Giai thoại về Hòa thượng Hội Xá với cặp rắn độc ở chùa Đậu

Giai thoại về Hòa thượng Hội Xá với cặp rắn độc ở chùa Đậu

Thông tin cơ bản

Chừng năm 2024 này, khi Tăng Ni Phật tử về vãng cảnh lễ Phật chùa Đậu – tên chữ là Thành  Đạo tự, còn gọi là Pháp Vũ tự ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội (Hà Tây cũ) thì thấy cảnh chùa cổ đã được trùng tu trang nghiêm. Các hạng mục như đại điện, tam quan, sân vườn… đều khang trang, đẹp đẽ. Khu chùa nằm giữa vùng đồng ruộng, hồ sen xanh tươi, mát mẻ lãng mạn. 

Hồi tưởng lại chùa Đậu những năm 1960 – 1980, mới thấy hết được sự vô thường, biến dịch của khung cảnh và thời gian. Chớp chớp mắt, thấy hiện lại cảnh điêu tàn, hoang sơ của ngôi chùa Đậu cổ kính. Ở miền Bắc, những năm chiến tranh gian khổ ấy, Đạo Phật, chùa chiền tàn tạ, suy vi. Trong cảnh đìu hiu đó, Tổ Hội Xá – Hòa thượng Thích Thanh Bích đang trụ trì chùa Sủi – Phú Thị – Gia Lâm, bồng bềnh trong cảnh éo le, trải qua trú ngụ ở chùa này, chùa khác rồi về trụ trì chùa Đậu – một trong những chốn Tổ của mạng mạch truyền thừa, trước khi Ngài về trụ trì lâu dài tại chùa Hội Xá tới khi về hầu Phật.

78220187 484103352221930 8592711232522289152 N 0740

Một thoáng đời thường Tổ Hội Xá

Bấy giờ, hoạt động thường nhật của các Phật tử cũng như các lễ hội, tín ngưỡng nơi chùa cảnh đều rất hạn chế, eo hẹp. Hòa thượng Hội Xá về trông nom chùa Đậu giữa một vùng đồng chiêm, hay lụt lội; cảnh người cảnh vật rất bi thương. Mùa mưa nước dâng lên, chùa Đậu nổi lên, mấp mé mặt nước như ốc đảo…

Bão lũ, nước tràn vào cả sân chùa. Hòa thượng Hội Xá khi một mình, khi có một vài Phật tử qua lại. Trụ trì nơi đó, Ngài vừa lễ Phật tụng kinh, chuyên chú tu luyện, vừa hướng dẫn tín ngưỡng thờ Phật cho những Phật tử trung kiên còn nhất tâm qua lại nơi đó, vừa tham gia lao động sản xuất cùng các tổ đội hợp tác. Ngài tham gia làm ruộng, cấy hái gieo trồng cùng nhân dân địa phương, thực hiện nhiệm vụ của một công dân trong thời kỳ đất nước cam go, loạn lạc.

Sinh hoạt của các chúng chùa Đậu lúc bấy giờ hết sức vất vả, tằn tiện. Mấy nhà Tăng và nhà Tổ trong nội tự rất ẩm thấp, sập sệ, nước mưa lũ thường ngập vào. Hòa thượng trụ trì, cùng với một vài đồ đệ và mấy người chấp tác sinh hoạt ăn ở rất đạm bạc, rau cháo độ nhật, gần như điển hình căn bản của phép tu hạnh đầu đà. Với Ngài việc ngủ ngồi, ngày ăn một bữa, ăn rong rêu cỏ rầy là thường nhật.

Trong điều kiện như thế, chung thủy trước sau, Hòa thượng tuyệt đối không giữ tiền bên mình, tuyệt đối không sử dụng những đồng tiền ít ỏi của thập phương, tín thí cúng dàng hay chút tiền ít ỏi của những buổi chợ bán rau dưa, hoa trái gom nhặt. Cả cuộc đời Ngài tu hạnh không giữ tiền, cho đến tận hết đời vẫn vậy.

Lúc bấy giờ, Hòa thượng trụ trì ở tại phương trượng nhà Tổ chùa Đậu. Gọi là phương trượng nhưng cũng chỉ là một gian nhỏ ở đầu hồi, thấp thoáng, mấp mé bên ruộng nước, cạnh mấy ngôi tháp cổ sập sệ. Nơi đó, không thể tránh khỏi tình trạng ẩm thấp, ướt át, muỗi mòng, tối tăm. Tổ Hội yên sống trong đó. 

Về sau một số chư Tôn đức Tăng Ni, bà con Phật tử ở trong làng đã thấy, đã được nghe kể về nơi đây, trong giai đoạn này một câu chuyện nửa thực, nửa hư, một giai thoại đẹp của chùa Đậu, của Hòa thượng Hội Xá, của một thoáng lịch sử Phật giáo Việt Nam. 

Theo giai thoại, lúc bấy giờ trong phương trượng Hòa thượng Hội Xá thường có một cặp vợ chồng mãng xà rất to, khúc đen khúc trắng, có con cộc đuôi già nua hung tợn, tinh ranh mà tỉnh đòn, to chừng ống điếu cày lớn. Dè chừng đó là một cặp độc xà, “cạp nong cạp nia”, từng kinh qua sống chết, thương tật đầy mình, có lẽ là do những lần tranh đấu, hoặc bị dân truy sát, nay theo nhân duyên gì đó mà dạt về miền chùa Đậu, nương náu nơi cửa Thiền, ẩn khuất nơi phương trượng của Hòa thượng trụ trì.

Đôi mãng xà và Hòa thượng chùa Đậu dường như có sự ngầm hiểu, tâm giao thương cảm. Mặc kệ, sự lo ngại của thói thường, dường như tùy ý và tùy duyên, Hòa thượng coi chúng như đồ đệ, như bầu bạn. Ngài chẳng khởi tâm ác hay thiện, chẳng thiên lệch so bì, chẳng khởi ý mua chuộc, mời mọc hay kỳ thị, xua đuổi. Dường như Ngài chẳng sợ, chẳng để ý đề phòng nguy cơ bị đôi rắn độc cắn hại mình.

Hòa thượng ở trong căn phòng nhỏ bé, tối tăm, ẩm thấp với đôi rắn. Chúng cư trú, đi đi về về căn phòng ấy như là đồng chủ nhân đích thực. Thường lúc chúng cứ mò vào phòng Hòa thượng, nằm ở dưới gầm giường. Thực ra cỗ giường ấy cũng chỉ là tấm ván cập kênh, kê trên mấy chiếc xà gồ sơ sài, cũ kỹ, thô ráp. Đôi lúc, Hòa thượng quờ chân va chạm vào đầu đôi rắn, chúng lại lắc lư, phun phì phì dưới gầm giường, trực mổ, lại thôi, lại nghe thấy Hòa thượng mắng mỏ cặp mãng xà vài câu, hoặc giãn rũa cho chúng đôi ba câu nghĩa lý. Những lúc vắng vẻ hay đêm khuya thanh vắng, Hòa thượng lên trên chùa tụng kinh lễ Phật thì cặp rắn đó lại lẽo đẽo lết theo Hòa thượng, trườn qua bậu cửa vào chùa một cách thành thạo, thành kính.

Hoa Thuong Thich Thanh Bich 5

Phương trượng Tổ Hội một thời ở chùa Hội Xá

Đôi khi có người lạ bất chợt xuất hiện trong phòng, gặp cặp rắn cuộn như đôi rế dưới gậm giường. Thấy người lạ, chúng phồng mang, phun phì phì, co mình sợ hãi, thế thủ. Khách bất đắc dĩ hốt hoảng sợ hãi, thậm chí thất thần bủn rủn. Khi đó, Hòa thượng thong thả thõng chân từ giường xuống đất, quơ quơ, đôi rắn khẽ nép mình lại, Cụ gắt: – Lặng đi nào… rồi Ngài đứng dậy đưa khách ra ngoài, không quên khép cửa. Gối đầu lên chiếc dép cũ kỹ của Hòa thượng, đôi rắn lại hiền lành dễ bảo như những chú mèo lười vậy.

Việc có đôi ác xà vào phương trượng ở cùng Hòa thượng chùa Đậu, chăm chỉ  nghe kinh, tu hành, lành hiền đã được lưu truyền, rỉ tai trong chốn Thiền môn. Công phu tu tập của Hòa thượng Hội Xá với những nét đặc sắc, tu trì huyền diệu, đã điểm xuyến vào cuộc đời tu hành, cũng như khai mở lòng từ bi, hỷ xả, coi muôn loài chúng sinh, kể cả ác xà là bầu bạn, thân thiết. Sau này vì nhân duyên gì đó, Hòa thượng chùa Đậu đã rời về chùa Hội Xá, chừng năm 1986. 

Từ đó, không thấy ai kể rằng đôi rắn ấy có theo hầu Hòa thượng về bên chùa Hội Xá hay đã đi đâu rồi. Câu chuyện, giai thoại, kỳ tích Thiền môn này có thật mà như huyễn chăng? Cứ để mỗi người nghĩ theo cách của mình. Nhưng sự quấn quýt, thuần hóa của Tổ Hội Xá – Hòa thượng Thích Thanh Bích với đôi mãng xà ở chùa Đậu thì vẫn còn được một số Tăng Ni, Phật tử thi thoảng truyền kể lại./.

5/5 (4 bình chọn)
Chia sẻ
Hoa Thuong Thich Thanh Bich 2

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)