Hành hương xứ Đông áp Tết Giáp Thìn 2024

Hành hương xứ Đông áp Tết Giáp Thìn 2024

Thông tin cơ bản

Ngày 23 tháng Chạp – Tết ông Công ông Táo, nhằm ngày 2/2/2024, theo kế hoạch đã định, chư Tôn đức Tăng Ni Tổ đình chùa Sủi cùng anh chị em cán bộ nhân viên Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật Giáo đã có chuyến hành hương lễ Tổ, lễ Phật cuối năm đầy tình đạo vị về chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều – Quảng Ninh, về chùa Thanh Mai, Chí Linh – Hải Dương. Đoàn hành hương do Thượng tọa Thích Thanh Phương trực tiếp điều hành.  

Nghe Tt Giới Thiệu Chùa Quỳnh Lâm

Nghe Thượng tọa Thanh Phương giới thiệu chùa Quỳnh Lâm

Sau gần hai tiếng, đoàn tham quan đã tới chùa Quỳnh Lâm. Đại chúng vân tập tại quảng trường lớn trước Tam Quan chùa Quỳnh Lâm. Thượng tọa Thích Thanh Phương giới thiệu sơ lược về những điều căn cốt: sự ra đời, tồn tại, phát triển của chùa Quỳnh Lâm qua thời nhà Lý, nhà Trần cho đến hiện tại, với biết bao thăng trầm.

Được biết, chốn Tổ Quỳnh Lâm vốn là một đại danh lam cổ tự của nước ta từ thời Lý, đặc biệt là thời Trần, được Quốc sư đệ Nhị Tổ Pháp Loa cho xây dựng lại, thành một chốn Tùng lâm – Tự viện, đồng thời là một Học viện đào tạo, tu hành Phật giáo lớn nhất thời Trần.

Đã có những thời, số lượng Tăng Ni về đây tu học tới hàng vạn người. Trong đó có 30 vị được coi là những người thành đạt, chứng Đạo.

Nhân sinh xã hội chính trị thăng trầm, cuối đời Trần, trong 20 năm Bắc thuộc nhà Minh, chùa Quỳnh Lâm đã bị triệt tiêu hoàn toàn. Thời hoàng kim, vua Trần Anh Tông đã cho đúc ở đây pho tượng Di Lặc bằng đồng, rất lớn, được xếp vào hàng kỳ vật, gọi là An Nam Đại Tứ Khí (bao gồm Chuông Quy Điền, Tháp Báo Thiên, Vạc Phổ Minh và tượng Di Lặc Quỳnh Lâm).

Đây là tôn tượng cao tầm 30 mét, đúc bằng đồng nguyên khối, trên tay bê một cái mâm bằng đồng để hứng sương móc … Thời thuộc Minh, giặc Minh đã triệt tiêu văn hóa, phá hủy đại tượng để đúc vũ khí, cũng như vận chuyển về Kim Lăng – Đại Minh.

Thời nhà Lê, Thiền sư Chân Nguyên (1647 – 1726) đã về trụ trì, tôn tạo, phục dựng lại truyền thống Phật giáo Trúc Lâm ở chốn Tổ Quỳnh Lâm.

Chư Tăng Thăm Vườn Tháp

Chư Tăng tại thạch tháp Chân Nguyên chùa Quỳnh Lâm

Hiện tại, trong vườn tháp cổ kính của chùa Quỳnh Lâm còn ngôi tháp đá rất lớn, đẹp đẽ của Tổ Chân Nguyên, ở bên hệ thống các tháp mộ chùa Quỳnh Lâm.

Sau khi giới thiệu về quá trình lịch sử chốn Tổ Quỳnh Lâm, Ngài đã trực tiếp dẫn đoàn lên nhà Tổ vấn an phương trượng Trụ trì – Trưởng lão Hòa thượng Thích Đạo Quang.

Hòa thượng Trụ trì hoan hỷ đón tiếp Thượng tọa cùng chư Tăng Ni, Phật tử. Hòa thượng đã có một thời pháp sinh động, thân thiết, thắm tình đạo vị cho đại chúng.

Được biết, khi Hòa thượng về nhận trụ trì chùa Quỳnh Lâm, nơi đây không còn gì cả, vắng vẻ, tịch mịch, xơ xác, tiêu điều, chỉ còn nền móng tịch dương.

Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước, Chính quyền, doanh nghiệp, các công trình xây dựng chính, to lớn ở chùa Quỳnh Lâm đã được trùng tu; cảnh quan xung quanh khu vực tháp mộ cũng đã được tu bổ.

Đặc biệt, bốn công trình lớn: Tam quan, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng đều được xây dựng lại với thiết kế, vóc dáng to lớn của cung đình đời Trần, uy nghi, tráng lệ.

Đến bây giờ, còn hai công trình lớn, nhà Chùa mong muốn có thể làm trong tương lai gần là dựng một tòa lầu lớn ở phía sau chùa để phụng thờ tôn tượng Phật ngọc và đúc lại cho được tôn tượng “đại khí” của nước Nam – tượng Đức Di Lặc không lồ an vị trên đồi lớn tiền cảnh đại điện.

Nghe Hòa thượng Trụ trì nói về lịch sử của chùa Quỳnh Lâm càng thấy được sự vô thường, bi tráng của đời sống lịch sử, Phật giáo, xã hội.

Trong mấy trăm năm, chùa đã mấy lần bị đốt phá. Khi Hòa thượng về gây dựng lại chốn Tổ Quỳnh Lâm năm 1980 thì nơi đây chỉ là còn là một phế tích. Tới nay vị Đại đức thuở ấy đã trở thành Hòa thượng trụ trì – Trưởng lão Hòa thượng Thích Đạo Quang, với tướng mạo phi phàm, uy nghi, từng trải, bặt thiệp trong đời sống cư dân bản địa.

Đời sống tu hành thuở ban đầu của Ngài ở đây, không có cách nào khác là phải sử dụng các phép cúng, “ứng phó đạo tràng” để thích ứng với đời sống dân cư, tạo cơ sở ban đầu duy trì mạng mạnh Phật pháp của chốn Tổ Quỳnh Lâm.

Nhân dịp năm hết Tết đến, Hòa thượng đã hoan hỉ ban cho Thượng tọa Thanh Phương một số những văn bản, sớ, biểu Bồ tát giới, Tỷ khiêu giới…

Thượng tọa Thích Thanh Phương rất cảm động, nhận sự gia ơn đặc biệt của Hòa thượng Trụ trì chùa Quỳnh Lâm.

Rời chốn Tổ Quỳnh Lâm lúc ngót 11 giờ trưa, phái đoàn men theo sườn núi, bên những hồ nước nhân tạo, được tạo bởi những con đập ngăn suối lớn để về khu vườn Thiền sinh thái An Sinh.

Vườn Thiền sinh thái An Sinh của Tổ đình Chùa Sủi là một khu đất rừng rộng lớn, gồm những mảng bạch đàn trắng, cây lâm nghiệp, cây vải, cây mít, cây sung, cây ngải …

Hai mươi năm trước, trong quá trình đi tìm đất để dựng chùa, trước khi xây dựng Tịnh viện Vân Sơn – Tam Đảo, Thượng tọa Thanh Phương đã về vùng đất Đông Triều đây kết thiện duyên, tới nay còn lưu giữ.

Người xưa người mới trở lại cảnh cũ, Thầy đã hoan hỉ dẫn chúng đệ tử, Phật tử về An Sinh, thực hiện nghi thức Ngọ trai quá đường tại khu nhà lán. Dù điều kiện thiếu thốn, nhưng chư Tăng Ni, Phật tử chùa Sủi, Tịnh viên Vân Sơn … đã chuẩn bị chu đáo, tiến hành nghi lễ quá đường trang nghiêm với sự tham gia của gần 100 vị.

Được biết, dù trong các điều kiện khác nhau, trên Tịnh viện Vân Sơn hay là ở nơi nào đó, nền nếp của chùa Sùi vẫn thường duy trì, tổ chức các nghi lễ quá đường (đại chúng ăn chay theo quy tắc Thiền môn).

Sau lễ quá đường, Thượng tọa ân cần dẫn chúng đệ tử, Phật tử thực hiện nghi lễ “tuần sơn” –  củ soát ranh giới Phật địa. Trong lịch sử các Sơn tự chùa chiền, trước đây đều có nghi lễ, thủ tục tuần sơn. Các bậc trụ trì tự viện đều không quản ngại vấn vả đưa Phật tử lội suối chèo đèo đi xem xét, nhận biết ranh giới đất chùa.

Thượng tọa chia sẻ, trong tương lai, tùy duyên sẽ xây dựng nơi đây một số hạng mục để Phật tử tu nhập thất có thể vân tập, tạo điều kiện cho các chúng Phật tử thành tựu Đạo quả.

Kết thúc tuần sơn, chư Tăng cùng Phật tử, nhân cuối năm đã thiết đàn “Mông Sơn Thí Thực” tại tiền đường nhà tạm An Sinh. Hương hoa, đèn, nến các loại hoa quả, “bim bim” đều được bày ra, cúng dàng, bố thí thập phương pháp giới.

Chư Tăng thành tâm tưởng niệm, chú nguyện những vong linh, oan hồn thâm sơn cùng cốc; tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng kinh, niệm Phật vang lên đánh động tâm thức của thập loại chúng sinh…

Rời khu sinh thái An Sinh, Thượng tọa cùng chư Tăng về Chí Linh – Hải Dương, nơi có ngôi Thanh Mai cổ tự cần chiêm bái.

Lưu Niệm Chùa Thanh Mai

Kính lễ Tam Bảo tại đình tiền Thanh Mai cổ tự

Đường khá xa, chùa an tọa, cheo leo trên đỉnh núi. 700 năm trước, Đức Đệ Nhị Tổ Trúc Lâm Pháp Loa đã tu hành, xây dựng Đạo tràng ở đây.

Trước chùa có Tam quan, nhà Thiêu Hương rất đẹp. Phía sau có Đại điện thờ Tam Bảo, sau nữa có nhà Tổ. Trên cao gần đỉnh núi có một tòa tháp đá cổ kính, đẹp đẽ, tương truyền lưu giữ xá lợi và thờ phụng đệ Nhị Tổ Pháp Loa. Trên Tháp có văn bia chữ nghĩa tươi tắn, chân phương.

Hai bên hông trước Đại điện có hai nhà bia lớn, trong đó có tấm bia do vua Trần Anh Tông dựng từ năm 1369, là một trong những di sản, di vật lớn, tiêu biểu của Phật giáo, của văn hóa Việt Nam.

Trên sườn núi trước chùa, có những ngôi tháp mộ cổ kính. Vài mươi năm trước, nghe nói cảnh chùa rất tiêu điều, chỉ còn lại vài cây cổ thụ, vài tấm bia với khu lăng mộ đổ vỡ xiêu lệch. Còn lại thì đều đã bị tiêu hủy hoàn toàn. Tới nay, khung cảnh chùa cổ Thanh Mai đang được trùng tu. Vì tọa “lạc” trên đỉnh núi, giữa đại ngàn nên chùa Thanh Mai luôn giữ được vẻ Sơn tự u tịch của ngôi Thiền Sơn cổ tự.

Đặc biệt, ở lưng chừng núi, lối lên chùa Thanh Mai, dưới Tam quan có Giếng cổ, lúc nào nước cũng đầy, trong vắt. Đúng thật thế “long chầu thủy tụ”. Tổng thể cảnh quan Thanh Mai cổ tự là nơi ngưng tụ, quy hội của sơn thủy. Giếng nước là mắt rồng.

Trời bảng lảng chiều, Tăng Ni, phái đoàn Phật tử rời Thanh Mai trở về chùa Sủi. Hạ sơn, từ nơi đỗ xe ngước lên trên đỉnh núi, chiều muộn, mây che, sương mờ, khói phủ, cây cao bóng cả, u tịch, cảnh Phật, cõi tiên.

Ht. Thích Đạo Quang

Trưởng lão Thích Đạo Quang ban đạo từ cho phái đoàn tại Tổ đường 

Tâm tưởng những nơi như đây là phế tích, nhưng chợt hiểu, gia tài nhà Phật để lại cho con cháu, cho Dân tộc  không phải là nhỏ. Lại nhớ lời Hòa thượng Thích Đạo Quang rằng “chúng tôi là mong muốn xuất gia tu hành để làm việc cầu Pháp, ích Quốc lợi dân, chứ đâu chỉ muốn dành tâm trí, sức lực, thời gian một đời, để xây dựng lại chùa chiền. Bởi lẽ, thời gian vừa qua, với phong sương, với chiến tranh, với sự tàn phá của vô thường, các ngôi cổ tự, gia sản của Phật giáo, của chư Tổ để lại đều đã tiêu mòn, không thể làm khác được. Cầu mong đất nước thanh bình nhiều trăm năm để cho những chốn Tổ không còn phải lo lắng vấn đề trùng tu xây dựng, để mà thảnh thơi cầu chân nhập Đạo”.

Rời Thanh Mai, chừng hai tiếng thì phái đoàn đã về đến chùa Sủi. Trời chiều điểm 7 giờ. Tuy có mỏi mệt một chút nhưng đại chúng hết sức hoan hỉ. Một ngày hành hương về những chốn Tổ xa cũ, giống như đi chơi nhưng cũng là một chuyến về cội nguồn. Chúng con ghi lại cảm xúc này để tri ân chư Tổ, chư Tăng. Rằng, Tổ đâu có xa, tất cả mọi cái, mọi việc, mọi người vẫn còn đang có mặt đó thôi./.

5/5 (2 bình chọn)
Chia sẻ
Đoàn Hoành Hương Tại Chùa Quỳnh Lâm

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)