Dẫn nhập
Từ xa xưa, bà con vùng Kinh Bắc vẫn lưu truyền câu ca dao về việc tổ chức lễ hội truyền thống của các làng trong vùng:
Mùng 6 hội Keo
Mùng 7 hội Khám
Mùng 8 hội Dâu
Mùng 9 đâu đâu trở về hội Gióng
Theo nếp đó, hễ đến ngày mùng 6 tháng 4 Âm lịch, nhân dân làng Keo lại nô nức tề tựu tổ chức lễ hội truyền thống nhằm tưởng nhớ công lao của hai vị Thần – Phật quan trọng bậc nhất của làng là Thành hoàng làng Thượng tướng quân Đào Phúc và Pháp Vân – bà Keo, đồng thời bày tỏ ước nguyện một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào. Lễ hội mang đặc trưng của cả tín ngưỡng thờ Tứ pháp và tín ngưỡng bản địa vùng Keo.
Từ khóa: Lễ hội làng Keo, Gia Lâm, Tứ pháp, Phật Pháp Vân, bà Keo, Thượng tướng quân Đào Phúc.
Nguồn gốc thờ bà Keo
Chùa Keo (Báo Ân Trùng Nghiêm tự) là một trong những ngôi cổ tự ở vùng Luy Lâu xưa. Nơi đây, thờ bà Keo là hóa thân của chị cả Pháp Vân nhưng là em út trong Tứ Pháp vùng Luy Lâu. Theo tích xưa kể lại, sau khi dân Luy Lâu tạc xong 4 pho tượng Phật là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện thì thừa ra một khúc gỗ dâu. Lúc này, hiệp thợ làng Keo xin về và tạc được một bức tượng mang nhiều nét giống bà Pháp Vân ở chùa Dâu nhưng thấp và nhỏ hơn. Bởi vậy, khi các già làng Keo lên Luy Lâu xin đặt tên cho tượng thì nhà sư ở chùa Dâu đặt tên là Pháp Vân Phật. Tuy nhiên, bà được tạc ở làng Keo nên dân làng gọi bà theo tên Nôm là bà Keo.
Tượng bà Keo tại Hậu cung, thường được rước trong các dịp lễ hội làng Keo
Chùa Keo gắn liền với tên gọi làng Keo. Xưa làng có tên chữ là Cổ Giao thuộc huyện Long Biên, quận Giao Chỉ, nay là làng Giao Tất thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Làng Keo xưa có nghề truyền thống nấu keo da trâu và nghề làm sơn gỗ, đặc biệt là sơn son thếp vàng nên dân làng thường gọi là làng Keo. Trong sách Phong thổ Hà Bắc đời Lê (Kinh Bắc phong thổ diễn quốc sự) của Trần Văn Giáp có câu: “Nấu keo Giao Tất có phần tài năng”. Làng Keo còn có nghề làm vàng diệp (còn gọi là vàng cả) cũng rất phổ biến cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn còn, dân gian vùng này có câu: “Cháo Dương, tương Sủi, đậu Vụi, cà Hàn, thóc Đàng, vàng Keo”.
Khi loạn 12 sứ quân chấm dứt (cuối năm 967), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi lập ra triều đại nhà Đinh. Từ đó địa giới của hai làng mới chính thức được phân định bằng văn bản. Đến nay, nhiều cụ già trong làng còn thuộc lòng câu: “Thượng từ bờ Đó, hạ chí Thạch Kiều”1 do cách phân chia địa giới cho nên chùa Keo nằm trên phần đất thuộc địa phận làng Chè (Giao Tự). Thế là câu tục ngữ “Chùa Giao Tất, đất Giao Tự”2 khởi nguồn từ đó.
Thành hoàng làng Keo – Thượng Tướng quân Đào Phúc
Thần tích – thần sắc do các cụ cao tuổi ở làng Giao Tất, Giao Tự biên soạn và Viện Thông tin Khoa học xã hội công nhận năm 1995, cho biết: “Ngài là Phúc họ Đào. Nguyên thân phụ Ngài là Đào Bột, người làng Đông Côi, huyện Thiên Bản Sơn, Tây Đạo. Bà vợ sớm mất, buồn rầu đi tìm nơi dung thân. Đến làng Giao Tất mở trường, dạy học rồi kết duyên với bà mẫu Ngài là Nguyễn Thị Lương. Ba bốn năm không sinh đẻ gì. Sau ông làm quan Trưởng/Chưởng lệnh, công nhận Sơn Nam bộ thuộc huyện Phù Vân làng Linh Chất, địa giới Lương Giang được ba bốn tháng. Về mùa hạ hồng thủy mông mênh ông bà ngồi… thấy con Bảo long ôm quả bầu bơi trên mặt nước gần chỗ bà ngồi, ông làm lễ tống quái. Bảo long hiếm xuất chỉ thấy quả bầu nổi ở mặt nước, bà cầm lấy, bọc vào vạt áo. Bầu ấy vỡ ra nước rồi bà thụ thai sinh ra Ngài. Năm Ngài 2 tuổi, chỗ ông thân phụ ngồi biến thành cái giếng, ông cưỡi cá chép chìm xuống đáy giếng mất, rồi bà đem Ngài về làng Giao Tất nuôi. Năm Ngài 17 tuổi, Vua triều Lý gả công chúa cho Ngài. Đến năm Chiêm Thành có giặc, Vua ban chiếu Ngài cùng phu nhân đi đánh, dẹp yên được giặc ấy rồi Ngài cùng phu nhân hóa. Đi xuất, Vua ban phong mỹ tự và đức làng Giao Tất lập đền lên thờ. Thời nhà Trần, giời làm đại hạn, Vua đến đền Giao Tất cầu đảo đắc vũ nhà vua lại ban phong mỹ tự”3.
Truyền thuyết dân gian lại kể lại rằng: Tổ sinh ra Thượng tướng quân họ Đào, tên húy là Bột, quê ở Thanh Hóa. Nhà nghèo nên vừa đi đó đây kiếm sống vừa tranh thủ học chữ. Ông lấy bà họ Nguyễn tên Lương, rồi ở lại quê vợ là thôn Giao Tất. Nhà họ Nguyễn sớm hôm chuyên cần việc dâu tằm, tơ kén. Cô Lương đẹp nết, đẹp người, khéo tay hay làm và hát giỏi. Đào Bột được vợ chăm lo ăn học và trở thành thầy giáo trong vùng Dâu – Keo. Vợ chồng Đào Bột lấy việc tu nhân tích đức làm gốc, thường giúp kẻ hoạn nạn khó khăn. Đào Bột dạy học ngày càng nhiều học trò và nhiều người đỗ đạt cao. Tiếng thơm bay ra khỏi vùng, đến tai vua Lý, nhà vua phong làm Bộ trưởng Đạo Sơn Nam. Ông bà sinh được một con trai, đặt tên là Phúc. Đào Phúc khôi ngô tuấn tú, thông minh, học một biết mười, là người văn võ song toàn, tài cao, chí lớn, trai tài khắp vùng thán phục. Sau khi đi thi, Đào Phúc đỗ Tiến sĩ, được Vua khen là trang tuấn kiệt và gả con gái là Tiên Anh Công chúa cho.
Năm 1104, ở phía Nam giặc Chiêm Thành xâm lược, Đào Phúc được Vua Lý Nhân Tông phong giữ chức Thượng tướng quân đem hùng binh đi dẹp giặc, Tiên Anh phu nhân xin Vua cha giao cho lo việc lương thảo giúp chồng sớm trừ đạo giặc ngoài biển cả xa xôi. Từ đầu xuân đến lập hạ, với tài thao lược, giặc biển đã sạch hết, quân Chiêm Thành đại bại. Vua Chiêm Thành là Chế Mân cùng ngàn vạn quân sĩ bị bắt sống. Thượng tướng quân Đào Phúc cùng quân sĩ trở lại kinh sư báo tiệp. Vua vui mừng khao thưởng ba quân, hàng binh được chia cho võ tướng làm nô lệ, nô công, riêng Vua Chiêm được thả về nước để giữ mối bang giao ở phía Nam. Đào Phúc và phu nhân được Vua cho về quê thăm bái Tổ đường ở Giao Tất. Hôm ấy là ngày mùng 7 tháng 4, trời đất chuyển vần, mưa to gió lớn, sấm sét ầm ầm, không gian chìm trong biển nước mênh mông. Cả hai ông bà cùng hóa và sau đó mối xông lên phong kín thành mộ lớn, từ đó nhân dân gọi là “núi Bi”. Biết tin, nhân dân trong vùng vô cùng thương tiếc ông bà, làng Giao Tất có người tâu lên với Vua, quan kinh được sai về xem xét, rồi lệnh cho địa phương lập đền, tạc tượng truyền thần để thờ.
Từ đó, nghè Keo được dựng lên để thờ hai vị Thành hoàng làng là Thánh Ông Đào Phúc và Thánh Bà Tiên Anh Công chúa phu nhân.
Ban thờ Thành hoàng làng tại Nghè Keo
Như lời kể của ông Trưởng ban Quản lý di tích nghè Keo:“Dù đã hóa nhưng Thánh Ông tiếp tục góp công “dực Trần” qua một giấc mộng. Nhân dân đời đời truyền tụng rằng: Khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta, trước thế mạnh như chẻ tre của giặc, quan quân nhà Trần đã lui binh về Hải Dương, khi qua Kim Sơn, vua Trần có nghỉ tại Nghè Keo. Trong giấc ngủ chập chờn, nhà vua đã được Đào Phúc hiển linh hiến kế sách đánh giặc và sau đó Vua cứ thế làm theo. Quả nhiên đã đánh bại được quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh. Để cảm ơn công đức này, vua Trần đã phong cho Đào Phúc thêm một chữ Thượng là Thượng Thượng Đẳng Thần”4.
Hiện nay, nghè Keo còn lưu giữ nhiều đạo sắc phong, câu đối nêu rõ về công lao dẹp giặc giữ nước của Thánh Ông. Trong đó, có thể nhắc đến sắc phong ngày 25/7/1924 của vua Khải Định: “(Thần) từng được tặng sắc là Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng đương cảnh thành hoàng, Lý triều công thần Phò mã Thượng tướng quân Đào đại vương tôn thần. Bảo vệ cho nước, che chở cho dân, lâu nay linh ứng tỏ rõ. Đã từng được đội ơn ban sắc, chuẩn cho thờ phụng. Nay đúng dịp trẫm tứ tuần đại khánh (tức là mừng thọ 40 tuổi). Đã ban chiếu báu ân sâu, theo lễ long trọng phẩm trật. Nên tỏ rõ gia tặng cho là Trang Huy Thượng đẳng thần. Riêng chuẩn cho thờ phụng, ghi chép vào điển lễ dịp quốc khánh, mà tỏ rõ điển lễ tế tự”5.
Và hai đôi câu đối:
Nguyên văn chữ Hán:
佐李重興垂偉烈
翊陳有夢振靈聲
Phiên âm:
Tá Lý trùng hưng thùy vĩ liệt
Dực Trần hữu mộng trấn linh thanh
Dịch nghĩa:
Phò giúp nhà Lý trùng hưng, để lại sự nghiệp oanh liệt to lớn
Có giấc mộng giúp nhà Trần còn vang tỏ tiếng anh linh
và:
Nguyên văn chữ Hán:
歷代榮封上上等
萬古高標赫赫名
Phiên âm:
Lịch đại vinh phong thượng thượng đẳng
Vạn cổ cao tiêu hách hách danh
Dịch nghĩa:
Trải các đời đều được vẻ vang phong tặng là thượng đẳng thần
Đời đời kính sùng uy danh vời vợi
Lễ hội làng Keo
Theo truyền thống, lễ hội gồm hai phần chính là lễ và hội. Các vị thần được phụng thờ, suy tôn của lễ hội làng Keo là Thành hoàng làng Đào Phúc và Pháp Vân – bà Keo. Ngoài hai địa điểm chính là chùa – nghè Keo, hoạt động tế lễ còn được tổ chức tại đình Bằng (nơi thờ bố mẹ của Thánh ông Đào Phúc) và nơi diễn ra lễ vái vọng của bà Keo về chùa Tổ Luy Lâu – Phúc Nghiêm tự. Sau phần lễ, hoạt động của phần hội diễn ra vô cùng phong phú, ngoài các trò chơi dân gian quen thuộc không thể không nhắc tới trò riêng có của lễ hội làng Keo là chạy ngựa.
Hiện nay, chùa Keo thuộc quyền quản lý của 6 cụm dân cư là Giao Tất A, Giao Tất B, phố Keo, xóm Đề, xóm Ngổ Ba, xóm Cừ Keo. Bởi “Chùa Giao Tất nằm trên đất Giao Tự” nên dân của cả hai thôn đều tham dự lễ hội. Tuy nhiên, lệ xưa các cụ đã đặt ra luôn được tuân thủ chặt chẽ: “Người dân thôn Giao Tự chỉ được tham dự lễ hội, không được tham gia vào đoàn rước hội”6. “Bởi vậy, mọi công tác chuẩn bị lễ hội đều do người Giao Tất lo liệu còn người Giao Tự chỉ tham gia giám sát việc cử hành lễ như: rước áo Phật, sắc phong nhà Phật từ nghè về chùa… và cử một số cụ cao tuổi tham gia Ban Tư văn”7.
Tiêu chuẩn chọn chủ tế và các thành viên rất quy củ, khắt khe. Do chủ tế là người đại diện dân làng giao cảm, tiếp xúc với thần linh nên những người đảm nhận vị trí này phải trải qua quá trình chọn lựa kỹ lưỡng, thông qua Ban chấp hành người cao tuổi trong làng. Điều kiện tiên quyết là người đó phải có tấm lòng thành kính đối với Thành hoàng làng, lòng tin đối với Phật pháp và các vị thần linh, sự nhiệt tình và hết lòng vì toàn thể dân làng mà phục vụ. Đó cũng phải là người có nhân phẩm, đạo đức tốt.
Danh sách 40 trai làng tham gia rước Kiệu Nhất (kiệu rước bà Keo) được tuyển chọn kĩ lưỡng. Đó là những nam thanh niên chưa vợ, trong vòng 3 năm nhà không có tang, chiều cao đồng đều, lực lưỡng. Khoảng 2 tháng trước khi diễn ra lễ hội, các thành viên trong đội sẽ dành thời gian tham gia tập luyện sức khỏe. Tiếp theo là 40 chàng trai rước Kiệu Nhì (kiệu Thánh Ông – Thành Hoàng làng Đào Phúc), có thể bao gồm nam thanh niên chưa vợ và đã có vợ; 30 thanh niên rước Kiệu Long Mã chạy ngựa gỗ. Các thanh niên này đều mặc áo cộc tay cổ tròn màu trắng, quần dài trắng, đầu đội khăn xếp đen, chân đi tất và giày bata trắng, thắt đai lưng màu đỏ. Riêng 10 nam thanh niên theo sau đội Kiệu Long Mã là mặc đồ binh lính xưa, áo dài đen, quần trắng, đội nón, thắt đai lưng đỏ, tay cầm mũi giáo sắt.
Trải qua thời gian dài không tổ chức lễ hội do ảnh hưởng của chiến tranh, năm 1981, nhân dân làng Keo quyết tâm phục dựng lại lễ hội truyền thống. Lúc này, nhằm bày tỏ tấm lòng thành kính với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, dân làng đã bổ sung thêm kiệu rước ảnh Bác Hồ vào đoàn rước lễ. Đoàn rước ảnh Bác được dẫn đầu bởi một vị cựu chiến binh mặc quân phục, tay cầm cờ đỏ sao vàng, phía sau là 20 nữ sinh mặc áo dài, đội nón lá truyền thống, tay cầm cờ hồng kỳ.
Về thời gian tổ chức lễ hội, ông Bùi Trọng Thể cho biết thêm: “Từ xa xưa, dân làng tổ chức lễ hội hàng năm. Tuy nhiên, từ năm 1993, khi chùa và nghè Keo được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia thì phải làm theo quy định chung. Tùy tình hình kinh tế xã hội của đất nước và địa phương mà 4-5 năm tổ chức lễ hội một lần. Những năm còn lại dù không rước hội nhưng ban tế lễ vẫn làm lễ Thành hoàng làng và lễ phong áo nhà Phật”8. Hơn nữa, đoàn rước hội của làng Keo có đi qua quốc lộ 5 nên Ban tổ chức thường cố gắng chọn tổ chức lễ rước vào năm mà mùng 6 đúng ngày nghỉ cuối tuần để tránh gây ùn tắc giao thông.
Phần lễ
Khoảng 6h00 sáng mùng 6 tháng 4 Âm lịch, Ban tổ chức lễ hội làng Keo, các bô lão và nhân dân, người người nhà nhà sắm sửa lễ vật dâng lên Thành hoàng ở nghè Keo, sau đó mang lễ vật (lục cúng bao gồm 6 thức: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực) ra chùa Keo để nhà chùa làm lễ dâng lên bà Keo. Tại chùa Keo, sau khi Trụ trì là Đại đức Thích Quảng Thiện làm lễ xong thì Thủ hiệu Kiệu Nhất và 3 nam thanh niên Kiệu Nhất phải tiến hành lễ tắm tượng rồi phong áo nhà Phật tức là lau rửa sạch sẽ và mặc áo cho tượng bà Keo.
8h00, đoàn rước Thánh Ông ra đến cổng chùa đón Bà Keo. Trai Kiệu Nhất hân hoan, hò reo rước tượng bà Keo ra ngự ở bệ đá trước cửa Thượng điện. Đây là nét văn hóa vô cùng đặc sắc của lễ hội Làng Keo, điều chưa từng có là Thần đi đón Phật, hai bên nghênh đón bằng 3 hồi trống sắp (30 phút).
Ngay sau đó, đoàn rước từ chùa Keo về làng, lúc này Kiệu Nhì – tức kiệu Thành Hoàng đi trước dẫn đường cho Kiệu Nhất – kiệu bà Keo, buổi chiều sau lễ vái vọng về chùa Tổ Luy Lâu thì Kiệu Nhất đổi vị trí lên dẫn đầu đoàn rước thay Kiệu Nhì. Quá trình hành hội chia làm ba phần chính: phần một là hành hội từ chùa Keo về đình Dân làm lễ (8h30-10h30 sáng); phần hai là hành hội từ đình Dân9 về đình Bằng làm lễ (10h30-11h30 sau đó nghỉ trưa); phần ba là hành hội từ đình Bằng về chùa Keo (từ 13h30-16h30). Trong quá trình hành hội, không thể thiếu những đoạn “kiệu bay” như đúng tính cách nghịch ngợm của bà Keo mà người xưa mô tả. Đôi khi kiệu xoay vòng rồi lại lao nhanh về phía trước, có lúc kiệu nghiêng ngả tưởng chừng như sắp đổ. Bởi vậy, các thanh niên Kiệu Nhất phải là những người có sức khỏe vô cùng tốt.
Bà Keo khi làm lễ vái vọng về chùa Tổ trong lễ rước hội
(Nguồn: Camera Hợi Ngát)
Ông Bùi Trọng Thể chia sẻ: “Theo tích xưa truyền lại thì phần hành hội diễn ra suốt 3 ngày. Mùng 6 rước từ chùa Keo về đình Dân. Mùng 7 rước từ đình Dân về đình Bằng. Mùng 8 rước từ đình Bằng về chùa Tổ để bà Keo sum họp với Phật Mẫu Man Nương và các chị gái. Tuy nhiên, bà Keo là em út, rất nghịch ngợm nên về sau Phật Mẫu có ý không cho con gái út về hội, cứ đến ngày rước là có đoạn đường bị ngập nước, không đi được. Từ đó, bà Keo chỉ đứng ở ngã tư đường 181 hướng về chùa Tổ vái vọng Phật Mẫu”10. Nghi lễ này thể hiện rõ vai trò quan trọng của chữ “Hiếu” trong tâm thức của người Việt. Dù con có lớn, con vẫn là con của mẹ, vẫn luôn ghi nhớ công ơn sinh thành. Trong khoảng 2 tiếng làm lễ vái vọng, rất đông người dân và khách thập phương chen lấn để được một lần chui qua kiệu Phật. Người ta tin rằng chui qua kiệu Phật sẽ giúp mọi bệnh tật tiêu tan, công việc làm ăn buôn bán thuận lợi và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Về đến cổng chùa, nhà Thánh – nhà Phật làm lễ bái biệt với 3 hồi trống sắp, Phật về chùa, Thánh về nghè.
Kiệu Phật ngự tại bệ đá trước Thượng điện để rải kiệu trước khi hoàn cung. Lúc này, các trai rước Kiệu Nhất sẽ cắt thừng và tung vào đám đông để mọi người “thụ lộc”. Đây là truyền thống có từ lâu đời, dân gian truyền tai nhau rằng ai lấy được một mẩu thừng buộc kiệu Phật về treo đầu giường sẽ giữ cho mình được sự may mắn, mọi bệnh tật tiêu tan, làm ăn buôn bán thuận lợi. Đến khoảng 17h00, các trai Kiệu Nhất đưa tượng bà Keo hoàn cung và các đoàn làm lễ tạ.
Mùng 7 tháng 4 Âm lịch, Ban Tư văn và dân làng tổ chức lễ tế ngày Nhị vị (Thánh Ông và Thánh Bà) đồng hóa tại nghè Keo.
Chiều mùng 8 tháng 4 Âm lịch, sau khi Trụ trì làm lễ hạ áo, rải áo nhà Phật, trai Kiệu Nhất cùng đoàn cờ, đội Tế nữ quan ra chùa rước áo Phật về nghè Keo để tiếp tục lưu giữ, thờ cúng kết thúc mọi nghi lễ trong lễ hội truyền thống làng Keo.
Phần hội
Bên cạnh hoạt động tế lễ, phần hội của lễ hội làng Keo luôn được Ban tổ chức chú trọng. Trong suốt 3 ngày chính hội, nhiều hoạt động vui chơi, giải trí được tổ chức: chọi gà, cờ tướng, cờ vua, bóng chuyền, bóng đá nam, đêm diễn văn nghệ, hát quan họ hay múa rối trên ao gần đình Dân,… Hầu hết các trò chơi này đều bắt nguồn từ ước vọng của người dân, tôn vinh tinh thần rèn luyện sức khỏe, thể dục thể thao.
Trong đó, nét đặc trưng riêng có của lễ hội làng Keo phải kể tới giải chạy ngựa truyền thống. Ngựa ở đây chính là các chàng trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn của hai làng Giao Tất và Giao Tự. Trò chơi được tổ chức không chỉ giúp trai tráng nâng cao tinh thần thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, sức bền mà còn nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết giữa nhân dân trong làng Giao Tất, Giao Tự và giữa hai làng với nhau. Ông Bùi Trọng Thể cho biết: “Trước khi lễ hội diễn ra khoảng 2 tháng, Ban tổ chức gửi thông báo về từng thôn xóm để các thanh niên đăng ký và tập luyện. Việc đăng ký không giới hạn số lượng người và độ tuổi. Tuy nhiên, ai đã đăng ký thì không được bỏ cuộc, phải hoàn thành cuộc chạy đua”11.
Sáng ngày mùng 8 tháng 4, các trai đinh cởi trần lần lượt được đóng dấu chữ “Tống Mã” (người Giao Tất) hoặc “Tẩu Mã” (người Giao Tự) vào ngực trái và mặc quần thể thao, đi giày bata sẵn sàng tham dự giải chạy. Cơ cấu giải thưởng gồm có giải Đặc Biệt do đại diện chùa Keo trao cho “ngựa” cán đích trước tiên, các giải Nhất – Nhì – Ba được hai làng trao cho 3 người về kế tiếp của làng mình. Theo Đại đức Thích Quảng Thiện: “Tục truyền rằng dân làng mở hội chạy ngựa chính là để nghe ngóng xem năm nay có tổ chức lễ rước về chùa Tổ không mà về báo cáo với dân làng Keo, chuẩn bị lễ rước”12. Hiện nay, dù bà Keo không được rước về chùa Tổ nữa nhưng nhân dân vẫn duy trì giải chạy ngựa như một nét văn hóa đặc trưng cho tín ngưỡng thờ Tứ Pháp của làng Keo cũng là cơ hội để nam thanh niên rèn luyện và kết giao.
Kết luận
Thông qua việc tìm hiểu cội nguồn, diễn biến của lễ hội làng Keo tại xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội ta có thể nhận thấy rằng nó mang nhiều nét đặc trưng của lễ hội dân gian Việt Nam là suy tôn truyền thống uống nước nhớ nguồn, coi trọng chữ “Hiếu” hay các hiện tượng phổ biến trong lễ hội như kiệu bay, “cướp” thừng buộc kiệu như một thứ bùa may mắn… Tuy nhiên, lễ hội này cũng mang những nét riêng biệt của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp và tín ngưỡng bản địa vùng Keo. Rất hiếm để chúng ta bắt gặp hình ảnh “Thánh” đi đón “Phật” trong đoàn rước ở một lễ hội khác, rồi đoàn rước còn dành suốt hai tiếng để làm lễ vái vọng, tưởng nhớ công ơn sinh thành của Phật Mẫu. Dù lễ hội được diễn ra theo hình thức như thế nào thì qua đó chúng ta đều có thể cảm nhận được sự thành kính, lòng biết ơn của người dân vùng Keo với công lao của Thần – Phật nơi đây và ước vọng của họ về một tương lai tươi sáng hơn dưới sự bảo hộ, chở che của thần linh.
Chú thích
(1) Thạch kiều: chính là chiếc cầu đá bắc qua một con mương nhỏ vào tam quan chùa Keo, hiện đang bị chôn dưới lòng đất.
(2) Tài liệu phỏng vấn ông Bùi Trọng Thể – Trưởng Tiểu ban Di tích chùa Keo, ngày 27/12/2023.
(3) Viện Thông tin Khoa học xã hội, Thần tích – thần sắc làng Giao Tất, Giao Tự, lưu trữ tại Nghè Keo (xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), 1995, tr. 67-68.
(4) Tài liệu phỏng vấn ông Trưởng ban Quản lý di tích Nghè Keo, ngày 27/12/2023.
(5) Theo Sắc phong ngày 25-7 năm thứ 9 niên hiệu Khải Định (1924), lưu trữ tại Nghè Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.
(6) Phạm Mai Hải Phượng, Lễ hội làng Keo ở xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, luận văn Thạc sĩ, 2023, tr. 24.
(7) Tài liệu phỏng vấn ông Bùi Trọng Thể – Trưởng Tiểu ban Di tích chùa Keo, ngày 27/12/2023.
(8) Tài liệu phỏng vấn ông Bùi Trọng Thể – Trưởng Tiểu ban Di tích chùa Keo, ngày 27/12/2023.
(9) Đình Dân: đình chung của người dân Giao Tất.
(10) Tài liệu phỏng vấn ông Bùi Trọng Thể – Trưởng Tiểu ban Di tích chùa Keo, ngày 27/12/2023.
(11) Tài liệu phỏng vấn ông Bùi Trọng Thể – Trưởng Tiểu ban Di tích chùa Keo, ngày 27/12/2023.
(12) Tài liệu phỏng vấn Đại đức Thích Quảng Thiện – Trụ trì chùa Keo, ngày 27/12/2023
Tham khảo
- Phạm Mai Hải Phượng (2023), Lễ hội làng Keo ở xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, luận văn Thạc sĩ.
- Sắc phong ngày 25-7 năm thứ 9 niên hiệu Khải Định (1924), lưu trữ tại nghè Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.
- Tài liệu phỏng vấn ông Bùi Trọng Thể – Trưởng Tiểu ban Di tích chùa Keo, ngày 27/12/2023.
- Tài liệu phỏng vấn Đại đức Thích Quảng Thiện – Trụ trì chùa Keo, ngày 27/12/2023.
- Viện Thông tin Khoa học xã hội (1995), Thần tích – thần sắc làng Giao Tất, Giao Tự, lưu trữ tại Nghè Keo (xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội).