Trong hơn 20 năm qua, nhất là mươi năm gần đây, đường xá đi về, khung cảnh kiến trúc, cảnh quan của chùa Ráng đã có sự thay đổi rất nhiều. Mọi sự, mọi vật đã khác rất xa.
Thuở đầu những năm 2000, những con đường đất men theo bờ đê, cắt ngang đồng chiêm trũng, tre lau bao phủ ngôi chùa, cây cối u tịch…, làm cho câu chuyện về chùa Ráng lung linh, u huyền, thấm nhuần Đạo vị hơn.
Các kỷ niệm về chùa Ráng thật bình dị, tự nhiên, đồng hành với quãng đời tu đạo ở tuổi ngót một trăm của Đức Đệ Tam Pháp chủ GHPGVN Thích Phổ Tuệ.
Chùa Ráng chuẩn bị Tết
Thuở ấy, chùa Ráng còn là một ngôi chùa nhỏ thuộc về “hai dân”. Chùa nổi trên cánh đồng chiêm trũng giữa hai làng Quang Lãng và Mai Xá. Gọi là “chùa hai dân” bởi chùa không thuộc về làng này, cũng không thuộc về làng kia, các làng đều có chùa riêng nên cũng ít tới chùa Ráng. Bốn phía chùa Ráng là cánh đồng, bờ đê vắng vẻ, tịch mịch, đường đi lối về xa xôi, khuất nẻo. Tết Nguyên đán cũng chỉ có một số khách thập phương mến mộ Hòa thượng Pháp chủ mà vãng lai đến chùa lễ bái, cúng dàng.
Sinh thời, Đức Thích Phổ Tuệ đã nhiều lần giảng giải: Đây gọi là chùa Ráng – nghĩa từ chữ Nôm “Quang Ráng” – ánh ráng đông, ráng chiếu, chứ không phải chùa Giáng – hướng xuống. Ở vài nơi đâu đó, trên văn bản hay biển chỉ đường đã ghi nhầm Ráng thành Giáng.
Một dịp vào 27 – 28 Tết, có đàn việt tín thí từ xa đến chùa, mang theo những cây đào, cây quất. Vậy nhưng lại thấy để ở sân nhà Tổ bên sườn chùa, trong suốt những ngày Tết, mà không thấy mang vào bài trí trang hoàng trong nhà.
Áp Tết, sinh hoạt nề nếp Thiền môn ở chùa Ráng không hề trễ nải, không hề giải đãi. Các công việc vườn tược, lễ cúng, kinh sách vẫn nối tiếp không ngần ngại, không gián đoạn. Dường như không khí và sự háo hức Tết của người thế gian không lai vãng tới đây được. Tết nhân gian đã đến và chỉ đứng ở bên ngoài bờ tre của chùa Ráng mà thôi.
Những ngày áp Tết ấy, Hòa thượng Pháp chủ vẫn làm việc liên tục từ sáng đến chiều muộn, làm các công việc thường nhật như chuẩn bị xôi chè để cúng Phật, cúng Tổ, dọn dẹp bao sái ban thờ, trồng cây tỉa cành, đọc kinh, viết bài…
Năm 2008, ở ngôi vị Pháp chủ, tuổi trên 90 nhưng Ngài vẫn rất khỏe mạnh.
Dịp đó, Cụ có ý tưởng nhân Tết mà bày việc. (Quả thật là vất vả và không hào hứng lắm), đôn các gốc cây cau, gốc cây hoa từ trong sân nhà Tổ, sân chùa mang ra vườn. Mấy Cụ cháu cứ hì hà hì hục làm những công việc thổ mộc, rất nặng nhọc, những chậu hoa rất lớn, to cao, nặng từ trong sân nhà Tổ lại được chuyển ra sân chùa, vườn tháp…
Vất vả là thế, đến tầm 11h30, bụng đã rất đói, người đã rất mệt, thì Cụ bảo nghỉ ngơi một chút, ăn trưa, rồi sau đó lại làm tiếp, công việc mệt mỏi, hơi chán. Đối với Hòa thượng, dường như Ngài muốn cho làm các công việc nặng nhọc, mệt mỏi ấy để làm nguôi đi, để làm loãng đi bầu không khí Tết. Tiết khí Xuân đang đến, đang về.
Áp Tết, có tín thí mang về chùa Ráng ba chậu quất, cùng mấy cây đào thế khá đẹp.
Quất, đào được đặt ngay ở hông chùa, phía sân nhà Tổ. Có vị tác bạch: Thưa! bây giờ Cụ sắp xếp thế nào để chúng con trang trí. Cụ bảo: Đã Tết nhất gì đâu! Cứ bỏ đấy đi đã!
Thế là đào, quất bên hông chùa, cứ như là những đồ vật bị quên lãng. Dường như mùa xuân bị bỏ quên ở chùa Ráng, mọi người chả ai đả động gì đến đào quất cả. Đến 30 Tết, sốt ruột có những vị mới nhắc Tổ: sắp Tết rồi, sao Tổ lại vẫn để đào quất ở ngoài. – Cụ bảo: Tết đến nơi rồi, vất vả, bây giờ ai nấy phải lo việc nhà người ta, hơi sức đâu mà lo việc nhà chùa, thôi bỏ đấy, ra Giêng hẵng hay.
Thế là, những chậu đào thế rực hoa, những chậu quất thế rực quả được bỏ quên qua Tết. Mùng 3, mùng 4 Tết, quất vẫn không được vào chậu, không đưa vào trong nhà, đào cũng không được vào chậu, không được đưa vào trong nhà. Sau Tết, Cụ bảo: Thế là hết Tết rồi, chúng ta mang những cây này ra vườn mà trồng.
Tết chùa Ráng đã qua đi, hơi tẻ nhạt, thậm chí nghĩ nó vô duyên, hơi có cái gì đấy tưng tửng, buồn buồn. Nhưng mà, dường như ở trong đó nó có cái ý chỉ rằng, Tết là Tết nhất của thế gian, người tu hành thì lấy cái việc tăng trưởng về Đạo, lấy cái việc quên lãng thói đời làm tôn chỉ mà tu hành chăng?
Tổ Ráng quan niệm về Tết
Trong lối nói, lối viết, trong cách ứng xử của Đức Thích Phổ Tuệ có phân biệt, khu biệt rõ giữa Đời với Đạo, giữa người xuất gia với người tại gia.
Cũng vậy, Tết nhà chùa và Tết thế gian, được Hòa thượng phân biệt, phân tích giúp cho người xuất gia ý thức được tâm thế, vị trí, công việc của mình.
Ngài quan niệm Tết Nguyên đán là Tết của thế gian. Người nhà chùa không được coi việc giải đãi, ăn uống, chơi bời ngày Tết của thế gian làm ngày Tết của mình, để từ đó có thể làm cho quá trình tiến tu Đạo nghiệp bị ảnh hưởng thụt lùi.
Ngài răn các đệ tử và những người tu hành chớ có để cho Tâm tưởng bị xao nhãng bởi chuyện Tết nhất. Tết nhất là Tết của thế gian, với mọi người thế gian, ngày Tết là dịp để họ mừng tuổi mới của mình.
Ngày Tết, người thế gian tổ chức các hoạt động gặp gỡ, vui chơi, ăn uống, chúc tụng nọ kia. Người tu hành xuất thế gian không phản đối, không kỳ thị, không xa cách đối với những việc đó, nhưng chớ để cho Tâm Tu quyến luyến vào Tết thế gian.
Sinh thời, Hòa thượng Pháp chủ dường như không cho phép, không để tâm việc trang trí đèn hoa, biểu ngữ, cờ quạt mừng xuân, đón Tết để quyến rũ, lôi kéo đồng bào Phật tử đến chùa.
Ngày Tết chùa Ráng sinh hoạt không thay đổi, không khác mấy ngày thường. Từ việc lễ Phật, tụng kinh, thuyết pháp, cho đến việc ăn uống, bài trí, không khác. Thậm chí việc giữ giới, tiếp khách còn được Hòa thượng quy định chặt chẽ, nghiêm túc, sít sao hơn.
Ngài quan niệm rằng, với người tu hành việc được thêm một tuổi đạo, vững vàng thêm Đạo tâm, Đạo lực, mới là quan trọng, còn tuổi đời thì chỉ là việc của người thế gian mà thôi. Luận về Xuân Tết thế gian và Xuân Tết nhà chùa, Hòa thượng có bài thơ Mừng tuổi Hạ:
“Ao Hạ sen tàn cúc nở hoa
Báo tin Xuân đến tết Thiền gia,
Tô Đời đẹp Đạo ba cương lĩnh
Hiện ý thân vui sáu nghĩa hòa,
Giống trí mầm thiêng đua nảy nở
Gốc cằn ngọn héo cũng tươi ra,
Cảm ơn chuyển Hạ thành Xuân ấy
Mừng được thêm cao tuổi Đạo nhà.”
“Sen tàn cúc nở hoa” báo hạ đã hết, thu đã về. Thu về là Rằm tháng Bảy hay là Rằm tháng Tám?! Đây là dịp tự tứ an cư, chư Phật hoan hỷ chúc cho chư Tăng thêm một tuổi Hạ, mùa xuân mới của đời tu đang về. Với Hòa thượng, khi “sen tàn cúc nở” là báo hiệu một mùa xuân, một tuổi Đạo mới của những người xuất gia tu học vừa trải qua ba tháng an cư kiết hạ, mùa chư Phật hoan hỷ, mùa chư Tăng thêm tuổi Đạo mới, có sự phấn chấn, sự vui vẻ của chư Phật. Đó mới thực sự là Tết của nhà Chùa, là Xuân trong cửa Thiền.
Tết của nhà chùa sau tự tứ an cư kết Hạ được Hòa thượng coi là sự thăng hoa, sự thành tựu, sự tinh tiến của chư Tăng trong việc tu hành. Quan niệm Tết, tuổi mới, là sự tăng trưởng về chất của cuộc đời người tu hành, tăng trưởng về tuổi Đạo phải chăng là đặc sắc ở tư duy Tết của Đức Pháp chủ nơi chùa Ráng?!
Với Đức Phổ Tuệ “một năm là cả bốn mùa xuân”. Lúc nào cũng vậy mà thôi, khi chùa đông đúc vui vẻ, cũng vậy, khi chùa đìu hiu vắng vẻ, cũng vậy. Trong cái sự vô tình, vắng vẻ, tịch mịch nơi chùa Ráng, lại là nơi Ngài tìm thấy niềm vui tự thân, niềm vui của những người tu hành ở cảnh thế gian mà siêu xuất thế gian vậy.
Tâm Tưởng Cắm Hoa
Lễ vật nhân gian dâng lên cúng Phật thường gồm hương, đăng, hoa, trà, quả, thực. Trong điển lễ nhà Phật thì trọng ngũ phần hương: giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương.
Đó là lễ vật quý giá, tự tâm của người tu hành, mộ đạo dâng lên cúng Phật, cúng Tổ, gọi là tâm hương.
Chùa Ráng những năm 2000 là một ngôi chùa xa lánh heo hút, Phật tử thập phương đem hương hoa đến lễ Phật rất hạn chế, làm nên tính cách tiết kiệm, khiêm cung của bản tự với chư Phật.
Dân các làng quê đến chùa ngày tuần tiết thường mang những bó hoa, gói hoa, có khi chỉ là vài bông hồng, bông huệ hái ở trong vườn nhà. Có cụ bà mang đến những gói hoa thơm dịu trong lá dong, lá chuối.
Những bông hoa nho nhỏ xinh xinh được hái ở trong vườn hoặc mua ở chợ quê, hoa móng rồng, hoa huệ, hoa hồng ta, hoa bông bút, hoa mẫu đơn gói lá. Đến chùa thì mở gói ra, để hoa vào đĩa, đĩa hoa dâng Phật, cúng Tổ bình dị, nhẹ nhàng, rất thơm…
Ngoài những gói hoa, còn có những bó hoa rất ngắn. Khi xếp lễ, cắm hoa, Cụ không cho loại bỏ những bông hoa ngắn nhỏ. Có những bông hoa ngắn quá thì Ngài lại tẩn mẩn, tỉ mỉ ngồi nối những chân hương hoặc những cành nhỏ vào để đủ dài, cắm được trang nghiêm. Không bao giờ bỏ, dù chỉ là một bông hoa nhỏ còn tươi; không bao giờ bỏ lẫn chúng vào trong đống rác cả. Dâng hoa cúng Phật là vậy.
Ngược lại, khi có đông Phật tử mang hoa đến cúng, các lọ hoa thờ Phật, thờ Tổ đã đầy đủ cả rồi, thì Hòa thượng cho lấy xô, chậu sạch sẽ mà cắm hoa, đặt trước ban thờ.
Ngài răn rằng: Khi thập phương Phật tử đem hoa đến chùa lễ Phật thì người nhà chùa, kể cả người tại gia chấp tác, đều phải có trách nhiệm dâng hoa lên cúng Phật cho đầy đủ, không thì tổn hại công đức của thập phương tín thí cũng như công đức tu hành vậy.
Có vị cho rằng, dâng những bó hoa, chậu hoa đại chúng, lộn xộn trước đại điện như thế, không được đẹp mắt, không trang nghiêm lắm.
– Cụ bảo: Thế mới là phép Phật chứ, dâng trọn vẹn lễ vật thập phương tín thí cúng Phật là bổn phận mà người tu hành phải có trách nhiệm đảm bảo đầy đủ, không so đo đẹp xấu gì cả. Một lòng trọn vẹn thành kính là được.
Khi những lọ hoa, lẵng hoa cũ ở trên chùa được hạ xuống thì những bông hoa còn tươi sót lại, những nhánh huệ, những bông cúc vàng, cúc trắng đều được Hòa thượng ngắt giữ lại. Đem cắm lên chậu hoa, chậu cảnh quanh chùa, khi nào nó khô héo, úa tàn rồi thì mới bỏ vào thùng rác, làm thứ bón cây, chứ không bao giờ bỏ cả bó hoa có bông tươi, bông héo cả.
Một lần vào ngày Phật đản có một vị quan chức rất cao cấp của nhà nước về chùa thăm Tổ, lễ Phật. Lúc ấy Hòa thượng đang mải việc ở bãi rác góc vườn, với những lẵng hoa, bó hoa cũ, còn nguyên băng rôn, ruy băng dâng kính Phật, chúc mừng Hòa thượng.
Hòa thượng mang một ôm rác hoa đó vứt trước sân nhà Tổ, gọi các đệ tử ra mắng rằng: Các thầy làm thế này mà được à? Trước khi vứt những bông hoa cũ nát đi thì phải để riêng các thứ ra để xử lý chứ. Những cái ni lông, lụa, nhựa thế này, các vị đem chôn, thì bao giờ tiêu hủy, như thế có phải là quá ô nhiễm, vô minh không?
Hòa thượng mắng đệ tử khi đang có “những vị quan lớn” ở đấy, mọi người đều cảm thấy áy náy. Áy náy vì cách thức cư xử là lạ của Hòa thượng.
Rồng chầu Phật
So với các chùa khác việc thờ tự ở chùa Ráng có điểm đặc biệt. Tất cả các bát hương trên đại điện, trên nhà Tổ, có vẽ hình đôi rồng chầu mặt nguyệt bao giờ cũng được để mặt nguyệt hướng vào trong, đuôi rồng quay ra ngoài, đầu rồng chầu Phật, chầu Tổ.
Thấy lạ, hỏi, Cụ dạy rằng: tuy đây đều là di ảnh, di tượng (rồng) của bậc thiên long nhưng các ngài đều mang hình hài súc sinh. Để trang nghiêm nơi thờ Phật, thờ Tổ, thì nên để cho các ngài quay vào chầu Phật, Tổ. Cũng tức là biểu hiện sự tín ngưỡng, quy kính thuận về lý.
Tương tự vậy, lọ hoa lễ Phật thường được Tổ cắm hoa vào những lẵng tròn trịa không khiếm khuyết, hướng trong thì kính lễ Phật, hướng ngoài thì phô vẻ đẹp đẽ, xinh tươi của bình hoa, lẵng hoa.
Tổ không cho dùng những miếng mút, bọt biển, bèo tây không tịnh cắm các lẵng hoa, phía ngoài đẹp còn phía trong, nơi có tôn tượng chư Phật, chư Tổ, chư Bồ Tát thì xấu xí, bất tịnh.
Ngài dạy: nếu làm như thế là bất kính với chư Phật, chư Tổ. Đối tượng thờ cúng, trang nghiêm ở trong chùa là tôn tượng chư Phật, chư Bồ Tát và chư Tổ. Do vậy thái độ cắm hoa, cách thức cắm hoa cũng là một cách biểu hiện lòng tôn kính vô bờ bến với chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ vậy.
Chặt cau giáo giới
Nếu ai đã đi đi về về chùa Ráng trong những năm 2005 – 2008 thì thấy trên sân nhà Tổ chùa Ráng có một dãy chín cây cau rất đẹp, thân thẳng tắp, cao ngang hiên mái nhà Tổ, lá xanh rì, thân mập mạp, như một hàng tiêu binh đang đứng trang nghiêm. Ai nấy đều trầm trồ khen rằng dãy cau đẹp quá.
Nhiều người về chùa Ráng cứ đứng trước nhà Tổ ngẩn ngơ, trầm trồ khen ngợi dãy cau đẹp. Tổ Ráng có ý không hài lòng.
Dịp áp Tết Âm lịch những năm ấy, vào một buổi sáng, khi các đệ tử cùng những người chấp tác đang tất bật, hối hả khiêng vác những chậu hoa lớn từ sân nhà Tổ phía sau ra sân chùa phía trước, bên cạnh Tháp Tổ.
Bỗng nhiên Tổ bảo: Những cây cau trước nhà Tổ, thế này, không hợp lý. Chúng ta nên đánh đem ra vườn trồng, chỗ khu tháp Tổ phía Đông.
Đại chúng thấy lạ, biết là sắp có việc lạ. Áp Tết rồi, còn 2 hôm nữa là Tết, vậy mà Cụ lại giao việc đại sự, thổ mộc, nặng nề. Rồi mọi người lại bị cuốn vào đây thì mệt lắm, dây dưa qua Tết chắc gì đã xong. Ai cũng ái ngại cả.
Tổ lại bảo: Thì cứ làm đi, được đến đâu hay đến đấy.
Tổ bảo vậy, biết vậy, trong khi ngoài thế gian, người ta thường coi những việc áp Tết là những việc cần phải được gói ghém, gọn ghẽ không để cho dây dưa năm cũ sang năm mới.
Nói là làm, Tổ kê ghế phạt hết các tàu lá của dãy cây cau đẹp đẽ trước nhà Tổ, chỉ để trơ lại cái búp cau mà thôi, các tàu cau xinh tươi đẹp đẽ rơi lả tả thành đống xanh rì trước sân nhà Tổ.
Chuyện gì đang xảy ra? – Người cuốc, người thuổng, người xà beng, đào xới xung quanh các gốc cau, chuyển ra vườn trồng. Đến trưa trật mới được một phần, công việc dở dang, bừa bộn.
Trước cửa nhà Tổ vài cây cau đã ra vườn, để lại là những hố sâu, đất cát bừa bộn, ngổn ngang trước sân. Mọi người rất ái ngại, Tết nhất đến nơi mà trước sân nhà Tổ lại như thế này.
Trưa ấy, cơm xong, Tổ bảo: buổi chiều làm tiếp đi. Làm đến chiều tối. Mệt rồi nghỉ ngơi. Trước sân nhà Tổ còn lại ba cây cau đã bị phạt hết lá, đứng trơ trụi bên cạnh mấy cái hố, đất cát bừa bãi, ngổn ngang.
Tổ bảo: Mấy cái hố này để qua Tết thì cũng bất tiện. Nên san lấp qua loa, đánh vài cây hoa mộc, hoa nhài đem trồng vào.
Thế là sân nhà Tổ trước Tết có ba cây cau bị phạt hết lá tần ngần đứng bên dãy hố trồng qua quýt những cây hoa mộc, hoa nhài, bừa bộn, ái ngại.
Vậy mà Tổ coi việc dọn dẹp đã xong, chẳng cần chú ý đến chuyện trang hoàng nhà Tổ gì cả. Cứ để nguyên như thế. Ngài lại vào phòng soi kính lúp, xem kinh sách…
Qua mùng Một Tết, trưa mùng Hai một đoàn xe của chư Tăng Giáo phẩm Phật giáo Hà Nội xuống Ráng. Đến nơi, thấy Tổ đang đứng ở trên thềm nhà Tổ đón khách. Có vị bột phát: A Di Đà Phật! Bạch Tổ! Sao Ngài lại chặt dãy cau đi, đang đẹp như tranh vẽ mà bây giờ lại thế này ạ?
Cụ thủng thẳng: A Di Đà Phật! Chào mừng quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni! Các vị xuống đây để lễ Phật, lễ Tổ, để vãn cảnh, để vấn an sức khỏe của chúng tôi hay là xuống đây để thăm hỏi Cau đấy?
Cụ đáp với thái độ nửa như vui vẻ hài hước, nửa như nghiêm giận, làm cho cả đoàn chư Tăng Ni cao cấp của Giáo hội, của Thành hội đều biểu cảm sững người, chột dạ. Cụ tiếp: Mời chư vị vào nhà Tổ xơi nước!
Chúc mừng năm mới, mùng 2 Tết, sân nhà Tổ chùa Ráng nếu còn cả một dãy cau tươi tốt cùng đón xuân về thì đẹp biết bao! Thế mà Cụ đã cho bưng đi, còn lại có ba cây cau đã bị phạt hết lá, đứng tơ hơ trước cửa nhà Tổ.
Trong những cái hố mới đào cau đi, trơ lại có vài cây mộc, cây nhài, trông le te, kém thẩm mỹ. Những người đi tu mượn cảnh mà tu chứ không quấn vào cảnh. Đến chùa mà cứ đứng tẩn ngẩn, tần ngần trước nhà Tổ, không rõ đang nghĩ đến thờ cau hay là thờ Phật?!
Chột dạ, nhớ lại Cụ thường dạy: Người xuất gia tu hành là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”, thế mà trớ trêu, éo le ở chỗ có nhiều thầy tu ở chùa biến mình thành nhà giáo (ngay cả trở thành nhà giáo, điều đó là không thỏa đáng), huống hồ có vị tu sĩ ở chùa tự biến thành kiến trúc sư, thiết kế gia, thậm chí luyện mình thành nhà thư pháp. Có vị thích nuôi chim cảnh, cá cảnh, chơi lan, trở thành nghệ nhân trồng lan, v.v.
Phải chăng, Hòa thượng Pháp chủ, chặt cau trước Tết là bài học để giáo huấn Tăng đồ. Việc nhỏ mà là một bài dạy lớn về tu hành chuyên nhất, tu hành đúng tư cách, đúng chức năng, tránh xao nhãng sang việc thế gian.
“Cỗ Tết nhà chùa” – thơ Xuân 2006 của Tổ Ráng
Sinh thời, Hòa thượng Pháp chủ hay làm thơ. Thơ của Ngài mộc mạc, chất phát, mà uyên bác, thấm đẫm Đạo vị. Mùa xuân năm 2006, khi Hòa thượng tròn 90 tuổi, Ngài có làm bài thơ “Cỗ Tết nhà chùa”.
Thuở đó, đi đi về về chùa Ráng, chúng tôi thấy bài thơ đó được in trên 1 tấm bảng giấy bồi cứng treo trên bờ tường Tăng xá:
Cỗ Tết nhà chùa
“Nhà Chùa Tết nhất nghĩ mà vui
Lộc Phật ban cho đủ mọi mùi
Giò thủ Lăng Nghiêm, Viên Giác bánh
Chè Ba-la-mật, Pháp Hoa xôi
Kìa mâm Bảo Tích, bày trăm vị
Nọ đũa Kim Cương sắp bốn đôi
Chiếu giải Luật Nghi nhà trượng thất
Bạn cao Tăng Đạo thỉnh lên ngồi.”
Tiếp cận, thâm nhập vào bài thơ, thấy trong đó có những yếu tố rất đời thường lại thấm đẫm đạo vị. Ai đã từng ăn Tết, ăn cỗ giỗ các nhà chùa, đặc biệt là các chùa ở Bắc Bộ, đều thấy rằng mâm cỗ Tết nhà chùa, chứa đựng đầy đủ các tinh hoa cỗ chay, với tất cả các món có phảng phất, mô phỏng giá trị của các món ăn ở ngoài đời như là: Lộc, giò, bánh, mật, v.v.
Trong bài thơ thì lại có nhắc đến “Lộc đủ mọi mùi, giò thủ, bánh, chè, xôi, trăm vị, đũa, chiếu” của thế gian pháp. Đồng thời thụ hưởng những giá trị của nhà Phật, như những món ăn, của Đạo, của Phật để lại như Lăng Nghiêm, Viên Giác, Ba La Mật, Pháp Hoa, Bảo Tích, Kim Cương, Luật Nghi, nhà Trượng thất…
“Cỗ Tết nhà chùa” là áng thơ nói lên cuộc sống Thiền gia thấm đượm vị giải thoát. Hương vị đời thường và thiền vị giải thoát hòa quyện trong cuộc sống bình dị hàng ngày, đơn giản mà cao quý, hơn cả vẫn là chất liệu sống động, màu nhiệm lấp lánh của Thiền Môn./.
Tham khảo
- Gương sáng của Thiền – NXB Tôn giáo, H.2022
- Đệ Tam Pháp chủ toàn tập – (4 tập) – NXB Tôn giáo, H.2022