Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương (Thuận Thành, Bắc Ninh)

Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương (Thuận Thành, Bắc Ninh)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Khu lăng mộđền thờ Kinh Dương Vương nằm trong cụm di tích Kinh Dương Vương tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh với tổng diện tích 36 ha. Lăng nằm trên bãi bồi cao rộng thoáng sát bờ Nam sông Đuống, được bao quanh bởi lớp lớp cây cổ thụ. Cụm di tích này nằm cách TP Hà Nội khoảng 35km.

Lịch sử và nhân vật

Xưa kia, làng Á Lữ có hai ngôi đền, đền Thượng thờ Kinh Dương Vương, đền Hạ thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ. Về phía Đông lăng Kinh Dương Vương xưa còn có một ngôi chùa có tên chữ là “Đông Linh Bát Nhã tự” thờ các đức “Thánh mẫu thủy tổ” là Vụ Tiên, Thần Long và Âu Cơ. Về lịch sử tồn tại của đền, sách Đại Nam thực lục, tập 2 chép: “Miếu Kinh Dương vương ở xã á Lữ trấn Kinh Bắc” [1]

Đến năm 1949, đình và đền Á Lữ bị quân Pháp phá dỡ lấy vật liệu xây bốt Á Lữ, các đồ thờ tự ở đền được đưa về khu Văn chỉ của làng. Sau năm 1954, dân làng tôn tạo Văn chỉ thành đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ. Năm 1999, dân làng trùng tu ngôi đền đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương. 

Về thân thế của Kinh Dương Vương, Kỷ Hồng Bàng thị trong Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông. Nhâm Tuất, năm thứ 17, xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương Vương]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ.” [2]

Bên dòng sông Đuống hiền hòa, dưới tán xà cừ cổ thụ là nơi an nghỉ của Kinh Dương Vương. Trải qua nhiều nghìn năm, ngôi mộ vẫn giản dị như thuở nào. Mộ nằm trên gò đất nhìn ra sông, với thế phong thủy đầu gối sơn, chân đạp đất.

Trước kia nhân dân chỉ xây gạch cao để thờ cúng, sau này đền thờ Kinh Dương Vương được trùng tu tôn tạo thành khuôn viên lăng như ngày nay.

Đường vào lăng là tấm bia Hạ mã nghĩa là “xuống ngựa”, chốn tôn nghiêm người đến phải xuống ngựa để thể hiện sự tôn kính. Đây là tấm bia cổ không rõ niên đại. Lăng Kinh Dương Vương được trùng tu gần nhất vào năm 2012. Trong lăng có bức đại tự ghi 4 chữ Hán “Nam Bang Thủy tổ”, nghĩa là vị vua tổ đầu tiên của nước Nam.

Năm 2013, lăng Kinh Dương Vương được đầu tư kinh phí mở rộng khuôn viên và xây dựng thêm một số hạng mục như: nhà thờ văn, nhà thờ võ và nhà khách.

Kiến trúc cảnh quan

Khuôn viên đền thờ Kinh Dương Vương còn có nhiều hạng mục công trình khác như: khu lăng Kinh Dương Vương, nhà thờ Võ, nhà thờ Văn, nhà khách,…

Đền thờ Kinh Dương Vương được xây dựng theo kiến trúc hình chữ “Công”, bao gồm 5 gian Tiền Tế, 1 gian Ống và 3 gian Hậu Cung. Bên trong đền là nơi đặt ngai thờ, ở giữa là ngai thờ Kinh Dương Vương, ngai thờ Lạc Long Quân nằm ở gian bên phải và ngai thờ của Âu Cơ nằm ở gian bên trái.

Kiến trúc khu lăng mộ gồm: cổng lăng ra vào chia làm 3 lối phân cách bằng các cột trụ lồng đèn, qua cổng lăng đi thẳng vào là phần mộ vua Kinh Dương Vương, hai bên tả hữu là bốn nhà văn chỉ, võ chỉ và nhà khách. Xung quanh trồng cây cối xanh rợp bóng mát cho khách tham quan.

Lăng được xây dựng trên một dải đất cao quay về hướng Bắc, bên hữu ngạn sông Đuống, phía sau là đê Đuống. Đài lăng được xây theo kiểu 2 tầng chồng diêm 8 mái, từ cổng đi thẳng vào là khu trung tâm lăng mộ, dựng tấm bia “Kinh Dương Vương lăng” được khắc vào năm 1840.

Hiện vật

Lăng mộ Kinh Dương Vương còn bảo lưu được tấm bia đá ghi rõ “Kinh Dương Vương lăng”, niên đại “Minh Mệnh nhị thập nhất niên” (1840). 

Tại đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, hiện còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý giá như: ngai bài vị, thần phả, sắc phong, văn tế, hoành phi, câu đối. Hệ thống hoành phi, câu đối phản ánh ca ngợi về người được thờ như: “Nam bang thủy tổ”, “ Nam tổ miếu”,… Đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều vua phong cho người được thờ là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, với các niên đại như sau: 1 đạo Gia Long 9 (1810), 1 đạo Minh Mệnh 2 (1821), 2 đạo Thiệu Trị 2 (1842), 2 đạo Thiệu Trị 6 (1846), 2 đạo Tự Đức 3 (1850), 1 đạo Tự Đức 33 (1880), 2 đạo Đồng Khánh 2 (1887), 1 đạo Duy Tân 3 (1909) và 2 đạo Khải Định 9 (1924).

Lễ hội

Nhớ ngày mười tám tháng Giêng
Giỗ vua Thủy tổ thiêng liêng nước nhà
Dù ai xuôi ngược gần xa
Tìm về bái tổ xứng là đạo con.

Tục truyền, xưa hàng năm cứ đến ngày 18 tháng Giêng đền, đình làng Á Lữ lại được mở hội. Để lo việc đình đám, ngay từ trong năm làng phân công việc cho quan đám và các giáp. Giáp đăng cai lễ hội được nhận ruộng công để nuôi lợn và làm bánh chưng, bánh dày tế thần. Vào hội, ngay từ ngày 12, đền và đình được mở cửa để bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Đến ngày 16, làng tổ chức rước nước từ sông Đuống về đình đền để tế lễ quanh năm. Ngày 17, làng tổ chức rước kiệu từ đình xuống đền Thượng và đền Hạ để xin rước các bậc thủy tổ dân tộc về đình để tế lễ và mở hội. Từ ngày 18 đến 24, mỗi ngày một tuần tế. Lễ vật có lợn cả con, bánh chưng, bánh dày. Đến ngày 25, tế giã đám tại đền Thượng và đền Hạ bằng cá gỏi.

Ngoài đình đám 18 tháng Giêng, còn có ngày sự lệ riêng của đền Thượng và đền Hạ. Tục truyền, cứ đến ngày 15 tháng 8 (âm lịch), dân làng làm 3 mâm trám đen và 3 mâm gỏi cá để tế các bậc thủy tổ Kinh Dương Vương. Lạc Long Quân và Âu Cơ tại đền Thượng và đền Hạ. Các mâm tế: “trám đen” tượng trưng cho 50 người con theo mẹ lên vùng rừng núi sinh cơ lập nghiệp. Còn các mâm “cá gỏi” tượng trưng cho 50 người con theo cha xuống biển khai mở miền biển. Trong những ngày lễ hội, đã thu hút hàng ngàn vạn “Con lạc cháu Hồng” từ khắp mọi miền đất nước về với khu di tích lăng và đền thờ, nhằm tri ân và thờ phụng tôn vinh Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ là những bậc thủy tổ có công mở nước.

Xếp hạng

Được Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch công nhận, cấp bằng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc Gia năm 1993.

Chú thích

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo Dục, 2007, tr. 152. 

[2] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hoà 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội, 1993, tr. 3.

Tham khảo

  1. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… (1993) Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hoà 18 (1697), Nxb Khoa học Xã hội.
  2. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo Dục.
  3. Đỗ Thị Thuỷ, “Đền Kinh Dương Vương”, website Di sản văn hoá huyện Thuận Thành – Bắc Ninh, truy cập ngày 7/11/2024.
5/5 (2 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)