Tên gọi và vị trí địa lý
Đình Vường tọa lạc tại thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là một trong những ngôi đình có quy mô lớn và giữ được kiến trúc nguyên bản nhất ở Bắc Giang. Do nằm sâu trong khu vực núi Dành, đình chưa được khai thác hiệu quả về du lịch, song lại mang tiềm năng lớn trong tương lai khi khu vực này trở thành điểm du lịch sinh thái, văn hóa của Bắc Giang.
Lịch sử và nhân vật
Núi Dành, còn gọi là núi Chung Sơn, nằm trên địa phận hai xã Việt Lập và Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Theo Đại Nam nhất thống chí, nơi đây thuộc địa giới Yên Thế xưa, nổi tiếng với sâm nam và cỏ thi. Núi có địa thế uyển chuyển, cao khoảng 100m so với mực nước biển, soi bóng xuống dòng sông Thương. Xung quanh có các làng Lãn Tranh, Hậu (Vường), Um, Nguyễn, Bên, Cống, Chùa, Hoa. Với nhiều cây thông bao phủ, cảnh quan núi Dành mang vẻ đẹp thanh tĩnh, mát mẻ.
Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích quan trọng như lăng đá quan Thái Bảo, chùa Thú, chùa Không Bụt, đình Nguyễn, đình Vường, đình chùa Lãn Tranh, mộ quan Nguyễn Đắc Thọ và đền Núi Dành, phản ánh nét văn hóa tín ngưỡng lâu đời.
Hằng năm, vào các dịp lễ hội tại đình Vường, đình chùa Lãn Tranh, chùa Thú và đền Núi Dành, du khách thập phương đổ về hành hương, chiêm bái và thưởng ngoạn. Đứng trên đỉnh núi, người ta có thể thu vào tầm mắt vẻ đẹp thơ mộng của vùng đất Bắc Giang.
Vì thế núi Dành đã có bài thơ:
NÚI DÀNH
Phiên âm:
Trung Sơn vân vụ ủng
Cổ tự ẩn bách tùng
Thương giang hưu hoàn thuỷ
Thôn dã uẩn yên hùng
Huề trượng đăng sơn lĩnh
Bao quát cẩm tú hình
Phong suy tình ngoạn mục
Ấu lão lạc đồng chinh
Tảo thần đông nhật xuất
Hoà cốc sắc thanh thanh
Xuân thi để sơn hạ
Ký khách nhập hội Dành
NÚI DÀNH
Dịch nghĩa:
Núi Dành mây bao che
Chùa cổ trong tùng bách
Sông Thương nước vòng quanh
Xóm làng khói thấp thoáng
Chống gậy lên đỉnh núi
Xem ngắm cảnh gấm hoa
Gió đưa tình ngoạn mục
Chiêng trống giục trẻ già
Buổi sớm mặt trời lên
Đồng quê xanh sắc lúa
Bên núi đề thơ xuân
Gửi khách về hội Dành
Núi Dành đẹp, sản vật quý, dân thuần hậu, tự nhiên đi vào thơ ca.
“Sâm nam nổi tiếng núi Dành
Chợ đầy nhan nhản những hành Trung Sơn
Sông Thương uốn khúc lượn quanh
Cá nhiều, tôm sẵn, Lãn Tranh giỏi chài
Và xứng là vùng quê văn hoá:
Rủ nhau xem hát làng Ngò
Xem tuồng làng Trũng xem trò Tưởng Sơn
Thứ nhất hội chợ chùa Bà
Thứ nhì đình Đĩnh, thứ ba điếm Ngùi
Tiếng đồn chùa Thú vui thay
Bên kia Hương Hậu, bên đây cầu Cần
Có dường quần ngựa vui xuân
Thi diều đốt pháo thôn dân tưng bừng.
Đình Vường tọa lạc tại thôn Hậu, trước đây thuộc xã Chung Sơn, tổng Tuy Lộc Sơn, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Dưới thời Lê, địa danh này thuộc tổng Bảo Lộc Sơn, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc. Tên đình gắn liền với tên làng, nhưng theo tên chữ, đình còn được gọi là Đình Thịnh Vượng, xuất phát từ cách đọc của làng Vường.
Theo truyền tích, trước khi đình Vường ra đời, khu vực này gồm ba thôn nhỏ: làng Non, làng Cống và làng Đống. Ba làng này có quan hệ gắn kết lâu đời, cùng chung hương ước và truyền thống xây dựng quê hương. Đặc biệt, làng Cống, còn gọi là Cống Phường, từng xây dựng một ngôi chùa lớn nhưng không thờ tượng Phật, do đó được gọi là chùa Không Bụt. Sau này, ba làng hợp nhất thành làng Vường (hay làng Hậu), cũng là thời điểm đình Vường được dựng lên vào khoảng thế kỷ XVIII, theo các tư liệu chữ Hán và phong cách kiến trúc còn lưu lại.
Đình Vường thờ Đức Thánh Cao Sơn và Quý Minh, hai vị thần linh thiêng được tôn kính trong cung cấm. Phía trên cung cấm có khắc bốn chữ lớn “Thánh cung vạn tuế”, thể hiện sự bất biến trong tín ngưỡng thờ phụng hai vị thánh tại địa phương.
Kiến trúc cảnh quan
Đình Vường được xây dựng trên một khu đồi nhỏ cạnh làng Vường, vì thế ngọn đồi này được gọi là đồi Đình. Đình có hướng chính nam, phía trước nhìn ra núi Dành, phía sau tựa vào làng Hậu, bên trái giáp xóm Cống, bên phải giáp xóm Giữa. Không gian xung quanh rộng rãi, thoáng đãng, tạo nên vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên. Không xa về phía trái đình là dòng sông Thương hiền hòa, mang nước xuôi về hạ lưu.
Quần thể đình được xây dựng hoàn chỉnh với các hạng mục chính gồm đại đình, tả vu, hữu vu, sân, vườn và tam quan. Đại đình nằm trên đỉnh gò đồi, bố cục mặt bằng theo kiểu chữ Công (工), bao gồm ba phần: đại đình, ống muống và hậu cung. Đại đình có ba gian hai chái, kết cấu vững chắc với hệ thống vì kèo chồng rường giá chiêng. Kết cấu ống muống rộng, có ba vì, đóng vai trò nối liền đại đình với hậu cung thành một thể thống nhất.
Hệ thống sàn và ván trong đại đình còn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Giữa đại đình và hậu cung có hệ thống cửa cấm, luôn đóng kín và chỉ mở trong các dịp lễ tế quan trọng.
Hệ thống chạm khắc trong đình Vường mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Lê Trung hưng, thể hiện trên các cấu kiện kiến trúc như cửa võng, đầu dư, cốn chồng, kẻ, bẩy… Những bức phù điêu trang trí trong đình có chủ đề phong phú, bao gồm “Ngũ mã đồng quân”, “Long, phượng, mây, trúc”. Đặc biệt, các họa tiết này có điểm tương đồng với chùa Không Bụt khi không tuân theo đầy đủ bộ quy chuẩn của các đề tài Tứ linh và Tứ quý.
Nét chạm khắc tại đình Vường mang phong cách dân gian phóng khoáng, thể hiện rõ qua các mảng long – phượng cách điệu. Một số chi tiết độc đáo có thể kể đến như hình tượng chú Tễu cởi trần, tay vuốt râu rồng, hay chim phượng được biến tấu thành hình cặp đôi nam – nữ đầu người mình chim.
Bên trong đình, khu vực khám thờ bằng gỗ được bài trí đầy đủ với long ngai, bài vị và các đồ thờ tự. Hai gian bên của đại đình đặt đôi ngựa hồng, ngựa bạch cùng đôi hạc thờ lớn, tất cả đều được tạc trên nền đá xanh theo phong cách lòng thuyền, tạo nên không gian thờ phụng trang nghiêm và giàu giá trị nghệ thuật.
Đình Vường vẫn bảo tồn hệ thống cửa bức bàn chạy suốt năm gian, tạo nên không gian khép kín và hài hòa. Bốn góc đình được xây tường gạch kiên cố để đỡ đầu đao và định hình dáng mái. Phần mái đình được lợp bằng ngói mũi cổ dày, với các lớp sóng đều đặn, mang lại vẻ đẹp cổ kính. Hệ thống bờ dải nóc và đao mái được trát đắp công phu, trang trí hoa chanh thanh thoát. Đặc biệt, bốn đao mái cùng hai đầu nóc được tạo dáng vút lên như cánh diều căng gió, thể hiện sự uyển chuyển và tinh tế trong nghệ thuật kiến trúc.
Trên bờ dải hoa chanh, các linh vật như nghê, kìm, sấu được bố trí hài hòa bên cạnh hình rồng, mang phong cách trang trí độc đáo. Những tượng gốm này, có niên đại từ thời Lê, là hiện vật quý hiếm ít đình còn giữ được. Chúng cùng với các phù điêu rồng, phượng chạm khắc bên trong đình trở thành những mẫu nghiên cứu quan trọng để đối chiếu với kiến trúc đình chùa khác.
Với sự bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc truyền thống, Đình Vường được xem là một trong ba nguyên mẫu tiêu biểu của hệ thống đình làng Bắc Giang. Dù vậy, công trình đã mất đi tả vu, hữu vu và cổng tam quan, làm giảm bớt vẻ bề thế của tổng thể kiến trúc.
Sự kiện và lễ hội
Dân làng Vường duy trì tín ngưỡng thờ Đức Thánh bằng cách tổ chức hàng giáp để thực hiện các nghi lễ tại đình. Làng gồm 14 dòng họ, chia thành ba giáp: Giáp Đông, Giáp Đoài và Giáp Giữa, cùng bốn xóm. Lễ hội đình diễn ra vào các ngày 16, 17, 18 tháng Giêng và trung tuần tháng 8, trong đó cứ ba năm lại có một kỳ hội lớn, xen kẽ hai kỳ hội nhỏ.
Ngoài ra, làng còn tổ chức hội ba đình, kết nối ba thôn: Đình Vường (thôn Hậu), Đình Đanh (thôn Vũ Bến) và Đình Giữa (thôn Nguộn) vào tháng Giêng. Đám rước nối liền các đình kéo dài hàng cây số, tạo nên không khí nhộn nhịp suốt cả vùng. Trong dịp này, dân làng Hậu còn đón tiếp dân Cao Thượng – những người có kết ước lâu đời – đến giao lưu tại đình, thắt chặt tình đoàn kết truyền thống.
Xếp hạng
Với những giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc, Đình Vường đã được Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao công nhận và bảo vệ theo Quyết định số 154-QĐ ngày 25/01/1991.
Tham khảo
- Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1992.
- Cổng thông tin điện tử huyện Tân Yên. “Đình Vường.” Tanyen.bacgiang.gov.vn, ngày truy cập 22/02/2025, https://tanyen.bacgiang.gov.vn/en_US/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/Enp27vgshTez/content/-inh-vuong.