Cư sĩ Đoàn Trung Còn (1908–1988)

Cư sĩ Đoàn Trung Còn (1908–1988)

Thông tin cơ bản

Thân thế

Cư sĩ Đoàn Trung Còn pháp danh Hồng Tai, sinh năm Mậu Thân (1908) tại làng Thắng Nhì, thị xã Vũng Tàu, nay là thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Lúc nhỏ ông theo học trường Pháp Việt tại Vũng Tàu, sau lên học ở Sài Gòn, do đó ông rất thông thạo tiếng Pháp.

Vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống nho học và tín ngưỡng Phật giáo, nên sau khi thôi học ở nhà trường ông chuyên tâm tự học chữ Hán để có trình độ cần thiêt cho việc nghiên cứu Tam tạng kinh điển nhà Phật.

Cơ duyên với Phật pháp

Ông sinh sống ở Nam bộ, thường tiếp xúc với các Sư sãi người Khmer và Phật giáo Nam Tông thường xuyên. Kinh sách ở đây chép bằng chữ Bắc Phạn (Sanscrit) hoặc chữ Nam Phạn (Pàli) nên thôi thúc ông để tâm nghiên cứu, học hỏi hai loại văn tự này. Chính vì vậy mà ông có một căn bản khá vững chắc về Hán học và Phạn học, đủ giúp ông đi sâu vào nghiên cứu kinh điển nhà Phật.

Ngoài việc nghiên cứu giáo lý của đức Phật để biết đường tu hành, ông còn để tâm truyền bá chánh pháp đến các tầng lớp nhân dân như bổn phận một vị xuất gia, góp công rất lớn cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo và phổ biến Phật học vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20.

Các thành tựu hoạt động Phật sự

Năm 1932, ông sáng lập Phật Học Tòng Thơ để xuất bản các sách ông biên khảo về Phật giáo và các bộ kinh căn bản do ông phiên âm và dịch nghĩa. Song song đó, ông sáng lập thêm Trí Đức Tùng Thư để xuất bản các bộ sách quan trọng của Nho giáo do ông phiên âm và dịch nghĩa, với mục đích là duy trì nền đạo học chân chính, hầu giúp cho lớp hậu tiến biết cách tu thân, tề gia và trị quốc.

Mục đích tôn chỉ của hai tùng thư này đã được ông minh thị trong lời bố cáo như sau:

  1. Những kinh sách của bổn quán xuất bản, hoặc in có chữ Hán, hoặc in toàn chữ Việt, đều được nghiên cứu và nhuận sắc rất kỹ lưỡng, vì mục đích của bổn quán là muốn truyền bá Phật pháp, cho nên chẳng ngại công cán và thì giờ.
  2. Vậy mong rằng kinh sách ấy sẽ bổ ích cho độc giả thiện tâm trên đường tu học.
  3. Vì sau này giấy đắt công cao, vậy bổn quán yêu cầu những vị đã thỉnh kinh sách, khi coi rồi thì nên cho bà con quen biết mượn coi, đó là quý vị phụ lực với bổn quán mà truyền bá đạo lý vậy.
  4. Và bổn quán cũng yêu cầu những vị “hằng tâm hằng sản” nên thỉnh kinh sách Phật mà ấn tống, thì phước đức vô lượng. Những nhà từ tâm bố thí có lẽ cũng dư biết rằng, trong các việc bố thí, chỉ có việc thí Pháp là có công đức hơn hết.

Tác phẩm tiêu biểu

Cho đến ngày ông qua đời, ông đã đơn thân độc mã, làm việc tất lực đã in được gần 40 tác phẩm trong Phật Học Tùng Thư và 12 cuốn trong Trí Đức Tùng Thư.

Các sách của Phật Học Tùng Thư đã xuất bản

  1. Truyện Phật Thích Ca
  2. Du lịch xứ Phật
  3. Đạo lý nhà Phật
  4. Chuyện Phật đời xưa
  5. Văn minh nhà Phật
  6. Triết lý nhà Phật
  7. Lịch sử nhà Phật
  8. Pháp giáo nhà Phật
  9. Tăng đồ nhà Phật
  10. Các tông phái đạo Phật
  11. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh
  12. Một trăm bài kinh Phật
  13. Na Tiên Tỳ Kheo Kinh
  14. Mấy thầy tu huyền bí
  15. Tam bảo văn chương
  16. Pháp Bảo Đàn Kinh
  17. Vô Lượng Thọ Kinh
  18. Quán Vô Lượng Thọ Kinh
  19. Địa Tạng Kinh
  20. Di Lặc Kinh (thượng sanh hạ sanh)
  21. Bồ Tát giới kinh
  22. Quy Nguyên trực chỉ
  23. Sự tích Phật A Di Đà
  24. 48 lời nguyện của Phật A Di Đà
  25. A Di Đà Kinh
  26. Kinh Tam bảo (Di Đà – Hồng Danh – Vu Lan – Phổ Môn – Kim Cang và pháp nghi Tịnh độ)
  27. Phật Pháp vỡ lòng
  28. Khuyên tu Tịnh độ
  29. Thành Đạo
  30. Học Phật chánh pháp
  31. Quan Âm Thị Kính
  32. Nước Ấn Độ trước hồi Phật giáng
  33. Kim Cang Kinh (âm chữ Hán và giảng nghĩa)
  34. Yếng Sáng Á Châu
  35. Đại Bát Niết Bàn Kinh
  36. Duy Ma Cật Kinh
  37. Sách nấu đồ chay

Các sách do Trí Đức Tùng Thư đã xuất bản

  1. Truyện Đức Khổng Tử
  2. Nhị thập tứ hiếu (Hán và Việt)
  3. Hiếu Kinh (Đức Khổng Tử giảng về đạo hiếu – Phụ trương: Khổng Tử lược sử)
  4. Tam Tự Kinh (Hán và Việt: âm và nghĩa)
  5. Đại học (Hán và Việt: âm và nghĩa)
  6. Trung Dung (Hán và Việt: âm và nghĩa)
  7. Luận ngữ (Hán và Việt: âm và nghĩa)
  8. Tam Thiên Tự (3 cuốn: 1 cuốn Hán và Việt, 1 cuốn theo lối tự điển Việt-Hán-Pháp, 1 cuốn Pháp-Việt-Hán)
  9. Minh Đạo gia huấn (Hán và Việt: âm và nghĩa)
  10. Ngũ Thiên Tự (Hán và Việt: âm và nghĩa)
  11. Mạnh Tử (Hán và Việt: âm và nghĩa)
  12. Học chữ Hán một mình

Sách của ông được viết với lối hành văn mộc mạc, dùng từ bình dân, đọc lên ai cũng hiểu, không chỉ được phổ biến khắp Nam kỳ lục tỉnh, mà còn đưa ra cả ngoài miền Trung, miền Bắc. Thư quán phát hành là hiệu sách số 143 đường Đề Thám, quận Nhất, Sài Gòn.

Trong công việc trước tác và dịch thuật của ông, công trình to lớn nhất đóng góp cho kho tàng sách Phật giáo là bộ “Phật học từ điển” gồm 3 cuốn với một số lượng từ chưa có sách nào sánh kịp lúc bấy giờ. Sách được biên soạn rất công phu, xếp theo mẫu tự La tinh. Mỗi mục từ được chú thích thêm các thứ tiếng Pháp, Hán, Tạng, Sanscrit, Pàli rất rõ, giúp độc giả có điều kiện tham khảo từ các sách được viết bằng các ngoại ngữ trên.

Ngoài việc biên soạn và xuất bản sách, ông còn cùng với các Sư thuộc phái Lục Hòa Tăng thành lập một tông phái mới vào năm 1955 gọi là Tịnh độ Tông Việt Nam với mục đích khuyến giáo Phật tử tu theo pháp môn Tịnh độ. Lúc mới thành lập, trụ sở của Hội đặt tại chùa Giác Hải ở Phú Lâm, Chợ Lớn, sau dời về chùa Liên Tông ở đường Đề Thám.

Thời kỳ cuối đời

Cư sĩ Đoàn Trung Còn là người có công lớn đối với công việc hoằng dương chánh pháp. Vào thời điểm mà kinh sách về Phật giáo viết bằng chữ quốc ngữ phổ thông còn rất hiếm hoi, trình độ hiểu biết về giáo lý đạo Phật trong đại đa số quần chúng Phật tử còn mờ mịt; thì ông là người cư sĩ không chỉ biết tu hành hướng thiện cho bản thân, mà còn đem cả tâm huyết nghiên cứu, học hỏi để viết sách, dịch kinh phổ biến cho mọi người cùng tu học; chúng ta có thể nói rằng những Phật tử sống vào nửa đầu thế kỷ 20 nâng cao sự hiểu biết Phật pháp của mình, ngoài những buổi nghe các bậc Giảng sư thuyết pháp ở chùa, một phần khác cũng đã nhờ đọc những cuốn sách của ông.

Ông mất ngày 28 tháng Giêng năm Mậu Thìn (nhằm ngày 15 tháng 3 năm 1988) hưởng thọ 80 tuổi với trên 50 năm cống hiến cho sự nghiệp phụng sự đạo pháp

Nguồn: Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 2, TT. Thích Đồng Bổn, thành hội Phật giáo TP. HCM. 1995

5/5 (3 bình chọn)
Chia sẻ
Xr:d:dafsj7tzgoq:455,j:511583282876890566,t:24041309

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)