Nguồn gốc
Yên Duyên là một làng cổ có lịch sử hàng ngàn năm, với tên là Mui Chùa. Người dân ở đây xưa kia nghèo khổ, trong đồng nửa năm úng ngập, ngoài bãi nửa năm lụt lội, nhân dân sinh sống chủ yếu nhờ vào nghề nông: làm ruộng, nuôi tằm, ươm tơ và làm thuê. Người Yên Duyên cần cù, lam lũ và có tinh thần hiếu học thượng võ.
Lễ hội bơi Chải làng Yên Duyên là một lễ hội dân gian truyền thống thể hiện khát vọng của con dân Việt Nam muốn vượt qua và chiến thắng thiên nhiên khắc nghiệt, chiến thắng mạch nước vũ bão của sông Hồng – huyết mạch giao thông chính của Thăng Long tỏa đi khắp nơi.
Theo truyền thuyết, lễ hội gắn liền với câu chuyện tình yêu giữa vua Lý Nhân Tông và công chúa Thuỷ Cung:“Vào đời vua Lý Nhân Tông huý là Càn Đức (1072-1128). Năm Nhâm Tý, vua Lý Nhân Tông vốn là người đức độ, có lòng thương dân, xa giá vi hành để tìm hiểu cuộc sống của dân, người đi đến đoạn đê của làng Mui, là một con đê xung yếu. Cả dải sông Hồng mênh mông nước cuốn, bờ bắp, bãi dâu chìm trong sóng nước, những làng xóm ngoài đê chỉ nhìn thấy phe phẩy ngọn tre. Người đau đáu một nỗi buồn thương vô hạn. Trong ngọn nước cuốn, xuất hiện một chiếc thuyền nhỏ từ phía Nam bơi lên. Trên thuyền là một cô gái với trang phục: yếm đỏ, khăn nâu cứ khoan thai đẩy nhịp mái chèo trên sóng nước. Nhà Vua truyền cho quan Nội Giám và quan Thái sư mời cô gái vào bờ để gặp mặt. Nhưng cô gái không trả lời, con thuyền thì không trôi cứ như đóng đinh trên mặt nước. Nhà Vua nghĩ có lẽ đây là bậc nữ nhi tài kiệt được trời phái xuống cùng ta giúp nước như phụ vương ta đã gặp thân mẫu ỷ Lan chăng? Và tiếp tục lệnh cho 2 vị quan mời vào tiếp kiến. Nhưng cô gái không vào bờ mà bơi tròn ba vòng thuyền và hát một câu:
Trăm lần thiếp phụ quân vương
Thuỷ cung cách trở âm dương du mà
Sau đó con thuyền cùng cô gái từ từ chìm xuống lòng sâu, chỉ còn lại sóng nước phù sa oằn đỏ như vệt máu. Nhà Vua lặng lẽ cúi đầu từ biệt cô gái với con thuyền. Sau đó Người truyền mời tất cả các cụ bô lão trong làng Mui lên quãng đê này, kể cho các cụ nghe về sự việc đã xảy ra… cho rằng đó là công chúa con vua Thuỷ tề. Người gợi ý cho dân lập nghè thờ ngay chỗ công chúa Thuỷ Cung vừa hóa thân. Nhà vua sắc phong là công chúa Thuỷ tề đó là “Thần tiên mỹ nữ, tự Đại Vương”.”[1]
Ngày diễn ra sự việc ấy là rằm tháng Tám. Có lẽ bởi muốn giữ lại chút dấu ấn về duyên gặp kỳ ngộ này nên vua Lý Nhân Tông đã đổi tên làng Mui thành Yên Duyên, ý nói về một mối tình đẹp. Người gợi ý cho dân lập Nghè thờ ngay chỗ công chúa vừa hoá thân và phong hiệu cho công chúa là Thần tiên mỹ nữ, tự Đại vương.
Nhân dân làng Mui xây dựng Nghè thờ công chúa gọi là Nghè Bà. Từ đó, cứ đến rằm Tháng Tám, làng Yên Duyên lại mở hội bơi Chải nhằm nhắc nhớ về câu chuyện của nhà vua họ Lý và công chúa Thuỷ Tề năm xưa.
Lễ hội
Theo lệ xưa, hội bơi được mở trong 3 ngày từ 13 đến 15 tháng Tám Âm lịch.
“Lệ bơi ở đây rất nghiêm ngặt. Vì công chúa Thuỷ Cung được hiểu là trinh bạch, thần nữ nên tất cả thanh niên được tuyển làm trai bơi đều phải chay tịnh bảy ngày. Trong thời gian luyện tập, họ phải ngủ tập trung tại nhà phe, giáp để con người được tinh khiết.
Từ mồng 10 hoặc sớm hơn, lều quán đều đua nhau dựng lên san sát ven đê với đủ mặt hàng: hương hoa, oản quả, đồ mã, bánh kẹo, nước chè, trầu cau… Nhưng nhộn nhịp nhất là trai thanh nữ tú nô nức từ mọi nơi kinh thành đổ tới, các làng xã lân cận kéo sang, quần là áo lượt đi hội, làm quen, trò chuyện và tâm tình…”[2]
Ngày đầu của lễ hội chính là bơi thờ, tức là làm khai quang chải. Để chuẩn bị, dân làng sẽ cử ra một lão trượng mặc áo dài đỏ, đội khăn xếp vàng, dây đai lưng màu, bước lên chòi trống hình tám mắt như thuyền rồng có kết hoa và dải lụa vòng quanh. Lúc này, cụ trượng sẽ là người đánh trống. Mở đầu buổi lễ là hồi trống hiệu lệnh 3 hồi 9 tiếng cho tất cả trai bơi của 8 giáp tề tựu nơi lòng chải. Sau khi dứt hồi trống, cuộc tranh tài sẽ chính thức được bắt đầu. Lúc này, những cây chải rẽ sóng của 4 con thuyền sẽ lao trên mặt nước tựa 4 mãnh long uy vũ.
Ngày thứ hai là bơi lèo (giải vòng loại để chọn các đội xuất sắc vào vòng chung kết) và cuối cùng – ngày thứ ba là bơi giải để tìm ra những đội chiến thắng chung cuộc.
Khoảng cách từ điểm xuất phát bơi tới đích dài tầm chừng 1000m, mỗi lèo sẽ bơi 3 vòng. Nếu muốn giành chiến thắng, các đội bơi phải khổ công rèn luyện liên tục để vừa có sức khỏe dẻo dai, vừa rèn luyện tinh thần đoàn kết và khả năng làm việc nhóm.
Xưa kia, lễ hội bơi chải làng Yên Duyên có 8 đội (8 chải bơi) đại diện cho 8 giáp với màu sắc trang phục khác nhau tham gia. Lúc đó, lễ hội chỉ có nam mới được tham gia, nay các bô lão trong làng đã cho phép cả phụ nữ được bơi chải. Bởi vậy, có 5 địa phương của mỗi khu dân cư cử ra 4 đội tham gia, gồm đội thanh niên, đội trai đinh, đội phụ nữ và đội “cây cao bóng cả”.
Đội trai đinh và thanh niên đua 3 vòng, đội phụ nữ và đội già làng đua 2 vòng. Một chải có 16 người bơi chính, có thêm 3 người để phụ trách lái chèo ở phía cuối thuyền, 1 người ở đầu thuyền và 1 người phụ trách tát nước. Như vậy mỗi đội bơi sẽ gồm 18 người, trong đó có 16 tay chèo chính. Khác với đội nam, đội bơi nữ sẽ chỉ có 16 người, trong đó có 14 tay bơi chính. Cứ 4 đội bơi một lượt (một lèo), mỗi lèo bơi 3 vòng để xác định các đội Quán quân, nhì, giải 3, giải 4.
Chải bơi được thiết kế theo kiểu đầu rồng, đuôi tôm và sơn son thếp vàng, dài tầm 10 mét, rộng 1,5 mét.
Trong những ngày diễn ra lễ hội bơi chải làng Yên Duyên, mặt hồ Tích Thủy như sống động, huyên náo hơn hẳn với những tiếng hò reo, cổ vũ vả cả tiếng mái chèo khua nước dũng mãnh. Những chiếc thuyền mỗi con một sắc, đầu đuôi sơn son thếp vàng và trang trí cờ quạt nhiều màu nổi bật.
Trong hội khi có nhiều Chải đắm hoặc gặp sự cố, các cụ Trượng trong làng sắm lễ ra Nghè Bà, cầu Bà phù hộ và kiểm tra lại đường lên xem có cắm đúng hướng giữa đình Yên Mỹ và Nghè, nếu lệch là phải cắm lại thì hội bơi sẽ thành công.
Lễ hội bơi Chải làng Yên Duyên, Yên sở đã tồn tại lâu đời vì nhiều lý do bị gián đoạn một thời gian, rồi nghè Chải cũng bị dỡ bỏ. Năm 2000, lễ hội bơi Chải làng Yên Duyên được khôi phục lại và nó trở thành một lễ hội lớn thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương và không chỉ có các Chải của Yên Duyên thi với nhau nữa và nhiều Chải bơi từ khắp mọi miền cũng tìm đến xin được tham gia hội thi.
Ý nghĩa
Có thể thấy hội thi bơi Chải không chỉ là lễ hội còn là một loại hình văn hoá – Thể dục, Thể thao rất phong phú thu hút đông đảo tầng lớp thanh thiếu niên tham gia. Lễ hội không chỉ gìn giữ phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, gắn kết cộng đồng, khơi gợi lòng yêu quê hương đất nước, mà còn mang tính giáo dục về truyền thông với thế hệ trẻ và nâng cao sức khoẻ cho thế hệ thanh thiếu niên. Với những ý nghĩa đó năm 2007 và 2008 sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Thành phố đã chọn các Chải bơi của Yên Duyên, Yên Sở đại diện cho đội tuyển Hà Nội tham dự giải bơi Chải hữu nghị tại Trung Quốc và đạt thành tích cao trong giải thi.
Chú thích
[1] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hoá quận Hoàng Mai, Nxb Văn hoá Thông tin, 2010, tr. 398-399.
[2] Lê Trung Vũ (Chủ biên), Lễ hội Thăng Long, Nxb Hà Nội, 2001, tr. 602.
Tham khảo
- Lê Uyên Thư, “Lễ hội bơi chải làng Yên Duyên – Nét văn hoá truyền thống trong lòng thủ đô”, ngày 4/10/2023, https://hotayboatclub.vn/le-hoi-boi-chai-lang-yen-duyen-hoang-mai-ha-noi
- TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hoá quận Hoàng Mai, Nxb Văn hoá Thông tin.
- Lê Trung Vũ (Chủ biên), 2001, Lễ hội Thăng Long, Nxb Hà Nội.