Sinh thời, Hòa thượng Hải Hiền tự nhận mình là người không biết chữ, rất ít học. Ngài chỉ chuyên chú lão thực, thật thà thực hiện lời dạy của sư phụ là cố Hòa thượng Truyền Giới rằng: “Con chỉ cần nhất tâm niệm Nam mô A Di Đà Phật!”.
Đối với Hòa thượng Hải Hiền, việc đầu tiên tu Tịnh độ bao hàm lao tác cực khổ, bố thí rộng rãi nhân quần. Cả cuộc đời, Ngài là một lão nông tri điền. Khi đến chùa Lai Phật, cũng như trước đó ở chùa Thiên Cảnh, Ngài đã cố gắng khai hoang được trên 100 mẫu đất, trồng cấy cung cấp rau củ, lương thực cho hàng nghìn người, nhất là trong giai đoạn cách mạng văn hóa.
Việc thứ hai trong pháp tu Tịnh độ của Ngài đó là niệm Phật, lạy Phật và nhiễu Phật. Trong 92 năm liên tục, không có gián đoạn, Ngài chuyên niệm Nam mô A Di Đà Phật. Tại chùa Lai Phật và phụ cận, tính từ năm 1968 đến năm 2013 đã có 3 vị tu hành đắc đạo, để lại toàn thân xá lợi, đó là Hòa thượng Lão Đức, Hòa thượng Hải Khánh và sau này là Hòa thượng Hải Hiền, đều là những bậc tu hành kỳ vĩ, kỳ lạ với những dấu ấn đặc biệt.
Hòa thượng Hải Hiền tuy là người ít dụng sách nhưng trong các câu chuyện khi tiếp xúc với Phật tử và Tăng Ni thì hết sức dí dỏm, uyên bác. Các câu chuyện Ngài kể đều được vận dụng vào việc phổ độ Phật pháp. Đơn cử câu chuyện sinh động sau:
Một buổi sớm, thời kỳ Hòa thượng đã 109 tuổi, có một vị sư trước đây là đệ tử tại gia của Ngài, sau đó đã xuất gia với một vị thầy khác. Tuy nhiên, vẫn thờ Hòa thượng Hải Hiền là sư phụ, đến chùa Lai Phật gặp gỡ, đỉnh lễ Hòa thượng Hải Hiền, sư có mang theo một đứa cháu trai gọi mình là bác, khôi ngô, đĩnh ngộ, ngoài 20 tuổi, là sinh viên sắp tốt nghiệp đại học.
Thấy khách đến, Hòa thượng vui vẻ vô cùng. Ngài lục tìm chỗ này, chỗ khác để kiếm vài thứ ăn vặt mang ra đãi hai bác cháu. Khi Hòa thượng mang bánh trái, hoa quả ra tiếp khách, chú sinh viên liền bảo với Hòa thượng rằng: – Sao Hòa thượng không giữ lại để mà dùng riêng. Hòa thượng bảo: – Không, ta không dùng những thứ này, các thứ này là để cho trẻ con dùng thôi, chứ ta làm sao mà dùng thứ này. Chú sinh viên liền bảo: – Dạ, thưa Hòa thượng, con năm nay cũng đã ngoài 20 tuổi rồi, sao còn gọi là trẻ con ạ? Hòa thượng liền bảo: – Sao lại không phải là trẻ con, ở đây toàn những người trăm tuổi, cháu mới có ngoài 20 tuổi thì ở đây cháu đích thị là trẻ con vậy (!)
Hòa thượng mời hai bác cháu ở lại chùa chơi, đến gần trưa thì Hòa thượng mời ăn cơm. Hòa thượng tự tay đi luộc mì, nấu ba bát mang lên cùng ăn. Hòa thượng ngồi ăn rất vui vẻ cùng hai bác cháu. Đang ăn, bỗng nhiên có một sợi mì ở trong bát của người cháu vãi ra mặt bàn. Cậu lấy tay nhón sợi mì bỏ vào miệng ăn rất ngon lành. Thấy như thế, Hòa thượng liền bảo: – A Di Đà Phật! Quý hóa, quý hóa! Nhà các người sinh ra được một đứa cháu thế này là có đức đấy, có đức đấy! Thời bây giờ mà có người nhặt thức ăn rơi bỏ vào miệng là hiếm đấy. Chú liền bảo: – Dạ, Hòa thượng! Bà nội con ngày xưa luôn dạy như vậy, có gì mà nói đến phúc đức. Hòa thượng bảo: – À, thế là cái mầm thiện là đã có từ trước rồi, mầm thiện nhỏ như thế này mà được gieo vào trong tâm thì sau này có thể nảy sinh ra phúc lớn.
Nói đến đây, Hòa thượng gắp đũa mì cho vào miệng ăn ngon lành rồi Ngài đặt đũa lên trên miệng bát, nghiêm mặt, trịnh trọng nói rằng: Này! Hai bác cháu, hãy nghe ta kể câu chuyện này.
Truyện kể rằng, trước chúng ta chừng 1.300 năm, vào đời nhà Đường có vị vua khai sáng, tên là Lý Thế Dân, người ta tôn xứng miếu hiệu là Đường Thái Tông.
Đường Thái Tông bình định được thiên hạ, lên ngôi đại đế, huy hoàng bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa. Đức vua có 2 người cận thần, một người tên là Viên Thiên Canh, một người tên là Lý Thuần Phong. Hai người này lúc nào cũng được Đường Thái Tông tin yêu giữ hầu ở bên cạnh mình. Họ đều là những người tinh thông kinh Dịch, mọi việc đều quán thông, trên nắm vững thiên thời, dưới nắm vững địa lợi… Đều là những người mà một ly, một việc từ quá khứ đến hiện tại, tương lai đều không lọt qua mắt được…
Vào một cái buổi trưa thanh bình, thong thả, ba vua tôi Đường Thái Tông ngồi uống trà với nhau, vua bảo: – Các ái khanh đều là những “bậc thần tiên”, người tài giỏi, quán thông tam giới, hôm nay Trẫm hỏi các khanh xem, liệu Trẫm sống được bao lâu nữa?
Vua tin cậy động viên: – Các khanh cứ nói, cứ nói, không việc gì phải sợ cả, hôm nay Trẫm miễn mọi lề thói, lễ tiết vua tôi.
Hai “bậc thần tiên” tạ ơn, rút trong túi ra mấy cọng cỏ thi để bói. Một lát, hai vị nhìn nhau mặt biến sắc. Vua bảo: – Vận mệnh của ta ra sao? Sinh mệnh của ta như thế nào?
Hai vị không dám nói, vua bảo: – Cứ nói đi, ta tha tội cho, làm sao mà không thể nói, ở đây chỉ có ba chúng ta với nhau mà thôi.
Lúc bây giờ Viên Thiên Canh và Lý Thuần Phong mới đỡ sợ, liều nói: – Dạ thưa Bệ hạ, quẻ bói của chúng thần giống nhau, xin thưa, vào giờ Tý đêm nay thì Bệ hạ sẽ về chầu trời ạ.
Nghe nói vậy, một người đã cầm quân trăm trận, có tuổi tác, học hành đến nơi đến chốn, từng trải mọi sự đời như Lý Thế Dân bèn cười rất tươi và nói: – Này, nhị vị ái khanh thử nhìn xem thần tướng, sức khỏe, cách ăn nói của ta có giống như người sắp chết không?
Hai vị “thần tiên” không dám nói gì, bèn: – Dạ, không giống ạ, không giống ạ.
Vua bảo: – Thôi cứ để thử xem, thử xem, bây giờ cứ ban cho mỗi khanh vài nén vàng rồi thong thả về nhà nhé. Đừng lo ta bắt tội gì cả. Lý Thuần Phong và Viên Thiên Canh tạ từ ra về.
Ra ngoài, không ai bảo ai, nhị vị “thần tiên” nhìn nhau, dù biết rằng, quẻ bói là chuẩn. Nhưng cái việc người chết thì chưa chắc đã là vua mà có thể là hai vị này. Bởi vì, bói trúng đúng là giờ Tý đêm nay, nếu vua Đường chết thì các vị cũng bị xử tử. Còn nếu không thì chứng tỏ là hai vị dám trù ẻo nhà vua, cho nên đằng nào cũng chết.
Thế là, gần nửa đêm hôm ấy, hai vị cận thần yêu quý bèn lấy hai con lừa già, trốn một mạch ra khỏi kinh thành Tràng An. Vội vội vàng vàng đi mãi tới gần sáng, cách kinh thành đã khá xa rồi, người mệt mỏi, bỗng hai vị thấy phía trước, giữa đường có một cái cây khá to, chõe làm đôi, trông giống như người khổng lồ đứng giơ tay lên.
Gần đến cây lạ, bỗng nhiên bệnh nghề nghiệp hiếu kỳ nổi lên, Lý Thuần Phong bèn quay sang bảo với Viên Thiên Canh: – Huynh có thấy phía trước, cách cái cây kia vài chục thước có một lão hành khất đang đeo bị đi đến, xem xem lão sẽ đi bên trái hay đi bên phải cái cây?
Viên Thiên Canh bói bảo, chắc chắn là đi bên phải. Vị kia bói bảo, chắc chắn là đi bên trái, hai vị cá cược với nhau. Trong chốc lát, cụ già khoác bị đi đến cái cây, lấy gậy, nhún chân đu qua giữa hai nhánh cây.
Hai vị “thần tiên” thấy như vậy, chết lặng, sợ hãi, biết ngay đây là một vị thần tiên bậc Thầy, đã biết, đã đọc được ý nghĩ của họ, hai vị sụp lạy cụ già, nói: – Thưa cụ, sao cụ lại biết như thế? Cụ bảo: – Sao ta lại không biết chứ! Hai vị thần tiên đi đâu đấy, trở về cung đi thôi.
Hai vị thật thà kể lại chuyện hôm qua với vua Đường Thái Tông cho cụ già nghe. Rồi hỏi: – Thưa cụ, thế bây giờ thánh thượng làm sao rồi? – Chẳng làm sao cả, ông ấy đang ở trong cung, các vị về đi, chẳng có gì phải chết cả. Hai vị cận thần bèn bảo: – Hoàn thượng không chết thì hai chúng tôi cũng phải chết vì đã bói nhầm tránh sao khỏi tội khi quân!
Cụ già cười: – Ta bật mí cho các người biết câu chuyện như thế này. Nếu vua hỏi sao dám trở về thì bảo, chúng thần thấy rằng, đêm qua vào đầu giờ Tý, bỗng nhiên Bệ hạ thấy buồn bực, trong người khó ở, bỗng nhiên ngài muốn ăn cháo kê… Bọn thị tỳ dâng cho Ngài một bát cháo kê. Ngài múc một muỗng, không may đánh rơi một hạt kê xuống ủng dưới chân, bất giác ngài cúi xuống lấy tay nhặt hạt kê bỏ vào miệng nhai ngon lành.
Lúc bấy giờ trên thiên giới Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy ngài làm việc đấy, trong bụng nghĩ rằng một bậc đại đế am hiểu thế sự, giàu sang vô cùng như Đường Thái Tông mà lại có cái tâm quý hóa, tiếc rẻ một hạt kê rơi trên ủng… Người như này thì phúc đức lớn, cho ông ta sống thêm 20 năm nữa… Thế là ngài húp xong bát cháo kê. Đại họa chuyển thành đại phúc…
Hai người nghe cụ già nói như vậy, phục sát đất, tán thán: – Cụ mới là thần tiên sống, chúng tôi so với cụ giống như nước trong sông ngòi so với biển lớn vậy. Cụ già xua tay nói: – Không nên so sánh như vậy, điều ta học chẳng qua là một bình lấy ra từ trong nước biển lớn, vẫn không đầy lắm. Hai vị cận thần vua Đường nghe xong hổ thẹn nói với cụ già: – Ngài là một bình không đầy, còn chúng tôi lạch cạch có vài giọt nước thôi.
Hai vị “thần tiên” trở về cung, gặp vua Đường, thật tình kể lại chuyện đó, mạnh dạn hỏi: – Dạ, thưa bệ hạ có đúng như thế không ạ?! Vua Đường Thái Tông kinh ngạc nói: – Quả thật là như vậy. Sau đó không những không trách phạt mà còn hoan hỷ ban cho hai vị “thần tiên” lộc nhiều, tước cao.
Nghe Hòa thượng Hải Hiền kể xong, hai bác cháu nhà sư khách vô cùng vui vẻ, Hòa thượng bảo: – Đây là truyền thuyết, không chắc là việc có thật nhưng rất có ý nghĩa, con nghe có hiểu không? Chú sinh viên thưa: – Dạ, nghe hiểu được chút ít, dạy người ta tiếc phúc, dạy người phải khiêm tốn…
Hòa thượng Hải Hiền cầm đôi đũa khều mì trong bát, cười hì hì nói: – Tốt! Con xem con nhặt một cọng mỳ rơi đã có được bao nhiêu phúc nhé – Tăng thêm 20 năm tuổi thọ còn tăng thêm học vấn. Nếu cả đời kiên trì tiếc phúc, khiêm tốn thì chắc chắn sẽ có thành tựu Đạo Đời to lớn./.