Sinh thời, Hòa thượng Hải Hiền tự cho mình là người không biết chữ, cho nên Ngài không dành nhiều thời gian để nghiên cứu kinh điển, thư tịch. Công việc hàng ngày của Ngài là tận tâm, tận lực làm việc trồng cấy, cuốc đất, tỉa cây. Phép tu chính của Ngài là canh nông, niệm Phật, lễ Phật và nhiễu Phật.
Từ khi xuất gia cho đến ngoài trăm tuổi, Hòa thượng Hải Hiền đã khai hoang phục hóa, trồng cấy được trên 100 mẫu đất. Suốt đời của Hòa thượng chỉ là trồng cấy, gặt tỉa, sản xuất lương thực, thực phẩm, rau củ quả dâng hiến mọi người. Trong giai đoạn “Cách mạng văn hóa”, những năm 1959 – 1976, không biết bao nhiêu người trong vùng đã được nhận những phần lương thực, thực phẩm quý giá, khan hiếm từ Hòa thượng Hải Hiền.
Về trụ trì chùa Lai Phật, Hòa thượng Hải Hiền cùng với chư Tăng cần mẫn khai hoang hàng chục mẫu đất. Trên ruộng đất đó, Ngài trồng khoai sọ, cải dầu, trồng ngô, rau cải… Những ruộng ngô của Hòa thượng được chăm sóc chu đáo bởi một người rất hiểu biết, “lão nông tri điền”, nên vô cùng xanh tốt, bội thu. Trên các nương ngô của Hòa thượng, bắp nào bắp nấy đều mập mạp, dày hạt, chắc mẩy…
Năm đói kém, thiên hạ loạn lạc, mất mùa, các nương ngô ở xa chùa Lai Phật có tình hình thường bị mất cắp…. Một buổi trưa, Hòa thượng Hải Hiền lững thững đi ra nương ngô xa chùa, tới nơi, bỗng Ngài thấy tiếng sột soạt, sột soạt, sột soạt…
Hòa thượng thong thả, len lén tiến về phía có tiếng sột soạt ấy. Ngài nhìn thấy có một người nông dân đứng tuổi, khắc khổ, vai khoác bao bị, đang lẫm dẫm trong nương ngô, bẻ bắp ăn trộm, lén lút mang về.
Trong lòng Hòa thượng dội lên cảm xúc vô cùng thương xót. Ngài nhẹ nhàng đi về phía người đang ăn trộm ngô, đằng hắng rồi khẽ cất tiếng:
– A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, bác đừng sợ, bác đừng sợ, có lấy ngô thì lựa những bắp ngô nào đã già, đã chắc để mà lấy…
– Này! Tôi trồng ngô cũng chỉ mong muốn những bắp ngô này được đến tay những người cần dùng đến nó mà thôi. Chắc nhà bác cũng đang khó khăn lắm phải không…?!
Người ăn trộm ngô thấy tiếng Hòa thượng, giật mình thản thốt định bỏ chạy… Hòa thượng vội bảo rằng: – Đừng sợ! Đừng chạy, cứ thong thả mà lấy cho đủ ngô mang về dùng đi…
– Tôi ở đây trồng ngô thế này, cũng mang đi cúng dàng, bố thí cho thập thương mà thôi. Bác cứ thong thả lấy cho đủ dùng…
Người ăn trộm ngô nghe vậy, cũng đành vậy, nhẹ nhàng lấy đầy bao bị ngô rồi cảm ơn Hòa thượng, len lén trở về.
Sau này có người hỏi Hòa thượng, cả đời trồng ngô, đến lúc đậu quả như thế mà có người đến lấy trộm, sao Hòa thượng có thể hoan hỷ được như vậy?
Hòa thượng bảo, đời người tu hành làm mọi việc cũng chỉ để sinh và dưỡng cái tâm từ bi, xả ly mà thôi. Nay mình trồng được ngô, có người đến lấy thì gắng bảo với họ rằng, nên lấy làm sao cho nó hiệu quả. Những bắp ngô đã căng già, sắp hái được thì hãy hái, còn những bắp ngô non thì để lại, hái sau vậy.
Hòa thượng Hải Hiền cả một cuộc đời cần mẫn lao lực khổ ải. Ngài đi đến đâu cũng cố gắng làm việc, luôn chân, luôn tay, đến năm hơn một trăm tuổi rồi Ngài vẫn cần mẫn không nghỉ ngơi.
Công đức Hòa thượng khai hoang, làm ruộng, chu cấp lương thực, thực phẩm cho mọi người ở trong vùng chính là pháp tu vậy.
Tổng quan cuộc đời tu hành của Hòa thượng Hải Hiền tập trung ở bốn cương lĩnh: Thứ nhất, canh nông vất vả, không rời chân, rời tay lúc nào; Thứ hai, trong khi làm việc, Ngài luôn luôn niệm Phật thành tiếng hoặc thầm thì; Thứ ba và thứ tư, khi đến chùa hoặc những trụ xứ thì Ngài lễ Phật, nhiễu Phật, ngắm Phật. Làm ruộng tạo của cải công đức, niệm Phật, lễ Phật và nhiễu Phật là cứu cánh, là căn bản phương pháp tu hành của Ngài.
Hòa thượng Hải Hiền đến năm 113 tuổi, không bệnh tật, ngồi kiết già, không cần hộ niệm, tự niệm Phật mà vãng sinh tịch diệt. Sau gần bảy năm thi hài ở trong chum trong tháp, chư vị đệ tử khai quật, mở khám thì thấy thi hài của Ngài đã kết tinh thành toàn thân xá lợi…
Từ việc thật như chuyện cổ tích, Hòa thượng Hải Hiền thương xót người ăn trộm ngô vào những năm đầu thế kỷ XXI, lại nhớ về cố Hòa thượng Lương Khoan ở Nhật Bản.
Tổ sư Lương Khoan (1758 – 1831) là Thiền sư, thi sĩ thuộc giáo phái Tào Động, Nhật Bản. Ngài là bậc tu hành hết sức bình dị. Ngoài những việc hoằng pháp, lợi sinh, Hòa thượng sinh sống trong một túp lều cỏ ở dưới chân núi. Hàng ngày từ tinh mơ tới chiều tối, Hòa thượng đi đi về về các khu dân cư để giúp đỡ công việc dân làng, tùy duyên mà thuyết pháp độ sinh. Chiều tối hoặc tối muộn Ngài mới thong thả trở về túp lều cỏ dưới chân núi của mình để độc cư tự tại nhập định tu thiền.
Một hôm, mùa thu, trăng sáng, tầm bảy, tám giờ tối. Hòa thượng trở về túp lều cỏ của mình, đứng từ phía ngoài nhìn vào trong lều, thấy một tên trộm đang lục lọi đống xoong nồi sứt sẹo…
Thấy hắn kiên trì bới móc mà chẳng tìm được cái gì đáng lấy cả, Hòa thượng đằng hắng, tên kia thảng thốt, chết đứng, hai tay buông thõng… Hòa thượng bèn khẽ bảo: – Ông cất công lặn lội vào trong này, định lấy cái gì đó, mà tiếc cho ông quá, đây chẳng có gì đáng giá. Tội nghiệp, mất công ông quá. Nếu tôi không về kịp thì ông chẳng có cái gì mà mang về đâu. Trong căn lều của ta chẳng có gì đáng giá cả, nay ta mới được người ta cúng dường cho một chiếc áo có giá trị chút ít, ông hãy tạm cầm lấy cái áo mà ta đang mặc đây, mang về lựa xem bán có được chút ít gì chăng…
Hòa thượng Lương Khoan cởi chiếc áo đang mặc ra đưa cho tên trộm. Tên trộm sửng sốt, lúng túng giây lát rồi cầm cái áo của thiền sư, đi ra ngoài, co cẳng chạy biến mất…
Hòa thượng cởi trần, đứng vịn cửa căn lều tranh, nhìn theo bóng mất hút của tên trộm dưới ánh trăng rời rợi, bát ngát…
Ngài ngửa mặt nhìn bầu trời, trăng lồng lộng, tròn vành vạnh, gió mát, hương rừng thoang thoảng. Ngài cất giọng từ bi, cảm khái: – Thương thay, thương thay người ăn trộm kia! Nếu ta không về kịp thì người đã chẳng có cái áo để mà mang về độ nhật qua ngày… Thương thay, bầu trời thanh trong, mặt trăng vành vạnh, rực rỡ như thế này, mà ta không thể lấy để trao cho người…
Ngẫm về lòng từ bi của Hòa thượng Lương Khoan cũng như lòng từ bi của Hòa thượng Hải Hiền sau này. Thấy hai tấm đan tâm như những nốt son chấm phá, nói lên những nét từ bi của bậc tu hành đạt đạo.
Hậu sinh khi nghiên cứu tìm hiểu về giai thoại, cuộc đời của Hòa thượng Lương Khoan, Hòa thượng Hải Hiền, đều không khỏi tần ngần, cảm khái tấm gương của các Hòa thượng, lan tỏa trong không gian, lịch sử như ánh trăng dịu mát vậy./.