Đình Trường Thọ (Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh)

Đình Trường Thọ (Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh)

Di tích quốc gia

Đình Trường Thọ tọa lạc ở tổ 5, khu phố 8, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin ký Quyết định số 39/2002/QĐ-BVHTT ngày 30/12/2002 xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Sự hình thành

Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh ghi năm 1880 thôn Trường Thọ thuộc tổng An Điền, huyện Thủ Đức, hạt Sài Gòn. Từ căn cứ này có thể xác định đình Trường Thọ được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1880. Đình Trường Thọ nằm trên gò đất cao, thoáng rộng, có nhiều cây dầu lâu đời cao lớn, xòe bóng mát quanh năm. Ngoài chức năng là cơ sở tín ngưỡng dân gian, đình còn là nơi lưu giữ nguyên vẹn giá trị kiến trúc nghệ thuật xây dựng đình làng Nam Bộ với hệ thống cột, kèo mái, xà, đòn tay, rui mè bằng gỗ, các đuôi kèo chạm nổi mỹ thuật hình đầu rồng, các án thờ, hoành phi, liễn đối, bài vị, bao lam cửa võng, bao lam cột, các phù điêu gỗ, mõ gỗ được tạo hình, được chạm trổ hết sức mỹ thuật hình tượng tứ linh (rồng, lân, rùa. phượng), mây, chim hoa lá quả.

Kiến trúc

Kiến trúc tổng thể của đình giống như đình Tăng Phú ở quận 9 và đình Xuân Hiệp ở quận Thủ Đức, cũng gồm nhà tiền điện, chính điện, nhà khách nằm trên một trục dọc, mái lợp ngói âm duơng, gờ nóc mái ngang phẳng trang trí tượng gốm men hình cặp rồng tranh châu, gờ mái xuôi thẳng bẻ hai góc trên có gắn tượng gốm men ông nhật, bà nguyệt, con nghê, đình có hiên trước, hiên hai bên trái phải tạo thành hành lang thông suốt xung quanh đình, cổng đình bằng gạch, xây kiểu tam quan. Sân đình có các miếu thờ nhỏ được xây dựng bằng gạch gồm bình phong Sơn quân, tượng Bạch mã sơn quân, Bạch mã thái giám, Chiến sĩ trận vong, Thập loại cô hồn, Thần nông, Ngũ hành nương nương.

Tiền điện là tòa nhà ba gian hai chái được xây dựng giống tiền điện chùa Hội Sơn ở quận 9 với tường gạch, cột, kèo mái, xà, đòn tay, rui mè gỗ, mái lợp ngói âm dương. Tiền điện có ba cửa, mỗi cửa có bốn cánh cửa gỗ. Ở đây có các án thờ Hội đồng nội làm năm 1927, Hội đồng ngoại làm năm 1920, án thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh làm năm 1920, các án thờ bằng gỗ này được chạm trổ tinh xảo hình tượng tứ linh, cỏ cây… Chiếc long đình bằng gỗ làm năm 1928 dùng rước sắc trong dịp lễ Kỳ yên trước đây được chạm nổi, chạm lọng mỹ thuật hình cột rồng mây, hoa lá và các bức phù điêu gỗ được làm năm 1920 chạm khắc rất đẹp hình tượng chim chóc hoa quả. Ở đây còn có chiếc trống và chiếc mõ gỗ to lớn cổ xưa, tượng Bạch mã, ngựa Xích thố, chiêng đồng. Các hoành phi, liễn đối, bao lam cột, bao lam cửa võng được tạo hình, chạm chìm, chạm nổi, chạm lọng sống động hình tuợng mây, cặp rồng chầu mặt trời, chim hoa lá quả và chữ Hán “Long ngâm hổ khiếu” (Rồng thét hổ gầm) làm năm 1920, “Lân vũ phượng nghi” (Lân múa phượng bày), “Đàm Ân viện” (Viện Đàm Ân) làm năm 1920, “Quang tứ biểu” (Sáng bốn phưong), “Trường Thọ linh đình” (Đình thiêng Trường Thọ).

Chính điện là tòa nhà được xây dựng kiểu tứ trụ giống như kiến trúc tứ trụ của chính điện chùa Giác Lâm ở quận Tân Bình với tường gạch, cột, kèo mái, xà, đòn tay. rui mè gỗ, mái lợp ngói âm dương. Ở đây có các án thờ thần, Đông hiến, Tây hiến, Tiền hiền. Hậu hiền làm năm 1928. các án thớ bằng gổ cao lớn này được chạm trỗ mỹ thuật hình tượng cặp rồng tranh châu, rồng phượng, cột rồng mây, chim hoa, cặp hạc gỗ cao đứng trên lưng rùa biểu tượng cửa xã tắc bền vững, các bức phù điêu gỗ về đề tài phượng hoàng bay trong mây, rồng mây sống động. Ở vị trí trung tâm cùa chính điện là án thờ thần Thánh hoàng bản cảnh thôn Trường Thọ làm năm 1888, chiếc án gỗ to lớn được tạo hình, chạm lọng, chạm nổi, chạm chìm tinh xảo hình tượng cặp rồng tranh châu, cột rồng mây, chim hoa lá quả, giữa án thờ là chữ thần thếp vàng và tượng thần. Hai bên án thờ Thần Thành hoàng bản cảnh là án thờ Tả ban và Hữu ban làm năm 1920 bằng gỗ cũng được chạm trổ tinh xảo giống như án thờ thần. Ngoài ra, còn có các cặp liễn đối chữ Hán “Phong công thiên địa lượng, Vĩ tích nhật tinh quang” (Công to ngang vũ trụ, Nghiệp lớn sáng trăng sao), “Long thao an quốc tộ, Hổ lược tá hoàng du” (Long thao yên vận nước, Hổ lược giúp mưu vua), ghép bốn chữ đầu hai vế thành “Long hổ thao lược“. Ở đây còn có các hoành phi, liễn đối bằng gỗ được chạm nổi, chạm chìm sắc sảo đề tài chữ Hán, rồng mây “Trường phát kỳ tường, xuân hạ thu đông bằng thánh trạch, Thọ quy hồ đức, sĩ nông công cổ lại thần ân (Mãi phát điềm lành, xuân hạ thu đông nhờ đức thánh, Thọ quy theo đức, sĩ nông công cổ đội ơn thần) làm năm Kỷ tỵ – 1869, “Trường đẳng hưởng thiên thu, đăng thánh thủ, thanh long phước, Thọ niên dư bách tuế, thệ thần đức, bạch hổ long”, căp liễn đối này có hai chữ đầu là Trường Thọ, hai chữ giữa là Thủ Đức và hai chừ cuối là Phước Long với ý nghĩa là đình Trường Thọ ở xã Phước Long, huyện Thủ Đức. Các hoành phi “Trường Thọ thần từ” (Đình thần Trường Thọ), “Quỳnh lâu đột ngật” (Lầu ngọc chót vót), “Ngọc vũ nguy nga” (Điện ngọc nguy nga), “Thần ân phổ chiếu” (Ơn thần chiếu khắp) làm năm 1938, cặp bao lam cột rồng mây làm năm 1888.

Hậu điện được phân chia với chính điện bằng bức vách gỗ. Ở đây có các án thờ “Tiền đại viên quan. Khai sáng đại huân” (Viên quan đời trước. Công lớn khai sáng), án thư “Tiền đại hương chức” (Hương chức đời trước), án thờ “Tiền đại viên quan” (Viên quan đời trước), các án thờ gỗ hình sập quì này được chạm trổ tinh xảo hình tượng rồng phượng, dây lá, trên có các bài vị chữ Hán với nội dung: Hương lão Nguyễn Văn Lợi, Hương hào Nguyễn Văn Vụ hiến đất lập chợ Trường Thọ, hiến ruộng làm hương hỏa cho đình Trường Thọ, cựu Hương thân Võ Văn Nhựt, Nguyễn Chánh Tính, cựu thuộc viên tổng An Điền, Á huân Nguyễn Đại Nghiệp nguyên Tri huyện. Thứ huân Nguyễn Đức Thắng… Ở đây còn có bức hoành phi “Phong điều vũ thuận” (Gió hòa mưa thuận) làm năm 1900.

Nhà khách là tòa nhà bảy gian được xây dựng bằng tường gạch, cột gạch, kèo mái, đòn tay, rui mè gỗ, mái lợp ngói âm dương. Nhà khách dùng để hội họp, đãi khách trong dịp lễ Kỳ yên hàng năm. Hiện tại đình còn lưu giữ 73 cổ vật gắn với di tích gồm liễn đối, hoành phi, bài vị, án thờ, mõ bằng chất liệu gỗ.

Lễ hội

Đình Trường Thọ tổ chức lễ Kỳ yên hàng năm vào ngày 16 và 17 tháng 2 âm lịch với nghi thức lễ truyền thống.

Tham khảo

  • Trích “Di tích lịch sử văn hoá ở thành phố Hồ Chí Minh”, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
Chấm điểm
Chia sẻ
Dinh-Truong-Tho-Thu-Duc-TP-HCM (10)

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nội dung đang được cập nhật.
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *