Đình Trung Lập (Hoàng Mai, Hà Nội)

Đình Trung Lập (Hoàng Mai, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đình Trung Lập tọa lạc tại ngõ 527 đường Lĩnh Nam, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Xưa kia vùng đất này vốn thuộc xã Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì. Đình nằm kề sát với chùa Cổ Linh. 

Lịch sử và nhân vật

Theo Ngọc phả của đình Trung Lập thì đình được xây dựng từ thời Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 2 (1471) sau khi đánh thắng Chiêm Thành.

Thuở đó, Chiêm Thành dấy loạn, Vua Lê đem quân đi chinh phạt Chiêm Thành. Quân ta đại thắng, trong số hơn 1000 tù binh bắt được có vua Chiêm là Nha Cát cùng vợ. Nhà vua hạ chiếu tìm tất cả ruộng công ở các nơi phân chia cho người Chiêm cày cấy giúp họ sinh cơ lập nghiệp. Với tấm lòng nhân đạo bao dung khuất phục kẻ mạnh, khoan hồng kẻ yếu, Vua đã cho phép dựng một mái nhà tranh để thờ vua Chiêm là Nha Cát Đại Vương và vợ là Nguyệt Nga Công chúa ở vùng Thanh Trì. Về sau dân cư các làng ở Thanh Trì như Trung Lập, Tân Khai, Đông Thiên… đều thờ hai vị làm Thành hoàng làng. 

Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Tháng 8 (1470), quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thuỷ bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hoá. Tướng trấn giữ biên thuỳ ở châu Hoá là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dân vào thành, rồi cho chạy thư cáo cấp”[1]. Tháng 11, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu thân hành đi đánh Chiêm Thành: “Trước đó, người Chiêm Thành ở Thi Nại 2 Bàn La Trà Duyệt là con người vú nuôi, giết chúa hắn là Bí Điền mà cướp lấy nước, rồi truyền cho người em là Trà Toàn. Trà Toàn là đứa hung bạo làm càn, dối thần ngược dân, người Chiêm mưu phản, Toàn cũng không nghĩ chi đến, lại còn ngạo mạn kiêu căng, không sửa lễ tiến cống, lăng nhục sứ thần của triều đình, quấy nhiễu dân biên giới. Lừa gạt người Minh để xin viện trợ mà sang ăn cướp.”[2]

Đến năm 1471: “Ngày mồng 1 tháng 3 hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về.”[3] “Ngày mồng 2, vua thấy đã phá được thành Chà Bàn, liền xuống chiếu đem quân về. Vua thấy thuyền Trà Toàn đi chật hẹp, không chứa được hết vợ cả, vợ lẽ hắn, sai cho chọn hai người cùng đi. Còn những người khác, khi về đến kinh sư, sẽ trả lại cả.”[4] Ngày 15, vua đã dẹp được Chiêm Thành, bắt sống Trà Toàn, bèn tự mình viết bài chiếu báo tin thắng trận, sai quan mang về kinh sư bố cáo thiên hạ biết.”[5] Tuy nhiên, trên đường về Kinh, Trà Toàn vì bệnh mà chết.

Như vậy đối chiếu với Ngọc phả của đình thôn Trung Lập cho thấy sự kiện năm Hồng Đức thứ 2 (1471) vua Lê Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm Thành là có thật, chỉ có khác tên vua Chiêm Thành là Trà Toàn, còn tên ghi trong ngọc phả của đình lại là Nha Cát. Điều này lý giải có thể là do cách phiên âm tên người Chiêm có khác nhau chăng?

Trong thời kỳ trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đình Trung Lập là nơi hội họp, là nơi phát ra lệnh khởi nghĩa cướp chính quyền. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nơi đây dùng làm hậu cứ tiếp cận với Thủ đô, là nơi các đơn vị bộ đội, du kích tập kết để tấn công cảng Hà Nội và bốt Vinh Tuy. Với thành tích đó xã Vạn Xuân (gồm Vĩnh Tuy, Nam Dư và Thanh Trì) đã được nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đình Trung Lập là địa điểm tổ chức các buổi hội họp biểu dương tinh thần yêu nước của nhân dân trong xã. Hoà bình lập lại, đình cũng là nơi mở lớp học nông nghiệp của quận 7 và huyện Thanh Trì. Nhà sư trụ trì chùa là Đàm Luân đã giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho anh em học tập.

Kiến trúc cảnh quan

Các công trình kiến trúc của đình gồm: Nghi Môn, sân, hai dãy nhà dải vũ, Đại Bái và Hậu Cung. Nghi Môn được xây theo kiểu cột trụ biểu, đỉnh trụ làm theo kiểu hình trái giành, phần ô lồng đèn để trơn, thân trụ bổ khung ghi câu đối bằng chữ Hán:

Nhi tác nhi ân hà hữu ư ngã tai
Vô thường vô luân mạc bất do tư dã

Dịch nghĩa:

Làm mà tạo ân đức, há chẳng phải ở ta ư
Vô thường vô luân, đó cũng chẳng phải ở tạo của ta chăng

Tiếp đến là hai cổng phụ làm theo kiểu 2 tầng tám mái, chính giữa bờ nóc là hình lưỡng long chầu nguyệt, các góc đao uốn cong, mái lợp ngói giả ống, bên dưới cửa làm kiểu vòm cuốn, hai bên ngoài là hai trụ biểu, đỉnh trụ đắp hình nghê hướng vào nhau, phần ô lồng đèn đế trơn, thân trụ đắp nổi đôi câu đối. Qua Nghi Môn là một khoảng sân rộng lát gạch Bát Tràng.

Đại Bái là nếp nhà 5 gian xây theo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, giữa bờ nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu mặt trời, bờ dải đắp hoa văn hình học, phía trước mở cửa làm kiểu ván bưng, với 4 cột hiên, nền lát gạch hoa men, hai hồi hai bên là hai cửa vòm cuốn. Nhà Đại Bái gồm 6 hàng chân với 6 bộ vì kèo được làm theo kiểu “giá chiêng”, mái phân “thượng tam hạ tứ”, nền nhà lát gạch Bát Tràng. Trên cùng gian giữa là bức đại tự, hai bên là đôi câu đối, phía dưới là hương án được sơn son thếp vàng, trang trí hình tứ linh, tứ quý, bên trên bày đồ thờ tự.

Nối gian giữa nhà Tiền Tế với Hậu Cung xây một gian, mái đổ trần kiểu vòm cuốn. Chính giữa xây bệ cao khoảng lm50, bên trên đặt ngai thờ và bài vị của thành hoàng là Nha Cát Đại Vương và Nguyệt Nga Công chúa cùng các đồ thờ tự khác.

Hai bên đình là dãy nhà Dải vũ, mỗi dãy gồm ba gian, phía trước mở hai cửa làm kiểu ván bưng, kết cấu bộ vì làm kiểu vì kèo quá giang, bậc thềm xây nhị cấp.

Hiện vật

Hiện nay, đình còn lưu giữ được 3 đạo sắc phong, gồm 2 sắc phong  đời vua Lê Hiển Tông (niên hiệu Cảnh Hưng) và 1 sắc phong đời vua Khải Định.

Ngoài ra, đình còn có nhiều đồ thờ tự như: Hoành phi, câu đối, cửa võng sơn son thếp vàng với các nét chạm khắc tinh tế. Đôi hạc gỗ với đường nét uyển chuyển, mềm mại đặt trên lưng rùa. Bức cửa võng trước cung cấm chạm khắc tứ linh, sơn son thếp vàng. Những con vật: Long, ly, quy, phượng là biểu tượng cho sự bền vững thanh cao cũng giống như đất trời chuyển vận quanh năm theo chu kỳ xuân, hạ, thu, đông không lúc nào ngừng, không có bắt đầu và cũng không có kết thúc, tiêu biểu cho sự vĩnh hằng. Đôi phỗng đá (Chiêm Thành) quỳ ở đình là một đặc trưng của nghi lễ thờ cúng của Việt Nam cổ. Phần lớn các tượng phỗng được thể hiện trong tư thế quỳ, tượng có nét mặt sinh động, mang nhiều sắc thái của các vị hầu cận của thần hơn là những tù binh, nô lệ mà các tượng khác hay thể hiện.

Tuy không còn giữ được quy mô bề thế của thời kỳ khởi dựng, nhưng đình Trung Lập còn bảo lưu được dáng vẻ của một ngôi đình truyền thống. Điều này được thể hiện ở những mái đao cong thanh thoát, nhẹ nhàng, uyển chuyển, trong cách bố cục mặt bằng và các mảng trang trí trên kiến trúc, các bức cốn nách chạm hình hồi văn, hoa lá cách điệu, các bức hoành phi, câu đối. Ngoài giá trị thẩm mỹ, các hiện vật trên còn là minh chứng sinh động cho khả năng sáng tạo nghệ thuật của những nghệ nhân xưa gửi gắm tình cảm, tâm tư của mình vào nét khắc họa tinh hoa của di sản dân tộc.

Xếp hạng

Đình Trung Lập đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích nghệ thuật theo Quyết định số 372QĐ/BT-10/3/1994.

Chú thích

[1] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản mộc bản khắc năm chính hòa thứ 18 (1697),  Nxb Khoa học xã hội, 1993, tr. 464.

[2] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 464.

[3] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 469.

[4] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 470.

[5] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 471.

Tham khảo

  1. Ban Thông tin – sự kiện họ Dương Việt Nam, “Lễ phục sắc cố chủ Thành hoàng – Bản thổ đình làng Trung Lập – Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội”, 17/9/2018. 
  2. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,…(1993) Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản mộc bản khắc năm chính hòa thứ 18 (1697),  Nxb Khoa học xã hội, 1993, tr. 464.
  3. TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hoá quận Hoàng Mai, Nxb Văn hoá Thông tin.

 

5/5 (2 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ
Dinh Trung Lap

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)