Đình Tự Nhiên (Thường Tín, Hà Nội)

Đình Tự Nhiên (Thường Tín, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đình làng Tự Nhiên, được xây dựng vào năm 1702, là một công trình văn hóa lịch sử quan trọng, tọa lạc tại xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Ngôi đình thờ các nhân vật lịch sử và truyền thuyết bao gồm Thánh Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung, công chúa Hồng Vân, cùng với tướng Đào Thành, một vị tướng dưới triều đại Hai Bà Trưng.

Lịch sử và nhân vật

Làng Tự Nhiên, trước đây gọi là làng Gòi, nằm trên một cù lao thuộc sông Hồng, trước kia thuộc tổng Vĩnh Hưng, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Vị trí này khiến việc quản lý làng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ khi dòng chảy chính của sông làm cô lập cả vùng. Đến đầu thế kỷ 19, vua Gia Long quyết định nhập làng Gòi vào phủ Chương Dương, huyện Thượng Phúc, thuộc trấn Sơn Nam Thượng. Đến năm 1971, xã Hồng Châu đổi tên thành xã Tự Nhiên, thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội.

Làng Tự Nhiên nổi tiếng trong truyền thuyết nhờ sự tích về công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Theo Lĩnh Nam Chích Quái, bãi Tự Nhiên chính là nơi Tiên Dung lần đầu gặp gỡ Chử Đồng Tử. Chàng Chử Đồng Tử, con trai của một gia đình nghèo ở làng Chử Xá, đã mất hết gia sản sau một vụ hỏa hoạn và chỉ còn lại một chiếc khố duy nhất. Sau khi cha mất, chàng phải dùng chiếc khố để chôn cha, rồi chịu cảnh thân trần, sống nhờ vào việc câu cá và xin ăn dọc bờ sông. Một ngày nọ, nghe tin công chúa Tiên Dung (con vua Hùng đời thứ ba) đậu thuyền rong chơi gần đó, thấy hoảng nên vùi mình trong cát trốn đi. Nào ngờ, Chử Đồng Tử vô tình bị lộ thân trong lúc công chúa đang tắm. Tiên Dung sau khi biết rõ tình cảnh của chàng, quyết định rằng số phận đã an bài cho hai người gặp nhau và ngỏ ý kết hôn. Chuyện tình này gây sự phẫn nộ cho vua Hùng, Tiên Dung sợ không dám trở về, bèn cùng Chử Đồng Tử ở lại, mở chợ buôn bán tại nơi này. Bãi Tự Nhiên dần trở thành một khu chợ lớn, nhộn nhịp và phát triển.

Truyền thuyết kể rằng Chử Đồng Tử trong một lần đi buôn đã gặp nhà sư Phật Quang, được truyền dạy đạo pháp và nhận một chiếc gậy và nón có phép màu. Sau khi trở về, Chử Đồng Tử truyền đạo cho vợ là Tiên Dung, và cả hai cùng từ bỏ việc buôn bán để đi học đạo. Trên đường hành trình, khi trời tối và chưa tìm được nơi nghỉ ngơi, Chử Đồng Tử cắm gậy và treo nón lên, đến đêm một tòa thành nguy nga với các cung điện và quân lính bỗng xuất hiện từ dưới đất, trông như một vương quốc thực thụ. Sau đó, khi vua Hùng nghe tin, đã cử quân đến tấn công. Tuy nhiên, vào đêm trước khi quân đến, một cơn bão lớn đã cuốn bay tòa thành và biến nơi đó thành đầm lầy rộng lớn, được gọi là đầm Nhất Dạ Trạch. Địa danh này không chỉ gắn liền với truyền thuyết về tình yêu của Chử Đồng Tử và Tiên Dung mà còn là căn cứ quan trọng của Triệu Quang Phục trong cuộc chiến chống nhà Lương.

Ngoài câu chuyện về Chử Đồng Tử và Tiên Dung, các thần tích của làng Tự Nhiên và thần tích do Nguyễn Bính soạn vào thế kỷ XVI còn ghi lại sự hiện diện của nhiều nhân vật quan trọng khác. Một trong những vị thành hoàng của làng là Đông Nguyên Soái Tiết Chế Thái Bảo Thành Quốc Công, hay còn gọi là Đào Thành. Ông là một vị tướng có công lớn trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống lại ách đô hộ của nhà Hán. Đào Thành được Hai Bà phong làm “Thủy Đạo Đại Tướng Quân” và giao nhiệm vụ bảo vệ bờ sông Cái. Sau những trận chiến ác liệt với quân giặc, Đào Thành đã chiến thắng vang dội và được thưởng thực ấp tại bãi Tự Nhiên. Ông xây dựng cuộc sống ổn định cho dân làng, góp phần tạo nên sự thịnh vượng và phát triển của vùng đất này.

Về sau, dân làng lập đền thờ ông, cùng với Tam vị Thánh tiên là Chử Đồng Tử, Tiên Dung, và nàng Hồng Vân. Nàng Hồng Vân, theo thần tích do Nguyễn Bính soạn vào đầu thế kỷ XVI còn kể thêm, là một cô gái làng Tự Nhiên đã nhìn thấy cảnh Chử Đồng Tử và Tiên Dung chuẩn bị bay về cõi tiên và cố gắng níu giữ họ lại. Cuối cùng, nàng cũng được đưa lên trời cùng với đôi vợ chồng, và cả ba trở thành những vị thánh được dân làng thờ phụng.

Khu đình làng Tự Nhiên bao gồm đình Thượng và đình Hạ, là nơi thờ các vị thánh tiên và vị thần bản cảnh Đào Thành. Đặc biệt, khu Giá Ngự ở đầu bãi cũng là nơi thờ quan Hà Bá – thần cai quản vùng sông nước. Trong quá khứ, khu vực này từng có một cây gạo cổ thụ rất đẹp, nhưng hiện nay không còn. Đình Thủy Cơ, được xây dựng vào năm 1862 do ngư dân lập nên, là một biểu tượng cho sự phát triển của nghề cá trong vùng. Tuy nhiên, vào năm 1947, đình bị giải hạ trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp.

Kiến trúc cảnh quan

Đình Hạ và đình Thượng, ban đầu được xây dựng vào năm 1702, đã trải qua quá trình di dời và trùng tu nhiều lần. Vào năm 1739, cả hai đình được chuyển lên vị trí cao ráo hơn để tránh tình trạng lụt lội. Hậu cung của đình được xây dựng vào cuối thời Nguyễn và nhiều hạng mục đã được bảo trì, tu bổ qua nhiều giai đoạn.

Hiện nay, đình Hạ và đình Thượng đang chung một khuôn viên với sân giữa và tường bao quanh, tạo nên một không gian mở, vuông vắn và thông thoáng. Phía trước khuôn viên là hai ao đình, tượng trưng cho đôi mắt rồng, nằm ở hai bên con ngõ dẫn vào cổng chung, hướng về phía Tây.

Về cấu trúc, đình Thượng gồm có ba phần chính: đại bái, thiêu hương và hậu cung. Đại bái của đình có ba gian và hai dĩ, với mái ngói đè nặng trên bốn hàng chân gỗ và được thiết kế theo kiểu chữ Đinh “丁”. Một phần của vì nóc đã được sửa đổi khi đình được chuyển từ vị trí cũ giáp bờ sông về địa điểm hiện tại. Nơi đây có những mảng chạm khắc độc đáo, nổi bật là tích “Độc long”.

Hậu cung của đình Thượng được chia thành hai phần, một phần thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử và hai phu nhân của Ngài là Tiên Dung và Hồng Vân, phần còn lại thờ danh tướng Đào Thành. Trước bàn thờ của Đức Thánh Chử có đặt thanh gươm của Ngài, như một biểu tượng linh thiêng.

Đình Hạ cũng có cấu trúc tương tự, gồm đại bái, trung cung và hậu cung. Đại bái của đình có ba gian và hai dĩ, với các mảng chạm khắc tinh xảo, bao gồm hình ảnh người cưỡi voi và đô vật. Những bức cốn chạm khắc đề tài “rốn rồng” và tích “rồng mẫu tử” cũng được đặt ở đây.

Trung cung của đình Hạ được xây theo kiểu phương đình hai tầng với tám mái, bốn đầu đao uốn cong vút. Cổ diềm của đình có các chấn song con tiện để lấy ánh sáng tự nhiên, giúp cho không gian bên trong thông thoáng. Chính điện của trung cung nổi bật với một bức cửa võng năm tầng, được đặt ngay giữa lối vào hậu cung, thể hiện sự công phu trong nghệ thuật kiến trúc.

Hậu cung của đình Hạ được xây dựng theo kiểu chồng diềm hai tầng bốn mái, kết cấu vững chắc với các chi tiết chạm khắc tinh xảo. Bên trong hậu cung đặt ba cỗ long ngai, tượng trưng cho sự tôn kính Tam vị Thánh Tiên. Tay ngai của các long ngai được chạm khắc thành hình những con rồng đầy đủ chân, thân và đầu, đối xứng chầu vào long ngai, tạo nên vẻ đẹp cân xứng và uy nghiêm.

Ngoài kiến trúc đặc sắc, đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, bao gồm 69 đạo sắc phong, 6 cỗ kiệu bát cống và một đầu sư tử đã tồn tại hơn 60 năm. Hàng năm, làng Tự Nhiên tổ chức lễ rước nước từ sông Hồng và rước kiệu, thu hút hàng vạn người tham gia, trở thành một sự kiện văn hóa đặc trưng của khu vực.

Hiện vật

Ngoài kiến trúc đặc sắc, đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, bao gồm 69 đạo sắc phong, 6 cỗ kiệu bát cống và một đầu sư tử đã tồn tại hơn 60 năm.

Lễ Hội

Lễ hội rước nước tại xã Tự Nhiên, tổ chức hàng năm vào ngày mùng 1 tháng 4 âm lịch, là một sự kiện văn hóa đặc trưng thu hút sự tham gia của hàng vạn người. Đây là một phần của di sản văn hóa liên quan mật thiết đến truyền thuyết Chử Đồng Tử – Tiên Dung, kết hợp các yếu tố tín ngưỡng và văn hóa của cư dân ven sông Hồng.

Trước ngày lễ, người dân Tự Nhiên tiến hành các nghi lễ chuẩn bị như ngâm gạo và giã bánh dày, trong đó việc chọn gạo được thực hiện cẩn thận để đảm bảo chất lượng. Nghi thức chính của lễ hội là đám rước nước từ sông Hồng, được tổ chức rất long trọng. Lễ rước nước truyền thống của làng diễn ra với sự tham gia của bảy long kiệu, trong đó đình Thượng có ba kiệu, đình Hạ có ba kiệu, đình thôn Thủy Tộc một kiệu, và bảy kiệu nước được dùng trong lễ mộc dục.

Đám rước bắt đầu từ đình thôn Thượng, với sự tham gia của các thành viên thôn Thượng, di chuyển đến đình thôn Hạ và sau đó tiến ra sông Hồng. Tại ngã ba đường, dân thôn Thủy Tộc nhập vào đám rước và cùng tham gia diễu hành ra bờ sông. Khi đến sông Hồng, bảy chiếc thuyền lớn chờ sẵn để rước kiệu nước ra giữa dòng sông, nơi các thôn lấy nước trong lành để sử dụng trong lễ mộc dục, tắm rửa cho đức Thánh và nhị vị phu nhân.

Sau khi lấy nước, đám rước quay trở lại làng theo thứ tự ban đầu, với các nghi lễ bái lạy giữa các thôn. Các kiệu của thôn Thủy Tộc được rước về trước, sau đó đến kiệu của thôn Hạ, và cuối cùng là thôn Thượng. Đám rước nhộn nhịp với cờ quạt, chiêng trống, và âm nhạc, thể hiện sự trang trọng và sống động của lễ hội. Làng có tục kiêng viết, nói, dùng tên Thánh: Không có múa sư tử (trùng “tử”) chỉ có 2 đội múa rồng, “Dung” gọi là “dong”, đi làm ngoài đồng, bãi không được “chống đòn càn xuống đất chụp nón trên gậy”. Ngoài đám rước nước, thôn Thượng và thôn Hạ còn tổ chức các hoạt động vui chơi như cờ bỏi và tổ tôm điếm. 

Mục đích chính của nghi thức rước nước là để làm lễ mộc dục cho đức Thánh và nhị vị phu nhân, phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp của cư dân nơi đây. Tín ngưỡng này gắn liền với truyền thuyết Chử Đồng Tử – Tiên Dung, biểu hiện khát vọng cầu nước cho mùa màng. Thời điểm diễn ra lễ hội vào tháng 4 âm lịch, thời điểm quan trọng trong mùa vụ, không chỉ là dịp kỷ niệm mà còn là sự hòa hợp giữa tín ngưỡng và nhu cầu của cư dân nông nghiệp. 

Sự ảo hóa tín ngưỡng trong lễ hội này liên quan đến truyền thuyết về Chử Đồng Tử và Tiên Dung, nhưng không hoàn toàn gắn liền với năm sinh, năm mất của các nhân vật. Lễ hội không chỉ tôn vinh các nhân vật trong truyền thuyết mà còn thể hiện sự kính trọng với nguồn nước, một yếu tố thiết yếu trong đời sống nông nghiệp của cộng đồng cư dân ven sông Hồng. Đặc biệt khi rước Tam vị Thánh Tiên: Rước ra thì bà Hồng Vân đi trước (để dẹp đường), còn rước về cũng bà Hồng Vân đi trước (dọn giường, chiếu, xem chỗ ăn, chỗ ở, đảm bảo an toàn cho ông Chử Đồng Tử và bà Tiên Dung).

Xếp hạng

Đình Tự Nhiên đã được xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 1988. Năm 2018, huyện Thường Tín đệ trình Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định xếp hạng “Di tích quốc gia đặc biệt đình Tự Nhiên” (gồm: đình Hạ, đình Thượng,  cây gạo và khu bãi Tự Nhiên).

Tham khảo

  1. Trần Thế Pháp (1960), Lĩnh Nam chích quái, Nhà sách Khai trí.
Chấm điểm
Chia sẻ
Truoccongdinh

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)