Đình Xuân Canh   (Đông Anh, Hà Nội)

Đình Xuân Canh   (Đông Anh, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi

Đình Xuân Canh còn có tên gọi khác là đình Thượng Lão.

Lược sử

Trước 1945, làng có chưa đến 1000 người, chia thành 4 thôn với 4 đình riêng. Thôn Văn Bình thờ Triệu Đà. Thôn Thượng Lão thờ thần núi Cao Sơn. Thôn Xuân Đình thờ ngài Cửa Ngọ (không rõ lai lịch). 

Thôn Vân Hoạch thờ ngài Hoàng Lãng Khanh, hiệu Văn Lương, người Đường Lâm, sau làm Chỉ huy sứ, Tả tướng quân của vua Hùng Tuấn Vương. Năm 1481 Xuân Canh có ông Nguyễn Minh Thông đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến Thừa chính sứ. 

Năm 1733 lại có ông Trương Nguyễn Điều (1685-?) đỗ khoa Sĩ vọng rồi mới đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu đời vua Lê Thuần Tông, làm đến Đề hình Giám sát Ngự sử; sau gia đình rời đến thôn Hàn Lạc (nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm). Thời Nguyễn, làng có ba người đỗ Cử nhân là Vũ Huy Lân (năm 1864), Nguyễn Huy Điền (1870) và Nguyễn Chính (1886).

Đình thờ Cao Sơn đại vương, hiệu Văn Trường, có công đánh giặc giúp dân, mở lớp dạy chữ cho con em địa phương. Cao Sơn và Quý Minh đại vương cùng anh họ là thần núi Tản Viên làm thành Tản Viên tam thánh, ba nhân vật quan trọng trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Phối thờ còn có Linh Lang đại vương. Di tích được xây dựng từ lâu đời, nhưng trải qua những bước thăng trầm của lịch sử hiện nay không có tư liệu chính xác nào về năm khởi dựng ngôi đình. Trong những đạo sắc phong còn lưu giữ được có bản ghi niên đại sớm là Cảnh Hưng 4 (Quý Hợi, 1743), những hiện vật khác mang phong cách thế kỷ XVIII, do đó có thể nhận định di tích được ra đời từ trước năm 1743.

Chính quyền Pháp rồi đến Nhật đã từng cho quân đến đóng tại đây trong một pháo đài, có nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội cùng với pháo đài Láng. Sau tháng 8-1945, Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp nhận pháo đài này và đêm 19-12-1946 đã cùng với pháo đài Làng bắn những quả đạn đầu tiên vào quân Pháp, mở màn cuộc kháng chiến toàn quốc.

Kiến trúc

Các hạng mục cấu thành nên đình Xuân Canh gồm có: tam quan, sân đình, hai dãy tả, hữu mạc và đại đình. Tam quan xây theo kiểu nghi môn với 4 trụ biểu trang trí hoa văn, thân ghi câu đối, hai bên cửa chính có mảng tường đắp tượng hộ pháp cầm binh khí. Đình nhìn về phía nam qua sân và tam quan. Hai dãy nhà tả, hữu mạc có kiến trúc đơn giản kiểu tường hồi bít đốc gồm 3 gian 2 dĩ, kết cấu theo lối chồng rường, bào trơn, kẻ soi.

Toà đại đình được khởi công tôn tạo vào ngày 15-12-2017, với diện tích 270m2, gồm 3 gian, 2 chái và 2 dĩ, 4 góc uốn đao tạo mái trước hình lòng thuyền. Bộ khung kết cấu gồm 6 bộ vì gỗ lim, mỗi bộ vì gồm 6 hàng chân. 

Trong đại đình, gian giữa là nơi tế lễ, các gian bên được tôn nền cao làm nơi hội họp việc làng. Bộ vì làm theo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền”. Mỗi bộ vì kèo có kết cấu mặt bằng theo lối 6 hàng chân. Cấu trúc của các vì kèo là những bộ phận trụ chống chủ yếu, nối bằng những xà dọc phía dưới và những đường hoành phía trên, để tạo thành một khung cột vững chắc đỡ toàn bộ lực đè của mái nhà..

Trang trí kiến trúc và điêu khắc tại đình cho thấy nghệ thuật được thể hiện phong phú về đề tài, đa dạng về nội dung và hầu hết đều mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII – XIX.

Di sản

Tất cả di vật được tạo tác thuộc nhiều chủng loại với nhiều chất liệu khác nhau. Có một số cổ vật hiếm quý tiêu biểu như: các sắc phong ghi niên đại Cảnh Hưng 4 (năm 1743), Tự Đức 10 (năm 1857) và 33 (năm 1880), Khải Định 3 (năm 1917); 02 pho tượng phỗng đá từ thế kỷ XVIII; 01 khám thờ từ thế kỷ XIX. Ngoài ra còn nhiều đồ tế tự khác như lọ hoa, đèn cầy, bát hương, v.v.. 

Sự kiện – Lễ hội

Ngày 13-4-2000 đình Xuân Canh đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử – kiến trúc – nghệ thuật quốc gia.

Sáng 12/4/2019 (tức ngày 8/3 năm Kỷ Hợi), thôn Xuân Canh tổ chức Lễ hội truyền thống năm 2019 và Khánh thành Đình Làng Xuân Canh.

 

5/5 (4 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)