Tên gọi và vị trí địa lý
Miếu Gàn, tên chữ là Xá Can từ, trước đây thuộc làng Bằng Liệt B, nằm ở phía Nam của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 10km. Từ năm 2004, khi thành lập quận Hoàng Mai, di tích thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.
Bằng Liệt là một vùng đất cổ có bề dày lịch sử, gắn liền với kinh thành Thăng Long – Hà Nội. Bằng Liệt cách Thanh Liệt bởi con sông Tô Lịch, giữa hai làng nối nhau bằng cây cầu đá gọi là cầu Quang Bình tức là Quang Liệt. Làng Bằng từ xưa đã được biết đến với những sản vật là quả vải, dưa cải và củ đậu. Vải làng Bằng từng được tiến vua, xưa kia ngạn ngữ ca dao trong vùng từng ca ngợi những đặc sản quý của nơi đây rằng:
Vải ngon thì nhất làng Bằng
Khắp thành Hà Nội hỏi rằng đâu hơn.
Hay:
Củ đậu Bằng Thượng thiếu gì
Dưa cải Bằng Hạ đâu bì được chăng.
Vùng Bằng Liệt có lợi thế về địa hình đất đai màu mỡ lại có nguồn nước của sông Tô Lịch và hệ thống đầm hồ dày đặc cung cấp quanh năm nên luôn được phủ một màu xanh mượt mà của cây lúa và nhiều loại hoa màu khác.
Lược sử
Miếu Gàn thờ vị thần là học trò của Chu Văn An có tên là Bảo Ninh Vương mà trong sách Lĩnh Nam chích quái gọi là “thần Chằm Lâm Đàm”.
Theo Lĩnh Nam chích quái, vị thần này ở chằm Lân Đàm: “Thần Lân Đàm chính là thần rồng vậy. Xưa thần thường hóa thành người để tìm thầy học đạo. Thầy học lấy làm lạ bèn tìm chỗ ở của thần, thấy thần náu ở trong chằm. Thầy học thường tra hỏi, thần bèn nói thực rằng: “Năm này trên Thiên đình ngừng việc làm mưa.” Thầy học cố nài thần ra làm mưa. Thần bất đắc dĩ phải nghe lời. Sau trong chằm có biến động, thầy học tới chằm thấy thần hút nước trong nghiên phun thành mưa mực để trừ hạn hán. Thượng Đế cho là việc đã tiết lộ bèn bắt tội thần. Thây thần nổi ở trên chằm, thầy học thu về an táng, nhân đặt tên chằm là Long Đàm, sau đổi thành Lân Đàm”[1].
Về sau, nhân vật người thầy trong câu chuyện này được cụ thể hóa thành nhà giáo Chu Văn An. Sách Di tích lịch sử văn hóa Hoàng Mai chép rằng: “Vào đời Đại Khánh, Chu Văn An dạy học ở xã Cung Hoàng, có một người học trò tuấn tú đến xin học, ngôn ngữ, cử chỉ khác hẳn người thường, ông lấy làm ngờ dò xem người ấy ở đâu. Một hôm thầy dậy sớm, trông ra xa thấy người ấy ở dưới nước đi lên. Bấy giờ, trời đại hạn đã lâu, các địa phương cầu đảo đều không ứng nghiệm. Ông bèn đem thực tình nói với người ấy, người ấy còn thoái thác, sau khi ông thành tâm cầu khẩn mới nói: Vì trời hạn nên con mới tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi chơi. Hiện nay Tứ Hải, Tam Hà, Cửu Giang, Tứ Độc cùng khu cứ ở các địa phương đều có lệnh cấm, chỉ có một chút nước trong cái nghiên làm sao mà tưới khắp cho được mọi chỗ? Nhưng đã có lời dạy bảo của thầy con sẽ xin chút giải nỗi khổ khô khan cho một tổng. Bảo Ninh Vương thưa với Chu Văn An rằng: “con biết trái lệnh Triều đình là sẽ bị trừng phạt, nhưng con xin làm để tuân lời thầy và giúp dân.” Sau đó thần lấy nghiên mực và đem bút ra giữa sân mài mực đầy nghiên, rồi ngửa mặt lên trời đọc khấn thần chú, cầm bút chấm mực, thần bèn ném tung cả nghiên bút lên trời. Lập tức mây đen kéo đến và đổ xuống một trận mưa rất lớn kéo dài đến tối. Sau đó có tiếng sét đánh và trời ngớt mưa nhưng cánh đồng đã no nước, lúa đã được cứu sống lại. Sáng hôm sau người ta thấy một thây thuồng luồng bị sét đánh chết nổi lên ở đầm. Chu Văn An được tin đó cho là người học trò của mình đã thác. Ông thương tiếc vô hạn sai người làm lễ an táng. Nhân dân các vùng lân cận kéo đến giúp sức, và sau đó lập đền thờ để tưởng nhớ công đức của thần.”[2]
Trận mưa mang lại nguồn sống cho 7 làng của Thanh Oai: Bằng Liệt, Linh Đàm, Tứ Kỳ (xã Hoàng Liệt), Tựu Liệt (xã Tam Hiệp), Đại Từ (xã Đại Kim), Hữu Thanh Oai (xã Hữu Hoà) và xã Lê Xá. Bởi vậy, dân 7 làng đều thờ phụng thần, nơi thờ chính là miếu Gàn ở Bằng Liệt, gần chằm Lân Đàm. Nếu theo sự tích đó, có thể miếu Gàn được xây dựng từ thời nhà Trần. Từ khi có miếu, các triều đại đều sắc phong ngài là Thượng Đẳng thần Bảo Ninh Vương.
Câu chuyện dã sử trên đời đời được người trong vùng lưu truyền: chỗ nghiên mực rơi xuống biến thành cái đầm nước đen nên gọi là Đầm Mực ở thôn Quỳnh Đô, còn quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai (có tên Nôm là Tó), vì thế làng này trở thành làng khoa bảng nổi tiếng sinh ra nhiều danh nhân như: Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Nha… còn 7 làng quanh Hoàng Liệt nổi tiếng về ứng nghiệm mỗi khi làm lễ cầu mưa.
Theo PGS.TS Đỗ Lai Thúy, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: “Xưa, vùng đất Thanh Trì – Hoàng Mai thuộc về trấn Sơn Nam, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long, có nhiều hồ đầm, thế nên việc thờ phụng thủy thần rất phổ biến. Óc tưởng tượng của dân gian hư cấu một vị thủy thần giúp dân làm mưa trong những giai đoạn thời tiết khô hạn là điều tất yếu. Tuy nhiên, việc một vị thủy thần vì nghe lời thầy dạy học sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu dân được lý giải là một sản phẩm của tư tưởng Nho giáo hư cấu mà thành. Thời Chu Văn An còn sống, vào cuối thời Trần, Nho giáo trỗi dậy mạnh mẽ, để gần một thế kỷ sau trở thành Quốc giáo dưới triều vua Lê Thánh Tông trị vì (1460 – 1497). Những nhà Nho nắm quyền dưới thời vua Lê đã sửa lại thần phả khắp cả nước, trong đó truyền thuyết về vị thủy thần ở hồ Linh Đàm được sáng tạo thành câu chuyện về hiếu lễ đậm tính Nho giáo”[3].
Việc thờ Thuỷ thần Bảo Ninh Vương ở miếu Gàn phản ánh nhiều mặt về đời sống văn hoá tinh thần của người dân làm nghề nông trồng lúa nước trước nay. Sự tích về Thần Bảo Ninh Vương tuy mang nhiều yếu tố thần thoại huyền bí, song về cơ bản là sự phản ánh tôn vinh đề cao vị trí và công đức của danh nhân Chu Văn An, không chỉ là một nhà nho, thầy giáo hiền tài có công đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước mà còn là người đức độ thương dân hết lòng mà cảm hoá được cả thần linh dám xả thân cứu dân qua khỏi thiên tai hạn hán.
Trong câu chuyện cũng có chi tiết phản ánh cách chống hạn của người dân Thăng Long xưa được thần thoại hoá: chiếc nghiên mực rơi xuống biến thành Đầm Mực chứa nước chống hạn cho cả vùng phía Nam của kinh thành Thăng Long. Hệ thống đầm, hồ cũng đảm nhiệm chức năng chứa nước chống ngập úng. Vì vậy, để chống được hạn hán và cả ngập úng người dân cần phải bảo vệ hệ thống đầm hồ chứa nước. Bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Kiến trúc
Miếu Gàn tọa lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng mát nằm giữa cánh đồng lúa, phía trước là hồ nước rộng, xung quanh là những cây ăn quả và cây cổ thụ xum xuê toả bóng tạo nên vẻ đẹp thâm nghiêm cổ kính.
Ngôi miếu có quy mô kiến trúc khiêm tốn. Các công trình kiến trúc của miếu xây dựng theo hướng Đông Bắc, bố cục hài hoà trong một không gian rộng thoáng và ăn nhập với khung cảnh thiên nhiên.
Cổng miếu xây kiểu nghi môn tứ trụ, cửa giữa được tạo thành bởi hai trụ lớn, kiểu trụ lồng đèn, đỉnh trụ đắp hai tượng nghê ở tư thế hướng vào nhau. Giữa hai trụ lớn là phần cửa giả đắp nổi, chính giữa là hình hai kỳ lân hướng mặt vào nhau. Qua một khoảng sân gạch là khu kiến trúc chính kết cấu kiểu chữ Công gồm Tiền tế, Nhà Muống[4] (Ống Muống) và Hậu Cung.
Nhà Tiền Tế gồm ba gian hai dĩ, mái lợp ngói ta loại ngói có mũi nhô cao, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, chính giữa bờ nóc đắp nổi hình mặt trời lửa, hai đốc mái đắp hình rồng miệng ngậm bờ nóc. Phía trước mở hệ thống cửa bức bàn. Các bộ vì kèo đỡ mái kết cấu kiểu “chồng rường giá chiêng”. Bốn đầu dư gian giữa được chạm hình rồng mặt dữ tợn, miệng ngậm ngọc, râu xoắn, mắt lồi, bờm uốn thành hình đao mác. Trên các bức cốn nách được trang trí chạm trổ khá công phu. Hai cốn phía ngoài chạm nổi các hình tứ linh (long, ly, quy, phượng) và hình vân mây. Hai cốn phía trong chạm hình độc long. Đây là những mảng chạm trang trí đẹp mang tính nghệ thuật cao, đường nét chạm khắc chau chuốt mềm mại mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII -XIX. Trên các con rường, kẻ, bẩy hiên và các bức cốn gian bên chạm nổi đề tài hoa lá, rồng mây, chim phượng. Phần nền nhà Tiền Tế gian giữa thấp hơn hai bên và được lát gạch men hoa. Hai gian bên tôn cao hơn tạo kiểu sàn đế làm nơi hội họp của làng khi mở hội.
Tòa Ống Muống hai gian, mái lợp ngói ta được làm nối liền với gian giữa nhà Tiền Tế, một đầu nối với Hậu Cung tạo thành hình chữ Công. Các bộ vì kèo đỡ mái làm kiểu “chồng rường, giá chiêng”. Tại Ống Muống bài trí một hương án bằng gỗ được sơn son thiếp vàng lộng lẫy cao l,45m; dài l,4m; ngang 0,9m và chạm khắc rất công phu đề tài tứ quý, tứ linh mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Hậu Cung xây tiếp liền với tòa Ống Muống một nếp nhà ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, nhà xây chạy ngang song song với nhà Tiền Tế. Bộ vì kèo đỡ mái được kết cấu kiểu “chồng rường giá chiêng”. Tòa Hậu Cung được xây bít kín ba phía, phía trước mở các cửa bức bàn gỗ. Tòa Hậu Cung được làm kín đáo nhằm thoả mãn chức năng nơi thờ tự đặt long ngai, bài vị của Thần. Theo phong tục từ xưa tới nay ngôi mộ của đức Bảo Ninh Vương nằm ở địa phận xã Thanh Liệt, nằm sát dòng sông cạnh cầu Bươu và đường 70, phần mộ hiện còn là một mộ đất cao 60cm, hình tròn đường kính 6m.
Hiện vật
Trải qua thời gian dài tồn tại trong lịch sử, với những biến động thăng trầm đổi thay, sự tàn phá của thiên tai và chiến tranh khốc liệt, hiện nay miếu Gàn còn lưu giữ các di vật có giá trị lịch sử văn hoá cao, gồm: Một cỗ long ngai bài vị sơn son thiếp vàng trang trí chạm nổi hình rồng; một hương án gỗ các đề tài tứ linh, hổ phù, lưỡng long chầu nguyệt, rồng ổ, rồng uốn khúc, rồng cuốn thuỷ vân mây, hoa lá, cánh sen sông nước, văn hình học và hồi văn, nét chạm chau chuốt, khoẻ khoắn, mạch lạc mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII; một khám gỗ chạm lộng sơn son thiếp vàng; hai bát hương đá; năm bức hoành phi, 10 đôi câu đối gỗ sơn son thiếp vàng có nội dung ca ngợi công đức của thần. Tiêu biểu, có thể nhắc đến đôi câu đối:
Nghiên tự đằng vân, Thánh vực há nên xưng đề tử,
Đàm do lưu mặc thần công thiên cổ thụ xứ môn.
Nghĩa là:
Mây từ nghiên bay lên, đất Thánh ngàn năm con vua xuất hiện,
Đầm còn mực lan chảy, công thần muôn thuở, thầy dạy lừng danh.
Tại miếu hiện còn lưu giữ tấm bia Thanh Bằng thịnh sự dựng năm Cảnh Hưng 45 (1748) chứng minh cho tục thờ phụng và coi học trò thầy Chu Văn An – Bảo Ninh Vương là Thủy thần giúp dân chống hạn.
Xếp hạng
Miếu Gàn là một di tích tín ngưỡng, một vốn cổ quý giá góp phần tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất phía Nam kinh thành Thăng Long đã được Bộ Văn hoá xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật tại quyết định số 1207 QĐ/BT ngày 11/09/1993.
Chú thích
[1] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, Nxb Trẻ, 2016, tr. 115.
[2] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2010, tr. 266 – 267.
[3] Nguyễn Hoan, ““Miếu Gàn” – Tôn vinh đạo thầy trò cao đẹp”, PetroTimes – Tạp chí của Hội Dầu khí Việt Nam, ngày 12/5/2020.
[4] Theo TS Trần Trọng Dương: “Nhà Muống” là một thuật ngữ của kiến trúc cổ truyền, miền bắc thường gọi là ống muống, hay tòa nhà cầu, gian nhà cầu. Còn theo kinh nghiệm điền dã của chúng tôi, ống muống là một loại kiến trúc phụ (dạng mái) dùng để nối các tòa trong một tổng thể kiến trúc liên hoàn.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Hoan, ““Miếu Gàn” – Tôn vinh đạo thầy trò cao đẹp”, PetroTimes – Tạp chí của Hội Dầu khí Việt Nam, ngày 12/5/2020.
- Trần Thế Pháp (2016), Lĩnh Nam chích quái, Nxb Trẻ.
- TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa – Thông tin.
- Nguyễn Trung, “Tìm về nơi tôn vinh đạo học”, trang Nhịp sống Hà Nội – Chuyên trang của Báo Điện tử Hà Nội mới, ngày 14/11/2019.