Di tích quốc gia
Lăng Trương Tấn Bửu tọa lạc ở số 41 đường Nguyên Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin ký Quyết định xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 15/12/2004.
Tiểu sử
Theo các tư liệu hiện có, Trương Tấn Bửu sinh năm 1752 tại làng Hưng Lễ, tổng Bảo Phước, châu Định Viễn, phủ Gia Định nay thuộc xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông là người trầm tĩnh, đức độ, đã cùng với Nguyễn Văn Thoại trông coi việc đào kinh Vĩnh Tế và cùng Lê Văn Duyệt đề ra biện pháp ổn định tình hình chính trị xă hội vùng Nam Bộ thời đó.
Kiến trúc lăng
Lăng Trương Tấn Bửu là một tổng thể kiến trúc nghệ thuật về mộ táng uy nghi, hùng tráng, rêu phong cổ kính và u tịch. Kiến trúc tổng thể của lăng gồm đền thờ và phần mộ được xây dựng ở vị trí song song trên trục ngang. Năm 1827, Trương Tấn Bửu qua đời. Năm 1830 phần mộ được xây dựng tại vị trí hiện nay với tường bao xung quanh, bình phong tiền, bình phong hậu, cổng mộ. Các kiến trúc này được xây dựng bằng gạch, mỗi viên dài 0,40 mét, rộng 0,14 mét, dày 0,07 mét, ở đầu mỗi viên có hai chữ “Bính ngũ”, bên ngoài lớp gạch được tô trát một lớp vữa hợp chất cổ thường gọi là ô dước. Đằng sau bình phong tiền và cổng mộ thứ nhất là chiếc cổng mộ thứ hai cao lớn, mái giả ngói ống, gờ mái hơi cong lên, cửa cổng hình vòm. Mặt trong và mặt ngoài cổng có nhũng bức phù điêu rất mỹ thuật về hình tượng hổ ngồi giữ cửa, hạc đứng chầu, rái cá, dơi. Các cặp liễn đối viết trên trụ cổng với nét chữ hành thảo rất đẹp nhưng đáng tiếc là các cặp liễn đối đã không còn được nguyên vẹn do tróc lở, dặm vá. Ở phần cuối mộ là bình phong hậu có dàn mái giả ngói, trên bình phong có bức phù điêu tùng hạc, mây núi, cỏ cây sống động nhưng đă bị tróc lở nhiều. Hai bên bình phong có cặp liễn đối chữ Hán, nét chữ còn tương đối rõ “Danh lưu yên các viễn. Tích nhận thạch môn cao” (Lưu danh nơi gác mây. Dấu tích còn nơi cửa đá). Đặc biệt là nấm mộ Trương Tấn Bửu – Phó tướng của Lê Văn Duyệt, do đích thân Lê Văn Duyệt đốc thúc xây dựng, nấm mộ được xây dựng hoàn toàn bằng hợp chất cổ với hình khối sừng sững dài 3,33 mét, rộng 2,10 mét, cao 2,20 mét, hai mái xuôi phẳng lì. Theo Lê Thọ Xuân trong Tiểu sử Long Vân Hầu 1752 – 1827 thì “Mộ xây dựng kiểu nhà trúc các (tô đúc giống hình cái nhà bẻ bằng trúc khéo léo) rộng lớn, hùng tráng”. Hợp chất cổ ở phần mộ Trương Tấn Bửu cùng loại với hợp chất xây dựng lăng Võ Di Nguy và là hệ thống mộ cổ hiện còn sót lại ở Thành phố Hồ Chí Minh, có độ bền vững rất cao, ít bị nứt nẻ do nắng nóng, ít bị phân hủy do ẩm ướt, ít bị vỡ bể do va chạm mạnh. Nấm mộ Trương Tấn Bửu hiện còn nguyên vẹn trong khi các kiến trúc khác như tường bao, bình phong tiền, bình phong hậu chỉ tô trát lớp vữa hợp chất ở ngoài, đã bị thời tiết nóng ẩm phân hủy, lộ rõ gạch ở trong, làm mất đi những phù điêu, liễn đối minh họa ở phần mộ có giá trị văn học và nghệ thuật.
Bảo tồn lăng
Năm 1937, hội Phú Thành ở Phú Nhuận được thành lập để bảo tồn lăng Trương Tấn Bửu. Hội này đã xây dựng đền thờ vào năm 1937. Đến năm 1959, đền thờ được trùng tu và còn lại đến hiện nay. Mặt tiền đền thờ có nhiều tầng mái lớn và nhỏ lợp ngói âm dương, gờ mái hơi cong thanh thoát, gờ nóc mái gắn tượng gốm men xanh cặp rồng tranh châu, cặp cá hóa rồng rất ngộ nghĩnh, duới gờ nóc mái là phù điêu chim phượng hoàng bay trong mây. Trước cửa đền thờ là bình phong Sơn quân ở tư thế ngồi giữ cửa, trên hai trụ cửa là cặp liễn đối chữ Hán với nội dung: Uy trấn Bắc thành, giữ bờ cõi yên ổn, Cai trị đất Nam, giữ biên cương yên bình. Trên cửa chính là hàng chữ quốc ngữ “Lăng đền thờ đức Long Vân hầu Trương Tấn Bửu”. Đền thờ gồm các tòa nhà tiền điện, chính điện, nằm trên trục dọc.
Tiền điện là tòa nhà được xây dựng kiểu tứ trụ với bốn cây cột cái bằng gỗ cố định ở bốn vị trí quy định tạo thành hình vuông, hai vì kèo mái vươn dài xuống tới hiên, tạo thành hai mái trước và sau bằng nhau, từ hai phía còn lại của hai đầu kèo phát triển xuống, làm thành hai mái bên phải và bên trái bằng nhau. Các án thờ ở tiền điện được bố trí như sau: án thờ Hội đồng Ngoại, Hội đồng Nội, tiền hiền, hậu hiền bằng gỗ, xung quanh có gắn bao lam chạm lọng tinh tế hình tượng nho sóc, chim hoa, trên án thờ Hội đồng Nội có bài vị chữ Thần thếp vàng. Các giá chiêng, trống, võng thờ được chạm trổ sống động hình rồng mây và cặp hạc gỗ đứng trên lưng rùa biểu tượng của xã tắc bền vững. Ở đây còn có cặp liễn đối ca ngợi ơn thần, đức thánh với nội dung “Đức thánh sâu dày, đội ơn mưa móc. Anh linh hiển hiện, gội nhuần sóng ân”. Đặc biệt là bức hoành phi to lớn, chạm chìm chữ Hán tinh tế cho ta cảm nhận nét chạm là nét bút viết trên tờ giấy “Danh lưu yên các” (Danh lưu gác mây).
Chính điện là tòa nhà được xây dựng giống như kiến trúc tòa nhà chính điện của lăng Võ Di Nguy nhưng với kích thước thấp và nhỏ hơn, khoảng trống giữa hai tầng mái làm cho chính điện được thông thoáng và điều hòa được ánh sáng trời. Ở cửa vào chính điện có gắn bức bao lam cửa võng chạm lọng đề tài chim hoa sống động, rất thực với thân và cành cây cúc sần sùi, khẳng khiu, găy khúc luôn ở tư thế vươn lên, hoa cúc nở rộ, lá cúc tươi tốt, những con chim nhảy nhót tìm mồi. Thờ cúng ở chính điện gồm có án thờ Trương Tấn Bửu bằng gỗ cao lớn, uy nghi, đỉnh án thờ có hàng chữ Long Vân hầu, xung quanh chạm nổi, chạm lọng tinh xảo hình tượng cặp rồng tranh châu, rồng mây, chim hoa, trong án thờ có chữ Thần thếp vàng và các bài vị gỗ “Trương Tấn đại thần chi vị” (Bài vị đại thần Trương Tấn Bửu), “Khâm sai Chưởng dinh Thự lý Cai cơ, Phó tướng lanh Trung quân ấn vụ, Long Vân hầu Trương Tấn Bửu”. Phía trước án thờ có cặp lọng và cặp hạc gỗ cao lớn đứng trên lưng rùa. Hai bên án thờ Trương Tấn Bửu là án thờ Tả ban, Hữu ban và hai dàn lỗ bộ với kỹ thuật đúc đồng tinh tế. Treo ở bức tường là bài thơ chữ Hán của Lý Văn Hùng ở Thiên Nam Hán Viện đề thơ, tạm dịch như sau: Giúp vua rồng ẩn vút lên mây, Trung quân bách chiến mấy đời hay, Nặng dày áo mũ danh lưu sử, Bắc Nam vùng vẫy tướng lược thao.
Hội quán và nhà bếp được xây dựng bên cạnh đền thờ với kiến trúc đơn giản, cột kèo gỗ, mái lợp tôn kẽm. Hiện tại lăng còn lưu giử 39 cổ vật gắn với di tích gồm liễn đối, hoành phi, bài vị, án thờ, bát hương bằng chất liệu gỗ, gốm.
Lễ hội
Lễ giỗ Long Vân hầu Trương Tấn Bửu được tổ chức vào ngày 10 tháng 6 âm lịch hàng năm với nghi thức lễ truyền thống.
Tham khảo
- Trích “Di tích lịch sử văn hoá ở Thành phố Hồ Chí Minh”, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh