Bia tháp Thánh Tổ ở chùa Đại Bi
Chùa Đại Bi (thị Trấn Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) phía ngoài là chùa thờ Phật, phía sau thờ Thánh tổ thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trước chùa có một tấm bia dựng bên trái một tòa bảo tháp cổ, tọa lạc xế bên trái cổng chùa. Bia có dạng cột vuông 4 mặt, chiều cao khoảng 1m2 bề ngang mỗi mặt khoảng 50cm, có ghi niên đại dựng bia là năm Chính Hòa 13 (1692), là năm Nhâm Thân. Mặc dù để ngoài trời nhưng chữ trên bia còn khá rõ.
Có một thông tin quan trọng trên tấm bia này là có ghi rõ ngôi tháp dựng bia là Tháp Thánh Tổ (聖祖宝塔-Thánh Tổ Bảo Tháp), Thánh Tổ có thể là thiền sư Từ Đạo Hạnh hay thiền sư Không Lộ như chúng tôi phân tích ở phần dưới. Nếu thông tin trên bia đã ghi chép đúng thì nó có tầm quan trọng lớn đối với lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử nước ta vào thời Lý, đặc biệt liên quan tới Tam vị Thánh Tổ là Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Giác Hải.
Điều lạ lùng là tấm bia và ngôi bảo tháp rất quan trọng này lại không hề được đề cập trong các tài liệu về chùa Đại Bi, chẳng hạn ở trang thông tin của huyện Nam Trực có đề cập thông tin ở chùa có 10 tấm bia, nhưng không thấy nói gì thêm(1).
Do nội dung giới hạn của bài đăng trên Tạp chí bản in, chúng tôi giới thiệu ảnh chụp văn bia và bản dịch nội dung văn bia (bản gốc đầy đủ sẽ đăng trên Tạp chí điện tử, trong đó những chữ trên bia, không đọc rõ được, sẽ đánh máy trong ngoặc tròn kèm dấu hỏi (x?) .
Bản dịch bia Trùng tu sáng tạo tháp đá tường bao chùa Đại Bi
Mặt A
Ôi. Tháp vốn là hình hài tàng ở núi Phật Tích(2) lưu truyền trăm vạn kiếp mãi mãi bất hủ.
Tích xưa truyền rằng một khi mở tháp thì được dân yên nước giàu, nếu chẳng phải bậc công đức lớn sao được như thế.
Nguyên ở phủ Thiên Trường, huyện Nam Chân huyện, xã Chân Nguyên có một danh lam cổ tích là chùa Đại Bi, tháp của đại pháp sư xưa nho nhỏ xế một bên chùa. Có thể do gạch ngói không rắn chắc mà nghiêng xô, hoặc muốn mở rộng chỉnh đốn mà cải tạo cảnh cũ xây lại tháp mới, việc này nếu không có lực lượng lớn thì e là khó làm nổi.
Nay có vị thiện sĩ là Nguyễn Tuấn Bút và vợ là Cao Thị Khoa ở thôn Kênh Sông Thượng xã Chân Nguyên, hai vợ chồng có lòng muốn thi công đức chu toàn việc đó, bèn phát nguyện tâm bồ đề, trước đem góp của cải trong nhà, sau lại khuyến giáo khắp phủ huyện chiêu mộ thêm người góp tiền của để mua các thứ gạch ngói vật liệu… Bèn dữ liệu thay đổi cái cũ, thiết kế tháp mới, sửa đổi những chỗ còn nhỏ bé mà hướng đến quy mô lớn hơn. Trải qua xuân thu đến mùa hè từng lớp từng bậc được xây đắp hình thành. Dân chúng đều vui vẻ khi thấy tháp đá tường ngói dần dần hoàn thành. Thấy mái báu che như ngọc chương vậy, thân eo giữa tháp tưởng như trân châu vậy, nền tảng phô bày như vòng ngọc vậy, cái công dày đức lớn này thật không thể đong đếm. Một thời khởi hưng công mà thi ơn huệ cho một phương vậy, ai dám nghĩ khác. Thực là nhờ chư phật chứng minh mà giáng phúc vạn linh, mong mãi được phúc đẳng hà sa, lộc để con cháu, phúc đã nhiều sau lại càng tăng cho con cho cháu đều hưng thịnh không thể so bì. Công đức đó quả vô lượng vô biên, nhân lẽ đó mà viết bài minh này.
Ngày tốt tháng lành năm thứ 13 triều vua Chính Hoà (1692) muôn muôn năm, tuế thứ Nhâm Thân, giám sinh quốc tử giám là kẻ sĩ vụng Đoàn Viết Tuấn(3) kính soạn.
====
Mặt B
Bảo tháp Thánh tổ chùa Đại Bi danh lam:
Trải bao triều đại
Hư hao đến mức
Ông Nguyễn người hiền
Bằng nhờ phật lực
Muốn làm lớn lại
Tô sửa tăng sắc
Kiểu cách đổi mới
Quy mô trang sức
So ấy nhân duyên
Lớn thay công đức
Nguyện phát thiện tâm
Đến bờ thọ vực
Đời đời vinh hoa
Thế thế hưởng phúc
Mãi mãi ngôi vua
Xương thịnh kính chúc.
Thời kê ra:
- Hội chủ đứng ra hưng công xây tháp đá tường bao là ông thiện sĩ Nguyễn Tuấn Bút tự Tiến Phúc và vợ là Cao Thị Khoa hiệu Từ Đăng, với con trai Nguyễn Tuấn Yên và vợ là Bùi Thị Tằm và con trai Nguyễn Tuấn Thọ cúng tiền một quan, gạo 35 đấu. Con rể Cao Văn Vĩnh và vợ là Nguyễn Thị Bích và con trai Cao Đình Trụ cúng tiền hai quan gạo 37 đấu. Con rể Cao Công Tích và con trai Cao Công Liệu cúng tiền cổ một quán, gạo 10 đấu. Con rể Cao Văn Xạ và vợ Nguyễn Thị Phùng và con trai Cao Quốc Cương cúng tiền một quan, gạo 40 đấu. Con rể Cao Công Khiên và vợ nay đổi(4) là Đoàn Thị Chưng cúng tiền 3 quan 2 mạch, gạo 20 đấu.
- Giúp công đức là ông Đoàn Công Thưởng tự Hưng Hậu lĩnh chức Thị Nội Giám Ti Lễ Giám Thái Giám Thị Khương Hầu, người thôn Cẩm Nang xã Chân Nguyên, cúng cổ tiền 3 quan, mua đá tảng và mua gạch nung 500 hòn xây bảo tháp.
====
Mặt C
- Những người lo việc thờ cúng là quan viên xã Hoa Tràng gồm Trần Viết Sĩ, Võ Công Sĩ, Trần Văn Hiên, Trần Công (? ), Trần Công Kiên.
- Những người lo việc thờ cúng là quan viên xã Chân Nguyên, thôn Kênh Sông Thượng gồm Bùi Công Phụ, Nguyễn Khắc Thiệu, Đoàn Văn Thụ, (xxx), Đỗ Văn Chúc, Võ Văn Phổ, Đoàn Duy Chấn, Nguyễn Tuấn Quả, Bùi Văn Phôi, Nguyễn Văn Cẩm, cùng hương chức trên dưới lớn nhỏ trong toàn xã góp công đức cổ tiền 2 quan 8 mạch 36 xu, gạo 140 tô.
- Những người lo việc thờ cúng là quan viên xã Chân Nguyên thôn CẩmKhương gồm Trần Hữu Vinh, Bùi Đức Nhuận, Trần Công Hiền, Đoàn Thế Nho, Nguyễn Văn Xương, Trần Công Lượng, Trần Công Biểu, Phạm Văn Bao, Đàm Công Xuyên, Trần Văn Liêu cùng hương chức trên dưới lớn nhỏ trong toàn xã góp cổ tiền 2 quan 8 mạch 5 xu, gạo 109 đấu.
- Người giúp công đức là bà Nguyễn Thị Nhuệ hiệu Từ Phương cúng cổ tiền 5 quan gạo 30 đấu, con trai Nguyễn Viết Ninh và vợ Đoàn Thị Lụa cúng tiền 5 mạch, gạo 5 đấu, con rể là Cao Công Triều và vợ Cao Thị Lương cúng tiền 5 mạch, gạo 5 đấu.
- Người giúp công đức ở xã Trà Trữ, thôn Hành Quần là Thiếu Khanh Lan Đình Nam Nguyễn Hữu (?) và vợ Lê Thị Điện góp cổ tiền 2 quan, con trai là Sinh Đồ Sứ Thần Nguyễn Tài Thức góp cổ tiền 2 quán, Cai hợp Nguyễn Tài Nhượng và vợ Trần Thị Nhật cúng cổ tiền 1 quan, con rể Trần Tất Ninh và vợ Nguyễn Thị Bân góp cổ tiền 1 quan 5 mạch.
- Người giúp công đức ở xã Hoa Tràng là Đoàn Thị Vinh hiệu Từ Quý góp cổ tiền 2 quan 5 mạch, con trai Võ (x) và vợ Cao Thị Tích góp cổ tiền 2 quan 15 xu.
- Người giúp công đức ở cùng huyện là Nguyễn Khắc Thiệu tự Phúc Lãnh góp tiền 6 mạch, Nguyễn Thị Định góp tiền 6 mạch gạo 6 đấu, Cao Công Hoàng và vợ Nguyễn Thị Đại góp tiền 4 mạch gạo 9 đấu, Đỗ Văn Chúc và vợ Nguyễn Thị Hòa góp tiền 5 mạch 30 xu, gạo 11 đấu, Cao Văn Hài và vợ Nguyễn Thị Yêm góp tiền 5 mạch gạo 3 đấu, Cao Công Đán và con trai Cao Sáu góp tiền 6 mạch, Đỗ Viết Tiến và vợ Cao Thị Hiến góp tiền 4 mạch gạo 7 đấu, Nguyễn Viết Tín và vợ Nguyễn Thị Mỹ góp tiền 6 mạch. (Mất 4 cột khắc chữ nhỏ, nét nông nên đã mờ, cũng chỉ ghi tên các thí chủ, không có gì đặc biệt)
====
Mặt D
- Thí chủ người xã Hoa Tràng là Trần Thị Khuê hiệu Huệ Phúc góp công đức tiền 1 quan 4 mạch gạo 7 đấu, con trai Trần Viết Tân và vợ Trần Thị Mãn góp công đức tiền 7 mạch 10 văn, Trần Văn Hiên và vợ Võ Thị Ti công đức tiền nhất quán, Võ Công Nhạc và vợ Đoàn Thị Lụa góp công đức tiền 5 mạch gạo 5 đấu.
- Thí chủ người xã Chân Nguyên, thôn Kênh Sông Thượng là Đoàn Văn Bân tự Phúc Lai và vợ Khương Thị Tảo góp công đức 5 ngũ mạch.
- Phạm Văn Mỹ và vợ Phạm Thị Quán góp công đức cổ tiền 8 mạch.
- Ông Tri phủ Nguyễn Hữu Điển góp công đức cổ tiền 1 quan.
— - Quan viên đương chức thôn Cẩm Nang góp công đức cổ tiền 1 quán. Quan viên trong chùa góp công đức tiền 5 mạch gạo 10 đấu.
- Phạm Văn Bao và vợ Trần Thị Quý góp công đức tiền 5 mạch gạo 5 đấu
- Trần Hữu Vinh và vợ Quản Thị Khuông, con trai Trần Hữu Đạo và vợ Trần Thị (x), Trần Hữu Chính và vợ Phạm Thị Lang, con rể Đoàn Hữu Tài và vợ Trần Thị Tiến, cháu Trần Hữu Khương và vợ Bùi Thị Mẫu góp công đức cộng tiền 2 quan 2 mạch.
- Trần Công Lương và vợ Nguyễn Thị Oai góp tiền 5 mạch gạo 6 đấu
- Quan viên trên dưới lớn nhỏ thôn Ông Thương xã Chân Nguyên góp công đức tiền 1 quan.
- Đoàn Duy Cần và vợ Nguyễn Thị Ngọc góp công đức tiền 5 mạch 30 văn
- Quan viên trên dưới lớn nhỏ thôn Khang xã Hiệp Luật góp công đức tiền 2 quan.
- Người xã Thượng Cơ huyện Đại An ngụ cư ở xã Hiệp Luật là Lê Viết Luân và vợ Võ Thị Đồn, Võ Thị Quyến góp công đức tiền 6 mạch và một tảng đá lớn.
- Quan viên trên dưới lớn nhỏ xã Kênh Sông góp công đức tiền 1 quan.
Khảo chú
Thánh Tổ ghi trên bia tháp là vị nào?
Do chùa Đại Bi thờ Từ Đạo Hạnh và mẹ của Từ Đạo Hạnh nên lẽ tự nhiên, và có lẽ xác xuất cao nhất, Thánh tổ trên bia hiển nhiên là chỉ thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Xem hình minh họa bản thuyết minh khu di tích chùa Đại Bi treo ngoài cổng chùa:
Trên bản thuyết minh ghi rõ “Theo thần phả Đạo Hạnh thiền sư tên là Từ Lộ, cha là Từ Vinh làm chức Đô sát tăng trong triều Lý. Bị em vua là Diên Thành Hầu và pháp sư Đại Điên hãm hại. Thiền sư cùng mẹ là Tăng Thị Loan về lánh nạn ở xá Chân Đàm, huyện Tây Chân trấn Sơn Nam (nay là xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), lập ra chùa Bi (gọi là Đại Bi Tự) để tu luyện. Đạo Hạnh thiền sư kết bạn với Minh Không (Thiền sư trụ trì chùa Không Lộ) và Giác Hải ở chùa Phúc Lâm Giao Thủy… ”.
Để xác minh chính xác hơn xin dẫn ảnh bài vị thờ ở chùa Đại Bi, có ghi rất rõ ràng các chữ “Thánh Tổ” và tên “Từ Đạo Hạnh” : “聖 祖 師 徐 道 行 火 光 糝 眛 靈 通 聖 德 威 儀 感 應 扶 國 助 民 夫 子 傳 經 大 法 師 坐 下 – Thánh Tổ Sư Từ Đạo Hạnh Hỏa Quang Tam Muội Linh Thông Thánh Đức Uy Nghi Cảm Ứng Phò Quốc Trợ Dân Truyền Kinh Đại Pháp Sư – Tọa Hạ”. Chú ý Thần phả mà bản giới thiệu đã dẫn có nói về mẹ Từ Đạo Hạnh nhưng thực tế trong điện chỉ thờ duy nhất bài vị Từ Đạo Hạnh thôi.
Ngoài bài vị thì các sắc phong ở chùa Đại Bi cũng đều thống nhất ghi tên Từ Đạo Hạnh và tôn xưng là Đại Thánh hay Tổ Sư. Cụ thể sắc cổ nhất là đời Lê Cảnh Hưng năm thứ 28 (1767) ghi: “Sắc Tổ Sư Từ Đạo Hạnh Hỏa Quang Tam Muội Linh Thông Thánh Đức …”
Thông tin Từ Đạo Hạnh từng tu ở chùa Đại Bi còn được “xác thực chéo” qua một bản Nôm kể sự tích thánh tổ Không Lộ-Minh Không tiêu đề là “Thánh Tổ Bản Hạnh” mà chúng tôi sưu tầm được ở chùa Đĩnh Lan, gần chùa Keo Hành Thiện (Nam Định), cũng viết rằng Minh Không và Giác Hải kết bạn với Từ Đạo Hạnh ở chùa Đại Bi sau đó mới rủ nhau đi Tây Trúc thỉnh kinh, cầu phép linh dị:
“Hai ông dốc mộ đạo hằng
Đường đi Tây Trúc chưa từng cũng vui.
Thuận
buồm nước chảy gió xuôi
Cậy đạo bụt trời ta chẳng lệ chi.
Tình cờ gặp thầy Đại Bi
Cũng ông Đạo Hạnh đều thì tìm kinh
Tất giao mới nhủ chân tình
Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư”
Ba chữ “thầy Đại Bi” tức là vị sư (thầy) ở chùa Đại Bi. Và bản truyện Nôm đó cho biết sau khi đi Tây Trúc về thì Đạo Hạnh mới tu ở chùa núi Sài Sơn:
“Giã nhau từ ấy tái hoàn
Ông về cảnh cũ Sài Sơn tu đường
Ông về Giao Thủy Viên Quang
Ông về Linh Tự nhiêu hương tu hành”.
Chùa Sài Sơn tức chùa Thầy là ngôi chùa mà nhiều sách như TUTA và ĐVSKTT đã chép là chùa của Từ Đạo Hạnh tu, nhưng các sách này không đả động gì đến chùa Đại Bi cả, cả hai sách đó đều nói Minh Không là học trò Từ Đạo Hạnh, nếu quả thực như thế thì có khả năng Minh Không học với Từ Đạo Hạnh khi ở Đại Bi chứ không phải ở Sài Sơn (chùa Thầy), vì chùa Đại Bi cách chùa Viên Quang Như tương truyền do thiền sư Minh Không lập không xa, chỉ vài cây số đường chim bay. Vùng gần chùa Đại Bi còn lưu truyền câu “Nhất Bi, nhì Hồng, tam Như, tứ Cổ”, Bi chỉ chùa Đại Bi, Hồng là chùa Thùy Hồng, Như là chùa Viên Quang Như, Lễ là chùa Thần Quang ở Cổ Lễ, các chùa sau tương truyền do Minh Không, Không Lộ, Giác Hải lập và tu trì, cũng cho thấy địa vị là thầy hoặc anh cả của Từ Đạo Hạnh mà các truyện tích cũng như chính sử, thiền sử đều đã ghi.
Về lý do Từ Đạo Hạnh đưa mẹ lánh nạn về huyện Tây Chân dựng chùa Đại Bi có thể không phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên, phải chăng Tây Chân chính là quê cha Từ Vinh ? Các bản sự tích đều không nói rõ quê quán của Từ Vinh, chỉ biết đến du học ở làng Yên Lãng (làng Láng) cạnh kinh đô rồi lấy bà Tăng Thị Loan người làng này rồi định cư luôn ở quê vợ. Không những Tây Chân là quê cha mà thậm chí còn có thể chính là nơi Từ Đạo Hạnh sinh ra, vì phong tục người Việt khi sinh con thì “con sovề nhà mạ, con rạ về nhà chồng”, các sự tích đều nói rõ Từ Đạo Hạnh còn có một bà chị, là người đã đem chuỗi hạt châu kết ấn của Từ Đạo Hạnh vào cung để yểm Giác Hoàng không cho đầu thai vào cung vua, như vậy Từ Đạo Hạnh là con thứ hai tức con rạ, nên khả năng sinh ở “nhà chồng” tức quê nội. Các nhận định trên được củng cố nhờ tài liệu Khoa Cúng Thánh Tổ ở chùa Đại Bi có ghi rõ “Đệ niên xuân thiên đản sinh thánh tổ nghi tiết” (xem hình dưới các chữ được khoanh đỏ) và ghi các ngày cúng là 20,21 và 23, 24 tháng Giêng, vậy khả năng 20 hoặc 24 tháng Giêng chính là ngày Từ Đạo Hạnh đản sinh. Việc các chùa lớn thờ Từ Đạo Hạnh như chùa Thầy, chùa Láng không có thông tin gì về ngày sinh trong khi ở Đại Bi lại có, cũng góp phần ủng hộ giả thuyết Từ Đạo Hạnh sinh ra ở vùng Tây Chân, nơi có của Đại Bi.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, viết tắt ĐVSKTT và Thiền Uyển Tập Anh, viết tắt TUTA, đều cho biết là Từ Đạo Hạnh thi giải trong hang núi Phật Tích Sài Sơn (thi giải còn gọi là “thác thi”, tức thoát xác đầu thai thành con Sùng Hiền Hầu, sau là Lý Thần Tông), và nhục thân trải qua các đời Lý, Trần vẫn còn, sau bị người Minh đốt đi, phải đắp tượng khác để thờ. Cụ thể ĐVSKTT viết: “Đạo Hạnh lập tức thay áo tắm rửa, vào hang núi trút xác mà qua đời. Sau đó phu nhân sinh con trai, tức là Dương Hoán. Người làng cho là việc lạ, để xác Đạo Hạnh vào trong khám để thờ. Nay núi Phật Tích tức là chỗ ấy. Hàng năm, mùa xuân, cứ đền ngày mồng 7 tháng 3, con trai, con gái hội họp ở chùa, là hội vui có tiếng một vùng. Người đời sau ngoa truyền là ngày giỗ của sư (xác Đạo Hạnh đến khoảng năm Vĩnh Lạc nhà Minh, bị người Minh đốt cháy, người làng ấy lại đắp tượng lại thờ như cũ, hiện nay hãy còn)” ( Bản kỷ toàn thư, kỷ nhà Lý, Lý Nhân Tông, tờ 17b).
Đọc kỹ lại câu đầu tấm bia nói tháp vốn là cốt hình hài tàng lưu lâu dài ở núi Phật Tích (Sài Sơn, Sơn Tây), có mâu thuẫn ở chỗ: vì sao xác Đạo Hạnh đã bị quân Minh đốt đi lại còn có bảo tháp ở chùa Đại Bi ? Theo chúng tôi có khá nhiều khả năng:
- Hoặc dân chúng đã lấy được tro cốt hay xá lỵ sau khi quân Minh đốt, đưa về táng ở chùa Đại Bi ?
- Hoặc bằng cách nào đó dân ta đánh tráo che mắt quân Minh mà lấy được cả nhục thân Từ Đạo Hạnh ở Phật tích về táng ở tháp Đại Bi ?
- Hoặc ở Đại Bi có thể chỉ là tháp lập tượng trưng?
Theo Thiền Sư Lê Mạnh Thát việc truyền thuyết về việc thi giải của Từ Đạo Hạnh là có căn cứ, dựa vào các bức tượng chứa nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu đã được các nhà khoa học xác minh kiểm chứng bằng máy móc. Chuyện thác thai của Từ Đạo Hạnh đã “thần dị hóa” nhân vật Dương Hoán, góp phần giúp Dương Hoán lên ngôi Thái Tử kế vị trong hoàn cảnh mà nhiều vị hoàng tử con các vương hầu khác cũng được Lý Nhân Tông đưa vào cung nuôi dưỡng để chọn người kế vị, kể cả khi Lý Thần Tông đã lên ngôi chắc cũng sẽ duy trì việc phổ biến chuyện đó để củng cố ngôi vị và uy danh của mình trong, vì khi đó đạo Phật rất được tôn sùng trong nước. ĐVSKTT chép về sự kiện vua Lý Nhân Tông xuống chiếu chọn Thái Tử như sau: “Xuống chiếu rằng:”Trẫm cai trị muôn dân mà lâu không có con nối, ngôi báu của thiên hạ biết truyền cho ai? Vậy nên trẫm nuôi con trai của các hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng, chọn người nào giỏi thì lập làm thái tử. Bấy giờ con Sùng Hiền hầu là Dương Hoán mới lên 2 tuổi mà thông minh lanh lợi, vua rất yêu và bèn lập làm hoàng thái tử” (Bản kỷ toàn thư, kỷ nhà Lý, Lý Nhân Tông, tờ 18b).
Bản Thánh Tổ Bản Hạnh đã để cập ở trên, ở phần dẫn truyện có đoạn văn ghi : “Thánh Tổ Không Lộ Đại Pháp Thiền Sư sư giả, Hải Thanh nhân dã, tính Dương thị, húy Minh Nghiêm, sinh Giao Thủy hành cung chi địa … Chí Canh Tý niên Không Lộ Giác Hải, Hỏa Quang Tam Muội, nhị sư kết vi huynh đệ, chí mộ tâm huyền nhật diệp giao ước kỳ ngôn vãng Tây phương quốc, cầu linh dị pháp, Hỏa Quang Tam Muội sư tại Tây huyện Đại Bi tự tồn thân mẫu nhật dạ thường trì Đà la ni môn…”. Hãy chú ý đoạn in đậm trên, Hỏa Quang Tam Muội chính là một biệt danh của Từ Đạo Hạnh, được xác minh qua bài vị và sắc phong dẫn ở trên. Đoạn văn in đậm đó khẳng định trước khi đi Thiên Trúc thì mẹ Từ Đạo Hạnh vẫn còn sống và đang tu trì Đà la ni môn ở chùa Đại Bi huyện Tây, “Tây huyện” trong đoạn văn trên chắc là “Tây Chân huyện” nói gọn lại, vì tên chùa Đại Bi là khá đặc biệt chỉ có ở huyện Tây Chân, nay là huyện Nam Trực tỉnh Nam Định. Sau khi đối chiếu chúng tôi cho rằng đoạn dẫn chuyện đó của Thánh Tổ Bản Hạnh có xuất xứ từ bản “Nam Việt Phật Tổ Tam Thánh Sự Tích Thiền Uyển Ngữ Lục Kí Tập” vốn lưu ở chùa Keo Nam Định nhưng hiện chỉ còn bản sao ở đền Thánh Nguyễn Ninh Bình, vì bản sau này cũng nhắc đến sư Tam Muội và cho biết “Không Lộ, Giác Hải, Tam Muội, tam sư kết vi huynh đệ”, rõ ràng tam sư là 3 người mới đúng, người chép Thánh Tổ Bản Hạnh đã không hiểu Hỏa Quang Tam Muội là tên riêng chỉ Từ Đạo Hạnh nên đã viết chữ nhị sư là 2 người chỉ Không Lộ, Giác Hải thôi, ngoài ra bản sau cũng chép đủ tên Tây Chân huyện chứ không bị mất chữ chân chỉ còn tây huyện rất khó hiểu đến mức khi phiên chú lần đầu chúng tôi cũng không nhận ra đó là tên huyện.
Tỳ kheo Thích Tâm Hiệp
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023
Chú Thích
- (1) Trang thông tin điện tử của huyện Nam Trực: https://namtruc.namdinh.gov.vn/huyennamtruc/1205/26830/37249/98510/Di- tich-LSVH-cap-quoc-gia/Chua-Dai-Bi.aspx
- (2) Nguyên văn không ghi rõ Phật Tích sơn, tức núi Sài Sơn nơi có chùa Thầy thờ Từ Đạo Hạnh, chỉ ghi hai chữ Phật tích (dấu Phật) không thôi nên có thể hiểu đoạn này thành tháp là chỗ tàng lưu hình hài dấu Phật muôn vạn kiếp mãi mãi bất hủ, nhưng ý thì vẫn có liên hệ với địa danh Phật Tích.
- (3) Chưa khảo được về người soạn bia này, có lẽ là một ông giám sinh, tú tài người trong xã.
- (4) Chỉ vợ sau, vợ trước con ông Nguyễn Tuấn Bút thì phải là họ Nguyễn, chắc đã mất sớm.
Tài liệu tham khảo
- Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh. Lê Mạnh Thát. NXB Phương Đông. 2006.
- Đại Việt sử ký toàn thư. Bản dịch của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội. 1993
- Đại Việt Sử Lược. Nguyễn Gia Tường dịch. NXB Thành phố HCM. 1993.
- Bản rập văn bia Thánh Tổ Bảo Tháp chùa Đại Bi Nam Định, tài liệu sưu tập của nhóm tác giả.
- QUỐC SƯ MINH KHÔNG QUA TƯ LIỆU ĐỀN THÁNH NGUYỄN. Thích Tâm Hiệp chủ biên. NXB Hồng Đức. 2021.
- Thánh Tổ Bản Hạnh. Viết tắt TTBH. Bản chữ Nôm. Tài liệu sưu tầm của nhóm tác giả.
- Nam Việt Phật Tổ Tam Thánh Sự Tích Thiền Uyển Ngữ Lục Kí Tập. Viết tắt NLKT. Tài liệu sưu tầm của nhóm tác giả.
- Nam Việt Phật Tổ Không Lộ Di Tích Thiền Lâm Cổ Sự Huyền Cơ Diệu Tập. Viết tắt HCDT. Tài liệu sưu tầm của nhóm tác giả.
- Thiền Chân Thực Lục, viết tắt TCTL. Tài liệu sưu tầm của nhóm tác giả.
- Thánh Tổ Thực Lục Diễn Âm. Viết tắt TTTLDA. Tàng bản chùa Viên Quang Nanh Định. Tài liệu sưu tầm của nhóm tác giả.
- Phù Vân Quốc Sư Ký Ngữ. Viết tắt là Ký ngữ. Tài liệu sưu tầm của nhóm tác giả.