Khảo cứu về cây hương đá và đèn đá ở một số ngôi chùa miền Bắc

Khảo cứu về cây hương đá và đèn đá ở một số ngôi chùa miền Bắc

Thông tin cơ bản

Sự xuất hiện của cây hương đá và đèn đá trong di tích của người Việt

Dâng hương, dâng đèn từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tôn giáo tín ngưỡng của người Việt Nam, bao hàm ý nghĩa quan niệm đạo đức và nhân sinh. Trong các di tích của người Việt, đặc biệt là chùa, chúng ta đôi khi vẫn bắt gặp cây hương đá và cây đèn đá cổ truyền còn được bảo lưu. Tuy nhiên sự xuất hiện và những nghiên cứu xung quanh hai loại hình di vật này vẫn còn nhiều khoảng trống cần được giải đáp.

Theo kết quả khảo sát và thu tập tư liệu của chúng tôi, cây hương 刻豎祝臺銘 – Khắc thụ chúc đài minh dựng năm Cảnh Trị thứ 4 (1666) hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện là di vật có ghi niên đại tuyệt đối sớm nhất. Chú thích cùng bản vẽ trong cuốn Tranh vẽ kiến trúc và sinh hoạt cổ truyền Việt Nam của Nguyễn Bá Lăng cho biết thêm trước đây nó vốn nằm trong lăng quận công Đỗ Lịch (Thanh Trì, Hà Nội) (1).

Trong giai đoạn này, nội chiến của nhà Lê với con cháu nhà Mạc bước vào giai đoạn kết thúc, sự tranh chấp Trịnh, Nguyễn cũng tạm dừng. Sau cuộc chiến cuối cùng năm 1672, các vua Lê – chúa Trịnh bắt đầu xây dựng nhiều hơn các công trình Phật giáo lớn. Niềm tin vào giai cấp thống trị đã dần bị giảm sút sau khi trải qua nhiều binh biến vô nghĩa khiến cho Phật giáo phục hưng. Có lẽ cũng bởi vậy mà các di vật như bia đá, đặc biệt là bia hậu trở nên rất phổ biến, song song với đó là hình thức dựng cây hương đá và đèn đá để ghi tên người hưng công cũng xuất hiện ồ ạt. Ví dụ là cây đèn đá chùa Mía (Sơn Tây – Hà Nội) niên hiệu Chính Hòa 25 (1704) ghi chép việc năm Nhâm Ngọ (1702) tạo các tượng Phật dát vàng, phía dưới ghi chép thiện nam tín nữ công đức tiền của tạo tượng và lập cây đèn đá. Thực tế là về mặt nội dung, cây hương và đèn đá cũng được xem như là một dạng bia ký. Ví dụ cho điều đó là cây hương phía trước tháp Độ Nhân (Yên Tử) có tên 功德碑記 – Công Đức bi ký, dựng vào năm Vĩnh Trị thứ 4 (1679).

Cay-huong-den-da
Ảnh: Cây hương đá hiện nay đang trưng bày tại Bảo tàng LSQG

Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy, cây hương đá và đèn đá xuất hiện với số lượng lớn nhất vào các niên hiệu Chính Hòa, Vĩnh Thịnh, sau đó giảm dần và trở nên cực kì ít ỏi vào thời Nguyễn. Sự thoái trào của nó dường như đến từ việc người ta sử dụng nhiều hơn lư hương với kích thước lớn ở sân trước nơi thờ tự nhằm tăng diện tích sử dụng. Các di tích tìm thấy loại hình di vật này gồm có chùa (chiếm số lượng lớn nhất), tháp, đền, miếu, từ chỉ, lăng mộ, rất hiếm thấy xuất hiện ở đình. Địa bàn phân bố của cây hương đá và đèn đá cổ truyền cũng chủ yếu tập trung ở các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ và một số tỉnh Đông Bắc Bộ như Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên. Vùng Thanh Hóa, Nghệ An số lượng rất hạn chế. Từ Hà Tĩnh trở vào chưa tìm thấy loại hình này.

Tên gọi và khái niệm

Thực tế rằng, cây hương đá và đèn đá là cách gọi chung ngày nay về một loại hình di vật mà tên gọi dựa trên minh văn thường ghi là 石柱 香 – Thạch trụ hương, 石柱臺 – Thạch trụ đài hay 天臺 – Thiên đài, 香臺 – Hương đài, 燭臺 – Chúc đài…Trong đó, “Thiên đài” được chúng tôi ghi nhận là xuất hiện nhiều nhất. Theo Hán – Việt tân từ điển của tác giả Nguyễn Quốc Hùng thì “Thiên đài” là bàn thờ ở ngoài trời (2). Cây hương 光恩禪寺天臺柱石 – Quang Ân Thiền tự thiên đài trụ thạch niên đại Chính Hòa 25 (1704) ở chùa Quang Ân (Thanh Trì – Hà Nội) do thiền sư Như Liên soạn và viết chữ tuy có tên tiêu đề là “Thiên đài” nhưng nội dung bài ký cho biết chức năng của nó là “hương đài” – tức cây hương, ghi tên những người đóng góp xây dựng lại tòa Thượng điện.

Một điều nữa là dường như không có sự phân biệt một cách rõ ràng cây hương đá và cây đèn đá. Nhiều nhà nghiên cứu trước đây cho rằng cách phân biệt nằm ở việc cây đèn thì phần đỉnh có 4 cột trụ, phía trên là mái che theo dạng lồng đèn, khác với cây hương thì phần đỉnh chỉ là bát hương để trần.

Tuy tạm chấp nhận quan điểm này nhưng theo chúng tôi, vẫn có một số trường hợp cá biệt. Ví dụ trên tấm bia 阮家祠址碑記 – Nguyễn gia từ chỉ bi ký có niên đại Chính Hòa 11 (1690) ở nhà thờ họ Nguyễn Thời (Gia Lâm – Hà Nội) có chạm khắc hình “cây đèn” nhưng bên trong lại đặt bát hương. Quay trở lại trường hợp cây đèn ở chùa Mía có tên là 造像佛立祝臺文 – Tạo tượng Phật lập chúc đài văn, thì chữ 祝臺 – chúc đài đã cho thấy đây là đài khấn.

Có thể thấy rằng, hình thức lồng đèn trong một số trường hợp có thể chỉ mang tính chất che nắng, che mưa, cây đèn phải có mái che còn cây hương có thể có hoặc không. Tổng kết lại, theo chúng tôi, khái niệm về cây hương đá và đèn đá cổ truyền có thể được hiểu như sau:

  • Cây hương đá: chức năng quan trọng nhất là để thắp hương; cấu tạo gồm phần đế, phần thân và phần đỉnh. Trong đó phần đỉnh tạo dáng hình bát hương, phía trên đục lỗ cắm.
  • Cây đèn đá: chức năng quan trọng nhất là để thắp sáng; cấu tạo tương đồng với cây hương ở phần đế và phần thân. Phần đỉnh tạo dáng hình lồng đèn với tường, mái, chóp, một số có bổ sung lan can; bên trong tạo lỗ để châm đèn, nén.
Cay-huong-va-den-da
Ảnh: Cây đèn đá ở chùa Mía (Sơn Tây – Hà Nội)

Vị trí của cây hương đá và đèn đá cổ truyền theo như ghi nhận của chúng tôi thì thông thường được đặt ở khoảng sân phía trước nơi thờ tự, mặt chính của di vật cùng hướng với mặt chính của di tích, với mục đích là thắp hương, thắp đèn, thắp nến, đồng thời có thể có khắc tên gọi cụ thể và nội dung, mục đích tạo dựng. Trải qua thời gian với những biến thiên của lịch sử, bên cạnh các cây hương đá và đèn đá còn được bảo tồn và sử dụng thì cũng có nhiều di vật đã bị di dời khỏi vị trí ban đầu, thậm chí không còn được sử dụng hoặc sử dụng sai với mục đích khởi dựng.

Cấu tạo của cây hương đá và đèn đá

Cấu tạo của cây hương đá và cây đèn đá khá đa dạng cả về hình dáng lẫn kích thước. Dường như không có một quy chuẩn cụ thể nào, vậy nên mỗi di vật mang một nét đặc trưng riêng mà không hề bị trùng lặp hoàn toàn với di vật khác. Dưới đây là đặc điểm cấu tạo chính của từng bộ phận:

  • Phần đế: nằm ở vị trí dưới cùng, diện tích bề mặt của phần đế thường làm lớn hơn phần thân để tạo sự vững chắc, chịu lực cho toàn bộ các cấu kiện bên trên. Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy dạng khá phổ biến là phần đế giật khoảng từ 1 đến 3 cấp theo kiểu thượng thu hạ thách, không trang trí hoa văn.
  • Phần thân: nằm giữa phần đế và phần đỉnh, có mặt cắt ngang phổ biến là hình vuông, hiếm gặp hơn có hình lục giác, bát giác và hình tròn. Trong đó riêng cấu tạo phần thân của cây đèn đá chúng tôi mới chỉ ghi nhận được phần thân có tiết diện hình vuông, chưa bắt gặp ở các hình thức tiết diện khác. Phần lớn cây hương đá và đèn đá được chạm khắc diềm xung quanh nổi hơn so với phần trung tâm khoảng 0,005 – 0,025m hoặc cũng có khi thân hoàn toàn để trơn. Riêng ở kiểu mặt cắt ngang hình tròn sẽ không có phần diềm. Phần diềm làm nổi hơn so với trung tâm có thể có nhiều cấp, trong đó thường thì diềm trên ghi tên tiêu đề, diềm hai bên và diềm dưới nơi tập trung nhiều các đề tài trang trí chạm khắc. Phần trung tâm thông thường là nơi khắc nội dung bài ký.

 

Cay-huong-den-da
Ảnh: Cây hương chùa Phúc Chí (Đông Triều – Quảng Ninh)                         

  • Phần đỉnh: Đây là vị trí giúp phân biệt cây hương đá và đèn đá, với cây hương đá là bát hương và cây đèn đá là cấu trúc dạng lồng đèn.

      + Cây hương đá: nằm ở vị trí trên cùng của cây hương, bao gồm bát hương đặt trực tiếp lên phần thân nhưng cũng có một số cây hương đá bổ sung thêm bộ phận đế của bát hương có dạng đầu đao cong lên theo kiểu giả mái che như chùa Đại Bi (Hoài Đức – Hà Nội), chùa Kiến Sơ (Phù Đổng – Gia Lâm),… Mái che hơi cong nhọn về các góc, số lượng góc mái thông thường bằng với số lượng mặt bên cột trụ, có thể hiểu rằng nó có tác dụng tượng trưng cho việc che mưa chắn nắng phần thân và diềm mái hiếm khi được trang trí hoa văn. Phía trên cùng là bát hương với miệng bát thường tạo hình tròn, kích thước trung bình của đường kính miệng là 0,15 – 0,25m; cao 0,18 – 0,22m.

      + Cây đèn đá: khác với cây hương đá, phần đỉnh của cây đèn đá có cấu trúc dạng lồng đèn với bộ phận bệ vuông ở dưới cùng thường kết nối với phần thân.

Mặt trên của bệ, vị trí chính giữa là nơi đặt đèn; bốn góc còn lại là nơi đặt các cột chống, liên kết với các cấu kiện phía trên và dưới qua hệ thống mộng.

Một số cây đèn đá có kết cấu giữa các cột chống có thêm tường và lan can bao quanh. Theo kết quả tổng hợp tư liệu của chúng tôi thì có những trường hợp, phần tường được bố trí ở hai mặt bên, làm liền với cột chống và mặt ngoài chạm hoa văn như ở chùa Bồng Lai (Đan Phượng – Hà Nội), chùa Đọ (Đông Hưng – Thái Bình),…Trong khi đó, mặt trước và mặt sau được gắn lan can ăn mộng vào cột chống. Vị trí phía trên của cột chống ăn mộng vào bộ phận mái, mái làm hơi cong ở 4 góc, đôi khi có thêm chạm khắc trang trí để làm tăng phần sinh động như ở chùa Nhật Chiêu (Vĩnh Phúc). Mặt dưới mái ở một số di tích phát hiện có khoét lỗ tròn, mục đích có thể là để tạo thêm không gian trống và giảm bớt trọng lượng của mái. Trên chóp mái thường được tạc hình bình nước cam lồ với mặt cắt ngang hình tròn, thuôn dần lên phía trên.

Qua quá trình khảo sát và tổng hợp tư liệu, chúng tôi nhận thấy rằng cây hương đá thường có nhiều kích thước khác nhau, song chiều cao phổ biến là trong khoảng 1,6m đến 1,8m; trong đó phần đế cao khoảng 0,3m, tiết diện 0,4m; phần thân cao khoảng 1m, tiết diện 0,2m và phần đỉnh cao khoảng 0,3m.

Trong khi đó, cây đèn đá thường có kích thước chiều cao ưu thế hơn so với cây hương đá. Trong số các cây đèn đá được khảo sát, cây đèn chùa Bồng Lai (Đan Phượng – Hà Nội) vốn được nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật xem là tiêu biểu của nghệ thuật chạm khắc đèn đá ở Việt Nam có kích thước cao lên tới 2,143m; trong đó phần thân cao 1,15m, tiết diện 0,415m.

Cay-huong-den-da
Ảnh: Phần đỉnh cây hương chùa Đại Bi (Hoài Đức – Hà Nội)

Kỹ thuật chạm khắc

Nhìn chung, các kỹ thuật chạm khắc trên cây hương và đèn đá cũng có nhiều tương đồng với trên bia đá. Trong quá trình tạo tác, cũng tùy dạng sản phẩm mà được chọn một hay vận dụng linh hoạt nhiều cách chạm khác nhau. Kỹ thuật, thủ pháp chạm khắc thường được sử dụng:

  • Chạm nổi: phần nét chạm nổi lên khoảng 0,002m đến 0,02m. Với lối chạm này ít tả được không gian, chủ yếu để miêu tả hình người, con thú và hoa lá. Nó vừa là một thành phần kiến trúc độc lập, lại vừa như một dạng phù điêu nên đòi hỏi yêu cầu thẩm mỹ và tay nghề cao của người thợ.
  • Chạm thủng: là chạm xuyên qua cả mặt đằng sau của vật thể, đục cho rỗng ra. Đối với cách chạm này thì hình ảnh vật thể trong khá nổi, tạo không gian thông thoáng.
  • Chạm nét: phần thân cây hương và đèn đá thường kẻ các nét chìm để chia hàng cột, sau đó khắc chữ bên trong. Đôi khi một vài vị trí cũng sử dụng chạm nét để tạo nên các họa tiết hoa văn nhất định. Đây là kỹ thuật chạm mang lại hiệu quả cao để phân định đường biên tạo nên bố cục.

Để tạo tác ra một cấu kiện hoàn chỉnh, người thợ phải tạo phôi đá hình hộp chữ nhật theo tỉ lệ nhưng bao giờ cũng tính dôi dư thể tích sản phẩm để có thể sửa được những sai sót nhỏ. Trước khi tạc, họ kẻ trục lấy tim, cân chỉnh các chiều cho cân đối bằng cách đo từ tim ra các bên, đánh dấu và phác thô khái quát hình dáng. Phần thô làm dư so với mẫu. Sau đó là bước chạm khắc chi tiết và đánh bóng. Nhìn chung, kỹ thuật chế tác của cây hương đá và đèn đá cũng chịu ảnh hưởng như trên bia đá giai đoạn cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Các chạm khắc ở đồ án trang trí và tên di vật đa phần được làm nổi dạng phù điêu, còn nội dung minh văn được làm chìm.

Bố cục các hoa văn trang trí

Cay-huong-va-den-da
Ảnh: Phần đỉnh cây đèn chùa Bồng Lai (Đan Phượng – Hà Nội)

Phần lớn loại hình di vật này được chạm khắc công phu ở diềm phần thân, bộ phận thớt phía trên phần thân, bát hương, cột đỡ mái và lan can. Các trang trí khá nghiêm luật, bố cục chặt chẽ, đăng đối cũng giống như trên các chạm khắc ở bia đá cùng thời kỳ.

  • Phần đế: trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy phần lớn cây hương đá và đèn đá có bố cục phần đế hình vuông, hình chữ nhật hay hình lục giác theo kiểu giật cấp, thượng thu hạ thách.
  • Phần thân: những cây hương và đèn đá có trang trí ở phần thân hầu hết đều có sự lặp lại các hoa văn hoặc đăng đối trong bố cục trang trí, chẳng hạn trong một mặt thân, các họa tiết ở diềm trái sẽ đăng đối với diềm bên phải, diềm trên đăng đối với diềm dưới. Đôi khi trong cùng một diềm trang trí cũng xuất hiện sự đăng đối, đó thường là hai linh thú cùng chầu về phía giữa. Các loài vật thường xuất hiện ở diềm bia là rồng, cá hóa rồng, phượng, nai, nhưng cũng có khi là hình hoa sen, hoa cúc, hoa mai. Cũng có khi tên của cây hương được khắc ở chính phần diềm trên.

Hiện chúng tôi mới chỉ thấy trang trí trên diềm ở cây hương và cây đèn có tiết diện thân hình vuông. Ở cây hương tiết diện thân hình lục giác và bát giác, có thể do tối giản về diện tích bề mặt mà người ta làm diềm khá mỏng, không thấy có chạm khắc. Còn ở loại tiết diện thân hình tròn thì người ta sẽ kẻ ô chạm nổi như ở chùa Đông Cao (Ninh Giang – Hải Dương).

  • Phần đỉnh:

     + Ở cây hương, đỉnh tạo hình bát hương thường được làm với mặt bằng hình tròn. Trang trí nếu có được thể hiện ở mặt ngoài với các hình thức chạm nổi, phổ biến nhất là đài sen với các cánh sen khai mãn xếp dạng kép hai hàng, hàng trên cánh sen đặt vào khoảng hở giữa phần đầu hai cánh sen hàng dưới như ở chùa Che (Phú Xuyên – Hà Nội) hay chùa Thanh Sơn (thành phố Bắc Ninh). Ở cây hương chùa Đa Sĩ (Hà Đông – Hà Nội) còn xếp tới ba hàng, hàng trên cánh sen nhỏ hơn hàng dưới. Ở một số nơi, thay vì xếp chồng cánh sen thì người ta làm đơn giản hơn với dáng bổ luống, các cánh sen chỉ gồm một hàng, xếp thưa nhau bo quanh mặt ngoài bát hương với hình thức nhọn, mũi hướng lên phía trên như ở chùa Thôn Chùa (Hưng Hà – Thái Bình), chùa Giám (Cẩm Giàng – Hải Dương),… Để tận dụng khoảng trống giữa các cánh sen, đôi khi người ta điểm xuyết thêm hình hoa cúc để tạo bố cục hài hòa cân đối.

     + Ở cây đèn: một số cây đèn có bố cục trang trí đẹp mắt là ở chùa Bồng Lai (Đan Phượng – Hà Nội), chùa Nhật Chiêu (Yên Lạc – Vĩnh Phúc). Trang trí tập trung ở mặt ngoài bệ, bốn cột trụ được xếp cân đối theo kiểu thượng thu hạ thách và lan can bao quanh. Đồ án thường thấy là hình hoa lá với bố cục lặp đi lặp lại theo một nhịp điệu tạo sự thăng bằng và thống nhất trong tổng thể. Bên cạnh đó, hình thức đối xứng như các ô trang trí bông cúc hay kỷ hà, nghê chầu ở hai góc lan can cũng tạo sự cân bằng. Ở vị trí trung tâm, chính là nơi tạo lỗ cắm chân đèn hoặc nến. Phần lòng trong bát thường không có trang trí hoa văn, làm khá nông và đường kính miệng nhỏ hơn ở cây hương.

Các giá trị của cây hương đá và đèn đá cổ truyền trong di tích chùa của người Việt

Giá trị kiến trúc, nghệ thuật

Với các đồ án đa dạng và phong phú, các cây hương đá và đèn đá đều mang những đặc trưng riêng và vẻ đẹp riêng trong tạo hình. Các chạm khắc cầu kỳ của loại hình di vật này được tập trung thể hiện ở phần bệ trên và các diềm xung quanh phần thân. Ngoài ra, phần bát hương dạng đài sen của cây hương đá cũng được bố cục theo nhiều kiểu khác nhau.

Ở trong các hoa văn trang trí trên cây hương đá và đèn đá, hình ảnh con người và hoa văn dạng hình học rất hiếm khi xuất hiện còn động vật và thực vật lại khá phổ biến và đa dạng. Thậm chí đôi khi là cùng một mô thức trong trang trí, song mỗi di vật lại có những biểu hiện riêng không trùng lặp, không lẫn với nhau. Trang trí chạm khắc trên cây hương đá và đèn đá vừa thể hiện bàn tay khéo léo của người thợ, và cũng đồng thời tôn thêm vẻ đẹp của di tích.

Cùng dòng chảy với nghệ thuật chạm khắc trên gỗ ở các ngôi chùa hay đình làng, từ giữa và cuối thế kỷ XVII nghệ thuật chạm khắc trên đá nói chung có sự phá cách lớn. Bố cụ cũng như hình thức hoa văn trên mạng chạm thường được thể hiện với một hoặc nhiều chi tiết cách điệu, đôi khi tả thực. Chính vì vậy, những linh thú hay những con vật đời thường trở nên sinh động, có hồn và gần gũi với người dân hơn, và trong đó cây hương đá và đèn đá không phải ngoại lệ. Nghệ thuật chạm khắc trên cây hương đá và đèn đá có thể xem là tín hiệu ngôn ngữ, thông điệp đối với cộng đồng dân chúng ở làng quê, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người không biết chữ. Hình tượng diễn đạt không chỉ tăng mỹ cảm mà còn thu hút, khai thông khả năng tư duy liên tưởng về một vấn đề nhân sinh nào đó.

Các di vật này cũng là kho tàng gốc về kiến trúc, nghệ thuật để cho các nhà nghiên cứu về mỹ thuật, lịch sử, văn hóa tìm hiểu, đồng thời làm tư liệu đối chiếu với những loại hình di vật khác để xác định niên đại tương đối. Mặt khác, đó cũng sẽ là cơ sở để góp phần tri thức để hệ thống hóa đặc điểm mỹ thuật từng giai đoạn, từng thời kỳ, để trong tương lai có thể bảo tồn, phát huy giá trị và phục dựng lại một cách sát thực nhất với lịch sử.

Giá trị trong đời sống tín ngưỡng

Trên dòng chảy của văn hóa, dần dần ở phương Đông, với sự kính trọng người ta đã hội vào đèn hương (hương có nghĩa là thơm) để dâng lên thần linh lòng sùng kính tối thượng của mình… Từ đó chúng ta có thể hiểu rằng trong mối giao tiếp với thần linh và gia tiên thì hương – lửa là điều không thể thiếu, mà nén hương bắt buộc phải tạo khói mới có khả năng thông linh.(3)

Sự xuất hiện của cây hương và đèn đá từ khoảng giữa thế kỷ XVII dường như có mối liên hệ với sự phát triển vượt trội về số lượng bia đá trong thời kỳ Lê Trung hưng. Mục đích ban đầu của loại hình di vật này là để sử dụng trong thờ cúng ngoài trời, tránh xâm phạm tới không gian tôn nghiêm phía sau nó, đồng thời thể hiện khát vọng “lập một cột đá để truyền lại đến muôn đời sau” như đề cập trong minh văn cây hương ở miếu quận công Đỗ Lịch.

Theo Trần Lâm Biền, trong trường hợp cây đèn, thực tế người ta đã để đèn hoặc nến vào đó khi hành lễ. Và, nhiều người nghĩ tới đèn đã mang hai tư cách: một là, cũng như hướng nó tạo khói bay lên trên như truyền tải mối quan hệ của con người lên thần linh; hai là, nó biểu hiện cho ánh sáng đạo pháp tỏa chiếu xuống chúng sinh (4). Cây hương Tạo lập thiên đài cúng Hưng Vũ tự dựng vào niên hiệu Chính Hòa 23 (năm 1702) ở chùa Hưng Vũ (Lục Ngạn – Bắc Giang) cho chúng ta thông tin: “Lò hương hồng rực, khói hương nghi ngút lan tỏa dâng lên khắp trời xanh. Mùi hương ngào ngạt lan xa khắp mặt đất. Con người sinh ra ở trên đời nên lấy việc tác phúc làm đầu… Nay mọi người trộm thấy ở chùa chưa có cây hương đá bèn ban phát tiền của gia đình mua một cây cột đá, mời thợ đến chạm khắc cây hương để làm nơi đốt hương thờ phụng. Tấu trình lên bậc Thượng đế có thể tồn tại mãi mãi. Vả lại cây hương đá chính là biểu hiện tấm lòng mong muốn được trời cảm động ban xuống cho điều phúc lành, đời đời được vinh xương tốt đẹp, nơi nơi được mạnh giàu, phong tục thuần hậu, mưa nắng phải thời, giáo lý của nhà Phật lan tỏa khắp nơi, yêu kính người thì người tôn kính lại, làm điều tốt lành là muốn gây dựng chốn cửa Thiền được phát triển, nên kính chúc cho sự nghiệp của đất nước được vững bền lâu dài…” (5). Qua bài minh này, ta có thể thấy rằng tạo dựng cây hương trong đời sống tinh thần xã hội xưa là một việc làm đầy giá trị nhân văn, cây hương như một cách thức biểu hiện sự thành tâm, xem trọng việc thiện, sống tốt đời đẹp đạo, đồng thời phản ánh ảnh hưởng sâu sắc của giáo lý Phật giáo đến với tâm tưởng người dân.

Ý nghĩa của cây hương còn mang nhiều nét tương đồng với việc dựng bia gửi giỗ và bia Hậu. Ví dụ như ở Chùa Hà Phong (Đông Anh – Hà Nội) còn lưu giữ cây hương đá 天臺石柱 – Thiên đài thạch trụ lập niên hiệu Chính Hòa thứ 10 (năm 1689) cho biết, bà Lương Thị Khiêm (người thôn Đông, xã Hà Lỗ) đã cúng 30 quan tiền và 5 sào ruộng để làng sửa chùa và bà được bầu làm hậu Phật.

Và không chỉ là tầng lớp bình dân, chúng ta còn thấy được sự tham gia của giới quý tộc, đặc biệt là giới cung tần trong phủ chúa đối với đời sống xã hội và Phật giáo thế kỷ đương thời. Ví dụ là cây hương ở tháp Độ Nhân dựng vào niên hiệu Vĩnh Trị 4 (năm 1679) thì cho thấy vai trò tầng lớp quý tộc trong việc hưng công và mục đích tạo dựng cây hương: “Hội chủ hội hưng công là trụ trì chùa Hoa Yên núi Yên Tử với pháp danh Ma Ha tì kheo Tuệ Xuân, được [vua] sắc phong Chính Giác hòa thượng đại đức thiền sư đã tổ chức đợt quyên góp để trùng tu tôn tạo chùa chiền và lập bia đá để lưu truyền muôn đời. Người công đức gồm có: Đại Nguyên soái chưởng quốc chính thượng sư thái phụ đức công [nhân] hàm minh thánh tây vương… Người công đức cung tần trong Vương phủ là Vương Thị Ngọc, người huyện Đan Phượng. Người công đức cung tần trong Vương phủ là Nguyễn Thị Ngọc tên hiệu Diệu Đặc,…”. Qua đó có thể thấy rằng, ngoài mục đích chính là để làm nơi thắp hương, sau nhân đó mà người ta khắc bài văn lên phần thân và ghi tên người hưng công hoặc gửi giỗ, đồng thời là một cột mốc đánh dấu một sự kiện của nơi thờ tự.

Cho tới ngày nay, cây hương và cây đèn vẫn còn tồn tại trong đời sống tinh thần người dân nhưng đã có nhiều thay đổi về hình thức và chất liệu. Theo khảo sát, muộn nhất là từ thời Nguyễn, ở rất nhiều tư gia, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mà họ sử dụng chất liệu đá hoặc xây gạch để dựng cây hương. Song ý nghĩa của các cây hương này cũng đã biến đổi so với trước đây. Cây hương theo như quan điểm của nhiều người hiện nay dùng để thờ thiên, thờ thổ công, thổ địa, hoặc thờ mẫu cửu trùng thiên, đôi khi là thờ các vị tiền chủ của mảnh đất này. Nhìn chung, tùy theo mỗi vùng miền, mỗi phong tục, tập quán khác nhau mà ý nghĩa cây hương có sự khác biệt nhất định. Các cụ cao niên cho biết, cây hương phải đặt ngoài trời thì mới có thể “thông với trời đất” và được linh ứng, còn nếu là ban thờ trong nhà sẽ bị hạn chế bởi mái nhà. Tới mùng một ngày rằm hay các dịp lễ tết, chủ nhà thường thắp hương và đặt lễ. Chính vì nhu cầu đó nên cây hương được mở rộng diện tích ở phần bệ phía trên, có khi bố trí thêm mái che và tường bao quanh theo kiểu long đình.

Có thể thấy rằng về cơ bản thì cây đèn đá của Việt Nam mang nhiều nét tương đồng về hình dáng với đèn đá của Trung Quốc (石燈籠), Triều Tiên (등롱) và Nhật Bản (tōrō), tuy nhiên xuất hiện muộn hơn rất nhiều. Hiện chưa rõ chúng có phải là sản phẩm của du nhập và tiếp biến hay không. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là nó cũng chịu ảnh hưởng của Phật giáo và thường được người dân góp tiền cung tiến. Về sau này, khi bước vào thời Edo thì cây đèn đá phát triển mạnh nhất ở Nhật Bản và mang ý nghĩa trang trí cảnh quan sân vườn nhiều hơn thì ở Việt Nam trong thời Lê Trung hưng ngoài mang giá trị công năng thực tiễn còn cho là cột mốc để đánh dấu các lần xây dựng, trùng tu di tích, tên người đóng góp tiền của,…qua đó cung cấp thêm nhiều thông tin về đời sống xã hội trong quá khứ. Tiếc rằng ngày nay, đèn đá mang phong cách Nhật Bản đang dần xuất hiện nhiều hơn ở Việt Nam và thường phổ biến với hình thức hai cây đèn đá đặt đăng đối ở hai bên một lư hương lớn. Tuy nhiên hai cây đèn chỉ mang mục đích trang trí là chính chứ ít khi được sử dụng thực tế. Thậm chí, ở di tích nổi tiếng như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh này.

Giá trị văn bản học Hán Nôm, ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, địa lý

Sự xuất hiện bùng nổ và liên tục của cây hương đá và đèn đá trên các loại hình di tích khác nhau như: đền, chùa, tháp mộ, từ chỉ… trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII minh chứng cho sự phát triển ngày càng phong phú về văn hóa, xã hội của làng xã.

Về cơ bản, phần nội dung của minh văn trên cây hương đá và đèn đá là tên tiêu đề, thường được khắc ở diềm trên phần thân. Phần tiếp theo thông thường ghi tên địa danh và một người hoặc nhóm người có công đức, lý do cần trùng tu di tích, đồng thời liệt kê các số tiền, ruộng đất cung tiến cho việc trùng tu, và qua đó tạo dựng cây hương đá hay đèn đá để làm kỉ niệm. Cuối cùng là phần ghi những thông tin khác liên quan đến phần tạo tác cây hương như niên đại, có khi thêm tên người soạn, người viết, người khắc. Một số di vật còn có bài minh tán dương giáo lý của nhà Phật hay truyền thống đạo lý sống tốt đời đẹp đạo của người dân địa phương.

Trong bài văn của một số cây hương cũng có đề cập tới việc bên cạnh tạo dựng cây hương để công đức cho chùa còn gửi tiền và ruộng và ghi ngày giỗ của người thân để được hương khói về sau. Ví dụ cây hương như 天臺石柱 – Thiên đài thạch trụ dựng năm Chính Hòa thứ 23 (1702) ở chùa Ban Linh (Thanh Oai – Hà Nội) còn cho biết về số tiền và số ruộng mà một người dân trong thôn bỏ ra để bản thân và cha mẹ được làm Hậu Phật. Trong đó, có ghi ngày giỗ, diện tích và vị trí các thửa ruộng cùng cam kết cúng giỗ.

Cũng có khi, một số người chỉ công đức tiền để dựng cây hương trong chùa với mong muôn cúng trời đất, cầu chúc cho quốc gia, đạo Phật và chúng sinh như cây hương 靈明寺天臺柱 – Linh Minh tự thiên đài trụ dựng năm Chính Hòa thứ 16 (1695) ở chùa Cự Đà (Thanh Oai – Hà Nội).

Có thể thấy rằng, cây hương đá và đèn đá là một trong những cứ liệu có nhiều giá trị về mặt chứng tích lịch sử, có thể có niên đại chính xác, chứa đựng những thông tin phong phú, đa dạng về quá khứ của văn hóa dân tộc như: ca ngợi danh nhân trong lịch sử hoặc ca ngợi công đức của những người thiện tâm công đức. Ngoài ra, một số cây hương còn phản ánh truyền thống tôn sư trọng đạo, biểu dương giáo lý, các phong tục hương ước, các chế độ ruộng đất ở từng địa phương, luật tục bầu hậu trong mỗi làng quê… Chính vì thế, thông qua cây hương đá và đèn đá có thể tìm hiểu được chế độ sinh hoạt của làng xã thời kỳ này.

Ngoài ra, những cây hương đá và đèn đá có minh văn cũng phần nào phản ánh được tầng lớp người khắc, người soạn và người viết văn. Tuy trực tiếp làm ra sản phẩm, tên người khắc hiếm khi được ghi lại, hoặc nếu có thì lại rất hiếm ghi tên quê quán. Điều đó cho thấy thợ chạm khắc đá ít được xem trọng, có thể vì xuất thân từ tầng lớp bình dân và không ít người là thợ nghiệp dư ở các làng xã. Tổng hợp một số tư liệu thác bản cho thấy quê quán những người khắc được ghi tên này thường nhiều nhất là ở Kinh Môn (Hải Dương) rồi tới Thủy Đường (Hải Phòng), Gia Định (Bắc Ninh)… Bên cạnh đó, người soạn và người viết là những người có hiểu biết về Hán Nôm, như hiệu sinh, nho sinh, thiền sư,… hoặc thậm chí là trưởng thôn như cây hương chùa Khánh Đa (Hưng Nhân – Thái Bình). Đôi khi bắt gặp cả trường hợp có hai người viết chữ như cây hương 仙山寺造天臺 – Tiên Sơn tự tạo thiên đài dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 9 (1713) ở chùa Tiên Sơn (Vụ Bản – Nam Định) do Trần Hữu Dụng và Trần Văn Khê cùng viết.

Điều đó đã cho thấy sự đan xen giữa các tôn giáo khác nhau trong đời sống dân gian. Qua đó cũng phản ánh được phần nào mối quan hệ giữa các quan chức với các làng xã thời kỳ này không quá xa vời mà có phần gần gũi với đời sống của người dân.

Như vậy, muốn tìm hiểu về làng xã trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII để khơi dậy những nét đẹp truyền thống nhằm phát huy và tạo ra sự tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại, các nhà nghiên cứu không thể bỏ qua nguồn tư liệu quý giá này. Đây là những trang sử bằng đá, ghi lại các sự kiện diễn ra trong các di tích thời Lê Trung hưng. Đồng thời, thông qua các chạm khắc trên cây hương đá cùng dòng niên đại tuyệt đối, có thể mang tới cứ liệu là cơ sở đoán định niên đại trên các kiến trúc bia đá, các mảng chạm trên gỗ ở các di tích đã không còn niên đại tuyệt đối.

——————

CHÚ THÍCH
(1) Nguyễn Bá Lăng (2000). Tranh vẽ kiến trúc và sinh hoạt cổ truyền Việt Nam, Tập 2, tr.66, Paris.
(2) Nguyễn Quốc Hùng (1975). Hán Việt tân từ điển, Nhà sách Khai – Trí, Sài Gòn.
(3) Minh Đường (2010). Nghi lễ dân gian. Nghi lễ cúng gia tiên, Nxb Thời đại, tr.23.
(4) Trần Lâm Biền (2018). Đồ thờ trong di tích của người Việt, tr. 141, Nxb Thế giới.
(5) Lương Vũ Hàn Mai. Cây hương đá thời Lê tại chùa Chể Phượng Sơn – Lục Ngạn, Thông báo Hán Nôm học 2008, tr.665-671.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Anh (2011). Di tích Thái Lăng (Đông Triều – Quảng Ninh), Luận văn thạc sĩ Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
2. Trần Lâm Biền (1996). Chùa Việt, Nxb Văn hóa – Thông tin.
3. Trần Lâm Biền (2018). Đồ thờ trong di tích của người Việt, Nxb Thế giới.
4. Trần Lâm Biền. Giá trị biểu tượng của chùa Một Cột. Báo Giác Ngộ Online.
5. Minh Đường (2010). Nghi lễ dân gian. Nghi lễ cúng gia tiên, Nxb Thời Đại.
6. Nguyễn Bá Lăng (1972). Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Tập 1, Viện Đại học Vạn Hạnh.
7. Nguyễn Bá Lăng (2000). Tranh vẽ kiến trúc và sinh hoạt cổ truyền Việt Nam, Paris.
8. Lương Vũ Hàn Mai. Cây hương đá thời Lê tại chùa Chể Phượng Sơn – Lục Ngạn, Thông báo Hán Nôm học 2008.
9. Trịnh Khắc Mạnh (2004). Văn bia Việt Nam và việc nghiên cứu tư tưởng chính trị xã hội thời kỳ phong kiến (TK X – cuối TK XIX). In trong Việt Nam học – Kỷ yếu hội thảo quốc tế lần thứ hai, tr.166-177.
10. Nguyễn Văn Phong (2016). Nghiên cứu văn bia tỉnh Bắc Giang, Luận án Tiến sĩ Ngữ Văn, Học viện Khoa học Xã hội.
11. Robert E. Fisher (2002). Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo, Nxb Mỹ thuật.
12. Hà Văn Tấn (2006). Về tín ngưỡng cột kinh Phật đỉnh Tôn Thắng ở thế kỷ X, In trong Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2001-2006), Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, tr. 309-312.
13. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (1993). Chùa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
14. Hà Văn Tấn chủ biên (2002). Khảo cổ học Việt Nam, Tập III: Khảo cổ học lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
15. Tống Trung Tín (1997). Nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thời Lý và thời Trần (thế kỷ XI-XIV), Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia.
16. Trương Thìn, Đại đức Thích Minh Nghiêm (2009). Lên chùa lễ Phật, Nxb Hà Nội.
17. Phạm Thùy Vinh (1998). Sự vận động của làng xã Kinh Bắc thời Lê qua tư liệu văn bia, In trong Kỷ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất, tr. 432-436.
18. Viện Nghiên cứu Văn hóa (2012). Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam – Tập 6, Nxb Khoa học Xã hội.

Nguồn: Đỗ Minh Nghĩa – Viện Bảo tồn Di tích – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2021
https://tapchinghiencuuphathoc.vn/khao-cuu-ve-cay-huong-da-va-den-da-o-mot-so-ngoi-chua-mien-bac.html

5/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ
Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 9.2021 Khao Cuu Cay Huong Da Va Den Da O Mot So Ngoi Chua Mien Bac 1.jpg

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)