Đình Tứ Kỳ (Hoàng Mai, Hà Nội)

Đình Tứ Kỳ (Hoàng Mai, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Tứ Kỳ là một làng cổ nằm ở phía Đông Nam hồ Linh Đàm, nổi danh xứ Bắc với nghề làm bún. Đầu thời Nguyễn, Tứ Kỳ thuộc xã Hoằng Liệt, tổng Quang Liệt, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Đình làng Tứ Kỳ tọa lạc trên một thửa đất cao ráo, thoáng đãng ngay gần chùa Tứ Kỳ, trên mặt đường quốc lộ 1A, nay là đường Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Lịch sử và nhân vật

Đình Tứ Kỳ thờ vị thần là học trò của Chu Văn An có tên là Bảo Ninh Vương mà trong sách Lĩnh Nam chích quái gọi là “thần Chằm Lâm Đàm”.

Theo Lĩnh Nam chích quái, vị thần này ở chằm Lân Đàm: “Thần Lân Đàm chính là thần rồng vậy. Xưa thần thường hóa thành người để tìm thầy học đạo. Thầy học lấy làm lạ bèn tìm chỗ ở của thần, thấy thần náu ở trong chằm. Thầy học thường tra hỏi, thần bèn nói thực rằng: “Năm này trên Thiên đình ngừng việc làm mưa.” Thầy học cố nài thần ra làm mưa. Thần bất đắc dĩ phải nghe lời. Sau trong chằm có biến động, thầy học tới chằm thấy thần hút nước trong nghiên phun thành mưa mực để trừ hạn hán. Thượng Đế cho là việc đã tiết lộ bèn bắt tội thần. Thây thần nổi ở trên chằm, thầy học thu về an táng, nhân đặt tên chằm là Long Đàm, sau đổi thành Lân Đàm”[1].

Về sau, nhân vật người thầy trong câu chuyện này được cụ thể hóa thành nhà giáo Chu Văn An. Sách Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai chép rằng: “Vào đời Đại Khánh, Chu Văn An dạy học ở xã Cung Hoàng, có một người học trò tuấn tú đến xin học, ngôn ngữ, cử chỉ khác hẳn người thường, ông lấy làm ngờ dò xem người ấy ở đâu. Một hôm thầy dậy sớm, trông ra xa thấy người ấy ở dưới nước đi lên. Bấy giờ, trời đại hạn đã lâu, các địa phương cầu đảo đều không ứng nghiệm. Ông bèn đem thực tình nói với người ấy, người ấy còn thoái thác, sau khi ông thành tâm cầu khẩn mới nói: Vì trời hạn nên con mới tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi chơi. Hiện nay Tứ Hải, Tam Hà, Cửu Giang, Tứ Độc cùng khu cứ ở các địa phương đều có lệnh cấm, chỉ có một chút nước trong cái nghiên làm sao mà tưới khắp cho được mọi chỗ? Nhưng đã có lời dạy bảo của thầy con sẽ xin chút giải nỗi khổ khô khan cho một tổng. Bảo Ninh Vương thưa với Chu Văn An rằng: “con biết trái lệnh Triều đình là sẽ bị trừng phạt, nhưng con xin làm để tuân lời thầy và giúp dân.” Sau đó thần lấy nghiên mực và đem bút ra giữa sân mài mực đầy nghiên, rồi ngửa mặt lên trời đọc khấn thần chú, cầm bút chấm mực, thần bèn ném tung cả nghiên bút lên trời. Lập tức mây đen kéo đến và đổ xuống một trận mưa rất lớn kéo dài đến tối. Sau đó có tiếng sét đánh và trời ngớt mưa nhưng cánh đồng đã no nước, lúa đã được cứu sống lại. Sáng hôm sau người ta thấy một thây thuồng luồng bị sét đánh chết nổi lên ở đầm. Chu Văn An được tin đó cho là người học trò của mình đã thác. Ông thương tiếc vô hạn sai người làm lễ an táng. Nhân dân các vùng lân cận kéo đến giúp sức, và sau đó lập đền thờ để tưởng nhớ công đức của thần.”[2]

Trận mưa mang lại nguồn sống cho 7 làng của Thanh Oai: Bằng Liệt, Linh Đàm, Tứ Kỳ (xã Hoàng Liệt), Tựu Liệt (xã Tam Hiệp), Đại Từ (xã Đại Kim), Hữu Thanh Oai (xã Hữu Hoà) và xã Lê Xá. Bởi vậy, dân 7 làng đều thờ phụng thần, nơi thờ chính là miếu Gàn ở Bằng Liệt, gần chằm Lân Đàm. Theo thông tin của Ban Quản lý di tích, đình Tứ Kỳ được xây dựng từ thế kỷ XVII.

Việc thờ Thuỷ thần Bảo Ninh Vương phản ánh nhiều mặt về đời sống văn hoá tinh thần của người dân làm nghề nông trồng lúa nước trước nay. Câu chuyện góp phần phản ánh ước vọng của người nông dân về việc chống hạn, mưa thuận gió hoà giúp mùa màng bội thu. 

Kiến trúc cảnh quan

Xa xưa, đình Tứ Kỳ vốn là ngôi đình cổ bề thế và tráng lệ trong vùng, được xây dựng từ lâu đời. Trải qua năm tháng, đình được nhân dân Tứ Kỳ tiến hành tu bổ nhiều lần đặc biệt là lần đại trùng tu vào năm 1942. Nhưng sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Tứ Kỳ bị phá hoàn toàn. Năm 2004, đình tiếp tục được chính quyền địa phương và nhân dân phục dựng trên nền đất cũ.

Hiện tại, đình được kết cấu kiểu “Nội công ngoại quốc” gồm các hạng mục: Nghi Môn, Bình phong, Tả hữu mạc, Đại Bái, Trung Cung (Ống Muông) và Hậu Cung. 

Nghi Môn là hạng mục đầu tiên của đình, được tạo bởi bốn trụ biểu, các trụ này được thiết kế theo mô típ truyền thống, gồm các phần: đỉnh trụ là tứ phượng đối với hai trụ giữa, là nghê đối với trụ bên; thân trụ được soi gờ kẻ chỉ, đắp nổi chữ Hán, đế trụ thắt cổ bồng. Từ trụ chính sang trụ bên là một cổng nhỏ mà dân gian thường gọi là cổng pháo. 

Qua Nghi Môn là bức Bình phong, sân gạch, bậc thềm là dẫn tới các hạng mục kiến trúc chính: Đại Bái và Hậu Cung được kiến tạo kiểu 1 tầng 4 mái đao cong. Tương ứng với các gian là các bộ vì liên kết theo kiểu thức của ngôi đình truyền thống “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ kẻ ngồi, bẩy hiên”. Nối gian giữa của Đại Bái và Hậu Cung là Trung Cung (Ống Muông) gồm 3 gian, các bộ vì tì lực trên hệ thống quá giang gối tường, theo kiểu thức “Giá chiêng chồng rường, bẩy hiên”. Trang trí trên bộ vì chủ yếu soi gờ, kẻ chỉ, điểm xuyết hoa văn hoa lá. Mặc dù đình Tứ Kỳ là công trình phục dựng nhưng toàn bộ hệ thống bộ khung của đình được làm từ những khối gỗ lớn, chắc khoẻ đảm bảo sự bền vững đúng tính chất là ngôi nhà chung của cả cộng đồng dân cư Tứ Kỳ. Không gian thờ tự ở đình được bài trí rất nhiều đồ thờ, tuy là những tác phẩm nghệ thuật thế kỷ XX – XXI nhưng được tạo tác chau chuốt, công phu.

Lễ hội

Theo phong tục của làng Tứ Kỳ, hàng năm lễ hội được diễn ra từ ngày 14 đến ngày 15 tháng Hai Âm lịch. 

Trước ngày diễn ra lễ hội từ 2 đến 3 ngày, các gia đình cùng nhau dọn dẹp đường làng ngõ xóm, trang hoàng nhà cửa, sạch đẹp, sắm sửa lễ vật để cúng thần. 

Ngày 14 tháng Hai, tiến hành làm lễ mộc dục, tổ chức tế lễ trang trọng. 

Ngày 15 tháng Hai, lễ hội chính thức được bắt đầu. Đúng 8 giờ sáng khai mạc lễ hội tại đình đến 9 giờ đoàn rước nước khởi hành. Kiệu được rước từ đình vào đền làng (thờ tổ nghề bún) rồi tiến hành nghi thức lấy nước. Đoàn rước tiến hành múc nước từ choé của đền sang choé của đình (xưa lấy ở hồ Linh Đàm gần đền làng) rồi rước về đình làm lễ nhập thuỷ. 

Ngoài phần lễ, hoạt động hội với các trò chơi dân gian như: đánh đu, kéo co, chọi gà…cũng được diễn ra sôi nổi. Đây không chỉ là dịp tưởng nhớ công ơn của các vị thần linh mà còn là dịp nhân dân trong làng được sum họp, quây quần cùng nhau vui hội.

Chú thích

[1] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, Nxb Trẻ, 2016, tr. 115.

[2] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2010, tr. 266 – 267.

Tham khảo

  1. Trần Thế Pháp (2016), Lĩnh Nam chích quái, Nxb Trẻ.
  2. TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa – Thông tin.
5/5 (2 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ
Dinh Tu Ky

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)