Cư sĩ Hoàng Xuân Hãn (1908-1996)

Cư sĩ Hoàng Xuân Hãn (1908-1996)

Thông tin cơ bản

Thân thế

Cư sĩ Hoàng Xuân Hãn, sinh ngày 14 tháng Giêng năm 1908, tại làng Yên Hồ, tổng Yên Hồ, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nay là xã Đức Nhàn, huyện Đức Thọ. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học, cụ thân sinh là tú tài Hoàng Xuân Úc và bà Lê Thị Ấn.

Thuở nhỏ, ông học chữ Hán và chữ Quốc ngữ tại nhà, sau theo học trường Pháp Việt ở Vinh, lên lớp Nhất thì ra học Trường Tiểu học Pháp Việt Thanh Hóa, cùng thời với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, vì cụ thân sinh bác sĩ làm hiệu trưởng trường này. Sau đó, ông thi vào trường Quốc học Vinh và học tại trường này.

Năm 1926, ông đậu bằng Thành Chung rồi ra Hà Nội học trung học ở Trường Bưởi. Sau đó một năm, theo thiên hướng, ông lại chuyển sang học chuyên Toán ở Trường Lycée Albert Sarraut.

Năm 1928, ông đỗ thủ khoa kỳ thi tú tài toàn phần và được nhận học bổng của chính phủ Đông Dương sang Pháp học dự bị để thi vào các trường lớn.

Năm 1930, ông đỗ vào Trường École normale supérieure và Trường Bách khoa Paris. Hoàng Xuân Hãn chọn học Trường Bách Khoa. Trong thời gian này ông bắt đầu soạn cuốn Danh từ khoa học.

Năm 1932 – 1934, ông vào học École Nationale des Ponts et Chaussées (Trường Cầu đường Paris).

Năm 1934, ông trở về Việt Nam, 4 tháng sau đó sang Pháp. Trên chuyến tàu, Hoàng Xuân Hãn gặp cô sinh viên Nguyễn Thị Bính sang Pháp học Dược khoa và hai năm sau ông kết hôn với cô.

Từ năm 1934 đến năm 1936, ông đậu cử nhân toán năm 1935 và thạc sĩ toán năm 1936 tại khoa Toán, Trường Đại học Sorbonne (Licence des Sciences mathématiques Sorbonne).

Từ năm 1936 đến năm 1939, ông trở về Việt Nam, nếu nhập quốc tịch Pháp sẽ được bổ làm Giám đốc Công chánh, nhưng ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, được bổ vào giảng dạy tại Trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An).

Ông là giáo sư giảng dạy môn toán và cơ học, nhưng không ngừng lại ở nhiệm vụ trước mắt là đào tạo lớp học sinh đương thời, mà còn nghĩ đến việc xây dựng một nền quốc học mai sau cho nước nhà. Trong thời gian này, ông tập trung biên soạn cuốn Danh từ Khoa học và cho ra mắt độc giả năm 1942 để làm nền móng cho việc chuyển ngữ về môn khoa học ở các trường trung học tại Việt Nam. Sự đóng góp của tác phẩm này cho nền giáo dục và khoa học nước nhà thật là to lớn.

Từ năm 1939 đến năm 1944, vì chiến tranh, Trường Bưởi phải dời vào Thanh Hóa. Tại đây, ông tìm thấy những tư liệu lịch sử về La Sơn Phu Tử và vua Quang Trung và những tấm bia nói về sự nghiệp của Lý Thường Kiệt.

Năm 1943, Đại học Khoa học được thành lập tại Hà Nội, ông được mời dạy môn cơ học.

Năm 1945, ông được vua Bảo Đại mời làm Chủ tịch Hội đồng Cải cách giáo dục. Sau đó, chính phủ Trần Trọng Kim thành lập, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Mỹ thuật và Quyền Bộ trưởng Bộ Công Chánh.

Với một lòng thiết tha yêu nước yêu dân tộc, lo cho việc đào tạo nhân tài trong tương lai, ông chỉ đạo soạn thảo và ban hành một “Chương trình Trung học Việt Nam” đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam sau non một thế kỷ học sinh Việt Nam phải học chương trình giáo dục của nước Pháp. Từ đó, khắp cả nước áp dụng việc học và thi Tú Tài bằng tiếng Việt, dùng tiếng Việt trong những công văn chính thức.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông rút lui khỏi chính trường, trở về dạy và viết sách toán bằng tiếng Việt, chăm lo công tác văn hóa và học thuật, lúc này ông bắt đầu nghiên cứu Truyện Kiều.

Năm 1946, ông được chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mời tham gia phái đoàn Việt Nam đàm phán với Pháp tại Đà Lạt. Đến toàn quốc kháng chiến, ông bị quân Pháp bắt giữ một thời gian ngắn và bị chính phủ Pháp xóa tên trong danh sách cán bộ giảng dạy tại Trường Bưởi và Đại học Khoa học.

Sau khi được trả tự do, ông bắt tay vào công việc biên soạn một tác phẩm giá trị về sử học là quyển Lý Thường Kiệt, ấn hành năm 1949. Quyển sách này không những đóng góp vào kho tàng sử học nước nhà với nhiều sử liệu quý hiếm do ông chịu khó sưu tầm các văn bia, gia phổ và truyền thuyết có chọn lọc, mà còn giúp cho người đọc hiểu được Phật giáo nước nhà dưới triều nhà Lý.

Trong kháng chiến, gia đình ông ở Hà Nội là một cơ sở cách mạng, thường có sự liên lạc bí mật với kháng chiến, giúp đỡ tài chánh, thuốc men. Vì vậy quân Pháp có ý định bắt ông, nên năm 1950, ông phải nhờ người bạn là Nguyễn Hữu Trí làm Tổng trấn Bắc Việt, giúp đỡ giấy tờ, đưa cả gia đình sang Pháp. Ông sang Paris năm 1951 và ở luôn bên Pháp. Ông tiếp tục nghiên cứu khoa học, đi sâu vào lãnh vực Nguyên tử học, đỗ bằng cử nhân nguyên tử tại Saclay. Ông chuyên tâm nghiên cứu về Văn học, văn hóa Việt Nam, đã hiệu đính và chú giải nhiều tác phẩm văn học như:

– Thi văn Việt Nam tập I, xuất bản năm 1947

– Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, xuất bản năm 1949

– Mai Đình Mộng Ký, xuất bản năm 1951

– Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo, xuất bản năm 1953

– Bích Câu Kỳ Ngộ, xuất bản năm 1964

– Truyện Song Trinh, xuất bản năm 1987

– Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, xuất bản năm 1995

– Thiên tình sử Hồ Xuân Hương, xuất bản năm 1995

Đó là chưa kể hai tác phẩm sử học giá trị là:

– La Sơn Phu Tử, xuất bản năm 1952, được tái bản nhiều lần.

– Lý Thường Kiệt, xuất bản năm 1949, được xuất bản nhiều lần.

Và nhiều bài nghiên cứu đăng rải rác trên các báo Khoa học, Thanh nghị (Hà Nội), Văn Lang, Sử địa, Bách khoa (Sài Gòn), Đoàn kết, Diễn đàn, Tập san Khoa học Xã hội (Paris)…

Năm 1954, ông tham gia phái đoàn Hội nghị Genève, kết thúc cuộc chiến tranh Việt Pháp.

Ngày 21 tháng 7 năm 1992, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn thành lập tại Pháp một hội văn hóa có tên là Hội Văn hóa Giáo dục Cam Tuyền do ông làm Chủ tịch.

Hội có tôn chỉ và mục đích bảo vệ và phát huy văn hóa, giáo dục; nhất là bảo tồn văn hóa Việt Nam tại Pháp và ở các quốc gia Tây phương. Ngoài ra tại Paris, Hoàng Xuân Hãn đã hoàn tất công trình lớn về Đoạn trường tân thanh có tên “Nghiên cứu về Kiều” từ hơn 50 năm nay.

Thời kỳ cuối đời

Cuối đời, cư sĩ Hoàng Xuân Hãn thường lui tới chùa Phật ở Paris để nghiên cứu kinh sách, và ông đã thay mặt cho hàng ngàn Phật tử ở xa quê hương tâm trạng của mình qua câu đối của ông làm, hiện treo trước tháp An Lạc ở chùa Trúc Lâm như sau: Thể giữ xứ người nương cửa Phật Hồn về đất Việt viếng quê nhà.

Nhưng công trạng lớn nhất của cư sĩ Hoàng Xuân Hãn đối với Phật giáo là việc công bố cuốn sử Lý Thường Kiệt. Nhờ đó mà người đọc hiểu biết sự gắn bó giữa Phật giáo và Dân tộc.

Vai trò Phật giáo đối với đời sống tinh thần, đạo đức của dân tộc ta đương thời. Địa vị của Phật giáo đối với Nho giáo và Đạo giáo, tương quan giữa ba tôn giáo này trên lãnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Cư sĩ Hoàng Xuân Hãn mất lúc 7 giờ 45 ngày 10 tháng 3 năm 1996 tại bệnh viện Orsay, Paris. Đông đảo chư Tăng Ni, đồng bào Phật tử đến tụng kinh cầu nguyện và đưa tiễn linh cữu dưới tiếng chuông mõ vang rền. Thi hài ông được hỏa táng chiều ngày 14 tháng 3 năm 1996 tại Nghĩa trang L’Orme des Moineaux, Les Ulis, Pháp. Ông hưởng thọ 88 tuổi với 45 năm xa quê hương.

Năm 2000, giáo sư Hoàng Xuân Hãn được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội và nhân văn với cụm công trình Lịch sử và Lịch Việt Nam: 1. Lý Thường Kiệt; 2. La Sơn Phu Tử; 3. Lịch và Lịch Việt Nam.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn còn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì về công lao to lớn trong các lĩnh vực chính trị, khoa học, văn hóa, giáo dục của đất nước.

Năm 2011, Trường Đại học Ponts et Chaussées (Trường Cầu đường Paris), một trong những đại học có uy tín hàng đầu của Pháp đã chọn giáo sư Hoàng Xuân Hãn đặt tên cho giảng đường đại học thuộc trường.

Nguồn: TT. Thích Đồng Bổn, (1995), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 3, thành hội Phật giáo TP. HCM.

5/5 (3 bình chọn)
Chia sẻ
Cư Sĩ Hoàng Xuân Hãn (1908 1996)

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)