Thân thế
Cư sĩ Tịnh Liên, thế danh Nghiêm Xuân Hồng, sinh năm 1920, tại Hà Ðông (nay thuộc TP Hà Nội). Thuở trẻ, ông cũng được học hành quy củ. Bào đệ của ông hiện là sư cụ Thích Tâm Cẩn, trụ trì chùa Một Cột – Hà Nội.
Thuở trẻ, anh em ông hay đi vân du các chùa lễ Phật và tham vấn các vị thiền sư về quyết nghi “Vũ trụ là Tận hay Vô tận?” nhưng chẳng tìm thấy câu trả lời thỏa mãn, có lẽ lúc ấy nhân duyên Phật pháp của ông chưa đến. Ông đã quy y Tam bảo với pháp danh là Tịnh Liên. Riêng người em ông, cảm mến đạo Phật và xuất gia đi theo con đường giải thoát.
Năm 1939, sau khi học xong tú tài, ông vào trường Luật. Lúc bấy giờ tình hình chính trị trong nước đang có những chuyển biến sôi động.
Năm 1941, như những thanh niên trí thức yêu nước khác, ông tham gia các phong trào chính trị yêu nước mới xuất hiện.
Năm 1953, ông ra hành nghề Luật sư. Sau hiệp định Genève, đất nước chia đôi, ông di cư vào miền Nam. Ông là Luật sư Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, Sáng lập viên nhóm Quan điểm Sài Gòn.
Thời chính phủ Nguyễn Khánh (1964-1965), ông tham gia chính trường với chức vụ Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Ngày 25.02.1965, Nguyễn Khánh bị lật đổ, ông trở về hành nghề Luật sư. Nghiêm Xuân Hồng còn là tác gia viết nhiều sách về chính trị, triết học và văn chương:
– Ði tìm một căn bản tư tưởng, 1957
– Lịch trình diễn tiến của phong trào quốc gia Việt Nam, 1959
– Xây dựng nhân sinh quan, 1960
– Luyến ái quan, qua triết thuyết và tình sử, 1961
– Cách mạng và hành động, 1962
– Người viễn khách thứ mười, kịch, 1963
– Từ Binh pháp Tôn Ngô đến Chiến lược nguyên tử, 1965
– Việt Nam, nơi chiến trường trắc nghiệm, 1966
– Biện chứng giải thoát trong tư tưởng Ấn Độ, 1966
– Biện chứng giải thoát trong giáo lý Trung Hoa, 1967
– Nguyên tử hiện sinh và hư vô, 1969
Quá trình nghiên cứu Phật học
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vì sao ông chuyển sang nghiên cứu Phật giáo, ông cho biết, tới gần 50 tuổi (tức khoảng 1969), mới đọc kinh Đại thừa, và nói: “Tôi bàng hoàng nhận thấy rằng: trong các kinh, chư Phật nhiều như cát sông Hằng, khác miệng nhưng đồng lời, đều khẳng định rằng: “Các cõi, các thế gian đều chỉ là BIẾN HÓA, các chúng sinh chỉ là BIẾN HÓA.
Biến hóa của cái TỰ TÂM ấy. Dệt nên bởi những quang minh của Thần lực cùng Nguyện lực của chư Phật cùng Đại Bồ tát, cũng như được dệt nên bằng quang minh Nghiệp lực của chúng sinh. Những quang minh của Nghiệp này, xoay vần miên viễn từ vô thủy, lần lần bị nặng nề bởi vọng tưởng vọng tình, nên xoay tròn hữu nhiễu, kết lại thành những hình hài chúng sinh cùng những cảnh giới y báo”.
Năm 1975, ông di cư sang Hoa Kỳ. Ở đất nước mới này, nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp có rồi không, ông chợt tỉnh ngộ được những tư duy tư tưởng Phật giáo mà ông trăn trở bấy lâu chưa có lời giải đáp. Ông bắt đầu buông bỏ và chuyên tâm nghiên cứu kinh điển giáo lý Phật đà.
Từ khi tỏ ngộ, ông chuyên đọc kinh Ðại thừa. Khi đọc đến bộ kinh Hoa Nghiêm, ông như thấy rõ ràng các thế giới trung trùng duyên khởi, và mình đã có ở trong đây tự bao giờ từ vô thủy kiếp trước. Từ đó, ông tịnh nghiệp tu hành, viết sách Phật, làm thơ Đạo và giảng dạy Phật pháp tại chùa Trúc Lâm Yên Tử-Santa Ana và chùa Liên Hoa-Garden Grove, bang California.
Những tác phẩm của ông viết về Phật học sau năm 1975 tại Hoa Kỳ, đã phản ảnh đầy đủ một ngả rẽ đổi thay quan trọng trong tư tưởng của ông. Tác phẩm Phật giáo của ông đã xuất bản ở Hoa Kỳ:
- Lăng Kính Ðại Thừa, 1982
- Tánh Không và Kinh Kim Cang, 1983
- Lăng Nghiêm Ảnh Hiện, 1983
- Nguồn Thiền Như Huyễn, 1984
- Mật Tông và Kinh Ðại Thừa, 1986
- Trang Tôn kinh huyền hoặc 1, 1988
- Trang Tôn kinh huyền hoặc 2, 1989
- Trang Tôn kinh huyền hoặc 3, 1991
- Trang Tôn kinh huyền hoặc 4, 1992.
Thời kỳ cuối đời
Tinh thành trong lịch sử chuyển mình của đất nước, cư sĩ Tinh Liên Nghiêm Xuân Hồng, ngoài “Một nhà văn luôn luôn thiết tha với đất nước. Một nhà tư tưởng luôn luôn thiết tha với đại thể. Một hồn thơ luôn luôn thiết tha với cái “mỹ” và cái “hảo”, ông còn là “một Thiền gia luôn luôn thiết tha với thế nhân”. Có người hỏi quan điểm tu hành của ông về 3 pháp môn gây tranh cãi trong giới Phật giáo, ông cho biết:
Ðời người là vô thường, ông đã bình thản ra đi ngày 07 tháng 5 năm 2000, nhằm ngày 4 tháng 4 năm Canh Thìn tại Orange County, California Hoa Kỳ, hưởng thọ 82 tuổi. Cát bụi trở về cát bụi, nhưng những tác phẩm của ông để lại cho đời chắc chắn người đọc còn nhớ, còn được soi sáng từ trí tuệ của ông.
Nguồn: TT. Thích Đồng Bổn, (1995), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 3, thành hội Phật giáo TP. HCM.