Tên gọi và vị trí địa lý
Miếu Đồng Cổ thuộc thôn Nguyên Xá, xã Phú Minh (Từ Liêm, Hà Nội), nay là ngõ 136 đường Cầu Diễn, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. Miếu cách trung tâm Hà Nội 15km về phía tây, trên tuyến Quốc lộ 32 Hà Nội đi Sơn Tây. Muốn đến di tích, ngoài các phương tiện cá nhân, khách có thể đi xe bus, tàu điện đến Ga Minh Khai.
Với vị trí ở cửa ngõ phía Tây kinh thành, thôn Nguyên Xá là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng kể từ thế kỷ XI, khi nhà Lý đóng đô ở Thăng Long. Thôn cũng từng được triều đình nhà Nguyễn ban tặng 4 chữ “Thuần phong mỹ tục”, một minh chứng về truyền thống lịch sử và văn hóa ổn định của cộng đồng cư dân nông nghiệp.
Hiện còn có hai di tích lớn khác thờ thần núi Đồng Cổ ở Đan Nê (Thanh Hóa) và Thuỵ Khuê (Tây Hồ, Hà Nội).
Lịch sử và nhân vật
Vị thần được thờ trong miếu gọi theo sắc phong là “Đương cảnh thành hoàng Giám thệ vương Đồng Cổ sơn thần”. Truyền thuyết dân gian kể rằng vào thời xưa, các tráng sĩ Đan Nê (Yên Định, Thanh Hoá) trên đường ra Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) tụ nghĩa dưới trướng của Hai Bà Trưng đã mang theo bài vị thành hoàng của địa phương mình tức thần núi Đồng Cổ. Khi qua thôn Nguyên Xá thấy có quang cảnh uy nghiêm, trang trọng, họ đã lập miếu thờ bái vọng.
Đầu thời vua Lý Thái Tổ (974–1028) trên đường kinh lý tới địa phận Phương Canh (gần ngã tư Canh bây giờ), voi bỗng bị cắm ngà xuống đất không thể đi được. Vua cho xem xét xung quanh, tới thôn Nguyên Xá gặp ngôi miếu Đồng Cổ bèn vào chiêm bái, voi lại khỏe. Kể từ đó, vua thường lui tới miếu này.
Theo tác giả sách Lĩnh Nam chích quái, ngôi đền này được Thái tử Lý Phật Mã (sau là Lý Thái Tông) cho dựng:
“Núi Đồng Cổ ở huyện An Định, làng Đan Đà Thượng. Ngày xưa, lúc đang làm Thái tử, Lý Thái Tông đem binh đi đánh Chiêm Thành, đến bãi Tràng Sa thì đóng quân ngủ lại; đêm quá canh ba, Vương mộng thấy một vị thần bận binh phục đến thưa rằng:
- Ta là thần núi Đồng Cổ, nghe Vương nam chính, xin theo quân Vương lập chiến công.
Trong giấc mộng, Vương cùng thần nói chuyện rất tường. Bình Chiêm Thành xong, Vương đem quân trở về Kinh, sau quần thần sáng lập từ vũ tại Kinh thành bên hữu chùa Từ Liêm. Kịp đến lúc vua Thái Tổ băng hà, Thái Tông phụng di chiếu tức vị. Đêm ấy thần lại cáo với Thái Tông rằng:
- Ba vương Vũ Đức, Dực Thánh, Đông Chinh mưu phản.
Sáng ngày, ba Vương đã phục binh trong thành, đánh gấp các cửa. Thái Tông ra lệnh cho vũ thần Lê Phụng Hiểu đem binh cự chiến; Phụng Hiểu kêu to bảo Đông Chinh, Vũ Đức rằng:
- Ba vương dòm-dỏ thần khí, miệt thị tự quân, tại sao lại vong ân bội nghĩa? Phụng Hiểu này xin đem gươm đến hiến.
Rồi thẳng đến chém Vũ Đức Vương, còn Đông Chinh, Dực Thánh tẩu thoát được, hung đồ tán loạn, nội nạn thanh bình quả hợp ứng như thần mộng. Phụng Hiểu có công linh trợ. Vua sắc phong làm Thiên Hạ Minh Chủ; mỗi năm đến ngày mồng bốn tháng tư, vua hội trăm quan ở đền mà thề. Lời Minh thệ là: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, Thần minh sẽ giết”; ai ai cũng đều uý mộ sùng phụng.
Phụng Hiểu tiêu trừ được nội nạn, tin thắng lợi tâu lên, Thái Tông ban khen, bảo Phụng Hiểu là người trung nghĩa anh dũng, hơn Kính Đức nhà Đường rất xa. Sau phò vua Nam chinh, đại phá giặc Chiêm Thành, công to nghiệp lớn lừng lẫy xa gần; dân lập đền thờ, cầu đảo đều có linh ứng; trải mấy triều, Vương đều được gia phong tặng Vương tước cả.”[1]
Trong các thời kỳ sau đó, ngôi miếu vẫn là một trong những chốn linh thiêng bậc nhất. Năm 1907, di tích là nơi được nhà yêu nước Lương Văn Can – một trong những thành viên sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục chọn làm nơi giảng bài, giác ngộ tinh thần yêu nước. Tiếp đó, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đây là điểm tập kết của các dũng sĩ cảm tử trước khi tiến về Việt Bắc xây dựng căn cứ địa kháng chiến trường kỳ.
Kiến trúc cảnh quan
Miếu Đồng Cổ nằm ở đầu làng Nguyên Xá, trên thế đất “quy xà” với gò cao ở giữa, xung quanh có dòng nước uốn lượn. Di tích hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn, mở cổng kiểu tứ trụ về phía Đông Nam, bên phải là đường quốc lộ QL32 nối với trung tâm thủ đô Hà Nội.
Sau cổng là tượng đôi voi quỳ chân trước, cùng rập đầu ở hai bên bức bình phong đắp cuốn thư. Có hai chiếc cầu cong nho nhỏ bắc qua ao sen, dẫn vào một sân gạch khá rộng. Toà Tiền Tế gồm 5 gian lớn, thềm đá cao 5 bậc. Hậu Cung kết nối với toà tiền tế thành hình “chữ Đinh”. Sau lần trùng tu mới đây, những công trình đó cùng cả khu vườn và các nếp nhà khác đã làm nên một cụm di tích khá khang trang.
Hiện vật
Sách Hà Nội và danh thắng di tích tập 1 chép: “Theo tư liệu còn lại ở trong miếu thì vị thần Đồng Cổ ở miếu này được 62 đạo sắc phong từ đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn. Nay chỉ còn ghi trong Ngọc phả, hiện vật còn 8 đạo sắc, trong đó xưa nhất là của vua năm Cảnh Thịnh, năm Bảo Hưng thứ nhất (1801). Thời Nguyễn có 7 đạo: Gia Long thứ 9 (1810), Minh Mệnh thứ 2 (1821), Thiệu Trị thứ 6 (1845), Tự Đức thứ 3 (1851), Thành Thái thứ 15 (1904), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909).”
Cuối năm 2007, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá Hà Nội cho khai quật 9 hố thám sát tập trung chủ yếu ở gò đất phía bắc sau miếu. Kết quả tại độ sâu từ 1m đến 1,8m đã tìm thấy dấu tích các lớp kiến trúc, văn hoá, mộ táng thuộc giai đoạn Đông Sơn, Bắc thuộc, thời Trần, thời Lê… và có thể nhận thấy miếu nằm ở vùng đất tụ cư của người cổ trên các đồi, gò cao ở gần sông Nhuệ và các phụ lưu. Đặc biệt đã tìm thấy đồ gốm thời Lý và các dấu vết phản ánh sinh hoạt và đống phế liệu cũng chứng minh sự hiện diện của công trình kiến trúc thời Trần ở nơi đây, mặc dù chưa tìm thấy nền, móng do diện tích hố khai quật bị khống chế bởi kiến trúc hiện tồn.
Di tích thời Lê tại các hố đào với sự tập trung các loại hình vật liệu kiến trúc, nhất là số lượng các mảnh ngói lợp đã cho thấy sự tồn tại của ngôi miếu. Đặc biệt, đã tìm thấy các lò nung vật liệu phục vụ cho việc xây miếu, phản ánh phần nào qui mô to lớn của công trình. Di tích thời Nguyễn tại đây được nhận diện rõ hơn với các dấu vết móng ở phía đông và tây.
Trong số hiện vật thì các ngôi mộ đất (giai đoạn Đông Sơn – Hán), mộ lon (thời Trần), mộ vò (thời Lê)… và phế tích lò nung vật liệu thời Lê đều còn khá nguyên vẹn. Lò nung này có cấu trúc khá đặc biệt, hiếm thấy, nên được di dời về Bảo tàng Hà Nội, nơi có điều kiện bảo quản và phục dựng để trưng bày.
Xếp hạng
Miếu Đồng Cổ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1989 tại Quyết định số 100 VH/QĐ ngày 21/01/1989.
Dấu tích thời gian vẫn còn in đậm tại di tích này. Ngày 24/6/2016, UBND phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm đã trang trọng tổ chức Lễ đón bằng công nhận 14 cây Muỗm cổ thụ thuộc khuôn viên miếu Đồng Cổ và chùa Thanh Lâm – làng cổ Nguyên Xá là Cây Di sản Việt Nam. Đây là sự kiện ý nghĩa, không chỉ trực tiếp bảo vệ cảnh quan môi trường, mà còn hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc về văn hóa – lịch sử, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết yêu nước, biết trân trọng quá khứ, tự hào về truyền thống quê hương.
Chú thích
[1] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, Nhà sách Khai Trí, 1960, tr. 108.
Tham khảo
- Nguyễn Chí Công, “Miếu Đồng Cổ (Nguyên Xá)”, https://360.hncity.org/spip.php?article114
- Trần Thế Pháp (1960), Lĩnh Nam chích quái, Nhà sách Khai trí.
- Phương Thảo, “Linh thiêng miếu Đồng Cổ Nguyên Xá”, Cổng thông tin điện tử quận Bắc Từ Liêm, 26/5/2020.
- Lưu Minh Trị (Chủ biên), 2010, Hà Nội Danh thắng và Di tích, tập 1, Nxb Hà Nội.