Cư sĩ Võ Đình Cường (1918-2008)

Cư sĩ Võ Đình Cường (1918-2008)

Thông tin cơ bản

Thân thế

Cư sĩ Võ Đình Cường, sinh năm Mậu Ngọ (1918), tại Thạch Bình, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Xuất thân trong một gia đình thâm tín đạo Phật, cư sĩ đã thọ Tam quy ngũ giới với Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ tại Tu viện Quảng Hương Già Lam. Kể từ đây, ông dành tất cả tâm sức của mình cho sự nghiệp gầy dựng, phát triển và hướng dẫn giáo dục cho Gia đình Phật tử Việt Nam từ những năm 1947.

Mùa thu năm 1940, cư sĩ tham gia đoàn Thanh niên Phật học Đức dục do bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám thành lập, gồm những thanh niên trí thức yêu nước, có một niềm tin mạnh mẽ vào lý tưởng giải thoát của đạo Phật để giải thoát tri kiến, nâng cao dân trí để thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.

Quá trình nghiên cứu Phật giáo

Vào năm 1944, bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám thành lập Gia Đình Phật Hóa Phổ, ông là thành viên tham gia tích cực nhất bên cạnh bác sĩ Thám. Tuy nhiên, cuối năm 1946, trong bối cảnh Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, bác sĩ Thám trở về quê nhà Quảng Nam rồi sau đó ra Hà Nội. Kể từ đó, cư sĩ là người tiếp nối giáo dục tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam.

Vào năm 1951, Đại hội Gia đình Phật Hóa Phổ tổ chức tại chùa Từ Đàm, Huế, đã đổi danh xưng Gia đình Phật Hóa Phổ thành Gia đình Phật tử Việt Nam, và bầu cư sĩ làm Trưởng Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung phần, tiền thân của Gia đình Phật tử Việt Nam, vượt qua bao sóng gió, phát triển khắp ba miền đất nước.

Vào thượng tuần tháng 5 năm 1951, Đại hội Phật giáo toàn quốc gồm 6 tập hợp Hội Phật giáo khắp ba miền Bắc – Trung – Nam tổ chức tại chùa Từ Đàm – Huế, ông được Đại hội cử làm Ủy viên Thanh niên. Với trọng trách được giao, ông đã đem hết trí tuệ và công sức chu toàn nhiệm vụ, xứng đáng với sự tín nhiệm của Giáo hội giao phó. Có thể nói, cư sĩ là người tràn đầy nhiệt huyết, giàu tâm đạo, đem hết ý chí và năng lực để phục vụ cho tổ chức giáo dục thanh, thiếu niên Phật tử.

Với cương vị Ủy viên Thanh niên và Trưởng Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử trong Tổng hội Phật giáo, cư sĩ đã khéo léo kết hợp, quy tụ một số huynh trưởng cốt cán, có năng lực và giàu tâm huyết như các anh: Lê Cao Phan, Phan Cảnh Tuân, Nguyễn Xuân Quyền, Lê Cảnh Đạm, Lê Văn Dũng, Văn Đình Hy, chị Hoàng Thị Kim Cúc…, tổ chức các khóa trại huấn luyện mà quan trọng nhất là trại Kim Cang vào trung tuần tháng 5 năm 1951, nhằm đào tạo huynh trưởng nòng cốt cho ba miền Bắc – Trung – Nam.

Mùa hè năm 1952, ông thành lập một Ban Quản trại lưu động để huấn luyện và đào tạo huynh trưởng các tỉnh: Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đà Lạt…, làm hạt nhân phát triển.

Tháng giêng năm 1964, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập, ông được Đại hội cử đảm nhiệm Vụ trưởng Gia đình Phật tử Vụ, Trưởng Ban Hướng dẫn Trung ương Gia đình Phật tử cho đến năm 1981.

Từ rất sớm (1941 – 1945), ông là cộng tác viên của tạp chí Viên Âm, cơ quan ngôn luận của Hội An Nam Phật học do bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm chủ nhiệm. Ông đã có nhiều bài viết nổi bật tiêu biểu cho dòng văn học hiện đại Phật giáo.

– Từ năm 1945 đến năm 1957, cư sĩ đảm nhiệm khi thì làm Tổng Thư ký tòa soạn, khi thì Biên tập viên các báo Giải Thoát, Tiến Hóa, Ngày Mai, Liên Hoa tại Huế.

– Từ năm 1957 đến 1966, tại Sài Gòn, ông đảm nhiệm Biên tập viên Tạp chí Phật giáo Việt Nam, Tổng Thư ký tòa soạn báo Hải Triều Âm và tuần báo Thiện Mỹ.

– Năm 1976, ông đảm trách Tổng Biên tập báo Giác Ngộ cho đến năm 1990.

– Năm 1980, cư sĩ là một trong những thành viên tích cực vận động thống nhất Phật giáo.

Năm 1981, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ I họp tại thủ đô Hà Nội, ông được Đại hội cử giữ chức Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Với cương vị này, vào năm 1982, Cư sĩ đã cho ra đời tờ Tập văn Phật giáo thuộc Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam liên tục cho đến năm 2004 thì đình bản để xin chuyển sang tạp chí. Khi được Bộ Văn hóa chấp thuận Tạp chí Văn hóa Phật giáo ra đời, ông lại đảm nhận trọng trách Tổng Biên tập.

Tác phẩm tiêu biểu

Ngoài ra, ông còn là một nhà văn đã xuất bản trên 10 đầu sách như:

  1. Ánh Đạo Vàng, năm 1945;
  2. Thử Hòa Điệu Sống, năm 1949;
  3. Đây Gia Đình (hồi ký), năm 1956;
  4. Đường Tam Tạng Thỉnh Kinh, năm 1960;
  5. Những Cặp Kính Màu năm 1964;
  6. Những Ngả Đường (truyện dài), năm 1965;
  7. Đạo Phật Qua Cặp Kính Màu Của Tôi (nghị luận), năm 1967;
  8. Cành Hoa Mẹ Tặng (tuyển tập), năm 1994;
  9. Cô Gái Bất Khuất (dịch tuyển truyện ngắn của Somerset Maugham), năm 1972;
  10. Vi Phạm Nhân Quyền Miền Nam Việt Nam (dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của Phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc về cuộc đàn áp Phật giáo năm 1963 của chính quyền Ngô Đình Diệm), xuất bản năm 1964.

Thời kỳ viên tịch

Cư sĩ luôn quan tâm đến việc gầy dựng và đào tạo các thế hệ huynh trưởng kế thừa: tháng 7 năm 1973, trong buổi lễ khánh thành Trại Trường Gia đình Phật tử Việt Nam tại hồ Than Thở – Đà Lạt và khai mạc khóa Trại Huấn luyện huynh trưởng cấp III, Phụ lục các cư sĩ tiêu biểu 1093 Vạn Hạnh I, ông đã nói lên nguyện vọng tha thiết của mình: “…chính hôm nay trước mắt quý vị, trên 80 huynh trưởng trên toàn quốc đã tề tựu về đây dự trại huấn luyện cấp III, là trại cao nhất mà Ban Hướng dẫn chúng tôi sẽ mở ra tại Trại Trường này sau buổi lễ khánh thành hôm nay”.

Tháng 7 năm 2001, với tư cách Cố vấn Gia đình Phật tử, cư sĩ đã cùng các huynh trưởng cấp Dũng cao niên như cư sĩ: Tống Hồ Cầm, Lê Cao Phan, Nguyễn Hữu Huỳnh… về Huế chủ trì Hội nghị huynh trưởng cấp Tấn toàn quốc, đồng thời tham dự buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Gia đình Phật tử Việt Nam do Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa ThiênHuế tổ chức.

Đặc biệt vào dịp này, lại một lần nữa, mặc dù tuổi đã cao, ông đã hoan hỷ đảm nhiệm chức vụ Trại trưởng và đã long trọng phát biểu khai mạc khóa Trại Huấn luyện huynh trưởng cấp III – Vạn Hạnh II với số lượng 300 huynh trưởng tham dự sau một thời gian gần 30 năm kể từ trại Vạn Hạnh I tổ chức tại Đà Lạt.

Đối với xã hội, cư sĩ là một nhà giáo mô phạm đã tham gia giảng dạy tại một số trường trung học tư thục ở cố đô Huế và Sài Gòn. Nhiều thế hệ thanh thiếu niên học sinh sau đó đã trở thành những người có vị trí trong xã hội, góp phần xây dựng đất nước cho đến ngày nay.

Đối với gia đình, cư sĩ là một người chồng, người cha, người ông mẫu mực hết lòng thương yêu vợ con và cháu chắt. Cư sĩ Võ Đình Cường có những đóng góp to lớn như hôm nay cho đạo cho đời, cho các tổ chức thanh niên, Gia đình Phật tử phần lớn đều có sự đóng góp, khích lệ và chăm lo của người bạn đời là chị Nguyễn Thị Cam và các con cái.

Với 91 tuổi đời, 70 năm phục vụ cho đạo pháp và dân tộc, cho lý tưởng Gia đình Phật tử, như cây đại thụ cằn cỗi dần theo năm tháng, thân tứ đại của cư sĩ cũng thế, cái gì sanh tất có diệt. Thuận thế vô thường, ông đã từ biệt thế giới Ta bà này vào lúc 18 giờ ngày 6 tháng 3 năm 2008, nhằm ngày 29 tháng Giêng năm Mậu Tý, để lại cho gia đình, các hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia muôn vàn thương tiếc.

Hình ảnh thương kính và sự nghiệp phụng sự Phật giáo nước nhà qua các thời kỳ Giáo hội, kể từ Hội An Nam Phật học đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay, cũng như sự cống hiến to lớn cho lý tưởng Gia đình Phật tử của cư sĩ sẽ trường tồn mãi với đạo pháp và dân tộc.

Nguồn: TT. Thích Đồng Bổn, (1995), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 3, thành hội Phật giáo TP. HCM.

5/5 (3 bình chọn)
Chia sẻ
Cư Sĩ Võ Đình Cường (1918 2008)

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)