Những ai đã đi đi về về chùa Ráng trong những năm 1990 – 2015 không thể không nhớ đến những cảnh vật, con vật, cuộc sống bình dị, đời thường, dân dã, gần gũi thiên nhiên của Tổ Ráng – Đức đệ tam Pháp chủ GHPGVN.
Một ấn tượng của chúng tôi về chùa Ráng, nơi thâm sơn cùng cốc, xa vắng ở giữa các cánh đồng, xung quanh là tre pheo, ruộng, vườn, thanh u rậm rạp là trong chùa nuôi cả một đàn chó, có những con tới 30 – 40 cân có những con nhỏ xíu, nhóc nhách, bằng ống điếu cày, vốc tay…
Những con chó này có nguồn gốc đa dạng. Những người vì những lý do khác nhau mang chó đến gửi chùa, gọi là cúng vào chùa nhưng thật ra là để những con chó khỏi hoang tàn; những con chó hoang ốm yếu, ghẻ lở lẩn quẩn đâu đó trong các lùm bụi cũng giạt về chùa Ráng.
Tổ Ráng chẳng quản ngại gì cả, chúng đến thì cho ở, cho ăn, chữa bệnh chăm sóc; chúng đi thì cũng không quyến luyến. Hòa thượng bảo: “đến đi vô ngại”. Chùa Ráng lúc bấy giờ có 6-7 con chó. Con to, con nhỏ, có con rất dữ dằn, có con khá hiền lành thân thiện.
Phương trượng – phòng của Hòa thượng trụ trì ở gian đầu hồi phía Tây nhà Tổ. Đây là căn phòng nóng ngột nhất, chịu ồn ào nhất ở chùa Ráng. Phía đông nhà Tổ cũng có căn phòng tương tự, nhưng ở dưới những tán cây và phía bên kia khuất nẻo nên khá yên tĩnh, mát mẻ, kín đáo, dành cho chư Tăng đệ tử học hành. Hòa thượng Viện chủ ở Tây phòng cho tới khi Ngài viên tịch, có thể gọi là “phòng hỏa lò”.
Buổi chiều, đặc biệt là chiều hè, phương trượng được nắng tây chiếu sóc vào, rất nóng. Hơn nữa, hai cửa sổ mở ra từ đầu đốc của căn phòng này lại hướng ra bể nước và sân bếp. Suốt ngày, nơi đây rất là ồn ào, tiếng bát đũa khua lẻng xẻng, tiếng xối nước ào ào.
Dưới bán mái đầu đốc nhà Tổ, từ hai cửa sổ ấy, Hòa thượng cho buộc một dãy xích chó. Lúc xích, lúc thả, Hòa thượng coi đó là việc thường nhật. Ngài bảo: Nhà chùa nuôi nhiều chó thế này, chó cứ đến cứ đi như thế này thì ta phải thù tiếp thôi, đó cũng là cái việc ứng phó, bất đắc dĩ, làm sao cho hợp đạo hợp đời thôi.
Chùa Ráng đương thời khá vắng vẻ, tịch mịch. Ở nơi hoang vắng, giữa cánh đồng như thế này, những con chó đến tá túc cũng là để góp phần trông nom chùa. Cụ bảo: những con chó hoang tụ tập ở tại đây, chúng ta cũng đừng chấp trước, ghét bỏ. Chúng đến hay đi, ta cũng hoan hỉ thôi.
Đàn chó đông như vậy, từ sáng đến trưa, con thả ra, con xích vào. Đặc biệt buổi tối hay khi đêm về sáng, có tiếng động của các loại chồn cáo, rắn rít ở đâu đó thì cả đàn đồng loạt cất tiếng sủa, ủng oảng, tiếng lẻng sẻng của va chạm dây xích, dây buộc.
Sống trong phương trượng này, chỗ huyên láo, ồn ào, bếp núp, chó mèo, xủng xẻng như thế này mà Hòa thượng vẫn an tâm, tĩnh tại, tu hành, viết sách, niệm Phật và vui vẻ. Càng về sau, mỗi lần chiêm bái phương trượng này, chúng tôi lại càng cảm, càng nghĩ về sức định của Hoà thượng là lớn lao chừng nào!
Tổ Ráng dành sự yêu quý rất lớn cho đàn chó. Mỗi khi Cụ đi Phật sự đâu đó trở về, kẹt mở cổng thì chó lớn, chó nhỏ ào ra quấn quýt. Chưa bao giờ thấy Ngài không dành cho chúng những tình cảm đặc biệt. Lúc nào Ngài cũng ngồi xuống xoa đầu chúng và nói những câu nựng rất đời thường: ôi các cháu của Cụ đấy à, các cháu của Cụ đấy à! Đàn chó mừng quýnh lên, con trước tiếp con sau…
Cụ chưa từng có những lời mắng mỏ, nhiếc móc đàn chó. Cụ thường âu yếm cho đàn chó ăn bằng những cái bát to, bát nhỏ, cũ kĩ nhưng được rửa sạch sẽ. Khi cho đàn chó, đàn mèo ăn, Cụ thường nựng: sở này là của cháu này, sở này là của cháu này…
Khi đàn chó ăn xong, Cụ lại con xích, con thả. Khi nhà chùa có khách, Cụ cho xích đàn chó lại, phòng có con dữ dằn cắn khách vãng lai. Khi chùa vắng vẻ, Ngài không quên thả đàn chó cho chạy ra ngoài, cho chúng được rộng cẳng một chút.
Có những hôm, vào lúc nửa đêm, mùa đông rét mướt, hay những buổi tối mùa hè trăng xuông, ánh sáng mờ nhạt chiếu rọi sân nhà Tổ hay sân vườn tháp, Tổ Ráng thường thong thả vươn vai đứng dậy, rời kinh, rời sách, rời phương trượng tản bộ đi ra ngoài. Ngài ngồi xuống trước cửa nhà Tổ, cả đàn chó 5 – 7 con ào tới, có những con chó lạ ở nơi xa cũng đến. Chúng tụ tập xung quanh chân Cụ.
Ngồi giữa bầy chó, đêm khuya thanh vắng, u tịch, Ngài cảm khái cất tiếng chỉ bảo, trò chuyện với đàn chó, đôi lúc giảng về Phật Pháp, về những câu kinh, những câu kệ, bằng những lời, những từ như thuyết giảng đối với con người. Đâu đó từ phía cửa xa, thấp thoáng một vài chư Tăng lặng nhìn Cụ Hòa thượng đang giảng Pháp cho một bầy chó…
Đêm hè trăng xuông, oi nồng, im ắng, hay đêm đông rét mướt sương mù, đàn chó ngồi xung quanh Cụ sư già, đuôi không vẫy, mắt ngước nhìn, miệng há hoác, nghe những lời giảng sâu kín, khó hiểu của Tổ.
Thời giảng có những ngôn từ mắc mớ, khó hiểu. Ngài đôi lúc âu yếm xoa đầu chúng, có lúc răn đe, cao giọng. Cả bầy chó đều rất ngoan, lắng nghe như cố hiểu…
Tổ Ráng trăm năm ở chùa, Ngài ưa đi guốc mộc, những đôi guốc làm bằng gộc tre, gộc gỗ nhãn được Ngài tự tay đẽo gọt thô kệch rồi đóng quai. Quai guốc thường là những miếng vỏ lốp xe đạp cũ hỏng. Tổ thường đi guốc, lọc cọc tản bộ trên những lối nhỏ khúc khuỷu, đầy rễ cây, gạch đá lổn nhổn mà thật vững vàng, tự tại. Đàn chó luôn quấn quýt theo Ngài, con trước con sau.
Chiêm nghiệm về cuộc đời trăm năm tu hành trọn vẹn của Đức đệ tam Pháp chủ ở chùa Ráng, không thể không nhớ đến sự thương yêu, đùm mọc của Cụ với bầy chó, bầy mèo, một sự chân tình giản dị, rất đời thường mà thấm nhuần đạo vị, siêu phương. Khi đọc những kinh sách, ngữ lục về hành trạng của chư vị Tổ sư, chúng tôi không thể không bùi ngùi, cảm hoài đến bầy chó ở chùa Ráng./.