Phật giáo là một hệ tư tưởng triết lý sâu sắc, ra đời ở Ấn Độ, và được truyền bá đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với tư tưởng “tùy duyên phương tiện”, sự phát triển của Phật giáo gắn liền với sự ra đời và phân nhánh của nhiều chi phái luôn di dịch và chuyển biến để phù hợp với điều kiện thực tế bản địa nơi nó thâm nhập. Dù chia ra nhiều tông phái, nhưng đều chung một mục đích cuối cùng là đưa con người đến giải thoát, chứng ngộ chính quả.
Tiêu biểu trong số những tông phái đạo Phật phải kể đến hai Thiền phái Lâm Tế và Tào Động, đây là hai trong số “Ngũ gia thất phái” của Thiền tông Trung Hoa. Cả hai Thiền phái du nhập vào nước ta ở khoảng nửa cuối thế kỷ XVII, giai đoạn vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Trong chiến tranh Lê-Mạc, xã hội li loạn, tầng lớp Nho sĩ mất niềm tin vào nền quân chủ, nhân tâm hướng Phật tìm sự an nhiên. Tuy nhiên những cơ sở Phật giáo từ đầu Công Nguyên chiến tranh tàn phá, kinh kệ bị hư hại, lãng quên. Vậy nên sau khi nhà Lê trung hưng quốc triều, nhân quần và triều đình đều chú tâm chấn hưng Phật giáo. Lâm Tế và Tào Động lúc này được bén rễ và ăn sâu vào tâm thức người Việt.
(Ảnh: Trung Nguyễn – Chốn Thiêng)
Thực tế đã chứng minh, từ khi cắm rễ, phát triển, thiền phái Tào Động, Lâm Tế đã không chỉ đóng vai trò trong đời sống tín ngưỡng ở Việt Nam mà đã cùng Phật giáo Việt Nam góp phần tạo nên dòng chảy văn hóa Việt Nam đa dạng, độc đáo, phong cách, đặc sắc. Hơn nữa, hai thiền phái này đã để lại những hệ văn hóa vật thể, phi vật thể ở Việt Nam vô cùng quý giá vì tự thân nó đã mang một giá trị nghệ thuật, một khách thể sinh tồn và phát triển cùng văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.
Chúng ta cần phải tôn trọng, gìn giữ để “biến” nó thành những yếu tố, động lực văn hóa mang tính bản sắc, nhất là trong bối cảnh ngày nay, bản sắc văn hóa trở thành yếu tố sức mạnh của một dân tộc. Do vậy, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đều phải bảo tồn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa của nước mình. Phật giáo Việt Nam nói chung là một bộ phận cấu thành văn hóa Việt, có vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ trong hành trình phát triển lịch sử và văn hóa của đất nước Việt Nam.
(Ảnh: Trung Nguyễn – Chốn Thiêng)
Tuy nhiên, dù biết giá trị đóng góp quý báu của hai Thiền phái ở Việt Nam như vậy, nhưng trước kia việc tiến hành nghiên cứu vẫn có những yếu tố bị bỏ ngỏ hoặc chưa đủ căn cứ để khẳng định, ngay trong cuốn “Việt Nam Phật giáo sử luận” của học giả Nguyễn Lang khi viết về dòng Thiền Tào Động, ông đã cũng đã khẳng định: “Tiếc là chưa khảo cứu thêm được sự truyền thừa”. Đến nay với sự hoằng dương của các vị sư Tổ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì việc nghiên cứu mới bước đầu phục dựng, như Hòa Thượng Đức Nguyên – Thích Tiến Đạt đã nói trong lời tựa cuốn “Tào Động Tông Nam truyền Tổ sư Ngữ lục”: “Mãi đến năm 2013, rất nhiều tin báo về từ chốn Tổ chùa Nhẫm Dương và Tháp Tổ có nguy cơ bị xâm phạm nên các Thượng tọa trong 6 Sơn môn cũng đã kịp thời cùng các cấp chính quyền, Giáo hội bàn bạc để tìm cách duy trì và phục hưng chốn Tổ. Đầu năm 2015, các Thượng tọa trong Sơn môn đã thống nhất tổ chức hội thảo về Thiền phái Tào Động Việt Nam và quần thể di tích núi Nhẫm Dương”.
(Ảnh: Trung Nguyễn – Chốn Thiêng)
Với những lý do trên, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu dòng chảy của hai Thiền phái, nhưng chủ yếu đi sâu nghiên cứu vào chủ đề: “Hành trạng của các vị Thiền sư”. Nhằm làm rõ hơn nữa những vấn đề chưa được làm sáng tỏ trong các nghiên cứu đi trước. Tâm nguyện là vậy, nhưng trong quá trình ngược dòng lịch sử, vốn tri thức non trẻ, ắt sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Cẩn cầu sự phát nguyện thành tâm trợ duyên, giúp sức từ các bậc chân nhân, thức giả.
Cẩn chi!