Tên gọi và vị trí địa lý
Tại thôn Thượng An, xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, nằm ngay trên trục quốc lộ 19 có một công trình văn hoá, tín ngưỡng có tên gọi là miếu Xà hay miếu Xà Thần. Đây là ngôi miếu thờ thần rắn, thuộc Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, gắn liền với lịch sử cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.
Xưa kia, đèo An Khê được biết đến với tên gọi đèo Vĩnh Viễn. Từ thời Pháp thuộc, tên An Khê mới trở nên phổ biến và được sử dụng cho đến ngày nay. Đèo này nằm trên quốc lộ 19, kéo dài 196 km trên vùng đất Gia Lai, nối liền hai đô thị lớn: thị xã An Khê (ở phía Đông Trường Sơn) và thành phố Pleiku (ở phía Tây Trường Sơn).
Lịch sử và nhân vật
Vào Cuối thế kỷ XVIII, trong quá trình chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã chọn vùng đất Thượng đạo để xây dựng cơ sở ban đầu của cuộc khởi nghĩa nông dân. Sách Tây Sơn thủy mạt khảo chép: “Năm Tân Mão thứ 32, niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê (1771) Nguyễn Văn Nhạc vào trong đám miền Thượng đạo lập ra đồn trại”.
Theo cuốn Nước Non Bình Định có ghi chép: “ Nhà Tây Sơn cử binh đánh nhà Nguyên năm Tân Mão (1771). Trước khi cử sự, binh đóng ở hòn Ông Nhạc đều dân qua hòn Ông Bình. Rồi dại binh keo đên đèo An Khè lam le tế cờ khởi nghĩa. Lễ tế cơ cử hành gần nơi Cây Cày và cây kẻ. Cho nên tục có câu « Cây Kẻ phất cờ, cây Cây khí cổ. Cây Cây hiện còn. Cây Ké đã bị Chánh Quyền địa phương thời Ngô đình Diệm đòn lầy gỗ cắt trụ sở..”. Truyền rằng: “Địa binh kéo đến đèo An Khê, khi xuống vừa khỏi Nghẹo Cây Khế, thì một con rắn thân lớn bằng cột nhà, sắc đen nhánh như hạt huyền, thời nhân gọi là Ông Long, từ trên Cây Ké bỏ xuống, nằm chận ngang đường đi. Bình mã sợ không dám tiến. Nguyễn Nhạc liền xuống ngựa, tuốt gươm đến chém, lấy máu đề cờ. Nhớ đến chuyện Hán Cao Tồ chém rắn khởi nghĩa, tướng sỹ tin là điềm lành nên nức lòng phấn chỉ. Tế cờ xong liền tiến binh”.
Như vậy, thông qua những tư liệu đã tìm hiểu, sự tích của Miếu Xà gắn liền với huyền thoại về nhà Tây Sơn, nơi Nguyễn Nhạc đã chém rắn để lấy máu tế cờ trước khi xuất quân xuống đồng bằng. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có tư liệu nào ghi chép rõ ràng về thời điểm xây dựng miếu cũng như người đã đứng ra sáng lập ngôi miếu này.
Hiện tại trong khuôn viên của Miếu Xà có đặt một tấm bia đá, bên trong ghi lại nội dung bằng chữ Quốc ngữ: “Miếu Xà, thuộc quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo, căn cứ địa buổi đầu của phong trào nông dân Tây Sơn (1771-1773). Đây là nơi Nguyễn Nhạc chém rắn, lấy máu tế cờ khi xuất quân xuống Đồng Bằng”.
Rõ ràng, những thông tin tư liệu đã được đề cập hoàn toàn trùng khớp với sự tích khắc trên tấm bia đá tại Miếu. Những chứng tích đánh dấu bước phát triển của nghĩa quân Tây Sơn từ rừng núi xuống đồng bằng đều có gắn liền với Miếu Xà, Cây ké phất cờ – Cây cầy nổi trống.
Dân gian truyền miệng lại, xưa kia, Miếu Xà dựng bằng tranh tre nứa lá, xung quanh là rừng già. Năm 1957, người dân làm lễ xin xà thần cho phép di dời miếu về vị trí hiện nay nhằm thuận tiện việc trông nom, hương khói. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều lần, Miếu Xà bị địch đốt phá. Nhưng sau đó, người dân liền dựng lại để có nơi thờ cúng xà thần.
Những huyền thoại gắn với Miếu Xà
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân gian vẫn gìn giữ nhiều câu chuyện kỳ thú liên quan đến Miếu Xà và rắn thần mà chưa có một sách vở nào có thể xác thực.
Tương truyền, sau một thời gian chuẩn bị binh hùng, tướng mạnh ở Tây Sơn Thượng, năm Quý Tỵ (1773), ba anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) xuất quân tiến xuống đồng bằng. Đoàn quân đi đến đầu đèo Mang (đèo An Khê) thì có con rắn rất to lao từ cây ké xuống chắn ngang đường. Trong số tướng sĩ có người cho rằng đây là điềm xấu, đề nghị thu quân. Nguyễn Nhạc nhất quyết không lui mà tiến lên phía trước, rút gươm chém đầu rắn, lấy máu tế cờ. Xuống đồng bằng, nghĩa quân bao vây, đánh hạ thành Quy Nhơn. Sau chiến thắng này, Nguyễn Nhạc cho quân lính lập miếu thờ rắn thần ở đầu đèo Mang.
Còn cũng có truyền thuyết khác kể rằng: năm 1773, Nguyễn Huệ chỉ huy đoàn quân từ Thượng đạo xuống Hạ đạo. Đến đầu đèo An Khê thì gặp cặp rắn mun nằm chặn giữa đường. Thấy vậy, Nguyễn Huệ liền xuống ngựa, chắp tay khấn. Lời khấn của ông vừa dứt, 2 con rắn ngóc đầu, trườn về phía trước. Đi được một đoạn, 1 con rắn bò vào bụi cây ven đường, lúc quay ra miệng ngậm 1 thanh long đao trao cho Nguyễn Huệ. Mỗi khi ra trận, Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ thường dùng long đao đánh giặc, giành được nhiều chiến thắng lẫy lừng như Rạch Gầm-Xoài Mút, Ngọc Hồi-Đống Đa. Tưởng nhớ công ơn của rắn thần, nhà vua sai người xây dựng miếu thờ ở đầu đèo Mang.
Theo lời kể của người dân địa phương, Miếu Xà Thần gắn liền với giai thoại về vua Quang Trung – Nguyễn Huệ trong những ngày đầu kháng chiến chống quân Thanh. Tương truyền, khi đoàn quân Tây Sơn tiến về đồng bằng, một con mãng xà to lớn đã xuất hiện, chặn đường quân đi. Vua Quang Trung bèn thành tâm khấn vái, xin thần xà nhường đường để quân đội tiếp tục hành quân. Kỳ lạ thay, mãng xà sau khi nghe lời khấn đã quay đầu bỏ đi. Đi được một đoạn, rắn thần lại xuất hiện, ngậm một thanh long đao cán màu đen tuyền trao cho nhà vua. Vua Quang Trung tiếp nhận long đao, làm lễ thượng cờ và tiếp tục hành quân. Thanh long đao này được vua sử dụng trong các trận chiến sau này và được cho là bảo vật do thần xà ban tặng. Sau khi giành chiến thắng vang dội, vua Quang Trung đã cho người dân xây dựng Miếu Xà Thần để tưởng nhớ công ơn của thần xà.
Mặc dù chưa có cuốn sách nào ghi chép rõ ràng về các sự tích này, nhưng những câu chuyện vẫn được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Huyền thoại về việc chém rắn để tế cờ cùng với chuyện rắn dâng đao gắn liền với những chiến công lẫy lừng của ba anh em nhà Tây Sơn và sự tích của Miếu Xà.
Kiến trúc cảnh quan
Miếu Xà tọa lạc bên dệ đường của trục Quốc lộ 19, nằm trong một khoảng đất trống rộng, Kiến trúc miếu với quy mô nhỏ, bao gồm hai công trình chính: Miếu thờ và Bia đá.
Ngôi miếu được xây dựng bên cạnh cây cổ thụ, sân trước miếu được lát nền xi măng và có mái che. Bên trái tring sân miếu là một ban thờ xây theo kiểu lăng mộ bằng gạch, khắc họa bức tranh ngũ hổ, bên phải là nơi đặt hòm công đức.
Kiến trúc của miếu gồm một gian nhỏ với hai cột trụ vuông, được thiết kế theo phong cách lồng đèn, với mỗi trụ được trang trí bằng một búp sen bằng đá. Nối hai cột trụ là một tấm trụ biểu dạng cuốn thư, khắc dòng chữ “Tây Sơn Thượng Đạo”. Toàn bộ bức tường phía trước ngôi miếu được trang trí bằng các họa tiết rồng, mây và hoa lá. Cửa ra vào miếu được làm bằng gỗ, kiểu bức bàn. Bên trong miếu xây bệ thờ cao khoảng 1,2m, được xây bằng gạch và trang trí xung quanh bằng hình vẽ rồng, bên trên đặt các đồ thờ cúng. Mái miếu được lợp ngói đất nung, trên nóc mái có gắn lưỡng long chầu nhật.
Cách miếu khoảng 200m, vị trí bên trái miếu có một tấm bia xây cao khoảng 1.5m, bên trong mặt bia có ghi chữ Quốc ngữ: “Miếu Xà thuộc Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo, căn cứ địa buổi đầu của phong trào nông dân Tây Sơn giai đoạn 1771-1773.”
Sự kiện và lễ hội
Hằng năm cứ đến ngày 20 tháng 2 âm lịch nhân dân vùng Thượng An, xã Song An cùng Ban Quản lý miếu lại tổ chức lễ tế thần theo nghi thức truyền thống. Để tưởng nhớ công lao của nhà Tây Sơn và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống người dân ấm no.
Xếp hạng
Miếu Xà Thần là vùng đất mang đậm dấu ấn của phong trào Tây Sơn, vì vậy, ngày nay, chính quyền và cộng đồng địa phương luôn nỗ lực bảo tồn và trùng tu các di tích, nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của các bậc tiền nhân.
Năm 1991, Miếu Xà là khu di tích được bộ văn hoá và thông tin nay là bộ văn hoá thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Tham khảo:
- Lịch sử đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005), Nxb Chính trị Quốc gia.
- Bản dự thảo báo cáo đánh gia tác động môi trường và xã hội dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây nguyên (2017), Bộ giao thông vận tải.
- Quách Tấn (1967), Nước non Bình Định, Nxb Nam Cường.