĂNG
TAM GIANG MỘT DẢI TRUYỀN THANH SỬ
MUÔN THUỞ ANH LINH THƯỢNG ĐẲNG THẦN
Hậu cung được xây ở phía sau, cách Đại Bái khoảng 3m, gồm 4 gian xây dọc kiểu chồng diêm cổ ngỗng tạo nên 2 tầng tám mái. Kết cấu kiến trúc tòa Hậu Cung tương đối đơn giản, hai vì ruồi ở hồi nhà được làm kiểu chồng rường, đỡ mái thượng là kết cấu kèo cầu giá chiêng hạ bẩy. Hai mái dưới là hệ thống rường nách đặt trên thanh xà ngang to và dày. Nền Hậu Cung được tôn cao. Gian ngoài làm nơi hành lễ, gian trong bày đồ tự khí, có ngai thờ thành hoàng làng. Trang trí trong tòa Hậu cung chủ yếu là các đề tài dân gian quen thuộc như: hoa lá, rồng, phượng đều được chạm nổi.
Mái đình lợp ngói mũi hài, bờ nóc trang trí lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao cong vút trang trí đầu rồng.
Sự kiện lễ hội
Đình Thượng Hiệp tổ chức lễ hội truyền thống vào tháng 3 Âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân trong làng cũng như các vùng lân cận tới tham gia. Hội làng bắt đầu từ chiều mùng 6, với lễ rước văn vào ngày mùng 7, ngày mất của ngài, tiếp theo là lễ rước mã vào chiều mùng 8.
Trước đây, lễ hội kéo dài nhiều ngày nhưng hiện nay đã được gói gọn lại, các cụ trong làng kể lại rằng, trước năm 1945, ba làng lân cận cũng tham gia rước kiệu lên làng Thượng Hiệp, nhưng do chiến tranh, nghi lễ này không còn được thực hiện.
Xếp hạng
Đình Thượng Hiệp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hoá ngày 30 tháng 12 năm 1991 theo Quyết định số 2307/QĐ-BVHTT.
Tham khảo
- Lưu Minh Trị (2011), Hà Nội, Danh Thắng và Di tích, tập 2, Nxb Hà Nội.
- Theo bảng thông tin được treo tại đình Thượng Hiệp.