Đình Trân Tảo (Gia Lâm, Hà Nội)

Đình Trân Tảo (Gia Lâm, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đình Trân Tảo, còn được gọi là đình làng Táo, là một trong năm làng thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội ngày nay. Tên gọi “Trân Tảo” bắt nguồn từ tên gọi địa danh làng Trân Tảo, phản ánh mối liên quan gắn bó lâu đời giữa công trình kiến trúc truyền thống này với cộng đồng cư dân làng Táo xưa. Theo tương truyền dân gian, tên làng gắn liền với câu chuyện về một giống táo đặc biệt thơm ngon từng được tiến vua và được ngợi khen, từ đó cái tên “làng Táo” ra đời như một niềm tự hào của người dân địa phương.  

Vị trí của làng Trân Tảo vốn nằm gần trung tâm lịch sử, văn hóa quan trọng của xứ Kinh Bắc xưa, thuộc vùng hương Thổ Lỗi (Siêu Loại), nơi có nhiều nhân vật kiệt xuất, trong đó có Nguyên Phi Ỷ Lan, nữ kiệt triều Lý. Trân Tảo cũng cận kề vùng Dâu – Keo, nơi có chùa Keo, một trong những trung tâm Phật giáo sớm nhất ở Việt Nam từ đầu Công nguyên.

Sự trù phú của vùng đất Trân Tảo không chỉ được ghi dấu trong sử sách hay truyền thống canh tác lâu đời, mà còn được khắc sâu trong trí nhớ dân gian qua những câu ca, tục ngữ truyền miệng. Một trong số đó là câu thành ngữ quen thuộc:
“Cà Hàn, cải Táo, cháo Dương, tương Sủi” , như một lời khẳng định cho danh tiếng của những sản vật địa phương đã trở thành niềm tự hào của cả một vùng đất.

Đình Trân Tảo tôn thờ Lý Công Tuấn, một vị danh tướng xuất thân từ triều Tiền Lý, người đã lập nhiều công lao và được suy tôn làm thành hoàng làng. Trải qua bao thế hệ, đình không chỉ là nơi tưởng nhớ bậc tiền nhân, mà còn trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng, gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân địa phương.  

Lịch sử và nhân vật

Đình Trân Tảo được khởi dựng vào năm Cảnh Trị thứ nhất (1663), dưới triều vua Lê Huyền Tông, thuộc thời kỳ Lê Trung Hưng. Các dấu hiệu nhận biết là đầu dư được chạm lộng dạng đầu rồng, với các đao mác chạy thẳng về phía sau, đây là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tỉ mỉ, là những sản phẩm của nghệ thuật thế kỷ XVII.

Bằng chứng nhất là trên câu đầu gian giữa còn lưu lại dòng lạc khoản ghi rõ niên đại khởi dựng “Tuế tại Lê triều Quý Mão niên thập nhị nguyệt Ất Sửu nhị thập nhị nhật Canh Thân thụ trụ thượng lương đại cát” (Cất nóc ngày 22 (ngày Canh Thân) tháng 12 (tháng Ất Sửu) năm Quý Mão triều Lê – 1663). Đây là một trong những ngôi đình có lịch sử lâu đời, được khẳng định qua dấu tích kiến trúc còn lưu lại đến nay.

Đình Trân Tảo thờ danh tướng Lý Công Tuấn, một vị anh hùng dân tộc sống vào thế kỷ VI, thời Lý Bí, đã góp công lớn trong cuộc kháng chiến chống ách đô hộ nhà Lương và tham gia lập nên nước Vạn Xuân, nhà nước tự chủ đầu tiên sau thời Bắc thuộc.

Theo thần tích hiện còn lưu giữ tại đình, do đại thần Nguyễn Bính soạn năm 1572 và sao chép lại năm 1752, Lý Công Tuấn là người gốc vùng Cổ Sở, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, cha là Lý Tế, mẹ là bà Trương Thị Phương. Gia đình sau đó di cư đến sinh sống tại làng Trân Tảo. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng là người thông minh, giàu khí phách và nhân hậu. Nhân dân kính phục, tôn ông làm “Trưởng” để đứng đầu địa phương, giữ gìn trị an.

Trong bối cảnh đất nước đang chịu dưới sự thống trị tàn bạo của nhà Lương, Lý Công Tuấn sớm nuôi chí lớn, quy tụ nghĩa sĩ, tích trữ binh lương, chuẩn bị kháng chiến. Nhờ tài thao lược và uy tín, ông được suy tôn là “Quyền trưởng nhất phương”, thủ lĩnh kháng Lương của cả vùng. Năm 542, khi Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa, Lý Công Tuấn đã nhanh chóng gia nhập nghĩa quân, tham gia nhiều trận chiến ác liệt, đặc biệt trong cuộc truy kích và đánh bại tướng giặc Tiêu Tư. Sau thắng lợi, Lý Bí lên ngôi, xưng là Lý Nam Đế và thành lập nhà nước Vạn Xuân vào đầu năm 544. Lý Công Tuấn được phong tướng, giao trọng trách trấn giữ vùng Trân Tảo.

Khi nhà Lương phát binh xâm lược trở lại, ông tiếp tục ra quân chi viện cho triều đình, trực tiếp chỉ huy các trận đánh lớn, lập chiến công xuất sắc, tiêu diệt tướng địch là Tôn Vân và Lương Tử Sùng. Sau khi ông qua đời vào ngày mùng 2 tháng Chạp, được nhân dân suy tôn là Thành hoàng làng. Nhà vua đã truy phong ông làm Thành hoàng, ban sắc chỉ cho làng Trân Tảo lập miếu thờ phụng. Tổng cộng có tới 37 nơi lập đền miếu thờ vọng, nhưng Trân Tảo là nơi thờ chính, có biệt tích rõ ràng, trở thành trung tâm tín ngưỡng tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Lý Công Tuấn.

Xưa kia, đình Trân Tảo từng là nơi, phục vụ các quân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thời chống Mỹ đình làm kho chứa lương thực của bộ đội. Trong cuộc kháng chiến chống pháp, đặc biệt là trong các ngày 21/01/1951, 16/02/1954 và 05/05/1954 (Âm lịch) quân và dân địa phương thôn trân tảo đã tham gia chống càn, rào làng đánh giặc, nhiều con em của làng đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng được đảng, nhà nước công nhận là liệt sỹ.

Kiến trúc cảnh quan

Đình Trân Tảo được xây dựng trên khu đất cao ráo, rộng rãi, nằm ở phía Tây Nam làng Trân Tảo. Bao quanh ngôi đình là khung cảnh đồng lúa, ao hồ, phía trước đình là con đường liên xã Phú Thị xã Dương Quang, chạy ngang qua cánh đồng lớn, nối tiếp với làng Sủi. Trên cánh đồng này vẫn còn lưu lại dấu tích của một dòng sông cổ mang tên Cầu Giàng, còn được gọi là sông Nghĩa Giang (hay Nghĩa Trụ). Phía bên phải là ngôi chùa mới được dựng do chùa cũ của làng bị hư hỏng.

Xưa kia, đình Trân Tảo được dựng theo kiểu chữ Nhất (一), sau này vào thời Nguyễn đã được xây dựng thêm 3 gian ống muống và 3 gian Hậu Cung, tạo mặt bằng của ngôi đình theo dạng chữ Công ().  Khoảng thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đình Trân Tảo được bổ sung các hạng mục khác, như Tả/Hữu Vu…

Trải qua thời gian lịch sử, ngôi đình đã được sửa chữa nhiều lần vào các năm 1900, 1925, 1928, 1937, 1939, tuy đã có sự biến đổi nhiều về không gian và bố cục mặt bằng kiến trúc, hiện nay đình Trân Tảo có các hạng mục chính như: Nghi Môn, Đại Đình, Hậu Cung, Tả/Hữu Vu.

Nghi Môn

Nghi Môn cũ của đình được xây dựng vào những năm 90 của thế kỷ XX. Theo kiểu “tứ trụ lồng đèn”, với hình dáng mảnh khảnh, thân cao và thiếu đi sự cân đối, chắc khỏe.  Đặc biệt, các linh vật trang trí  gồm “tứ phượng” và nghê đã bị đặt nhầm vị trí: phượng ở chỗ của nghê và ngược lại.

Ngày nay, Nghi Môn đã được xây dựng mới, gồm bốn cột trụ lớn, trong đó hai cột giữa cao hơn, không có mái che, tạo nên lối chính thông thoáng. Trên đỉnh cột đắp hình chim phượng đầu cúi xuống, đuôi vểnh lên cao; thân cột khắc các câu đối chữ Hán. Hai bên là hai cổng phụ có mái che một tầng, mái uốn cong theo hình vòm cung, các cổng phụ này được nối với hai trụ biểu và bức tường lửng, trên phần tường giữa mỗi bên đắp nổi tượng Trấn Môn.

Đại Đình

Tòa đại đình Trân Tảo được xây dựng với quy mô lớn trên diện tích 264m² (dài 23m, rộng 11,5m), gồm ba gian hai chái, mái lợp ngói mũi hài, bốn góc mái uốn cong mềm mại, tạo dáng như một con thuyền.

Kiến trúc sử dụng với bốn hàng cột lớn, gian chính giữa rộng 4,8m, hai gian bên mỗi gian 4,3m và hai chái rộng 4,8m. Các cột cái có chu vi tới 2m, cao 4,3m, tạo nên bộ khung vững chãi cho công trình. Hệ kết cấu vì nóc gian giữa sử dụng kiểu “giá chiêng”, các vì gian theo kiểu chồng rường, vì kèo thiết kế theo lối “thượng giá chiêng, hạ cốn”, trong đó các trụ đấu gối lên xà chồng con nhị, còn “cốn” làm xà chồng rường tựa trên xà nách. Phía trước là các cốn và bẩy hiên được chạm khắc tinh xảo với các đề tài như tùng hóa long, cúc hóa rồng, bát vật thể hiện bằng kỹ thuật chạm lộng, chạm bong kênh và chạm nông. Phía sau, các cốn chồng rường được chạm dày đặc những mô típ sinh hoạt dân gian sống động như: con đĩ đánh bồng, thổi sáo, “tiên cưỡi rồng”, vũ nữ dang tay múa, hình hổ vờn rắn, thân rắn quấn quanh hổ… tạo nên một không gian vừa hùng tráng vừa giàu tính biểu cảm.

Đặc biệt, hai gian giữa có thêm “cốn bưng” bên ngoài, tăng độ chắc chắn mà vẫn giữ được vẻ mềm mại. Hai chái đối xứng, kết hợp hệ cột – xà – kẻ bẩy hài hòa, tạo nên bộ khung kiến trúc vừa khoẻ khoắn vừa thanh thoát.

Ở đình Trân Tảo kiến  trúc có nhiều mảng chạm khắc, trang trí bằng kỹ thuật chạm nổi, chạm thủng, chạm bong kênh, trổ thủng phối hợp với kỹ thuật chạm phù điêu được kết hợp một cách linh hoạt tinh xảo. Các mảng chạm khắc phong phú, đa dạng với các đề tài gần gũi với cuộc sống dân dã mang dấu ấn của nghệ thuật phóng khoáng, đan xen với phong cách niêm luật của nghệ thuật cung đình. Các chủ đề quen thuộc của nghệ thuật thời Hậu Lê như: vũ nữ múa hạc, vũ nữ làm đầu hổ phù, voi cùng quản tượng kéo gỗ, bức hoạt cảnh một gia đình người ôm lúa, người bơi thuyền, chép chẩu… phong phú hơn cả là các mảng chạm khắc đặc tả các con vật thường ngày như: chim sẻ, hươu, dơi, hổ, quạ, rắn… giống như các di tích có niên đại xây dựng cùng thời.

Các bức cốn nách tòa đại đình miêu tả hình tứ linh (long, ly, quy, phượng) và tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai) mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX, dấu tích này có thể là sản phẩm của những lần trùng tu tòa kiến trúc ở giai đoạn muộn, sau niên đại khởi dựng.  

Tại câu đầu vì trung tâm trái còn khắc dòng chữ Hán: “tuế tại Lê triều Quý Mão niên, thập nhị nguyệt Ất Sửu, nhị thập nhị nhật Canh Thân thời đăng trụ thượng lương đại cát”. Nghĩa là: dựng thượng lương đình vào giờ tốt Canh Thân ong gam vao gio tot Canh Thân, ngày 22 tháng 12 (Ất Sửu), năm Quý Mão triều Lê. Như vậy, nếu căn cứ vào dữ liệu trên cho thấy ngôi đình đã được dựng vào thời Lê. Từ những căn cứ nêu trên có thể đoán định niên đại khởi dựng ngôi đình vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Niên đại dựng đình phù hợp với một trong hai năm Quý Mão, năm 1663 hoặc năm 1723.  

Từ gian giữa của Đại đình lui về phía sau là phần kiến trúc tòa Ống Muống, làm nhiệm vụ nối liền giữa Đại đình và Hậu cung. Tòa này gồm ba gian với bốn hàng chân cột, mỗi hàng tạo thành một cửa thông suốt. Kết cấu vì kèo theo lối “chồng rường”, các “cốn” là những thanh “kẻ” đỡ, đón lấy hoành, tạo nên hệ thống đỡ mái vững chắc và mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống.

Tòa Hậu Cung gồm ba gian, được xây dựng theo kiểu nhà bốn mái, với các đầu đao uốn cong mềm mại, hệ thống vì kèo nâng đỡ mái sử dụng lối kiến trúc truyền thống kiểu “chồng rường, hạ kẻ”. Gian giữa là nơi đặt khám thờ, với chất liệu bằng gỗ, khám được thiết kế như một gian thờ kín, ngăn cách bằng vách gỗ và phủ rèm vải đỏ bên ngoài. Bên trong là nơi tôn nghiêm thờ phụng thành hoàng làng, với một bộ áo choàng được đặt trang trọng trong ngai thờ.

Tả/Hữu Vu

Ở khoảng sân đình nằm đối diện nhau là hai dãy Tả/Hữu Vu, hai dãy đều có kiến trúc giống nhau gồm 3 gian, lợp ngói mũi hài, hệ thống cửa gỗ thượng song hạ bản. Tả vu và Hữu vu là hai công trình phụ trợ thường được sử dụng làm nơi nghỉ ngơi, hội họp hoặc chuẩn bị nghi lễ cho các chức sắc, quan viên, bô lão, hay người tham gia tế lễ. Trong những dịp lễ hội, đây cũng có thể là chỗ nghỉ chân cho các đội tế, đội múa, phường bát âm hoặc các chức dịch trong làng. Ngoài ra, khi không có lễ hội, hai dãy này có thể được sử dụng làm nơi sinh hoạt cộng đồng, họp bàn công việc làng xã.

Lễ hội

Hằng năm, đình Trân Tảo mở hội làng từ ngày 8 đến ngày 18 tháng Ba Âm lịch, nhằm tưởng niệm ngày hiển Thánh khánh hạ. Trước kia, lễ hội được tổ chức rất dài, kéo dài tới 28 ngày. Về sau, thời gian được điều chỉnh dần xuống còn 18 ngày, rồi rút gọn còn 8 ngày như hiện nay.

Hội đình Trân Tảo diễn ra trong không khí trang nghiêm và rộn ràng, với quy thức tế Thánh được tổ chức long trọng cùng nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đánh cờ, kéo co, múa rồng, hát thờ cửa đình và đón chạ.

Một điểm đặc sắc nổi bật của lễ hội là nghi lễ rước cờ và rước nghênh từ đền về đình, mô phỏng lại khí thế ra trận và chiến thắng hiển hách của danh tướng Lý Công Tuấn. Lễ cờ tái hiện trận mạc xưa, còn lễ rước nghênh là một đoàn rước quy mô lớn với hiệu cờ, hiệu mã, nhang án, long đình, trống chiêng vang dội. Đội rước gồm các thanh niên khỏe mạnh, đẹp vóc dáng, được tuyển chọn kỹ càng để thể hiện uy thế đội quân chiến thắng trở về.

Bên cạnh đó, lễ “tuần tiễn” mang đậm ý nghĩa tri ân, nhắc lại công trạng của Thành hoàng làng từng giữ yên bờ cõi. Dân làng và các bô lão cùng đưa nhang án ra đón mừng quân khải hoàn, tạo nên một không gian lễ hội vừa trang nghiêm vừa chan hòa tình làng nghĩa xóm.

Đình Trân Tảo gắn liền với tục lệ phụng thờ Thành hoàng làng qua các dịp lễ trọng hàng năm. Theo đó, dân làng long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh (Thánh sinh, 15 tháng 8 Âm lịch) và ngày mất (Thánh hóa, 2 tháng Chạp Âm lịch) của Đức Thành hoàng, như một cách bày tỏ lòng tri ân và gìn giữ mạch nối tâm linh với bậc tiền nhân có công với quê hương.

Di vật

Trải qua quá trình biến động của lịch sử, cùng những mất mát do chiến tranh và tác động của thiên nhiên, đình Trân Tảo vẫn gìn giữ được nhiều di vật quý giá có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và khoa học. Trong số đó có thể kể đến như: thần phả, kiệu rước, cửa võng, hương án, hoành phi, câu đối, ngai thờ,  tất cả mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê và thời Nguyễn.

Các cấu kiện gỗ tại đình phản ánh rõ nét hai giai đoạn kiến trúc: thời Hậu Lê (thế kỷ XVII–XVIII) và thời Nguyễn đầu thế kỷ XIX. Trên các chi tiết kiến trúc, nghệ nhân xưa đã chạm khắc sinh động những hình tượng như vũ nữ khỏe khoắn, voi và người quản tượng, rồng quấn rắn cùng những loài vật gần gũi trong đời sống như chim sẻ, chuột, dơi, hươu…

Trang trí thời Nguyễn tập trung tại các bức cốn, nổi bật với các đề tài tứ linh như long cuốn thủy, phượng hàm thư, rùa đội ấn, lân vờn mây, cùng các mô típ tứ quý như thông, cúc, mai kết hợp với chim thú sống động, mang vẻ đẹp chân thực và vui mắt.

Đặc biệt, tại đình còn lưu giữ một số cổ vật của chùa Táo (Phúc Khánh tự) trước kia, như bia đá mang niên hiệu Vĩnh Thịnh thời Lê và chuông đồng khắc niên hiệu Minh Mệnh thời Nguyễn,  càng làm phong phú thêm lớp trầm tích văn hóa nơi di tích này.

Xếp hạng

Đình Trân Tảo được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật từ năm 1990.
Trải qua thời gian lịch sử, di tích luôn được bảo tồn, tôn tạo khang trang, trở thành địa chỉ văn hóa quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tài liệu tham khảo

  1.   Bùi Thế Quân, Hai ngôi đình có niên đại thời Cảnh Trị ở Gia Lâm (Hà Nội) trong sự so sánh với các ngôi đình ở Bắc Ninh, Tạp chí Di sản Văn hoá.
  2.   Di tích cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm, Uỷ ban nhân dân huyện Gia Lâm (2010).
  3.   Lưu Minh Trị (2011), Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02, Nxb Hà Nội.
  4.   Gia Lâm, Di vật, hiện vật tiêu biểu trong di tích lịch sử văn hoá , Nxb thế giới (2019).
  5.   Lê Ngọc Quang (2023), Phật giáo Việt Nam huyện Gia Lâm: Lịch sử, thực trạng và những vấn đề đặt ra, Luận án tiến sĩ tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ
Checkin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner app chỐn thiÊng 3 (60x90)